Kỹ sư “chân đất” khiến thế giới “nghiêng mình”
Kỳ 1: “Dị nhân” của núi rừng Việt Bắc
Giữa nơi thâm sơn cùng cốc tưởng như chỉ có gió núi và mây ngàn thì việc nghiên cứu khoa học công nghệ tưởng như một chuyện đùa. Thế nhưng, chính nơi đây lại nuôi dưỡng một con người đam mê và sẵn sàng tự nguyện cống hiến cho khoa học công nghệ mà lại là khoa học công nghệ cao, cơ khí chính xác.
Vào đời bằng bách nghệ
Tôi được biết câu chuyện của nhà sáng chế Trịnh Đình Năng từ ông Phạm Huy Hoàng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Bắc Kạn. Ông Hoàng cho biết, đây là một trong những nhân vật kỳ lạ bậc nhất của tỉnh Bắc Kạn bởi vừa tài vừa ngông.
Được sự giới thiệu của ông Phạm Huy Hoàng tôi gọi điện thoại xin gặp gỡ với nhà sáng chế Trịnh Đình Năng. Chỉ sau 5 phút gọi điện, ông Năng đã có mặt tại nhà khách Tỉnh ủy để đón tôi. Ấn tượng đầu tiên của tôi với nhà sáng chế này là một vẻ chất phát thuần nông chính hiệu.
Trịnh Đình Năng sinh năm 1957 tại Ninh Giang, Hải Dương, bố là một bác sĩ được đào tạo từ thời Pháp thuộc. Sau đó, bố mẹ ông được phân công lên công tác tại Bệnh viện Bắc Kạn. Công tác ở Bắc Kạn được một thời gian ngắn thì bố ông lại nhận nhiệm vụ về Hải Phòng, mẹ ông cùng 2 con ở lại đất Bắc Kạn. Học hết lớp 6, cậu bé Năng đành phải tạm dừng việc học do gia đình quá khó khăn.
Thời gian này, một mình cậu bắt tay vào công việc làm nhà, một việc tưởng chừng như quá sức của một cậu bé 13 tuổi. Nhưng với sức sáng tạo bẩm sinh, cậu đã biết nhờ người đi đốn gỗ, dùng đòn bẩy vận chuyển về đến địa điểm nhà mình, rồi tính toán việc dựng cột làm nhà một cách chính xác. Mất hơn một năm, ngôi nhà của 3 mẹ con cậu hoàn thành với kiến trúc 3 gian kiểu đồng bằng Bắc bộ.
Làm nhà xong, Năng quay lại trường học thêm 1 năm nữa thì bỏ hẳn, đi làm công nhân gang thép ở Thái Nguyên. Thời gian đầu, Năng được đi học bổ túc về nghề cơ khí 18 tháng. Chính 18 tháng ngắn ngủi này đã bắt đầu hun đúc trong con người cậu bé Năng niềm đam mê sáng tạo máy móc sau này.
Làm công nhân gang thép được vài năm, Năng lại bỏ nghề xin vào làm thợ mộc ở địa phương. Mặc dù chưa được một ngày đào tạo về làm mộc, song sản phẩm của anh thanh niên Trịnh Đình Năng bao giờ cũng thuộc loại đẹp nhất xí nghiệp. Làm ở xưởng mộc 1 thời gian, với niềm đam mê cơ khí, anh công nhân Trịnh Đình Năng đã hiến kế cho Phó giám đốc xí nghiệp Hoàng Hòa về việc nâng cấp máy móc và đưa tự động hóa vào sản xuất. Đề án của Năng đã chứng tỏ được hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên do những vấn đề mang tính thời điểm, Phó giám đốc xí nghiệp đã không chấp nhận đề án này.
Không được chấp nhận sáng tạo đó, Trịnh Đình Năng tỏ ra chán nản và lại xin thôi việc, bỏ về làm may với người vợ là Nguyễn Thị Ngoan. Làm may được vài năm, Năng lại “ngứa” nghề cơ khí nên chuyển sang sửa chữa xe máy. Thời gian này, ông đã tự chế được loại máy ép biên rất hiệu quả, bán chỉ bằng nửa giá so với thị trường do chi phí sản xuất thấp. Nhờ vậy, chỉ vài ba năm làm thợ sửa xe máy, ông đã kiếm bội tiền. Ông Năng chia sẻ, lúc cao điểm ông đã kiếm được tới 30 cây vàng. Nhưng thay vì dùng tiền để chi tiêu cá nhân hay đầu tư ông lại dùng số tiền này để nghiên cứu khoa học.
Đốt vàng để nghiên cứu
Sau khi làm ăn khấm khá và có trong tay một lượng vàng, lúc này ông Trịnh Đình Năng dồn hết của cải và tâm huyết cho công việc nghiên cứu công nghệ. Năm 2000, ông tự mở một phòng nghiên cứu, tự sắm sửa đồ đạc trang thiết bị hiện đại thuê thêm 3 người hỗ trợ. Suốt 1 năm trời, ông không làm gì để kiếm tiền mà quanh quẩn trong phòng thí nghiệm, hoạt động cần mẫn như một kỹ sư nghiên cứu. Ông kể lại, thời gian này ông nghiên cứu rất sâu việc tách quặng kim loại lấy vàng, bạc theo một công nghệ mới. Bao nhiêu tiền của tích cóp được ông mang ra mua trang thiết bị nghiên cứu. Có những lần, ông đưa vào lò đốt khối lượng gần cả cân vàng. Nhiều lúc vợ và người nhà nhìn thấy tưởng ông bị làm sao nên tới khuyên can, nhưng đều bị ông gạt ra và tiếp tục công việc.
Nhiều giải thưởng quý báu mà ông Năng đã được nhận
Ông Năng tâm sự, bản thân ông không được học hành bài bản nên công việc nghiên cứu của ông chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, ông cứ tự làm, tự nghiên cứu, mày mò và đúc rút kinh nghiệm. Chính công việc này đã cho ông một sự đam mê cuốn hút đến kỳ lạ. Rất nhiều đêm, ông thức trắng trong phòng thí nghiệm. Ngay cả trong bữa ăn hay giấc ngủ, trong đầu ông vẫn không thôi mong ước thành công trong việc tách vàng bạc theo một công nghệ mới tiết kiệm hơn so với quy trình hiện hành.
Được hơn một năm đưa vàng vào lò đốt, ông cạn tiền. Trung tâm nghiên cứu của ông buộc phải giải thể. Công trình nghiên cứu dở dang cũng đành gác lại. Hồi ấy, ông như người mất hồn và tưởng như gục ngã trước cuộc đời. Song với tinh thần kiên cường, ông đã tự gượng dậy được. Mặc dù việc nghiên cứu của ông không thành công song nó đã thành nhân. Nghiên cứu này đã cho ông rất nhiều kiến thức về việc tạo nhiệt trong quá trình sản xuất. Đây chính là nền móng để sau này ông cho ra đời một sáng chế đáng giá cả 10 tỉ đồng và được Nhà nước cấp quyền sáng chế. Phần này tác giả sẽ thông tin tới bạn đọc ở kỳ 2 của bài viết.
Lại nói, sau khi thất bại trong nghiên cứu tách vàng, ông được nhiều nhà sản xuất trong nước và quốc tế biết đến. Ông được một công ty chế tạo máy của Hàn Quốc mời về Hà Nội làm chuyên gia kỹ thuật với rất nhiều ưu đãi. Ông được họ thuê nhà cho ở, cung cấp ôtô đi lại và hưởng lương 2.000 – 3.000 đô la. Chỉ trong vòng 2 năm, kinh tế gia đình ông lại phục hồi, ông có điều kiện cho con cái đi học, sửa sang nhà cửa.
Nhưng không dừng lại ở đây, ông Năng vẫn ôm mộng sáng chế ra những công nghệ mang thương hiệu của cá nhân mình. Năm 2009, ông viết xong một đề án sáng chế thể hiện tính vượt trội so với sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Đức… Độc quyền sáng chế của ông hiện đang được áp dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cũng như môi trường xã hội rất tốt cho đơn vị sử dụng.
Báo Lao động