GS.VS Vũ Tuyên Hoàng: Nhà khoa học của nhà nông
Ngã rẽ của số phận
Theo lệ thường, hẳn là cậu bé Vũ Tuyên Hoàng sẽ tiếp bước con đường nghệ thuật của cha mẹ. Nhưng số phận với những ngả rẽ lạ kỳ đưa cậu đến con đường nông học với một niềm đam mê cũng gần như một niềm đam mê thiên bẩm với nghệ thuật.
Những năm kháng chiến chống Pháp, theo cha mẹ sơ tán về huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, qua những tháng ngày vỡ đất, cày cấy cùng cha mẹ ở đây, cậu bé Hoàng đặc biệt thích tìm hiểu về các giống cây. Và mới chỉ 10 tuổi, cậu đã cày cấy như một nông dân thực sự và tự phụ trách một vườn rau cải. Ước mơ tuổi thơ của cậu bé Hoàng trải dài trên những cánh đồng vàng mênh mông... 15 tuổi, tốt nghiệp phổ thông, là một học sinh xuất sắc nên cậu được Nhà nước cử đi học ngành sinh học tại Đại học Nông nghiệp Quảng Châu (Trung Quốc).
Cùng với hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật, GS. VS Vũ Tuyên Hoàng còn có những sáng tác văn học nghệ thuật rất trữ tình và cũng rất riêng. Ông có 20 tập thơ in chung; và tập thơ in riêng có tên Thời gian (2001); khoảng 400 bài tản văn đăng trên tạp chí Thế giới mới từ 1996 - 2004, được tập hợp trong tập Tản mạn đường dài xuất bản năm 2003. Ông vẽ tranh chân dung, phong cảnh đăng tải trên một số tạp chí. Các tác phẩm của ông dù là thơ hay họa đều toát lên vẻ tinh tế và rất đỗi dịu dàng.
Các kỳ tích người anh hùng
Sau khi học ở Trung Quốc trở về, ông công tác tại Đại học Nông nghiệp I Hà Nội khi tuổi mới ngoài hai mươi. Giáo sư Lương Định Của, khi ấy thường nhận xét về nhân viên của mình với mọi người là: “Nó vẫn trẻ con lắm". Đề tài khoa học đầu tiên của ông là "Đưa lúa mùa vào trồng được vụ Chiêm" đã gặp nhiều sóng gió vì lúa mùa làm sao trông được vụ chiêm? Một tháng 29 ngày lội ruộng cấy lúa, rét cắt da cắt thịt cũng mặc, đề tài đó của ông đã thành công, ông đã cho ra được các giống lúa nổi tiếng như Đông Xuân 1, Đông Xuân 2, Đông Xuân 3 cho năng suất cao hơn rất nhiều so với các giống lúa cũ.
Qua những tên gọi cho giống lúa như CH5, CH133, U14 hay U17, mới thấy nhà khoa học Vũ Tuyên Hoàng gần gũi với nông dân biết nhường nào: CH là giống chịu hạn, U là giống chịu úng. Người nông dân ít chữ chỉ cần đọc H và U cũng hiểu ngay, thật giản dị đến lạ lùng. Có thể người ta nói đúng, sự uyên bác của nhà khoa học nằm trong sự giản dị.
Năm 1969, sang Liên Xô (cũ, nay là Liên Bang Nga) làm nghiên cứu sinh, đến năm 1973 ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ với đề tài hai hệ thống gien cực mới trên quan điểm sinh học phân tử theo một lối nghiên cứu mà trên thế giới chưa ai làm bao giờ. Cũng thời gian ấy, ông còn làm thêm một đề tài khác là phóng xạ đối với cây lúa. Cả 2 đề tài đều được chấm điểm xuất sắc và gây tiếng vang lớn trong giới khoa học Liên Xô lúc bấy giờ.
Năm 1977, ông bảo vệ tiến sĩ và trở về Việt Nam. Với các đề tài nghiên cứu rất đa dạng, riêng về cây lúa, GS. Vũ Tuyên Hoàng và các cộng sự ở Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã nghiên cứu và triển khai các giống lúa thâm canh, lúa chịu hạn, lúa chịu ngập úng, lúa có hàm lượng prôtêin cao. Ông cũng là người đầu tiên trên thế giới nghiên cứu loại khoai tây trồng bằng hạt, rồi khoai lang có hàm lượng tinh bột cao... Nghiên cứu ra giống táo má hồng đẩy lùi giống táo Thái Lan.
Các công trình khoa học kỹ thuật của ông trải rộng trên nhiều đề tài, lĩnh vực trong sinh học - nông nghiệp, từ nghiên cứu di truyền sinh học phân tử đến gây tạo giống, từ các giống cây lương thực thực phẩm đến các giống cây rau quả, từ các giống lúa thâm canh cao sản đến các giống lúa gạo chất lượng cao, giàu prôtêin, từ các giống chịu hạn đến các giống chịu úng thậm chí ngoài giống cây trồng ông còn có công trình lai tạo giống vịt mới. Công trình nào cũng đầy sáng tạo và mang lại hiệu quả kinh tế.
Với những đóng góp vào thành tựu của nền nông nghiệp Việt Nam, năm 1988, ông được phong danh hiệu Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, năm 1991 được phong Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, năm 2003 được phong Viện sĩ Viện Hàn lâm KH thế giới đang phát triển.
GS.VS Vũ Tuyên Hoàng đã được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN, Giải thưởng Lúa thế giới lần thứ nhất cùng nhiều giải thưởng, huân, huy chương, bằng danh dự của Nhà nước, các tổ chức quốc tế trao tặng...
Người bạn của Hội Làm vườn
Với cương vị Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, ông luôn quan tâm đến sự phát triển của các hội thành viên. Đối với Hội Làm vườn Việt Nam, mỗi khi có dịp ông đều đến dự và phát biểu ý kiến với hội nghị, với Ban chấp hành Trung ương Hội.Tại Đại hội lần thứ tư của Hội Làm vườn Việt Nam (2003), ông nêu ý kiến: "Trong 53 tổ chức thành viên của Liên hiệp hội, Hội Làm vườn là tổ chức có đông hội viên nhất. Hội viên của các hội thành viên đều là trí thức (tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên), riêng Hội Làm vườn không như vậy bởi nhiều người vì những lý do khác nhau mà không được học đến nơi đến chốn. Nhưng như vậy không có nghĩa hội viên Hội Làm vườn không phải là trí thức bởi rất nhiều hội viên đã có những sáng tạo rất có ý nghĩa trong phát triển sản xuất. Vì vậy, Hội Làm vườn các cấp cần theo rõi, xác nhận những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của hội viên để Liên hiệp hội có thể cấp cho họ (những người không đạt tiêu chí bằng cấp) danh hiệu Nhà kỹ thuật". Ông nhấn mạnh: Đó là những trí thức đích thực.
Trong Hội nghị tổng kết những điển hình tiên tiến làm kinh tế VAC giỏi toàn quốc lần thứ II (tháng 10/2006), ông khẳng định: "Hội Làm vườn Việt Nam ra đời là một mốc đáng nhớ trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của nước ta. Hội Làm vườn Việt Nam đã và đang kịp thời chuyển biến để thích với công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, hội nhập với kinh tế thế giới, cụ thể là chuyển từ làm VAC truyền thông sang VAC hàng hoá. Tôi đánh giá cao sáng kiến xây dựng trang trại VAC kết hợp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Muốn khẳng định mình và đáp ứng nhu cầu phát triển, Hội phải tự đi lên bằng khả năng tư duy nhạy bén, năng động và sáng tạo của mình".
BOX: GS. VS Vũ Tuyên Hoàng sinh ngày 2/12/1938 tại Hà Nội. Ông từng là Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ NN và PTNT) kiêm Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp; Ủy viên Trung ương Đảng bốn khóa (từ 1982-2001, một khoá là Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng); Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khóa IV (1999 - 2004), khoá V (2004 - 2009); đại biểu Quốc hội các khoá VIII, XI, XII; Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam; Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Ông mất ngày 26/2/2008.
Huyền Thư