Bác Hồ với trí thức Việt Nam
Hầu như không có một trí thức lớn nào làm việc cho Chính phủ mà không từng được Bác Hồ gửi thư thăm hỏi, gửi quà, gửi áo, gửi thuốc, khi có điều kiện thì tới thăm, xem xét từ chỗ ăn, chỗ ở, điều kiện làm việc. Đó là một liều thuốc trường sinh rất mạnh đối với tâm hồn những trí thức VN.
Cũng như Lênin, Bác Hồ không quan niệm một cách máy móc rằng cách mạng vô sản là việc của giai cấp vô sản và sau khi cách mạng thành công thì giai cấp vô sản đương nhiên phải nắm chính quyền.
Lênin quan niệm rằng để phục vụ lợi ích của giai cấp vô sản, cách tốt nhất là đưa những người có tri thức tương xứng vào những vị trí quản lý quốc gia. Lênin đã từng tuyên bố sẵn sàng đổi hàng trăm người cộng sản không biết công việc lấy một người trí thức biết công việc.
Hồ Chí Minh cũng vậy. Bác quan niệm rằng cách tốt nhất để phục vụ lợi ích của công nông là phải đưa những người có đủ tài, đủ đức vào bộ máy nhà nước để phụng sự lợi ích của người lao động. Ở Hồ Chí Minh, phạm trù yêu nước là bình đẳng giữa mọi tầng lớp nhân dân. Yêu nước, yêu chế độ không phải là độc quyền của riêng một giai cấp nào.
Từ cách nhìn đó, Hồ Chí Minh đã mạnh tay sử dụng trí thức trong bộ máy nhà nước. Nhờ đó mà sau cách mạng, tất cả các lĩnh vực như tổ chức chính phủ, phát triển nông nghiệp, phát triển công nghiệp, phát triển văn hóa - giáo dục… đã có những bước chuyển biến thần kỳ trong những điều kiện vô cùng khó khăn.
Đối với trí thức, Hồ Chí Minh thể hiện một sự trân trọng thật sự. Đã giao việc là giao quyền. Đã giao quyền là hoàn toàn tin tưởng. Một trong những thí dụ tiêu biểu là trường hợp ông Phan Anh, một người không phải là đảng viên cộng sản vẫn được giao chức bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Sau này ông Phan Anh kể lại: “Tôi không phải là cộng sản. Đến nay vẫn không phải là đảng viên. Nhưng tôi cộng tác với đảng. Trong Chính phủ đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử tôi làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng và để cho tôi chủ động tìm lấy những cục trưởng của 7-8 cục. Họ đều là anh em trí thức, trong đó chỉ có một người là đảng viên. Điều mấu chốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng chính sách tín nhiệm đối với trí thức”.
Trong việc sử dụng trí thức, Hồ Chí Minh không bao giờ áp đặt, không bao giờ tỏ ý lên mặt dạy đời. Bác là người uyên bác, có thể còn ở trên tầm tư duy của bản thân trí thức, nhưng có lẽ chính vì vậy nên bao giờ cũng giản dị, khiêm tốn. Đó cũng là một phong cách rất trí thức, được trí thức ghi tạc, truyền tụng.
Chính vì vậy, Hồ Chí Minh có một sức hút phi thường đối với các tầng lớp nhân dân, kể cả những trí thức kiêu sang nhất, khó tính nhất. Hầu hết các trí thức VN đều suy nghĩ: Nếu không phải Hồ Chí Minh thì có lẽ khó có ai tập hợp được bấy nhiêu nhân tài của đất nước. Quả đúng như vậy.
Biết bao nhiêu trí thức đã bỏ nhà cửa đi lên chiến khu. Đỗ Đình Thiện dành cả đồn điền để làm xưởng đúc tiền, Huỳnh Thiện Lộc hiến cả 5.000 mẫu đất cho Chính phủ để lên rừng theo kháng chiến; những nhà khoa bảng lớn như: Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Trần Đức Thảo, Đặng Vũ Hỷ... đã bỏ vinh hoa phú quí ở thị thành, bỏ cả nước Pháp hoa lệ để theo kháng chiến. Mà với họ, động lực trực tiếp theo kháng chiến luôn đồng nghĩa với việc: theo Hồ Chí Minh.
Đó là một bài học quí giá có ý nghĩa muôn đời.
Nguồn: vietbao.vn 18/5/2008