Biến kiến thức trong sách thành sản phẩm khoa học
Ứng dụng kiến thức đã học
Cuộc thi thu hút 16 dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh tham gia. Nhiều sáng tạo về lĩnh vực bảo vệ môi trường như hệ thống máy làm sạch khói, chế tạo vật dụng từ phế phẩm, sử dụng năng lượng mặt trời để tạo nhiệt, năng lượng gió để sản xuất điện, thiết bị lau bảng đa năng làm sạch bụi phấn, làm phân hữu cơ từ bèo hoa dâu hoặc thuốc trừ sâu từ tỏi, hạt mãng cầu… Một số sáng tạo kỹ thuật về lĩnh vực thiên văn học như “tên lửa” nước, kính thiên văn, chế tạo rô-bốt nước cũng khá thú vị.
Từ những vật liệu dễ tìm trong cuộc sống như ống nhựa, băng keo, kính, nhôm... và vận dụng những kiến thức vật lý đã học trong chương trình THCS, nhóm học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn An Ninh đã mày mò chế tạo kính thiên văn. Hay xuất phát từ ý tưởng tiết kiệm nước, nhóm học sinh trường THCS Thắng Nhì nghiên cứu cách tận dụng nguồn nước thải từ bồn rửa tay để làm nước xả bồn cầu. Thiết kế của nhóm khá đơn giản, ứng dụng kiến thức vật lý, các em đã tính toán lượng nước sinh hoạt của gia đình dùng trong một tháng và thiết kế hệ thống thu gom, dẫn lượng nước này dẫn đến bồn xả của bồn cầu.
Khởi nguồn từ trò chơi dân gian đấu vật truyền thống của người Việt trong những dịp lễ hội, nhóm học sinh trường THCS Huỳnh Khương Ninh đã chế tạo mô hình rô-bốt đấu vật. Để thực hiện mô hình này, nhóm học sinh đã ứng dụng những kiến thức từ bài học Vật lý lớp 8 về áp suất chất lỏng-bình thông nhau - máy nén thủy lực và những que kem bằng gỗ, ống bơm tiêm và ống nhựa mềm. Việc vận hành chú “rô-bốt” này cũng khá đơn giản, dùng tay bơm áp lực nước nhờ ống bơm tiêm và ống nhựa mềm, người chơi có thể điều khiển rô-bốt thi đấu với nhau.
Ứng dụng thực tiễn
Dựa trên những kiến thức đã học, nhiều dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh các trường THCS có khả năng ứng dụng thực tiễn cao. Chẳng hạn, mô hình kính thiên văn của nhóm học sinh trường THCS Nguyễn An Ninh được sử dụng trong việc dạy học môn Vật lí 7 (phần Quang học) và sẽ được đưa vào giảng dạy ở môn Vật lí 9 (phần Quang học) và phục vụ cho hoạt động: Câu lạc bộ tìm hiểu về Thiên văn học...
Để có được những nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn thành công, các em học sinh đã không ngại bỏ ra nhiều công sức dù gặp không ít khó khăn. Em Phạm Hương Giang, học sinh lớp 9/6 trường THCS Nguyễn An cho biết: “Thực hiện đề tài làm phân bón từ bèo hoa dâu, nhóm phải mất đến 2 tháng để nghiên cứu phương pháp và tìm vật liệu làm phân bón phù hợp. Chúng em ủ phân và trồng thực nghiệm tại Trung đoàn 261 bộ đội tên lửa. Địa điểm này cách chỗ ở của khá xa nên bọn em gặp nhiều khó khăn khi đi lại, bảo vệ khu vực thực nghiệm. Rồi những lúc đem mẫu đi phân tích tại trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 tại Biên Hòa không thành công lại phải trở về làm lại...”. Em Võ Khắc Duy, học sinh lớp 9/5 trường THCS Vũng Tàu, thực hiện dự án nghiên cứu làm thuốc trừ sâu từ hạt mãng cầu và tỏi bày tỏ: “Công đoạn bóc, tách, đâm giã tỏi, hạt mãng cầu mất nhiều công sức, thời gian. Sau khi chế tạo xong thành phẩm, em phải mất 9 lần thử nghiệm các tỷ lệ pha chế mới thành công. Tuy vất vả và mất nhiều thời gian nhưng những kiến thức đã học được ứng dụng vào thực tế giúp em thấy việc học có ý nghĩa và thiết thực”.
Theo ông Phạm Văn Ngọc, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu, cuộc thi sáng tạo nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho học sinh THCS nhằm khuyến khích học sinh sáng tạo trong học tập, gắn việc học để giải quyết yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, yêu cầu ứng dụng kiến thức vào thực tiễn đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy.
Bài, ảnh: Minh Thiên