Ngôi làng có hàng chục giáo sư, tiến sĩ y khoa
Từ khi hòa bình lập lại năm 1954 đến nay, ngôi làng này đã cống hiến cho nền y học nước nhà 11 giáo sư (GS), 9 phó giáo sư cùng 18 tiến sĩ (TS). Trong đó có 5 Thầy thuốc Nhân dân và nhiều Thầy thuốc Ưu tú. Ấy là chưa kể, Hành Thiện cũng từng có một Bộ trưởng Y tế - TS Đặng Hồi Xuân.
Những cây đại thụ
Trong thời phong kiến, ngôi làng này cũng đã có một số danh y chữa bệnh bằng nam dược kỳ diệu như cụ lang Tài, cụ Cử Tái, cụ Kép Khái, cụ Ba Phấn (Chu Sỹ), cụ Cả Tập, cụ Nguyễn Như Lệ... Có những danh y luôn được mời chữa cho những vua chúa của triều đình và các nguyên thủ của nhà nước ta sau này.
GS Đặng Vũ Hỷ, tốt nghiệp bác sĩ nội trú ở Pháp về, sau một thời gian ngắn mở phòng mạch, ông từ bỏ giàu sang, quyền quý, để năm 1946 lên chiến khu tham gia kháng chiến, giúp ngành y tế non trẻ của nước nhà cùng toàn quân, toàn dân chống Pháp. Ông trở thành chuyên gia đầu ngành về da liễu và có công lớn trong phát triển các bệnh viện điều trị bệnh phong ở nước ta sau hòa bình 1954. Ông tham gia viết nhiều cuốn sách cũng như nhiều công trình khoa học có giá trị thực tiễn, được phong GS đợt đầu (năm 1955) và nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng đợt 1 (năm 1996).
Thiếu tướng, GS Nguyễn Sỹ Quốc, sinh ra trong gia đình cực nghèo, phải bắt đom đóm thay đèn dầu mà học. Được làng trợ giúp một phần bởi quỹ ruộng công dành cho học trò nghèo, vậy mà ông đã đỗ đại học y khoa và tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông được phong hàm GS năm 1980 với nhiều đóng góp cụ thể, trở thành Cục trưởng Cục Quân y rồi Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân đội. Ông đã chủ trì và viết nhiều công trình y học quân sự, được ứng dụng trong chiến đấu và được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000. Vợ ông, bà Vũ Thị Phan, cũng là GS, Thầy thuốc Nhân dân có tiếng.
Năm 2010 , nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 100 tuổi, lãnh đạo Chính phủ tới chúc thọ Đại tướng. Bìa phải là GS Nguyễn Việt Tiến; bìa trái là PGS Phạm Hoà Bình cùng lãnh đạo Bệnh viện 108 cùng có mặt - Ảnh: Lê Minh Anh
Thiếu tướng, GS-TS, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Gia Triệu, là một thầy thuốc trưởng thành trong chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1955, ông được cử sang Liên Xô làm TS y khoa về phẫu thuật thần kinh - một chuyên ngành hết sức mới mẻ. Về nước, ông đã cứu sống hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bị chấn thương sọ não cực nặng, cận kề cái chết. Năm 1963, ông viết cuốn Chấn thương thần kinh - cuốn sách đầu tiên ở VN về phẫu thuật thần kinh. Sau này, ông tiếp tục có hàng loạt công trình khoa học về u não, về bệnh lý mạch máu não và vết thương sọ não - cột sống. Năm 1980, ông được phong hàm GS và năm 1989 được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước vào năm 2000. Điều thú vị là con trai ông nối nghiệp cha xứng đáng về chuyên ngành thần kinh sọ não. Đó là thiếu tướng Phạm Hòa Bình, PGS-TS, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Có một điều khá hy hữu rất cần nêu, tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, người Hành Thiện hiện cùng lãnh đạo bệnh BV còn có Thiếu tướng-GS-TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Việt Tiến.
Ông giữ cương vị Phó giám đốc Bệnh viện. Ông cũng là một trong số rất ít nhà phẫu thuật đầu ngành về vi phẫu của Việt Nam, với nhiều công trình khoa học được giới y học trong và ngoài nước đánh giá cao.
GS-TSKH y khoa Đặng Đức Trạch, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Giải thưởng Nhà nước năm 2000 do có đóng góp lớn, để lại cho nền y học VN 95 công trình khoa học. Ông nguyên là Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Chủ tịch Tổng hội Y học VN, là nhà vi trùng học số một nước ta và là Chủ tịch Hiệp hội Y học các nước Đông Nam Á. Cũng như gia đình GS Phạm Gia Triệu, cả hai cha con ông cùng theo một chuyên ngành của y học. Con trai GS Trạch hiện nay là TS y học, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và vừa mới được phong hàm GS năm 2012.
Và, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới tên của các GS khác là người làng Hành Thiện có tên tuổi, như GS-TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Thụ, Giải thưởng Hồ Chí Minh; GS-TSKH Đặng Xuân Thu; GS-TS Trương Việt Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học - Đào tạo Bộ Y tế; GS-TS Đặng Vũ Phương Anh; PGS-TS y học dân tộc Nguyễn Nhược Kim; PGS-TS Đặng Quốc Tuấn, Phó trưởng Khoa hồi sức cấp cứu BV Bạch Mai, Hà Nội...
Giáo sư y khoa thuộc hàng trẻ nhất thế giới
Điều mà người Hành Thiện nói riêng, người VN nói chung có thể tự hào, đó là ở Bỉ, vào năm 2012 đã có một GS y khoa thuộc loại trẻ nhất thế giới, khi mới 32 tuổi. Đó là tiến sĩ thần kinh học Đặng Vũ Thiên Thanh. Anh rời Việt Nam khi mới 2 tuổi và nay trở thành một chuyên gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu giấc ngủ - một lĩnh vực đặc biệt của thần kinh học. GS Thiên Thanh nhận bằng tiến sĩ y học khi mới có 23 tuổi và năm 28 tuổi, anh tiếp tục bảo vệ tiến sĩ lần 2 với đề tài y sinh và dược. Anh đang say sưa đeo đuổi nghiên cứu về bí mật của giấc mơ, ý thức của con người trong giấc ngủ... và anh đã giành được hàng loạt giải thưởng của các tổ chức rất uy tín trên thế giới về y học như Hội Nghiên cứu giấc ngủ châu Âu, Hội Nghiên cứu giấc ngủ Hoa Kỳ, Hội Thần kinh học Bỉ...
GS Vũ Khiêu từng thảo tấm văn bia khắc nơi đình làng Hành Thiện rằng: "Việc học hành, đất dưỡng thông minh, Đường khoa bảng, trời ban tài trí.