Thu lợi hàng tỉ đồng do phát hiện được tạp chất trong mủ cao su
Phương pháp này khi ứng dụng vào thực tiễn đã đem lại lợi nhuận 10 tỉ đồng/năm đối với ở nhà máy chế biến cao su có năng suất trung bình 10.000 tấn/năm.
Vào vai buôn mủ để nghiên cứu khoa học
Anh Vũ Đình Thắng cho biết, những năm về trước mủ nước cao su khi được các Công ty thu mua về thường bị thương lái pha nhiều tạp chất để kiếm lời. Tạp chất thương lái pha trộn cũng rất đa dạng và khó loại bỏ như vôi, đất trắng, thạch cao… khiến cao su bị rớt hạng trên thị trường thế giới. Trước thực trạng đó, vào tháng 11-2011, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu tăng cường quản lý chất lượng nguyên liệu đầu vào của mủ cao su. Hiệp hội Cao su Việt Nam theo đó cũng kêu gọi cán bộ, nhân viên tìm giải pháp phát hiện tạp chất trong mủ cao su.
Do có lợi thế là đang giảng dạy về thực hành chuyên ngành về sơ chế cao su nên anh đã nung nấu ý tưởng loại bỏ tạp chất trong mu cao su. Ngoài ra anh cũng có điều kiện đi thực tế ở các nhà máy chế biến mủ cao su nên ngay từ đầu năm 2011 anh quyết định thực hiện ý tưởng. “Ở một số công ty chế biến cũng đã có phương pháp nhưng chỉ phát hiện được vài tạp chất cơ bản trong khi gian thương pha trộn 5-7 loại tạp chất khó đoán” - anh Thắng nói.
Để thuận tiện cho việc nghiên cứu, anh Thắng đã nhập vai là một lái buôn mủ cao su nhằm tìm hiểu quy trình pha lẫn tạp chất trong mủ cao su của các thương lái. Sau một năm miệt mài nghiên cứu và nhập vai lái buôn, anh Thắng đã nghiên cứu thành công phương pháp “phát hiện tạp chất trong mủ cao su”. Đồng thời đã cho thử nghiệm thành công tại một số nhà máy chế biến cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Theo anh Thắng, với phương pháp này các chất hữu cơ sẽ bị đốt cháy hết chỉ còn lại các chất vô cơ không cháy. Bằng phương pháp cân và so sánh với mẫu chuẩn, chúng ta nhận thấy sự chênh lệch giữa các mẫu và từ đó đưa ra kết luận có lẫn tạp chất hay không. Ngoài ra cũng có thể quan sát bằng mắt thường nếu hàm lượng tạp chất cho vào lớn. Phương pháp này có thiết bị đơn giản, vận hành dễ dàng, thích hợp với các điểm thu mua nhỏ cũng như các công ty lớn. “Phương pháp này có ưu điểm dễ thực hiện, chỉ cần tập huấn cho công nhân 1 ngày họ sẽ làm được”- anh Thắng chia sẻ.
Thu lợi hàng tỷ đồng
Ngoài phương pháp xác định tạp chất, anh Thắng còn nghiên cứu thành công với phương pháp “xác định nhanh hàm lượng cao su khô (DRC%) từ mủ nước”. Phương pháp này cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chính xác trong sản xuất, vì theo phương pháp này không cần thông qua bảng quy đổi TSC% như vậy sẽ không phụ thuộc vào các yếu tố khách quan như: mùa vụ, thổ nhưỡng, giống cây, tuổi cây và cũng không phụ thuộc vào yếu tố chủ quan như kinh nghiệm người nướng mủ, cảm quan của từng người và không bị ảnh hưởng bởi tạp chất cho vào mủ nước.
Kết quả xác định nhanh hàm lượng cao su khô (DRC%) được đánh giá rất cao. Đây là những vấn đề mà các công ty sản xuất cao su sơ chế đang rất cần. Hiện nay các công ty đang mua mủ cao su tiểu điền vẫn đang gặp khó khăn trong vấn đề kiểm soát chất lượng mủ đầu vào và cũng như sản phẩm sơ chế từ nguồn mủ cao su tiểu điền.
Theo tính toán của anh Thắng, khi một doanh nghiệm chế biến mủ cao su bị pha lẫn tạp chất khoảng 3% sẽ bị thiệt hại hàng trăm tấn mủ trong sản xuất. Với giá thu mua trung bình hiện nay là 44 triệu đồng/tấn, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại hơn 10 tỉ đồng nếu có công suất 10.000 tấn/năm. Ngoài ra mủ nước bị lẫn tạp chất còn làm cho cao su bị hạng và giá bán giảm khoảng 1 triệu đồng/tấn. Đồng thời chất lượng mủ cao su cũng bị giảm trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên với những phương pháp này, anh Thắng đã giải bài toán khó và nếu được áp dụng rộng rãi có thể làm lợi hàng nghìn tỷ đồng.