VNU-UET: Sinh viên và đam mê với không gian vũ trụ
Gắn kết nhờ nghiên cứu khoa học
Nhóm bốn sinh viên của Khoa CNTT đều có chung niềm đam mê NCKH và chính niềm đam mê này đã đưa 4 chàng trai xích lại gần nhau hơn. Ngay từ tháng 3/2013, lớp K55CA đã được TS. Lê Thanh Hà – giảng viên Khoa CNTT phổ biến về cuộc thi Parabolic Flight với thông tin đây là lần đầu tiên Việt Nam có cơ hội tham dự. Ban đầu, bốn sinh viên là hai nhóm khác nhau nhưng lại tình cờ có chung ý tưởng về Gyroscope (con quay hồi chuyển). Sau khi thuyết trình ý tưởng với hội đồng giám khảo cùng với chuyên gia của Trung tâm vũ trụ JAXA (Nhật Bản), các bạn được gợi ý tập hợp lại thành một nhóm. Trải qua các vòng đánh giá từ phía Trường và chuyên gia Nhật Bản, sản phẩm của nhóm đã được đưa sang Nhật Bản thí nghiệm thành công và đạt kết quả cao. Sau đó, từ giữa tháng 8/2013 đến giữa tháng 10/2013, nhóm thực hiện lên ý tưởng và thiết kế thiết bị thí nghiệm.
Ban đầu, ý tưởng của cả nhóm là hướng đến “Sự chuyển động của con quay hồi chuyển trong môi trường không trọng lượng”. Sau khi được sự gợi ý của các giáo sư Nhật Bản, cả nhóm đã chuyển sang thí nghiệm mang tính thực tiễn cao hơn là so sánh sự khác nhau giữa các thông số Gyroscope và Accelerometer trong hai môi trường để tìm ra giải pháp cho các nhà phát hành game có thể làm tinh chỉnh các thông số về Gyroscope và Accelerometer để game dựa trên chúng có thể chơi được trên ISS.
Bộc lộ bản lĩnh trong khó khăn
Lần đầu tiên Việt Nam tham gia thực hiện thí nghiệm không trọng lượng dạng này nên hoàn toàn không có tư liệu và tài liệu phục vụ về cách thức tiến hành hay sản phẩm mà nhóm cần quan tâm. Vũ Xuân Lai chia sẻ, để hiểu hết về thực hiện thí nghiệm cũng như quy trình làm việc, ngoài các tài liệu được phía JAXA cung cấp, thì chúng em phải lên mạng tìm hiểu về thí nghiệm không trọng lượng. Đặc biệt là tham khảo các video cách xây dựng thiết bị thí nghiệm của các đội Thái Lan, Malaysia và Nhật Bản.
Khó khăn thứ hai là cách chế tạo thiết bị. Bốn thành viên của nhóm đều học khoa CNTT nên các kiến thức về cơ khí, điện tử hầu như rất hạn chế. Hơn nữa, là lần đầu tiên tham gia cuộc thi nên việc xây dựng thiết bị phục vụ cho thí nghiệm trong môi trường không trọng lượng gặp rất nhiều khó khăn. Cả nhóm phải mất 1-2 tuần đầu với sự hướng dẫn của TS. Lê Thanh Hà mới đạt được kết quả cho việc chế tạo thiết bị.
Để có được sản phẩm thí nghiệm, nhóm còn phải vượt qua khó khăn về kinh phí. Vũ Tiến Tùng cho biết, để có được số tiền hoàn thành sản phẩm, mỗi cá nhân trong nhóm đều tự ý thức và tích góp từ tiền sinh hoạt cá nhân. Vì vậy, toàn bộ chi phí trong quá trình xây dựng thiết bị là tiền tiết kiệm hàng tháng của các thành viên trong nhóm.
TháiCông Khanh chia sẻ: “Khi tất cả mọi thứ đã ổn định về mặt chế tạo thiết bị cũng như lập trình phần mềm kiểm thử lấy dữ liệu dưới mặt đất. Cả nhóm nghĩ rằng có thể yên tâm được phần nào với hi vọngthí nghiệm sẽ suôn sẻ. Tuy nhiên, cách ngày bay một ngày phần mềm của nhóm bất ngờ bị lỗi và hoạt động không chính xác trong việc thu thập dữ liệu. Cả nhóm đã mất cả ngày hôm đó để sửa lại phần mềmcũng như kiểm tra lại toàn bộ hoạt động của thiết bị trước giờ ‘G’. Thời gian còn lại rất ít nhưng với nỗ lực, niềm đam mê và trách nhiệm, tất cả khó khăn lúc đó cả nhóm đều đã vượt qua”.Bên cạnh những khó khăn, thì với sự hướng dẫn và giúp đỡ từ TS. Lê Thanh Hà cùng các thầy trong Khoa Công nghệ thông tin, Điện tử Viễn thông, Vật lý kĩ thuật &CNNN và các chuyên gia Nhật Bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm hoàn thành thành công thí nghiệm tham gia cuộc thi.
Bốn thành viên trong nhóm đều thể hiện niềm vui khi được là đội tiên phong của Việt Nam tham dự. Cuộc thi là cơ hội để cả nhóm giao lưu, học hỏi kinh nghiệm học tập và làm việc của các đội Nhật Bản cũng như các đội khác trong khu vực Đông Nam Á. Tuy là đội non trẻ nhất, nhưng thí nghiệm của nhóm không tỏ ra thua kém các đội khác về mặt ý tưởng và phương pháp thực hiện. Với sự đơn giản và tinh tế trong việc thiết kế phần cứng và phần mềm, kết quả mà cả nhóm thu được sau 2 ngày bay trong chuyến bay Parabolic là vô cùng khả quan. Đó là cơ sở cho việc đánh giá những nhận định ban đầu và là nền tảng phục vụ cho công việc nghiên cứu và phát triển của sau này của thí nghiệm.
Hoàn thiện sản phẩm trong tương lai
Sau gần một năm phát triển và trải qua hàng loạt các bài kiểm định của phía Nhật bản, hệ thống đã hoạt động ổn định. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tập trung cải tiến kiểu dáng và cấu trúc thiết bị bên cạnh việc cập nhật các tài liệu liên quan nhằm chuẩn bị tốt cho đề tài gửi tham gia cuộc thi Tài năng nghiên cứu khoa học trẻ của Bộ GD-ĐT 2014. Nguyễn Mạnh Cường cho biết, hệ thống sẽ được dùng để đánh giá độ chính xác của các cảm biến trong các điều kiện gia tốc trọng trường khác nhau. Dữ liệu thu được cũng được dùng trong các ứng dụng thực tế như cải thiện trải nghiệm chơi game, vệ tinh mini di động có bộ não là smartphone…
Qua cuộc thi này, cả nhóm cũng muốn nhắn nhủ với các bạn sinh viên say mê NCKH cũng như ngành hàng không vũ trụ rằng, hãy theo đuổi niềm đam mê và tích cực tham gia NCKH. Đó là nền tảng cho sự thành công và phát triển tương lai của các bạn.
Sản phẩm “The interaction of Accelerometer and Gyroscope in Microgravity Condition” của nhóm sinh viên Vũ Xuân Lai, Thái Công Khanh, Vũ Tiến Tùng và Nguyễn Mạnh Cường lớp K55CA, khoa CNTT do TS. Lê Thanh Hà và TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh hướng dẫn, đã vượt qua 9 đề xuất của các nước Asean để trở thành một trong ba đề xuất được thực hiện thí nghiệm chuyến bay không trọng lượng tại Nhật Bản. Tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2014, sản phẩm của nhóm giành được giải Nhất và được chọn tham dự Giải thưởng Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam cấp Bộ GD-ĐT năm 2014. Sản phẩm của nhóm là thiết bị gồm một rack chứa, động cơ,mạch điều khiển, cánh quạt các thiết bịsmartphone, cùng các phần mềm tự viết nhằm thu thập và phân tích dữ liệu. Mục đích chính của nhóm là kiểm tra xem có thể chơi game được trên không gian (môi trường không trọng lượng) hay không nên nhóm sử dụng 3 thiết bị smartphone: Lumia 920, Samsung Galaxy SII và Ipod Gen4 để tiến hành thí nghiệm. 3 điện thoại sẽ được gắn vào 3 “cánh tay” quạt trên một mặt phẳng nằm ngang, cánh quạt được kết nối với động cơ và hoạt động dựa vào bảng mạch điều khiển. Nhóm đã thiết lập cho cánh quạt quay với 3 mức tốc độ 20-40-60 vòng/phút thông qua mạch điều khiển. Ba điện thoại sẽ được cài đặt sẵn phần mềm “Parabolic Fight 2013 App” do nhóm tự viết trên 3 nền tảng khác nhau để đo các thông số gia tốc, vận tốc góc thông qua các cảm biến Accelerometer và Gyroscope có sẵn trong điện thoại. Các thông số cảm biến thu nhận được được sẽ được phân tích trên phần mềm phân tích dữ liêu. Thí nghiệm Parabolic Flight lần này cũng là tiền đề cho các dự định tiếp theo của nhóm: vệ tinh viễn thám mini với smartphone đóng vai trò là bộ não xử lý. Với bộ vi xử lý mạnh mẽ, các cảm biến nhỏ gọn… và cuối cùng là 2 cảm biến Gyroscope và accelerometer sẽ đóng vai trò là bộ phần dẫn đường, smartphone có đầy đủ các thành phần cần thiết cho 1 chiếc vệ tinh. |