Kỹ sư “chân đất” chế tạo máy “ăn đứt”… tiến sĩ giấy
Kỹ sư "chân đất" chế tạo máy khiến nước ngoài kính nể
Là người Bắc Kạn, có cha ông Năng là một bác sĩ nên ông luôn quan tâm tới lĩnh vực y tế. Nghĩ rằng chỉ có thể hạn chế ảnh hưởng không tốt từ hàng trăm tấn rác thải y tế từ các bệnh viện, bằng cách xử lý sớm với thiết bị chuyên dụng, ông đã nghiên cứu viết đề án và tự mày mò chế tạo lò đốt rác thải y tế.
Đến năm 2009, ông gửi đăng ký sáng chế “Lò đốt rác thải rắn y tế nguy hại” cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Năm 2012, ông bảo vệ thành công và được cấp bằng sáng chế độc quyền cho đề án này.
Lò đốt chất rắn rác thải y tế nguy hại của ông là một hệ thống thiết bị lò, gồm: Đầu đốt đồng bộ, thực hiện đốt liên hoàn không gián đoạn, kết hợp với thiết bị công đoạn thiêu đốt là công nghệ Nano khép kín, phân hủy triệt để khói, bụi, mùi độc hại.
Sáng chế độc quyền “Lò đốt rác thải y tế nguy hại” của ông Trịnh Đình Năng có nhiều tính năng vượt trội hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến trên thế giới.
Ông Trịnh Đình Năng khẳng định: Hệ thống lò đốt rác thải y tế là hệ thống đã hoàn chỉnh có thể vận chuyển được chỉ cần đấu điện, nước, xây một cái bể nhỏ và có thể xử lý môi trường nước. Tất cả các lò đốt ở Việt Nam chưa có lò nào cân bằng áp suất như hệ thống này. Công nghệ mới của lò là đốt liên hoàn, phụt lửa vào vật đốt chứ không như các lò khác là phụt dầu vào. Tại trung tâm lò đốt, nhiệt độ có thể lên tới 1.800 độ C. Thời gian đốt cũng rất nhanh. Tuổi thọ của đầu đốt có độ bền cao và không có sự cố kỹ thuật hay tắc đường dẫn dầu.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, lò đốt do ông Trịnh Đình Năng sáng chế là công nghệ lò đốt rác thải y tế đầu tiên ở Việt Nam đạt quy chuẩn 30 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiết kiệm trên 80% nhiên liệu đốt so với lò nhập ngoại. Nếu đốt bằng dầu diezen chỉ hết 5.000 đồng/kg rác thải và 2.000 đồng/kg khi đốt bằng dầu thải. Trong khi đó, các loại lò của Mỹ, Nhật Bản, Anh hiện nay phải chi phí từ 70.000-80.000 đồng/kg rác thải.
Sau khi ông Trịnh Đình Năng được cấp bằng sáng chế độc quyền, một công ty chế tạo máy hàng đầu của Đức đã liên hệ để mua lại sáng chế của ông với giá hơn 300.000 euro (khoảng 10 tỉ VND). Tuy nhiên, ông đã từ chối đề nghị của họ mà chỉ đồng ý hợp tác cùng sản xuất.
Lý do ông đưa ra là việc nghiên cứu này không chỉ của riêng ông mà là của cộng đồng người Việt Nam. Đây là trí tuệ và chất xám của người Việt. Ông cũng thẳng thắn cho những người nước ngoài biết khả năng họ mua lại bản quyền này sau khi đưa vào sản xuất rồi sẽ bán lại cho Việt Nam. Như vậy là đất nước ta sẽ phải mua chính công nghệ của người Việt Nam sáng chế với một cái giá không hề rẻ. Hơn nữa, việc ông muốn giữ độc quyền sáng chế để sản xuất ngay tại Việt Nam sẽ đem lại công ăn việc làm cho những người ở quê hương Bắc Kạn của ông.
Tờ Dân Việt dẫn lời ông Đỗ Tuấn Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn: “Hệ thống xử lý rác thải do ông Năng sáng chế phù hợp trong với những cơ sở có lưu lượng rác vừa phải, đã áp dụng được những công nghệ tiên tiến. Hiệu suất sử dụng cao và tiết kiệm nguyên liệu. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm để hạn chế giá thành cho sản phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường”.
Hiện sản phẩm đã được ứng dụng tại: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thanh Hóa… Nếu được đầu tư và mở rộng sản xuất, chắc chắn sản phẩm của ông sẽ còn hạ giá thành phẩm hơn hiện nay rất nhiều. Không chỉ dừng lại ở đây, hiện ông Năng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu ứng dụng thêm loại lò đốt xử lý rác thải đô thị.
Tiến sĩ không phân biệt được cỏ với lúa
Trước thành công này, nhiều người lại nghĩ tới lực lượng tiến sĩ hùng hậu của Việt Nam. Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, tính đến năm 2013 Việt Nam có khoảng 24.300 tiến sỹ trong đó có 633 tiến sỹ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sỹ là giảng viên các trường đại học.
Thế nhưng suốt bao năm qua không ít máy móc sử dụng trong nước đều được nhập của nước ngoài.
Nhiều lý giải cho tình trạng này, song hầu hết các ý kiến đều cho rằng sự đào tạo không thực chất khiến cái “mác” tiến sĩ đã không mang lại kết quả thực cho đời sống.
Điều này từng được GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam minh chứng: ‘Làm tiến sĩ nông nghiệp mà khi kiểm tra ở ngoài ruộng tiến sĩ không phân biệt được cây cỏ lồng vực với cây lúa; còn tiến sĩ kinh tế nhưng ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vẫn bị hớ và bị lừa nhập máy cũ, công nghệ lỗi thời rồi thua lỗ. Có điều này là vì học giả, đào tạo không đến nơi đến chốn…’.
Sở dĩ chất lượng giảm là vì đề tài copy paste rất nhiều. “Công nghệ thông tin hỗ trợ nhiều quá, nhanh quá mà không phải hội đồng nào cũng đọc kỹ đề tài của các tiến sĩ”, GS Quý nói.
Còn TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và phát triển, Phó viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục lại đưa ra tên một đề tài để thấy được cái gọi là ‘cao siêu’ của một vị bảo vệ luận án tiến sĩ. Đó là: “Đề xuất các cán bộ lãnh đạo cấp huyện trở lên phải luôn luôn được nâng cao tư duy biện chứng”. Rồi tác giả cũng đề xuất mỗi huyện phải có phòng luyện tập cho tư duy biện chứng, giống như nhà văn hóa để luyện tập thể thao.
“Đề tài rất buồn cười và khó hiểu như vậy nhưng vẫn được thông qua và chủ nhân của đề tài nay đã trở thành một người rất quan trọng”, TS Vịnh cho biết.
TS Vịnh cũng nói thẳng, đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam lúc thì rất chặt, thi cử toát mồ hôi, lúc thì lại rất lỏng, thậm chí còn dễ hơn cả thi cao học. Nghĩa là cứ học xong đại học có thể làm tiến sĩ mà chỉ cần có 2 giáo sư giới thiệu và có đề cương cộng với tiêu chuẩn ngoại ngữ là xong. Chính vì thế mới có tình trạng vắng bóng các công trình mang tên các tiến sĩ.
Phương Nguyên
Báo Đất Việt