Chiếc xe lăn của "ba chàng ngốc"
Điều khiển xe lăn bằng… đầu
Nghiên cứu khoa học chưa bao giờ là con đường dễ dàng nhưng các bạn sinh viên đã không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu mà còn biến thiết kế của mình thành sản phẩm có ích với cộng đồng. “Ba chàng ngốc” cùng sinh năm 1991 đã lập nên kỳ tích đó là Trần Quang Nam, Nguyễn Văn Tây và Dương Nguyễn Khánh Nam. Cả ba đều đang là sinh viên Chương trình tiên tiến, Ngành hệ thống số - ĐH Bách Khoa Đà Nẵng.
Nói về ý tưởng ra đời của thiết kế mang đầy tính nhân văn này, trưởng nhóm Quang Nam cho biết: “Chúng tôi quan sát thấy những người bị khuyết tật chân, tay hoặc bị bại liệt tứ chi phải phụ thuộc hoàn toàn vào người thân, mất hết khả năng sống độc lập. Điều đó khiến cho đời sống tinh thần của họ cũng bị ảnh hưởng. Với sản phẩm này, chúng tôi hy vọng nó sẽ thay đổi cuộc sống của những người tàn tật, giúp họ có thể chủ động, dễ dàng hơn cuộc sống của chính họ và có niềm tin hơn vào cuộc sống. Đó chính là mục đích trên cùng mà công nghệ hướng đến - làm cho cuộc sống con người tốt đẹp và dễ dàng hơn”.
Từ ý tưởng đó, ba chàng sinh viên mò mẫm, kiên trì nghiên cứu, tạo ra một thiết kế xe lăn thông minh và mang ý nghĩa nhân văn rất lớn cho những người khuyết tật hoặc bệnh nhân. Người sử dụng chỉ cần bằng các động tác của đầu (nghiêng trái, phải, ngả đầu ra trước, sau…) để điều khiển xe. Hơn nữa, hệ thống trên xe lăn còn được lập trình để tự động truyền tín hiệu đến người thân khi người ngồi trên xe gặp tai nạn. Có thể nói, thiết kế chiếc xe lăn thông minh của nhóm Three Idiots hội tụ cả ba yếu tố: sáng tạo - công nghệ - hữu ích đã chinh phục hoàn toàn các vị giám khảo khó tính của cuộc thi.
Vượt chướng ngại vật
Thật khó nói hết những khó khăn mà “ba chàng ngốc” này trải qua trong suốt quá trình tiếp cận với con đường nghiên cứu khoa học của mình. Vì đều là những sinh viên chuyên ngành điện tử nên các bạn không có nhiều kiến thức và kinh nghiệm cơ khí để tạo ra một xe lăn thực sự chứ không chỉ là mô hình. Để giải quyết vấn đề này, nhóm Nam đã phải tham khảo rất nhiều kết cấu xe lăn trên thị trường, xin tư vấn từ những người có kiến thức về cơ khí trong kết cấu khung, bánh xe, truyền động,…
Khó khăn không dừng lại ở đó. Việc hỏng hóc liên tục xảy ra trong quá trình chế tạo như cháy mạch, xe lăn bị mất kiểm soát gây va chạm, chuyển động chuột máy tính không mượt,… Quang Nam cho hay: “Không ít lần, nhóm phải thay đổi hoàn toàn thiết kế phần cứng, chỉnh sửa thông số hoặc thay đổi một thuật toán mới hoàn toàn trong phần mềm của hệ thống để hoàn thiện quá trình nghiên cứu của mình. Nhưng tất cả những khó khăn đó chưa bao giờ khiến chúng tôi nản lòng, ngược lại, càng khó khăn chúng tôi càng quyết tâm làm cho bằng được”.
Ngoài ra, số tiền bỏ ra cho việc nghiên cứu (10 triệu đồng) đều do chính ba thành viên tiết kiệm từ tiền ăn sáng, tiền tiêu vặt của bản thân. “Không có đủ tiền nên chúng tôi phải làm mọi cách để tiết kiệm chi phí nhất có thể”, một thành viên của nhóm bộc bạch. Cũng bởi vì thế mà nhóm phải tự thiết kế và làm mạch thủ công bằng tay thay vì đặt mạch công nghiệp với chi phí cao tại các công ty ở TP. Hồ Chí Minh.
Năm tháng là khoảng thời gian cùng ăn, cùng ngủ, ngoài giờ học chính khóa, ba chàng sinh viên này luôn dành tất cả thời gian cho việc nghiên cứu. Thậm chí, một ngày trung bình các bạn chỉ ngủ 4 tiếng đồng hồ để dự án đạt đúng tiến độ.
Đồng hành với các bạn là PGS.TS Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xuất sắc, là người trực tiếp hướng dẫn nhóm từ những ngày đầu khởi sinh ý tưởng. Nói về người thầy đáng kính của mình, Nam tự hào: “Thầy đã đưa ra những lời khuyên rất thực tế và hữu ích cho đề tài của chúng tôi. Thầy luôn cho những ý kiến rất hay và tài liệu giúp chúng tôi cải tiến sản phẩm của mình theo hướng thiết thực nhất. Hơn nữa, thầy còn hướng dẫn chúng tôi cách truyền tải sản phẩm sao cho mọi người dễ hiểu hơn”.
Bảo An