Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 04/06/2008 14:53 (GMT+7)

Xuân Diệu ngoài nét vẽ của Trần Đăng Khoa

Là một người có quãng đời gặp gỡ Xuân Diệu dài hơn, anh em thường đi lại thăm nom giúp đỡ lẫn nhau nhiều, bởi vậy tôi thấy mình không thể nào không ghi thêm những nét tươi tắn, cao sang và cả giản dị mà mình đã lưu giữ trong lòng, để người đời hình dung thêm về vẻ đẹp vốn có ở Xuân Diệu, từng đã được mệnh danh là "thi sĩ của tình yêu", "ông hoàng của thi ca" một thưở. Người đã có những câu thơ khẳng định triết lý sống hết mình:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.

Huy hoàng đồng nghĩa với chiến thắng với thành công cao vời... Không ai nghĩ, được làm vua một đêm huy hoàng, giàu nứt đố đổ vách là huy hoàng, ăn sung mặc sướng là huy hoàng. Mà huy hoàng ở đây là đốt sáng hết tài năng của mình, để tạo dựng một vẻ đẹp cho cuộc đời chiêm ngưỡng... nó mới hợp với mệnh đề "... buồn le lói suốt trăm năm".

Ai thành công hơn Xuân Diệu ở chỗ tan mình ra để nghe được nỗi đau nhỏ bé nhất, vĩ đại nhất, với hai phạm trù - yêu là êm dịu, là hạnh phúc tột cùng, và - chết là nỗi đau tan vỡ lớn lao nhất, nhập được vào trong một câu thơ giản dị so sánh "Yêu là chết ở trong lòng một ít".

Phải tinh tế đến đâu mới lọc được trong tiếng ngân hạnh phúc kia nỗi mất mát đi kèm như sự tất yếu đã muôn đời, còn muôn đời, còn con người, còn sống, còn yêu còn thấy Xuân Diệu là sự tiên tri.

Có những khi không biết tâm sự cùng ai tôi lại giở đọc Truyện Kiều, và một lần nào đấy, với một tâm trạng nào đấy, tôi bỗng nhận ra rằng - Nếu không có cặp câu thơ  " Chọc trời khuấy nước mặc dầu, dọc ngang nào biết trên đầu có ai" ta có cảm giác chiều cao của tác phẩm bỗng thiếu đi vài phân. Từ đấy nghĩ về Xuân Diệu, tôi thấy, dù đã được ví là ông hoàng thi ca tình yêu, nếu không có những câu thơ:

Mặc kệ thiên đường và địa ngục

Không hề mặc cả họ yêu nhau.

Hay là trong bài "Biển"

Đến tan cả đất trời

Anh mới thôi dào dạt

thì thơ tình yêu của Xuân Diệu cũng thấp đi, nhạt đi một ít. Người ta tưởng nói đại ngôn là dễ; thật ra, chỉ phong cách ngang tàng của những bậc thầy mới thành công. Còn thì ta cứ đọc mà xem, nhiều người làm thơ muốn tỏ mình ngông nghênh, mượn trời đất ra để mà nói... trời đất có vào thơ đâu!

Gần ba chục năm được đi về 24 Cột Cờ (nhà ở của Xuân Diệu), tôi cũng đã chứng kiến bao buồn vui trong cuộc sống, trong mỗi trang văn của Xuân Diệu. Rồi tính tình cởi mở, những lúc mệt mỏi cau có, nhiều khi vì sự thương mến mà anh em từng đã gắt gay. Nhưng lạ lắm, trong cả những phút giây ấy bao giờ tôi cũng thấy ở Xuân Diệu luôn thường trực một con người thơ sẵn sàng vỗ cánh.

Tôi cũng đã chứng kiến chi tiết Trần Đăng Khoa vẽ về Xuân Diệu bóp cơm nguội cho vào chảo rang, nhưng là để đơn giản thời gian nấu bữa khi vắng u già giúp việc. Lần ấy, rang xong cơm, anh vét thành hai bát và giục: "Cơm rang phải ặn nóng, ăn nhanh kẻo nguội". Nhưng rồi vừa xúc được một thìa, anh dừng bát kể lại chuyện buổi trưa ở cuộc họp người ta trình bày thứ thơ ấn tượng, thơ trừu tượng phương Tây mà họ chẳng hiểu gì. Xanh-Giôn-péc-xơ viết được:

Những đám mây như những mảng thế kỷ trôi qua...

Anh cũng viết được:

Trái đất ba phần tư nước mắt

Đi như giọt lệ giữa không trung

Dứt câu chuyện, cơm nguội hết.

Có lẽ chân dung mỗi con người bao gồm từ lúc lọt lòng mẹ, đi học, vào đời, thành đạt, trẻ trung, khi thất bại, già nua... Vậy chân dung anh lúc nào đây? Cộng cả lại hay tách biệt từng chặng? Và chân dung nhà văn phải chăng là ngọn lửa trái tim luôn đốt sáng lên thành câu chữ, gọi lại những cảm hoài ấm nóng trong lòng người đọc khôn nguôi... Làm sao chụp được sự tinh tế khuôn mặt Xuân Diệu giây phút:

Đã nghe rét mướt luồn trong gió

Đã vắng người sang những chuyến đò

Đọc những câu thơ tự sự vào tập "Gửi hương cho gió"

Tôi là con chim đến từ núi lạ

ngứa cổ hót chơi...

Chân dung Xuân Diệu lúc ấy ra sao? Vào năm chiến tranh phá hoại của Mỹ leo thang ra chiến trường miền Bắc, tôi đang làm việc ở một đội thanh niên xung phong trạm cơ giới Dốc Đỏ - Uông Bí - Quảng Ninh, Xuân Diệu đạp xe từ Hà Nội xuống thăm và chơi với tôi cùng Phạm Gia Bình và Nguyễn Mạnh Tuấn (sau này là tác giả của "Đứng trước biển" và "Cù lao Chàm").

Chiều trên đồi bạch đàn vắng lặng anh em đi dạo, bỗng Xuân Diệu nắm chặt tay tôi đứng lại.... "Lặng im, lặng im, nghe sơn ca hót!". Lúc này tôi mới nghe được dòng âm thanh trong trẻo rót xuống từ trời cao. Chú chim đang chao lượn trên vòm trời xanh thẳm. Chắc là chú ta say mê lắm nên cứ rót tràn cái giọng vàng của mình, chẳng cần hay biết đến người nghe. Vụt trong tôi lại nhớ đến câu thơ: " Tôi là con chim đến từ núi lạ/ Ngứa cổ hót chơi!"

Hót chơi mà làm say hồn người nghe đến chết mê chết mệt, và chú ta cứ thế lao lên lao xuống giữa khoảng tít mù không cần biết vì say mê đến thế, có thể kiệt sức, có thể bất ngờ lao vào núi đá dưới kia...

Từ khi tôi được anh Xuân Diệu xin cho chuyển về Hà Nội, vào dịp tết anh thường về thăm mẹ tôi và ăn tết tất niên với gia đình. Lần ấy vào ngày 30 tết, có thêm bạn tôi là Phạm Gia Bình cùng về. Tôi đang vắng nhà, chạy quanh hàng xóm mua thêm vài món thực phẩm. Mấy dân quân xã thấy người lạ vào nhà tôi nên đến yêu cầu cho xem giấy tờ tùy thân.

Tôi về đến ngõ nghe anh to tiếng vội chạy nhanh vào nhà, thì ra việc đang mắc mớ ở chỗ, mấy anh dân quân đòi xem chứng minh thư, còn anh xòe cả nắm thẻ vào Văn phòng Quốc hội, vào Câu lạc bộ Ba Đình, Câu lạc bộ Quốc tế, thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam... mà họ không chấp nhận.

Tôi vội vàng xin lỗi anh Xuân Diệu và quay sang mấy anh dân quân xã giới thiệu: "Đây là nhà thơ Xuân Diệu nổi tiếng vẫn bình thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam , về ăn tết với gia đình tôi". Cảm thấy như mình có lỗi, mấy anh dân quân xã phân bua rằng: "Giấy tờ anh khi viết tên Xuân Diệu, giấy khác lại viết họ Ngô Xuân Diệu, nên không nhận ra nhà thơ...". Lúc tôi tiễn mấy anh dân quân ra ngõ, một anh nói thêm: "Trông giống ông Tây quá nên chúng em nghi".

Khi ngồi bên mâm cơm, anh Xuân Diệu có nói với cả gia đình: "Làng em cách Hà Nội có chừng hai chục cây số mà người ta không biết đến nhà thơ Xuân Diệu, văn hóa như vậy em thấy có buồn không?". Tôi nghĩ anh sẽ giận lâu. Không ngờ, lúc anh và bạn tôi dắt xe ra về, mẹ và vợ tôi tiễn đưa mỗi người năm củ xu  hào nhà trồng, vừa cắt ở ruộng, củ rau to như bát úp còn tươi mởn. Phạm Gia Bình ý ngại ngần vì đường xa, ngày xuân lại đèo sau xe đạp những củ rau to... Xuân Diệu ôn tồn vui vẻ: "Cứ xin mẹ, em Bình ạ, chịu khó mang đi, quà quê mà...".

Cả hình ảnh Xuân Diệu trước khi vào cõi vĩnh hằng, anh chỉ định đến Bệnh viện Việt - Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị) khám sức khỏe thường kỳ, không ngờ bác sĩ nói là có triệu chứng cao huyết áp nên giữ lại điều trị. Trước đêm anh ra đi, buổi chiều tôi còn nghe Xuân Diệu chuyện trò - "Ra viện, anh sẽ bay sang báo cáo đề tài Văn học phương Đông ở Viện Hàn lâm Cộng hòa dân chủ Đức, nơi đã bầu anh là viện sĩ, còn dự định thơ anh dịch in ở Hungari, ở Pháp,... còn ối công việc đang chờ, anh chưa chịu gãy cánh đâu!".

Xuân Diệu trong mắt tôi là vậy, giản dị, tươi tắn, nồng ấm, cả đến những giây phút cuối cùng vẫn mơ giấc mơ vỗ cánh trẻ trung.

Nguồn: vnca.cand.com.vn (06/05/08)

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Công nghệ mới trong xử lý chất thải góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngày 3/7, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo người sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
"Sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử
Sáng 30/6, Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập tỉnh, thành phố cùng các quyết định của Trung ương Đảng thành lập đảng bộ tỉnh và nhân sự lãnh đạo địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh và có bài phát biểu với nhân dân Thành phố, đồng thời gửi gắm thông điệp tới nhân dân cả nước.
Phối hợp thúc đẩy giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật
Vừa qua, Viện Tài chính vi mô và Phát triển cộng đồng (MACDI) - tổ chức trực thuộc VUSTA - đã có buổi làm việc và ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và Liên hiệp hội tỉnh nhằm triển khai Dự án “Thúc đẩy giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại An Giang, Bắc Ninh và Hòa Bình với sự tham gia của nhóm hỗ trợ trẻ hòa nhập”.
Công bố giải thưởng Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ XI
Sáng ngày 30/6, Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức Công bố các quyết định khen thưởng và trao thưởng Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ XI (2024 – 2025). Tham dự có các thành viên trong Ban Tổ chức Hội thi; các tác giả, nhóm tác giả của 23 giải pháp, đề tài đạt giải tại Hội thi lần này.
Đoàn công tác VUSTA làm việc với CDC tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng/chống HIV/AIDS
Chiều ngày 27/6, Đoàn công tác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (CDC) nhằm đánh giá tiến độ, kết quả triển khai các hoạt động trong khuôn khổ dự án Quỹ toàn cầu - VUSTA về phòng, chống HIV/AIDS.
Thanh Hóa: Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và phát động Giải thưởng Sáng tạo KHCN năm 2025
Ngày 27/6/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa (Liên hiệp hội) tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng lần thứ 4 nhiệm kỳ 2024 - 2029 về sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2025, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và phát động tham gia Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2025 (Giải thưởng).
An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.