Thành công là cuộc hành trình vượt khó
Hành trình của Giáo sư Nguyễn Văn Chương bắt đầu từ mùa xuân năm 1972, khi người thanh niên chưa tốt nghiệp phổ thông vẫn sẵn sàng gác bút nghiên lên đường nhập ngũ trong không khí tưng bừng của phong trào thanh niên “Lứa tuổi Điện Biên ra đi cứu nước”. Sau đợt huấn luyện tân binh, ông được cử đi học lớp y tá. Gần 5 năm rèn luyện và phục vụ trong ngành quân y, trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho thương bệnh binh từ chiến trường Nam Lào về đã giúp ông có cơ hội học hỏi nhiều điều từ những người đồng đội và đồng nghiệp, bện cuộn ông vào nghề y như một định mệnh. Năm 1976, được Bộ Quốc phòng cử đi ôn thi đại học, ông đã thi đỗ vào HVQY với số điểm rất cao và được tuyển chọn đi học chuyên ngành Bác sĩ đa khoa tại CHDC Đức.
Tốt nghiệp đại học ERNST - MORITZ - ARNDT (Greifswald - CHDC Đức) năm 1984, bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Chương được nhận về khoa Nội thần kinh của Viện quân y 103 (nay là BV 103- HVQY). Chính từ đây, ông bắt đầu định hình con đường sự nghiệp. Vừa làm công tác điều trị bệnh nhân, ông nhanh chóng chuẩn bị cho mình “công cụ ngôn ngữ” quan trọng là tiếng Đức, Anh, Pháp và bắt đầu say mê khám phá chuyên ngành Thần kinh học trên 3 lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và điều trị. Đối với ông, những ca bệnh khó hay sự thiếu thốn về điều kiện thiết bị kỹ thuật phục vụ công việc hàng ngày chính là động lực thôi thúc ông không ngừng nghiên cứu, sáng tạo tìm những hướng đi mới phục vụ chuyên môn.
Quãng thời gian tu nghiệp tại CHLB Đức (1999-2000) đã lưu lại trong ông nhiều kỷ niệm sâu sắc và trải nghiệm bổ ích về nghề. Vừa học tập, nghiên cứu, ông vừa tham gia khám chữa bệnh tại các bệnh viện Quân y Hamburg, bệnh viện Quân y Berlin, bệnh viện Đa khoa Trung tâm Hamburg Sank Gorge. Với nền tảng kiến thức vững chắc và khả năng nói tiếng Đức trôi chảy, ông đã trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân người Việt và người bản xứ. Đây là một tiền lệ hiếm có đối với bác sĩ nước ngoài sang tu nghiệp tại Đức. Sự cẩn trọng và năng lực chuyên môn của ông đã khiến các đồng nghiệp người Đức quý mến và nể phục.
30 năm gắn bó với Bộ môn - khoa Nội thần kinh, trong đó hơn 12 năm giữ chức Chủ nhiệm Bộ môn, ông đã góp phần không nhỏ xây dựng Khoa Nội thần kinh ngày càng lớn mạnh (từ 1 khoa nay Bộ môn Nội thần kinh đã có 2 khoa lâm sàng) và luôn là bộ môn có nhiều sáng tạo, đột phá trong công tác đào tạo tại bệnh viện. Ông là người khai phá nhiều kỹ thuật mới ứng dụng trong công tác điều trị các bệnh liên quan đến thần kinh cũng như đột quỵ suốt hàng chục năm qua để truyền thụ, bàn giao cho thế hệ trẻ như một sự đảm bảo uy tín người thầy thuốc. Mỗi kỹ thuật mới được triển khai ứng dụng đều chứa đựng bao năm kinh nghiệm chuyên môn cũng như tâm huyết và trách nhiệm của người bác sĩ trước sinh mạng con người. Ông luôn tâm niệm: “Ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh, người thầy thuốc phải không ngừng học tập, nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng những tiến bộ y học mới nhằm phục vụ công tác điều trị ngày một tốt hơn”. Do đó ông luôn tìm tòi, tra cứu tài liệu y học mới để vận dụng cho công việc chuyên môn, bởi theo ông “người làm khoa học phải năng nhặt mới chặt bị”!
Hơn 40 năm lăn lộn với nghề y, GS Chương đã chứng kiến biết bao sự đớn đau của người bệnh. “Làm thế nào để giảm bớt các chứng đau trong điều trị lâm sàng và trong cộng đồng” là bài toán ông tự đặt ra và luôn đi tìm lời giải? Để rồi bao năm qua, ông đã dành nhiều thời gian và tâm sức để nghiên cứu, tìm hướng điều trị các chứng đau trong y học. Mang quyết tâm lao vào trận chiến chống đau, cuối năm 2013 vừa qua ông và các thành viên sáng lập đã thành lập Hội chống đau Hà Nội do ông làm Chủ tịch với trên 100 hội viên thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Ông say sưa kể về những đề tài kỹ thuật, những phát kiến của mình như “Công nghệ tế bào gốc trong điều trị bệnh thần kinh”, “Kỹ thuật kích thích não sâu để điều trị các bệnh về não”, “Kỹ thuật khống chế điều trị đau, tiêm ngoài màng cứng cột sống cổ”, “Các phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ”, đặc biệt là kế hoạch phát triển Hội chống đau Hà Nội cùng những nghiên cứu về đau của mình. Đối với người ngoại đạo như tôi, khó có thể hiểu sâu về lĩnh vực này. Nhưng tôi biết, các kỹ thuật này sẽ mang lại cho người bệnh những cơ hội tốt hơn trong việc điều trị.
“Giáo sư Chương là người nhiệt huyết, tận tâm vì công việc, đặc biệt là đam mê viết sách…” Đó là đánh giá của bạn bè đồng nghiệp và các thế hệ sinh viên học trò của ông. Đến nay, sau hơn 20 năm làm công tác đào tạo và tổ chức đào tạo cả quân và dân y, GS Chương đã và đang hướng dẫn 15 NCS, 10 thạc sĩ, 11 BS CKII và hàng nghìn sinh viên. Học trò của ông giờ đều giữ những cương vị quan trọng tại các bệnh viện trên cả nước, nhiều người nay đã trở thành PGS, TS. Đối với ông sự thành công của học trò chính là niềm vui của người thầy; bởi họ đến với ông, đặt trọn niềm tin nơi ông với khát vọng chuyên môn. Đó chính là một phần gia tài của ông, cũng như phần còn lại là gần 20 đầu sách chuyên khảo và tham khảo do ông làm chủ biên và tham gia biên soạn. Tiêu biểu nhất là bộ sách chuyên khảo “Thực hành lâm sàng Thần kinh học” do ông chủ biên đã được tái bản nhiều lần, phục vụ cho công tác đào tạo và điều trị. Hàng chục năm kinh nghiệm của ông được chắt lọc, gửi gắm trong từng trang sách như sự trao truyền y đức cho tương lai.
Bước sang tuổi lục tuần song sức làm việc của ông thật đáng khâm phục. Dường như mỗi thời khắc của ông đều đã được lập trình cho công việc: thăm khám, giảng dạy, hội chẩn, hội thảo khoa học, khám chữa bệnh cho đồng bào vùng sâu vùng xa, tham gia sinh hoạt ở các hội chuyên ngành, hoạt động nghiên cứu khoa học… Những đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ Quốc phòng, những cuốn sách ông viết, những bài giảng hàng ngày cho lớp lớp sinh viên chính là môi trường rèn luyện ý chí lao động không ngừng nghỉ của một nhà khoa học.
Gặp ông giữa bộn bề công việc, được nghe ông trải lòng về cuộc hành trình đi đến thành công… càng thêm cảm phục sự bình dị mà đáng quý của người lính cụ Hồ khoác áo blouse.