PGS.TS Đỗ Tú Lan: Không chỉ vẽ những ước mơ!
Chị kể, chị có rất nhiều đam mê: Từ nghiên cứu đến giảng dạy, từ việc làm trong giờ đến ngoài giờ, từ lăn lộn nơi công trường đến tham dự các diễn đàn trong nước và quốc tế…
Và ở lĩnh vực nào chị cũng đạt được những thành công đáng kể. Bí quyết của chị đến nay vẫn không hề thay đổi, đó là luôn tìm tòi cái mới và không ngại lao vào khám phá, phát hiện và học hỏi những kiến thức và thông tin mới.
Chị đã đi đến hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, lặn lội nghiên cứu khắp từ các vùng biên giới đến hải đảo xa xôi...và đi nghiên cứu khảo sát rất nhiều nước trên thế giới.
Thổi luồng gió mới vào công tác quy hoạch
Năm 1980, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, chị rất muốn làm việc tại Cty xây dựng để sát với thực tiễn. Nhưng chị đã được phân công về công tác tại Viện Quy hoạch đô thị nông thôn (QHĐTNT), là một viện nghiên cứu đầu ngành của quốc gia.
Đây là cơ hội cho chị được thoả sức nghiên cứu phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên chị đã bổ sung kinh nghiệm thực tế cho công tác nghiên cứu của mình bằng cách không nề hà đi đến bất kỳ một công trình nào, dù là xa xôi nhất mà không cần biết có lương bổng gì hay không.
Chị tâm sự: “Lúc đó mình chỉ nghĩ quan trọng là làm được gì, học được gì”. Ngoài ra, chị nhận thiết kế các công trình bên ngoài, từ nhà ở đến đình chùa…Chị nhận ra rằng, thực tiễn sinh động đã bổ trợ được cho công việc nghiên cứu của chị rất nhiều.
Chị lại có cả niềm đam mê tiếp cận công nghệ mới. Từ năm 1986, chị đã học vi tính, ngoại ngữ, đọc sách nước ngoài nhiều, chị thấy thế giới đã tiến triển rất xa. Vậy là chị quyết tâm phấn đấu đi học nước ngoài.
Kết quả, chị đạt điểm thi cao nhất để dành được suất học bổng đi CHLB Đức học thạc sỹ, chuyên ngành Quy hoạch và quản lý vùng. Nhận bằng thạc sỹ khoa học loại xuất sắc, chị lại được tuyển thẳng lên làm nghiên cứu sinh. Sau này, khi làm luận án tiến sỹ tại Việt Nam, chị cũng được đặc cách chứ không phải qua thi tuyển.
Hai năm đi học nước ngoài với những phương pháp luận mới trở về áp dụng trong nước, chị như người thổi một luồng gió mới vào công tác nghiên cứu, QH. Hiệu quả trông thấy rõ rệt: Hợp đồng của Viện QHĐTNT được ký nhiều hơn.
Các tỉnh tín nhiệm mời đích danh chị làm chủ đồ án QH địa phương mình. Năm 1998, chị được Bộ tín nhiệm và bổ nhiệm là Phó Viện trưởng Viện QHĐTNT. Chị đã chủ trì kiến trúc và chủ nhiệm nhiều đồ án “tầm cỡ” như tham gia xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội nước bạn Lào; Thiết kế chi tiết Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình – Hà Nội (đã được Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2000); Tham gia tổ công tác đặc biệt 1108 của Chính phủ về việc nghiên cứu chuyển đổi mục đích sử dụng bán đảo Cam Ranh – Khánh Hòa; QH xây dựng chung các TP như Nam Định, Nha Trang, Cao Bằng, Phủ Lý, Đà Nẵng, Tuy Hoà, Phan Rang, Phan Thiết, khu kinh tế vùng Vịnh Vân Phong- Khánh Hoà… tham gia chỉ đạo nhiều công trình lớn như QH vùng TP.HCM, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông cửu Long.
Đặc biệt là đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội nhân dịp 1000 năm Thăng Long và Hà Nội mở rộng. Ngoài ra chị rất tích cực và có trách nhiệm trong nhiều cương vị lãnh đạo công tác Đảng (tham gia 2 nhiệm kỳ là Uỷ viên Ban chấp hành Đảng uỷ cơ quan Bộ Xây dựng), Phó Bí thư Đảng uỷ Viện QHĐTNT, tham gia công tác công đoàn nữ công và thanh niên…
Biến ước mơ thành hiện thực
Đặc biệt, năm 2003, chị được Bổ nhiệm sang làm Giám đốc BQLDA Đầu tư khảo sát quy hoạch (Bộ Xây dựng) với hàng loạt dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng như: Dự án Nâng cao năng lực QH và quản lý môi trường đô thị do DANIDA tài trợ; Dự án Cải thiện môi trường đô thị miền Trung (CRUEIP) Loan 2034 VIE do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ; Chương trình Nâng cấp đô thị quốc gia (NUUP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ; Dự án Mở rộng lợi ích cho người nghèo thông qua dự án Cải thiện môi trường đô thị miền Trung...
Chị chia sẻ: “Làm việc với các chuyên gia quốc tế đòi hỏi người quản lý phải có kinh nghiệm, có khả năng thuyết phục, biết ngoại ngữ… nếu không có thể gây thiệt hại cho đất nước, thiệt thòi cho các địa phương triển khai dự án”. Do đó, chị lại lao vào học hỏi, tìm tòi, khám phá. Kết quả, trong hơn 5 năm quản lý, dự án rất hiệu quả, hoàn thành mục tiêu đề ra, được nhà tài trợ đánh giá rất cao.
Điều đáng nói, khi bắt tay vào làm dự án, chị lại hiểu ra rằng: Dự án mới là cơ hội triển khai QH để phát triển đô thị. Bởi QH mới chỉ là lý thuyết, trên bản vẽ. Ai là người quản lý thực hiện các QH đó? Làm gì để các địa phương thực hiện đúng theo QH đó, để các thành phố không phát triển lộn xộn, thiếu kế hoạch, cái gì làm trước, cái gì làm sau, cần phải có kế hoạch và cơ chế quản lý điều tiết, đầu tư hợp lý hiệu quả là điều đáng lưu tâm?
Theo chị: “Vẽ QH là vẽ những ước mơ. Nhưng thực hiện được ước mơ đó mới là khó? Thế nên, phát triển đô thị chính là giúp họ thực hiện được ước mơ đó”.
Vậy là chị lại nghiên cứu và mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo Bộ đề án thành lập Cục Phát triển đô thị và được đánh giá cao. Cục Phát triển Đô thị được thành lập năm 2008 mà chị làm Phó Cục trưởng với hàng loạt các chính sách về phát triển đô thị sau này đã cho thấy sự nhìn nhận của chị là đúng.
Chị còn có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, viết sách, viết bài và giảng dạy. Niềm vui khi được truyền cảm hứng, tri thức cho lớp trẻ khiến chị càng quyết tâm học hỏi, hoàn thiện mình hơn nữa.
Đến nay, số cử nhân, thạc sỹ do chị hướng dẫn đã lên tới vài chục học viên và nhiều lớp học. Danh hiệu Phó giáo sư chính là một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực trong công tác giảng dạy của chị.
Ngoài ra, chị còn được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho những đóng góp xuất sắc của mình.
Người đầu tiên nói về biến đổi khí hậu
Trong nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy, chị băn khoăn, trăn trở với những mô hình TP xanh, TP sinh thái. Đề tài luận án tiến sỹ của chị cũng là “Nghiên cứu về sinh thái cho các đô thị ven biển Việt Nam”.
Năm 2004, chị cũng là người đầu tiên đặt vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây là vấn đề khó, quốc tế nói nhiều nhưng làm chưa được bao nhiêu, Việt Nam càng ít.
“Lúc đó nhiều người cho rằng mình đặt vấn đề xa xôi ở đâu đâu? Ngay cả đến năm 2009, khi đề tài nghiên cứu đầu tiên về BĐKH được thực hiện, vẫn có người cười mình viển vông. Thậm chí, có người cho rằng mình làm đề tài đó để kiếm tiền. Nhưng nay thì điều đó không còn là viển vông nữa, mà đã là nguy cơ hiện hữu”, chị chia sẻ.
Theo chị, BĐKH liên quan nhiều đến đất đai, hạ tầng. Sẽ giải bài toán BĐKH như thế nào khi mà thay vì kinh tế lấn biển thì biển lại gậm nhấm đất liền? Hay như triều cường ở TP HCM ngày một dâng cao và lan rộng, sẽ giải quyết như thế nào? BĐKH bằng mắt thường có thể không nhìn thấy, nhưng những ảnh hưởng của nó là không hề nhỏ….
Ngay cả bây giờ, khi đã hài lòng với những gì mình làm được, hạnh phúc với một gia đình “ấm” trong một ngôi nhà đầy hoa thơm cỏ lạ và ánh nắng mặt trời, chị vẫn thấy mình “mong muốn nhiều nhưng làm chưa được bao nhiêu”.
Mỗi khi ra đường, nhìn thấy nhiều việc trước mắt vẫn còn ngổn ngang, chị lại thấy cần sự nỗ lực của rất nhiều người, trong đó có mình, cho một đô thị Việt Nam phát triển đẹp và bền vững.
Vân Anh