An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.
Đây là công trình sáng tạo kỹ thuật tiêu biểu, không chỉ có tính mô phỏng kỹ thuật cao mà còn tích hợp các giá trị giáo dục lịch sử, quốc phòng, công nghệ và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giáo dục STEM trong trường học.

Mô hình tàu của anh Đệ được 1 đơn vị Trường tại Hà Nội sử dụng vào trong giáo dục STEM
Không qua đào tạo bài bản, không có phòng thí nghiệm hay xưởng sản xuất đầy đủ công nghệ, nhưng với đam mê đặc biệt dành cho tàu thuyền và tinh thần tự học kiên trì, anh Đệ đã tự mình thiết kế và chế tạo hàng trăm mô hình tàu thủy các loại. Đặc biệt, mô hình “Hạm đội Trường Sa” là một tổ hợp tinh vi các loại tàu chiến của Hải quân Việt Nam như tàu sân bay, tàu hộ vệ, tàu đổ bộ, tích hợp hệ thống điều khiển từ xa, có thể di chuyển thật trên mặt nước, mô phỏng chiến thuật hoạt động tại vùng biển đảo thiêng liêng.
Mỗi mô hình đều được chế tạo hoàn toàn thủ công từ nhựa composite, nhựa pima và các linh kiện điện tử phổ thông. Tác giả đã tự tạo khuôn, đúc vỏ tàu, lắp ráp động cơ, lập trình hệ thống điều khiển và hoàn thiện chi tiết ngoại thất như radar, ăng-ten, buồng lái… với độ tỉ mỉ cao. Sản phẩm không chỉ là công trình kỹ thuật mà còn là “giáo cụ trực quan” độc đáo, có thể phục vụ giảng dạy các môn Lịch sử, Địa lý, Quốc phòng và đặc biệt là STEM - mô hình giáo dục tích hợp đang được khuyến khích triển khai trong hệ thống phổ thông hiện nay.
Đưa giáo dục STEM đến gần học sinh vùng nông thôn
“Giải pháp này giúp học sinh có thể tháo lắp, tìm hiểu cấu trúc tàu, nguyên lý hoạt động, động cơ – điện tử – vật liệu, đồng thời lồng ghép bài học về chủ quyền biển đảo. Đây là một phương tiện dạy học đa môn, tích hợp cả kỹ năng lẫn giá trị giáo dục công dân,” – hội đồng giám khảo đánh giá cao trong vòng chung khảo.

Anh Nguyễn Ngọc Đệ thuyết trình về giải pháp của mình tại Hội đồng giám khảo vòng chung khảo
Trường hợp của anh Đệ là một minh chứng sống động cho tinh thần sáng tạo không giới hạn của người dân lao động Việt Nam. Anh Đệ đã chinh phục hội đồng khoa học bằng chính sự bền bỉ, ham học hỏi, và hơn hết là khát vọng cống hiến cho giáo dục và cộng đồng.
Việc một nông dân có thể giành giải Nhất trong một hội thi sáng tạo cấp tỉnh - vốn thường dành cho các trí thức, kỹ sư cho thấy nguồn lực sáng tạo trong nhân dân là vô tận nếu được khơi dậy và hỗ trợ đúng hướng. Mô hình của anh Đệ không chỉ là một sản phẩm giáo dục, mà còn là một “ngọn hải đăng” tinh thần, soi đường cho phong trào sáng tạo kỹ thuật trong nông dân và cộng đồng ngoài chuyên môn.