Thiết kế, chế tạo thành công máy cán vỏ dừa
Theo thầy Vân, ở Bến Tre, hầu hết các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa suôn trong tỉnh sử dụng máy cán kiểu cũ, có hai trục cán. Máy có một số nhược điểm: đường kính trục cán lớn làm cho kích thước máy cán lớn, hao tốn vật tư chế tạo, từ đó làm cho giá thành máy cao. Mặt khác, máy lớn nên nặng, cồng kềnh, khó vận chuyển. Ngoài ra, để cán dập vỏ dừa thì khe hở giữa hai trục phải nhỏ, do đó dễ xảy ra tình trạng trượt vỏ dừa (trục cán không cuốn được vỏ dừa vào cán). Muốn cán được thì công nhân phải sử dụng tay đẩy mạnh vỏ dừa vào máy cán. Điều này rất nguy hiểm cho người sử dụng máy, và không đảm bảo an toàn lao động. Riêng đối với vỏ dừa lớn (dày) thì phải cán nhiều lần nên năng suất không cao.
Để cải thiện nhược điểm của máy kiểu cũ, nhóm nghiên cứu đã đi khảo sát nhiều nơi và được hỗ trợ của nhà trường nên đã thiết kế, chế tạo thành công máy cán vỏ dừa (trong dây chuyền sản xuất chỉ xơ dừa suôn). Máy được thiết kế trong thời gian 3 tháng, có kết cấu nhỏ, gọn, an toàn cho người lao động (giá khoảng 15 triệu đồng), chỉ cán 1 lần đối với các vỏ dừa lớn, hoạt động với năng suất 280-320 vỏ trái/giờ (một vỏ trái có từ 3-4 miếng vỏ rời khi được bóc). Máy được thiết kế với 4 trục cán (2 trục cán sơ bộ và 2 trục cán chính xác) thay thế máy kiểu cũ trước đây. Vỏ dừa sau khi ngâm (tưới) nước, được đưa vào máy cán. Cặp trục 1 có khe hở lớn nên dễ dàng cuốn vỏ dừa vào (không cần lực đẩy) và cán sơ bộ; đồng thời tạo ra lực đẩy đưa vỏ dừa đi tiếp vào cặp trục 2. Cặp trục 2 có khe hở điều chỉnh được, nên tùy vào yêu cầu của sản phẩm mà điều chỉnh. Khi vỏ dừa đi qua cặp trục 2 sẽ bị cặp trục này cán dập theo yêu cầu đặt ra. Máy sử dụng điện 1 pha và 3 pha, phù hợp với lưới điện của nhiều địa phương.
Ông Tăng Văn Biểu (xã Long Thới - Chợ Lách) chuyên sản xuất chỉ xơ dừa suôn, cho biết: Trước đây, sử dụng máy kiểu cũ, tôi nhận thấy không an toàn cho người lao động, năng suất không cao. Từ khi sử dụng máy mới cải tiến, sản phẩm tạo ra đẹp, được khách hàng ưa chuộng hơn. Bên cạnh đó, máy hoạt động có năng suất cao, người sử dụng không cần phải dùng tay đẩy vỏ dừa vào trục cán nên rất an toàn, đối với các vỏ dừa lớn (dày) chỉ cần cán một lần. Hiện nay, ở địa phương chỉ có gia đình tôi sử dụng máy cải tiến đầu tiên.
Máy cán vỏ dừa cũng được đăng ký dự thi tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ 4 (2011-2013).