Máy nông cụ “made in nông dân”
Máy tưới nước di động
Biết nông dân Nguyễn Văn Dũng là người có nhiều sản phẩm đạt giải cao tại các cuộc thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật (KH-KT) của tỉnh, tôi hẹn đến nhà ông để được mục sở thị sự sáng tạo của “kỹ sư chân đất” này. Tuy nhiên, ông Dũng không giới thiệu các loại máy đánh rãnh, sạ mè, bón phân, máy cắt đậu bắp – những sản phẩm đã đưa tên tuổi ông nổi tiếng gần xa – mà dẫn tôi đi xem máy tưới nước di động. “Tôi tâm đắc chiếc máy này lắm, đang nghiên cứu hoàn thiện hơn rồi “tút” lại cho ngon lành để gởi dự thi sáng tạo KH-KT năm nay” – ông Dũng hào hứng.
Nói là “con cưng” nhưng “kỹ sư” Dũng (cách gọi của người dân nơi đây) lại để chiếc máy nằm thoi loi giữa ruộng ớt, mặc cho mưa nắng. “Nhằm nhò gì, sản phẩm tôi làm ra để phục vụ nông nghiệp, nó phải có sức bền và chịu được vất vả như… nông dân” – ông Dũng giải thích. Chiếc máy tưới nước di động của ông chỉ đơn giản gồm khung xe gắn máy nhưng thiết kế 4 bánh, quạt bơm được kết nối trực tiếp vào động cơ xe, ống dây và thùng nhựa phía sau. “Tôi mua xe máy cũ, đặt hàng máy bơm ở Hà Nội gởi vào, cộng các phụ tùng khác chỉ vài triệu đồng nhưng hiệu quả lắm. Cài số 1, xe chạy chầm chậm giữa mương nước (4 bánh xe nằm 2 bên bờ mương), cánh quạt bơm quay theo tua-bin động cơ tự lấy nước dưới mương lên để tưới. Bình quân tưới 1 héc-ta, tôi cho xe di chuyển trong 4 giờ, tốn khoảng 2 lít xăng. Nếu dùng máy bơm 5 mã lực phải mất khoảng 7 – 8 giơ, với ít nhất 5 – 6 lít xăng mới tưới xong 1 héc-ta, lại vất vả lôi ống dây khắp nơi. Tôi đang nghiên cứu chế tạo béc phun tự động 2 bên, cải tiến lại nhông xe lớn hơn để di chuyển chậm. Khi đó, chỉ cần ngồi trên xe lái vòng vòng, ruộng rau màu tự động được tưới đều. Tôi còn thiết kế thùng nhựa phía sau xe. Khi muốn bón phân cho cây, chỉ cần pha loãng đổ vào thùng rồi mở van dẫn xuống hòa vào ống nước tưới là xong” – ông Dũng chia sẻ.
Lan tỏa khắp nơi
Xã cù lao Bình Thủy là vùng chuyên canh màu đặc thù của huyện Châu Phú. Tuy nhiên, do lao động nông thôn bỏ quê đến các đô thị lớn lao động ngày càng nhiều nên vào vụ thu hoạch hoặc gieo trồng, việc thuê nhân công rất khó khăn. Những loại máy nông cụ do ông Nguyễn Văn Dũng chế tạo trước nhất nhằm đáp ứng nhu cầu này. |
Sản phẩm đầu tay của ông là chiếc máy đánh rãnh thoát nước ra mắt năm 2010, được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tặng giải thưởng sáng tạo KH-KT. “Trước nay, nông dân thường dùng cày bò để đánh rãnh nhưng khuyết điểm là tốn nhiều sức lao động, rãnh không sâu và thoáng. Tôi thiết kế máy đánh rãnh dựa trên khung dàn xới Nhật, chạy động cơ Trung Quốc, gắn lưỡi dao đánh rãnh 2 bên, di chuyển bằng bánh sắt hoặc bánh lồng. Nếu thuê 20 lao động đánh rãnh thủ công, chỉ thực hiện được 1.000m2 đất/ngày, khi dùng máy đánh rãnh, chỉ cần một người điều khiển, có thể hoàn thành 1 héc-ta/ngày; rãnh đều, sâu, đất tơi xốp hơn” – ông Dũng giới thiệu. Trên cơ sở thành công này, ông tiếp tục cho ra đời máy sạ mè tự động, thiết kế 2 ống rải đều 2 bên, giúp tăng hiệu quả làm việc gấp chục lần so với sạ bằng tay, mè được rải đều hơn và đỡ hao hụt giống.
Năm 2011, khi mô hình liên kết trồng đậu bắp Nhật phát triển ở cồn Bình Thủy, ông Dũng đã sáng tạo cùng lúc dụng cụ bón phân tự động và máy cắt cây đậu bắp xếp dãy. Nguyên lý của dụng cụ bón phân là dùng sức đẩy xe một bánh, phân bón từ thùng xe rót đều vào 2 phễu, bón chính xác vào gốc cây, không rơi vãi ra ngoài gây lãng phí. Còn với máy cắt cây đậu bắp, ông thiết kế xe đẩy gắn kèm máy cưa tay, phía trên có lưỡi gà để đùa cây về cùng phía. Với một người điều khiển, có thể cắt được 2 héc-ta đậu bắp/ngày, tương đương với sức làm việc của 20 lao động cắt tay. Những loại máy này cũng có thể sử dụng trên các loại cây trồng theo hàng khác.
“Sau khi được Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ đưa đi triển lãm nhiều nơi, nhu cầu đặt hàng cũng tăng lên, không chỉ trong nước mà có cả Campuchia. Hiện nay, tôi chủ yếu thiết kế rồi thuê cơ sở hàn tiện gia công, cung cấp giá rẻ cho bà con nông dân sử dụng. Sắp tới, tôi định mở cơ sở gia công ngay tại nhà để thuận tiện hơn và chế tạo thêm nhiều loại máy mới. Trong đó, tôi đang nghĩ đến máy bắt rầy xanh trên cây đậu bắp bằng lực hút, nhằm hạn chế phun thuốc hóa học diệt rầy, đảm bảo an toàn cho người sử dụng” – ông Dũng bộc bạch.
Nông dân Nguyễn Văn Dũng là một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước sẽ được tỉnh chọn tuyên dương vào dịp sinh nhật Bác (19-5) sắp tới. Ông cũng được Hội Nông dân tỉnh An Giang đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khen thưởng vì những đóng góp xuất sắc cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. |
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN