“80 người làm thay đổi thế giới” hay tính nhân văn trong kinh doanh
Thật thú vị, vào dịp ngày Môi trường thế giới và ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, nhà xuất bản Tri thức đã kịp cho ra mắt bạn đọc cuốn sách nêu trên của hai nhà xã hội học kiêm nhà báo trẻ tuổi người Pháp: Sylvain Darnil và Mathieu Le Roux, bản dịch do nhà văn Nguyễn Hồi Thủ thực hiện.
Cuốn sách là kết quả tìm kiếm, gặp gỡ, phỏng vấn những người thật, việc thật trong một cuộc du hành vòng quanh thế giới suốt 440 ngày của hai tác giả. Các nhân vật được nêu trong sách là những con người, với tư cách là công dân, cổ đông, người tiêu thụ, người tranh đấu, nhà doanh nghiệp… Họ đã dấn thân đầy nhiệt huyết để phát kiến và thực thi các giải pháp cách tân, đưa đến cho chúng ta những thông điệp đầy lạc quan: Trong sản xuất - kinh doanh thật sự có những giải pháp hữu hiệu, có khả năng sinh lợi mà lại bền vững, thân thiện với môi trường, tôn trọng con người. Các nhà kinh doanh này thuộc thế hệ mới, khi mà nền kinh tế tri thức đã ló dạng đồng thời với nguy cơ suy thoái môi trường và cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đang đè nặng lên vai loài người. Họ muốn cùng nhau tự hành động thay vì chịu đựng, trông chờ, để gìn giữ “hành tinh xanh” cho các thế hệ mai sau. Cuốn sách là những câu chuyện sinh động, kể về những con người có ý tưởng sáng tạo táo bạo nhưng rất thực tiễn và đã thu được những thành công đầy sức thuyết phục.
Trong truyện “ Hoá chất cho thuê”, nhóm kinh doanh của Karl Stutzle (Đức) đã thực hiện sáng kiến tái chế các hoá chất tẩy rửa được thu hồi lại để sử dụng trong một chu trình khép kín, vừa tiết kiệm hoá chất, nâng cao lợi nhuận vừa hạn chế thải chất độc hại ra môi trường sinh hoạt.
Sáng kiến Món ăn chậm(Slow Food) của Carlo Petrini (Italia), đã giúp bảo tồn được các món ăn truyền thống trong văn hoá ẩm thực của người dân bản địa, và nhờ thế đã được người tiêu dùng hưởng ứng, có sức cạnh tranh với các Fast Food của Mc. Donal.
Sáng kiến kinh doanh việc xử lý chất thải hữu cơ tồn đọng ở các bãi rác đô thị, đã chứng tỏ quan niệm “chất thải - mỏ vàng” của hai nhà doanh nghiệp trẻ Iftekhar Enayetullah và Magsood Sinha ở Dacca (Bangladesh) là khả thi và là một giải pháp hữu hiệu chống ô nhiễm môi trường đô thị, đặc biệt đô thị của các nước đang phát triển.
Muhammad Yunus - một nhà kinh tế học người Bangladesh nổi tiếng thì giúp đồng bào mình “hướng tới một thế giới không nghèo khổ” bằng sáng kiến lập ra mạng lưới nhà băng mini cho phép phần đông người nghèo vay tiền để làm ăn, thoát khỏi cảnh túng bấn cùng cực…
Còn hàng trăm gương người thật, việc thật mà hai tác giả đã tìm hiểu thấu đáo, và chỉ chọn ra 80 người tiêu biểu để đưa vào cuốn sách “80 người làm thay đổi thế giới”.
Nhan đề cuốn sách làm bạn đọc nhớ lại tác phẩm nổi tiếng của Jule Verne: “80 ngày vòng quanh thế giới”. Thực tế, trong thời đại Internet, hai tác giả đã vòng quanh thế giới nhiều lần qua mạng, và đã dành cả hơn một năm trời để đi thực địa vào tận các hang cùng ngõ hẻm khắp năm châu.
Đọc xong cuốn sách, bạn đọc được tiếp thêm nguồn lạc quan và tin tưởng vào những con người thông minh, sáng tạo quyết tâm xây dựng thế giới ngày mai, đúng như ngài Francois Lemarchand - chủ tịch Tổ chức Thiên nhiên và khám phá quả quyết: “Thế giới ngày mai sẽ là thế giới do chúng ta tạo dựng nên - một thế giới hài hoà và quân bình giữa con người và thiên nhiên. Các nhà kinh doanh tiên tiến được nêu trong cuốn sách này là người dẫn đường, mở ra cho chúng ta một tương lai đầy hy vọng, lạc quan”.