Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức Tp. Huế theo tinh thần Nghị quyết 45/NQ-TW
Tri thức luôn được xem nền tảng của tiến bộ xã hội, là lực lượng nòng cốt sáng tạo, tiên phong trong tiến trình phát triển của quốc gia, dân tộc.
Đội ngũ trí thức có vai trò và trách nhiệm quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước thông qua việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, cung cấp các luận cứ khoa học cho các chủ trương, đường lối, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, và đưa ra các đề xuất đổi mới sáng tạo.
Cùng với đội ngũ trí thức cả nước, trong nhiều năm qua, đội ngũ trí thức thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế trước đây) đã chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động chung của địa phương, nhất là trong việc đầu tư cho y tế, giáo dục, văn hóa; đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xây dựng xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục tiên phong trong nghiên cứu, sáng tạo để có nhiều công trình, đề tài nghiên cứu có giá trị cao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn đời sống, cũng như đi đầu trong việc truyền bá những tri thức tiến bộ trong cộng đồng; góp phần thiết thực nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.
Tiếp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” (Nghị quyết 27), ngày 24-11-2023 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới” (Nghị quyết 45) khẳng định vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54/NQ-TƯ (NQ 54) về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định 03 dấu mốc quan trọng :
- Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
- Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao.
- Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Bằng quyết tâm chính trị, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, Chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, cùng với sự đóng góp tích cực, tâm huyết, đầy trách nhiệm của đội ngũ trí thức thành phố, thành phố đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu quan trọng đầu tiên được nêu trong NQ 54. Ngày 30-11-2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 175 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và kể từ ngày 1-1-2025, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Đây là một sự kiện trọng đại, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển của thành phố.
Có được thành quả đó, đội ngũ trí thức thành phố, bao gồm các chuyên gia, nhà quản lý, các nhà khoa học đã tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu tư vấn, phản biện, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế xã hội như tham gia xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và hoàn thiện bộ tiêu chí về thành phố trực thuộc Trung ương cho Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế (Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), tham gia hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế, là bước cụ thể hóa NQ 54 (Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Đội ngũ trí thức thành phố đã tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương như các mô hình kinh tế nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, mô hình đô thị thông minh. Nhiều nhà khoa học đã có các công trình nghiên cứu đạt giải cao, ở cả trong nước và quốc tế, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thành phố.
Đội ngũ trí thức thành phố là lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách và tham gia xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế thành trung tâm y tế chuyên sâu tầm cỡ quốc tế; trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, tham gia vào các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, và tập huấn, giúp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn. Từng bước xây dựng và phát triển Đại học Huế nằm trong top 300 các trường đại học hàng đầu Châu Á. Năm 2023, Đại học Huế xếp ở vị trí 348 trong bảng xếp hạng các trường đại học châu Á của QS, ở khu vực Đông Nam Á, Đại học Huế xếp thứ 61, ở Việt Nam, Đại học Huế đứng thứ 6. Xây dựng bệnh viện Trung ương Huế, cùng với Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á và tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế. Bệnh viện Trung ương Huế hiện là một trong ba bệnh viện đa khoa lớn nhất cả nước.
Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Huế có tâm thế, không gian, động lực mới để phát triển bứt phá, tiếp tục phấn đấu để đến năm 2030 trở thành trung tâm lớn, đặc sắc về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, trung tâm lớn về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao ở khu vực Đồng Nam Á. Và đến năm 2045 trở thành thành phố lễ hội, thành trung tâm lớn của Châu Á về văn hóa, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ. Bên cạnh thuận lợi là những khó khăn thách thức như hoàn thiện mô hình đô thị di sản, mô hình phát triển đô thị đặc trưng của riêng Huế, chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý nhà nước từ tỉnh sang thành phố trực thuộc trung ương với mức độ đô thị hóa cao hơn trong bối cảnh xây dựng chính quyền hai cấp, huy động nguồn lực để đẩy nhanh quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I trong điều kiện xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ trọng tâm là phát triển kinh tế đô thị, đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển kinh tế của địa phương.
Theo thống kê, lực lượng trí thức khoa học công nghệ của thành phố hiện khoảng 15 ngàn người, có mặt hầu hết trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ các cương vị chủ chốt của hệ thống chính trị, quản lý nhà nước, các ngành kinh tế, kỹ thuật, khoa học công nghệ và khoa học xã hội nhân văn.
Để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức thành phố theo tinh thần NQ 45 nhằm thực hiện thắng lợi NQ 54 của Bộ Chính trị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, những nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức theo tinh thần NQ 45, xem đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương. Đồng thời quán triệt sâu sắc tinh thần của NQ 57, xem khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực để đưa thành phố Huế trở thành đô thị di sản kiểu mẫu, nhanh chóng vươn tầm trở thành trung tâm lớn của Châu Á về văn hóa, khoa học công nghệ, y tế chuyên sâu.
Đội ngũ trí thức thành phố cần chủ động đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ tư vấn phản biện liên quan đến chương trình kế hoạch được nêu trong các NQ 54, QĐ 1754/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2050 trên tất cả các lĩnh vực:
* Đối với lĩnh vực kinh tế: Giải pháp để thực hiện NQ số: 192/2025/QH15 về đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10% cho giai đoạn 2025-2030 góp phần đưa kinh tế cả nước vượt ngưỡng thu nhập trung bình, chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế sang du lịch dịch vụ, phát triển thành phố Huế trở thành một trong những trung tâm du lịch đặc sắc của khu vực Đông Nam Á, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, kinh đô ẩm thực, kinh đô áo dài. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù cho thành phố Huế trên cơ sở kế thừa cơ chế đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Chuyển hóa hữu hiệu tài nguyên văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, con người, phát triển kinh tế tư nhân thành động lực tăng trưởng.
* Đối với lĩnh vực phát triển đô thị : Đề xuất xây dựng mô hình đô thị di sản trung tâm trên cơ sở bảo tồn toàn vẹn các yếu tố cốt lõi của không gian di sản Cố đô Huế đồng thời mở ra các hướng phát triển mới, hình thành một tập hợp các đô thị chuyên đề có khả năng liên kết và sức cạnh tranh cao, với các không gian trung tâm có tính chất quy tụ, đa chiều, hướng biển, lấy vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Sông Hương làm trục cảnh quan chủ đạo để phát triển. Đề xuất phát triển mô hình đô thị thông minh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp phát triển hạ tầng kết nối, nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng.
* Đối với lĩnh vực xã hội: Đề xuất xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế gắn với việc hình thành và phát triển thương hiệu đô thị di sản. Đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Huế thành trung tâm y tế chuyên sâu tầm cỡ quốc tế, là hệ sinh thái y tế bao\ gồm hệ thông trường Đại học, bệnh viện, các trung tâm y học hiện đại. Đề xuất các nhiệm vụ tư vấn triển khai có hiệu quả NQ57, xây dựng thành phố Huế thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, hình thành được các đơn vị khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới.
- Đội ngũ trí thức đi đầu trong các hoạt động truyền bá kiến thức, tri thức khoa học công nghệ, nhất là thúc đẩy phòng trào “ học tập số”, phổ cập, nâng cao kiến thức khoa học, công nghệ, kiến thức số trong cán bộ, công chức và Nhân dân, nâng số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm.
Trong bối cảnh thành phố vừa chuyển sang mô hình quản lý hành chính là thành phố trực thuộc trung ương, đồng thời thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, đòi hỏi đội ngũ trí thức thành phố cần tiếp tục mạnh dạn đồng hành cùng các cấp chính quyền kịp thời phát hiện và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn ngay từ cơ sở đảm bảo việc vận hành thành công mô hình chính quyền mới.
Bên cạnh sự quyết tâm và nỗ lực của đội ngũ trí thức trong việc phát huy vai trò và trách nhiệm đóng góp xây dựng thành phố nhằm thực hiện thắng lợi NQ 54, rất cần sự quan tâm hỗ trợ và đồng hành của cấp ủy Đảng và Chính quyền thành phố, nhất là trong việc tạo ra cơ chế giúp cho các nhà khoa học nắm bắt được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển của thành phố, được tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, quá trình giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật thông qua việc giao nhiệm vụ hoặc với tư cách chuyên gia tư vấn, phản biện./.