Bác Hồ với công tác phê bình
Chuyện kể rằng: Vào đầu những năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định hằng tháng, vào ngày 30 và ngày rằm âm lịch, mời các Uỷ viên Bộ Chính trị đến nhà sàn trong Phủ Chủ tịch để ăn bánh, uống chè, tiến hành tự phê bình, phê bình; bắt đầu từ Chủ tịch. Làm được mấy lần, nhưng sau không tiếp tục được, vì các Uỷ viên Bộ Chính trị... không hào hứng. Đó là một sự kiện đáng nhớ - một sự thật lịch sử.
1. Trước hết, mục đích của phê bình
Vẫn biết chuyện phê bình nhằm mục đích duy nhất là cùng tiến bộ. Song, càng đọc những lời cảnh báo của Bác, càng thấm thía nhân văn, ý nghĩa sâu xa của công tác phê bình. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình nhằm cốt để tự sửa mình và giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm, thiếu sót, bảo đảm công việc ngày một tốt hơn. Tự phê bình là “tiên trách kỷ”, là răn mình. Phê bình là “hâu trách nhân”, là giúp người khác thấy sai mà sửa. Công tác phê bình còn giải quyết vấn đề mất đoàn kết nội bộ, làm cho nội bộ hiểu nhau hơn, thống nhất hơn. Qua mỗi lần phê bình, tổ chức Đảng tốt lên, tình đồng chí càng thấm đượm. Và từ đó, công việc ngày càng tiến bộ.
Bác Hồ nói: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Như vậy, công tác phê bình là đoàn kết, là tình đồng chí, là tình đồng nghiệp...
Để đạt mục đích, cần phải thường xuyên thực hiện công tác phê bình. Còn “nếu để sai lầm, khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra “chỉnh” một lần, thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị “đập”, mất cả lòng tự tin, người hăng hái cũng hoá thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng...”. Làm như vậy là không đạt mục đích của công tác phê bình, không vì sự tiến bộ, mà nguy hiểm hơn còn mất dần đảng viên, cán bộ.
2. Phải thật thà, trung thực, thẳng thắn... trong phê bình
Các cụ xưa thường dạy: Trung ngôn nghịch nhĩ. Bậc minh quân bao giờ cũng chọn tôi trung, không chọn gian thần, nịnh thần. Lời nói thẳng có thể khó nghe, nhưng nếu biết nhìn nhận và biết lắng nghe thì rất bổ ích, phải có “năng lực lắng nghe” (nhà sử học Dương Trung Quốc). Bác Hồ yêu cầu công tác phê bình phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, nhưng không được dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc...
Theo tư tưởng của Bác, đạo đức cách mạng là “thật thà tự phê bình”. Đó là bài học lớn. Trong mỗi người, trong mỗi công việc sẽ có khuyết điểm, không ai là thánh nhân cả, nhưng cái quan trọng là thật thà tự phê bình mới là người tốt, là người trung thực, thẳng thắn. Do không thật thà phê bình mà đã sai lầm càng sai lầm thêm, thậm chí sai lầm đến mức có tội với Đảng, với dân. Rất nhiều người, trước khi bị tổ chức, pháp luật “rờ gáy” đều là những người hoàn thành tốt nhiệm vụ, gương mẫu. Sai lầm của họ cũng xảy ra trong thời gian đó. Suy cho cùng là không thật thà, không nghiêm túc với mình. Bác hồ dạy: “Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”.
3. Dân chủ, công khai và “gió theo chiều”
Bác quan niệm: công tác phê bình phải được thực hiện một cách dân chủ, công khai. Muốn dân chủ tốt thì cán bộ phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Phê bình phải công khai, tránhh thái độ “trước mặt không nói, soi mói sau lưng” hay “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng lắm mồm”; trong hội nghị câm như thóc, ngoài hội nghị lại đi đâm thọc.
Làm theo lời Bác thiết thực nhất là nói không với thái độ “trông trước ngó sau, nghe ngóng hùa theo, đón ý cấp trên để phê bình cho “trúng”,... “dĩ hoà vi quý”, “mũ ni che tai”, “ngậm miệng ăn tiền”. Muốn dân chủ, công khai trong phê bình, thì yếu tố quan trọng là tạo không khí dân chủ trong Đảng. Càng dân chủ thì Đảng càng mạnh. Càng dân chủ thì đảng càng có nhiều ý kiến tâm huyết và trách nhiệm. Bác bảo: “Để làm cho Đảng mạnh thì phải mở rộng dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình), thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật”.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước chỉ rõ: “Việc đánh giá cán bộ phải trên cơ sở thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình; theo nguyên tắc tập thể, dân chủ, công khai, kết luận theo đa số”. Không dân chủ, công khai và minh bạch trong công tác phê bình tất yếu dẫn đến căn bệnh “thậm thà thậm thụt”, “thì thầm thì thào” trong Đảng, trong tổ chức.
4. Đề cao tình đồng chí, đồng nghiệp:
Hồ Chí Minh cũng xác định rõ đối tượng của phê bình “là công việc chứ không phải là người” để loại trừ những thái độ thù hận, trả đũa hay mặc cảm đố kỵ. Quan điểm này, được Đảng ta vận dụng và hướng dẫn cụ thể trong nhiều văn bản và hàng năm được nhắc lại để chỉ đạo công tác phê bình. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước nhấn mạnh: “Không đánh giá, sử dụng cán bộ một cách cảm tính, chủ quan. Mọi phẩm giá và bằng cấp, danh hiệu và chức vụ, tài năng và cống hiến đều phải được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn”.
Đánh giá công việc, phê bình theo công việc chính là thể hiện tình đồng chí, tình đồng nghiệp nhất. Công tác phê bình phải thành tâm, đúng mực, không nên “ít suýt ra nhiều”, không nên nâng quan điểm theo kiểu trù dập. Không nhân danh cuộc vận động này nọ, không nhân danh phê bình để bới móc, nói xấu lẫn nhau, không phê bình lung tung, hồ đồ, vô trách nhiệm. Phê bình không chỉ dừng lại ở việc vạch ra khuyết điểm mà còn phải đưa ra biện pháp sửa chữa. Thái độ đúng đắn trong phê bình mà Hồ Chí Minh nêu ra là “lý lẽ phân minh, nghĩa tình đầy đủ”. Khi phê bình phải thật sự khách quan, công tâm chứ không phải “yêu nên tốt ghét nên xấu”, không phải kiểu “hồi thương thì thương cả nhà, hồi ghét thì mượn người ta ghét dùm” để dẫn tới tình trạng cùng phe cánh thì bao che, không cùng phe cánh thì bới móc.
Tình đồng chí, đồng nghiệp còn phải độ lượng, bao dung, tôn trọng nhau. Bác dạy rất chí tình: “không nên coi thường cán bộ trẻ. Một số ít cán bộ già mắc bệnh công thần, cho mình là người có công lao, hay có thái độ “cha chú” với cán bộ trẻ, đảng viên trẻ nói gì cũng gạt đi, cho là “trứng khôn hơn vịt”, “măng mọc quá tre”. Thời đại của ta hiện nay rất oanh liệt . Xã hội, thế giới phát triển rất nhanh. Thế mà các đồng chí lớn tuổi lại coi thường cán bộ trẻ, là không đúng. Còn cán bộ trẻ không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi cán bộ già có kinh nghiệm”.
Cũng cần phải phê phán thái độ phê bình theo lối “vuốt ve”, xu nịnh cán bộ lãnh đạo. Càng yêu thương đồng chí, đồng nghiệp thì càng chân thành phê bình, nếu chỉ ra được cho đồng chí mình, đồng nghiệp mình biện pháp để sửa chữa thì cô cùng quý báu. Xem ra, các cụ dạy “thương cho roi cho vọt” cũng đáng để suy nghĩ trong công tác phê bình.
5. Không lợi dụng phê bình để “hạ” nhau
Thực chất của lợi dụng phê bình để “hạ” nhau là chủ nghĩa cá nhân, cơ hội; là phê bình không theo công việc, là phê bình cảm tính, là phe cánh, là trù dập cán bộ... Sinh thời, Bác Hồ rất chú ý đến hiện tượng này và luôn rèn dạy cán bộ không dược lợi dụng phê bình để công kích những người mình không ưa, kéo bè, kéo cánh để “giải quyết, thanh toán, hạ bệ” nhau gây ra mất đoàn kết nội bộ, tan rã tổ chức. Thậm chí khi phê bình, không nói gì về năng lực công tác, mà đâm thọc vào những chuyện cá nhân, rất riêng tư của con người.
Cần đấu tranh quyết liệt để loại kiểu sử dụng phê bình như là những thủ đoạn, tiểu xảo để “dìm” nhau, làm mất uy tín của nhau. Công tác phê bình không phải là soi mói, “bới lông tìm vết” của đồng chí mình để tìm cơ hội “hạ bệ” lẫn nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng, cần phải tránh triệt để hiện tượng: “Khi phê bình ai, không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc, mà chỉ công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”.
Công tác phê bình còn được Hồ Chí Minh coi là thứ “vũ khí thần diệu” để Đảng thường xuyên trong sạch vững mạnh. Toàn bộ những quan điểm đó chính là văn hoá phê bình trong Đảng, đó chính là văn hoá Đảng. Và đó cũng chính là phương pháp và nghệ thuật lãnh đạo của Đảng. Theo Bác Hồ, phương pháp phù hợp nhất là phải thành khẩn, trung thực, kiên quyết và phải có văn hoá trong tự phê bình và phê bình. Công tác phê bình là vì cái chung, là vì phát triển, không phải là phê bình chung chung, phê bình mà người bị phê bình không thấy mình sai đâu mà sửa chữa, khắc phục. Học theo Bác là công việc lâu dài và còn nhiều việc phải thường xuyên trao dồi, nhưng hãy làm theo công tác phê bình của Người. Đó là việc diễn ra hàng ngày, hàng năm, với mọi người, mọi cán bộ, đảng viên, mọi ngành, mọi cấp. Và đó là nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức, của chiến lược công tác cán bộ của Đảng ta.
Tài liệu tham khảo:
(1) Hồ Chí Minh toàn tập
(2) Các tài liệu về Học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh (qua website: Đảng CSVN, Cần Thơ, Nghệ An, Quảng Nam , Ban Quản lý Lăng Hồ Chí Minh...)
(3) Văn kiện Đại hội X của Đảng và các Nghị quyết của Đảng về công tác phê bình và cán bộ.