Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 19/01/2006 15:06 (GMT+7)

Vụ tranh chấp giữa Trịnh Tùng và Trịnh Cối

Tuấn Đức hầu Trịnh Cối là con trưởng Thượng tướng Thái quốc công Trịnh Kiểm và Chính phi Lại Thị Ngọc Vi (em gái Thái sư Dương quốc công Lại Thế Vinh) (1), là cháu ngoại họ Lại, nhưng cũng là rể của họ Lại, kết duyên với Lại Thị Ngọc Nho, con gái Thái tể Cẩn Lễ công Lại Thế Khanh.

Khi Trịnh Kiểm mất ngày 18 tháng 2 năm Canh Ngọ [1570], vua Lê Anh Tông trao quyền cho Trịnh Cối để lo việc đánh dẹp quân Mạc. Trịnh Cối là người “dũng cảm mưu lược, hết sức tiễu trừ đảng Mạc”(2). “Nhưng có em là Trịnh Tùng, con thứ của Trịnh Kiểm với Nguyễn Thị Ngọc Bảo [Con gái Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim], có ý muốn cướp quyền anh, bèn cùng với bọn Lê Cập Đệ, Trịnh Bách rước vua về đồn Vạn Lại, rồi chia quân ra chống với Trịnh Cối… Trịnh Tùng tranh quyền của anh, nối nghiệp Trịnh Kiểm, đánh phá nhà Mạc, lấy lại đất Đông Đô, lập ra nghiệp chúa Trịnh, nhưng vẫn tôn nhà Lê(3).

Nhưng qua phả họ Lại ở Quang Lãng Tống Sơn, Thanh Hoá năm Cảnh Hưng thứ nhất Canh Thân (1740) thì âm mưu của Trịnh Tùng trong việc này được ghi rõ như sau:

“Quân Mạc thừa lúc sơ hở thâm nhập cửa biển Trường Môn, huyện Thuần Lộc, đi thẳng tới xã Duy Tinh, thuỷ bộ phối hợp cùng tiến, binh mã rất đông. Thế tử Trịnh Cối tiến quân đến đầu xã Duy Tinh, chặn đánh quân Mạc. Trước thế giặc mạnh, báo về Yên Trường cho Trịnh Tùng mang quân cứu viện. Không ngờ Trịnh Tùng kết bè với quần thần, mưu cướp quyền anh đã rõ. Nhiều lần thư từ đi lại cũng không tiếp viện. Quân ta thế cô, quân giặc ngày càng đông, Trịnh Cối bất đắc dĩ đưa tin nếu không cứu sớm sẽ phải đầu hàng. Sau đó kéo quân về Biện Thượng đồn trú, lại báo về Yên Trường lần nữa. Trịnh Tùng vẫn điềm nhiên không cứu. Trịnh Cối chống giữ với quân Mạc, cuối cùng bất đắc dĩ phải lui quân về Yên Trường. Trịnh Tùng đóng chặt cửa không cho vào thành. Trịnh Cối chỉ còn cách đem quân chạy sang phía Mạc. Quần thần hùa nhau đưa Trịnh Tùng lên nắm quyền. Trong đó các tướng của họ Nguyễn (ủng hộ Ngọc Bảo) rất đông, âm mưu càng rõ. Duy có Chính phi Lại Thị Ngọc Vi vẫn kiên trì lòng trung trinh mà giữ vững khí tiết. Vì a đảng không nghe mới đến nỗi này” (4).

Sử sách nói về việc Trịnh Cối hàng Mạc rất nhiều, nhưng không nêu rõ nguyên nhân. Về việc này, Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỉ tục biênviết như sau:

“Ngày mồng 2 tháng 4 năm Canh Ngọ [1570], Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ, Văn Phong hầu Trịnh Vĩnh Thiệu, Vệ Dương hầu Trịnh Bách cùng với bọn Lương quận công, Phổ quận công và Lai quận công Phan Công Tích đang đêm đem các con em và binh lính đến chỗ Phúc Lương hầu Trịnh Tùng, bàn định kế sách, ép Tùng (?!) (Tôi nhấn mạnh, sau cũng thế. LCN) phải cử sự. Tùng bất đắc dĩ (?!) cùng với Cập Đệ, Vĩnh Thiệu thu quân và voi đang đêm chạy về thành tại Yên Trường. Hôm sau đến dinh Kim Thành ép Nghĩa quận công Đặng Huấn cùng đi, đến cửa khuyết vào bái yết vua. Bọn Tùng khóc nói rằng: “Anh thần là Cối say đắm tửu sắc, mất lòng mọi người, sớm muộn thế nào cũng sinh loạn, lại ngày đêm mưu đoạt binh tượng và ấn báu của thần (?!), nên bọn thần phải nửa đêm trốn vào cửa khuyết, đau xót báo tin, xin thánh thượng thương tình thu nạp!”. Vua nói: “Khi Thượng phụ còn sống không đến nỗi thế, làm thế nào bây giờ?”. Phúc Lương hầu cùng bọn Cập Đệ, Vĩnh Thiệu, Trịnh Bách mật tâu vua dời hành tại vào trong cửa ải Vạn Lại, chia quân chiếm giữ cửa luỹ đề phòng quân bên ngoài. Hôm sau, Trịnh Cối tự mình đốc suất bọn Phúc quận công Lại Thế Mỹ, An quận công Lại Thế Khanh, Lâm quận công Nguyễn Sư Doãn, Thạch quận công Vương Trân, Vị quận công Lê Khắc Thận, Dương quận công Nguyễn Hữu Liêu, Hùng Trà hầu Phạm Văn Khoái, Hoành quận công (không rõ tên), và hơn một vạn quân, đuổi đến ngoài cửa quan, đóng đinh ở đấy. Cối đóng quân vài ngày, các tướng ở trong cửa ải cũng đóng cửa giữ không ra. Hai bên sai người đưa thư qua lại, bên này nói xấu bên kia, lời lẽ rất ngạo mạn.

“Ngày mồng 7, vua sai sứ ra chiêu dụ các tướng ở ngoài cửa quan, bảo họ giảng hoà. Bòn Lại Thế Khanh nói: “Không ngờ ngày nay bọn chúng ta thành ra ở dưới người khác” bèn không chịu hoà, nói là đem quân đánh vào cửa khuyết, rồi bày chiến trận. Lại Thế Mĩ vung giáo trỏ vào cửa quan: “Bao giờ bắt được người ở trong cửa quan thì việc mới hoà được”. Vua biết ý không hoà giải được bèn sai các tướng đốc quân chống lại suốt ngày đêm không nghỉ. Cối thấy đánh mãi không được, trong lòng ngần ngại, tự lui về Biện Dinh, họp các tướng tá sở thuộc và nói: “Trong cửa quan có quân, ngoài cõi có giặc, ta ở quãng giữa, nếu có tai biến khẩn cấp thì khó mà chống được”. Bèn hạ lệnh chia quân chiếm giữ các chỗ xung yếu: Vũ Sư Thước thì giữ các cửa biển Linh Trường, Hội Triều; Lại Thế Khanh thì giữ cửa biển Chi Long, Thần Phù; Nguyễn Sư Doãn thì giữ các cửa biển Du Xuyên, Ngọc Giáp, đề phòng quân Mạc vào đánh; bọn Lại Thế Mĩ, Lê Khắc Thận, Nguyễn Hữu Liêu, Phạm Khoái thì sửa soạn binh voi, thuyền bè, khí giới, ngày đêm đóng đồn ven bờ sông đề phòng các tướng trong cửa quan xông ra đánh. Lại sai Nguyên quận công Nguyễn Bá Quỳnh trấn thủ Nghệ An để vỗ về yên dân vùng ấy.

“Tháng 8, người châu Bố Chính là Lập quận công thấy Thái Vương mất, anh em Trịnh Cối bất hoà, Thanh Hoa rối loạn, mới đem con em đầu hàng họ Mạc.

“Ngày 16 tháng 8 năm ấy, họ Mạc sai Kính Điển đốc suất các thân vương và tướng tá đem hơn 10 vạn quân, 700 chiến thuyền chia làm nhiều mũi đánh cướp Thanh Hoa… Trịnh Cối tự liệu chống không nổi, thế quân ngày càng cô lập, bàn đem theo bọn Lại Thế Mĩ, Vũ Sư Doãn, Trương Quốc Hoa và vợ con đón hàng họ Mạc. Kính Điển tiếp nhận phong cho Cối chức Trung Lương hầu, lấy Lại Thế Mĩ làm Khánh quận công, Nguyễn Sư Doãn làm Lí quận công, Vương Trân làm Sơn quận công, sai các tướng này dẫn quân bản bộ tiến trước.

“Ngày 20, vua sắc phong Trịnh Tùng làm Trưởng quận công, tiết chế các lính thuỷ bộ, cầm quân đánh giặc.

“Tháng 12, bọn Mạc Kính Điển thấy đánh mãi không được… bèn hạ lệnh nhổ trại mà về. Bấy giờ Trịnh Cối và mẹ là Thái Vương phu nhân cùng vợ con và bọn Lại Thế Mĩ, Trương Quốc Hoa, đã trót đầu hàng họ Mạc, không dám trở về nữa, bèn đem con em trai gái hơn 1.000 người ra biển theo Kính Điển về Kinh Sư đến lạy chào họ Mạc” (5)

“Tháng 8 năm Đinh Sửu [1577], quân Mạc tiến đánh Đồng Cổ, Hà Đô, Hội Thượng, đến cửa luỹ Khoái Lạc (đều thuộc huyện Yên Định), quân Mạc thua to, Khánh quận công Lại Thế Mĩ tử trận.

“Ngày mồng 9 tháng 4 năm Giáp Thân [1584], Trịnh Cối mất ở bên Mạc, được phong là Trung Lương hầu, sau được thăng là Trung quận công. Linh cữu được giao cho vợ con đem về chôn. Trịnh Tùng sai người đón tiếp linh cữu quàn bên núi Quân Yên, huyện Yên Định cúng tế, lại dâng biểu tâu vua xin tha tội, tặng Thái phó Trung quận công và cho các con để tang” (6).

Sự việc diễn biến về cơ bản là như thế, trong đó có một số cần nhận định và đánh giá cho đúng. Thực ra, thái độ của Trịnh Tùng đối với anh sau khi mất cũng là cách sửa sai một phần nào đối với Trịnh Cối vậy.

Trịnh Cối nắm quyền được 6 tháng từ tháng 2 đến tháng 8 năm Canh Ngọ [1570] bị em là Trịnh Tùng bày mưu hãm hại, phải chạy sang phía Mạc.

Sau khi cướp quyền anh, Trịnh Tùng tiếp tục thâu tóm quyền lực về tay mình, kể cả việc giết vua, giết con cũng không từ nếu thấy có âm mưu chống lại mình.

Sau hơn 10 năm mở các cuộc tấn công ra Bắc, Trịnh Tùng đã đánh thắng được nhà Mạc, khôi phục được cố đô Thăng Long vào năm Nhâm Thìn [1592].

Năm Ất Mùi [1595], Trịnh Tùng sau khi đón vua vào Thăng Long bắt đầu tổ chức bộ máy cai trị theo quy mô của bậc đế vương. Trịnh Tùng sai sứ sang nhà Minh xin sắc phong cho vua Lê làm An Nam Đô thống sứ và buộc vua Lê phong cho mình là Đô nguyên suý Tổng quân quốc chính thượng phụ, tước Bình An Vương.

Trịnh Tùng lập phủ liêu riêng gồm đủ lục phiên tương đương với lục bộ của triều vua. Phủ chúa có toàn quyền đặt quan chức, thu thuế, bắt lính… Vua chỉ có mặt trong dịp long trọng đặc biệt như tiếp sứ Tàu mà thôi. Con chúa Trịnh được quyền thế tập gọi là Thế tử. Từ đây bắt đầu thời kỳ “Vua Lê Chúa Trịnh”.

Chỉ riêng mấy sự kiện trên đây cũng đủ chứng tỏ Trịnh Tùng ngoài việc mưu hại anh trai để cướp quyền, ông ta đã hoàn toàn lấn át vua để thu tóm hầu hết quyền lực vào tay mình. Lúc đó nhà Lê đã suy đồi, họ Trịnh thực chất cầm quyền trị vì đất nước, nhà Mạc là một triều đại tiến bộ, đang lên. Trước tình hình ấy, nhiều người chạy sang phía Mạc, đó cũng là điều có thể hiểu được.

Bằng một vài nét, tiến sĩ Đặng Xuân Bảng đã đánh giá chính xác con người và sự nghiệp của Trịnh Tùng như sau:

“Tùng khéo phủ dụ binh sĩ, dùng binh như thần, kinh dinh 20 năm, dẹp bọn tiếm phản, khôi phục nhà vua, công lao đứng đầu thiên hạ, uy vọng hiển hách. Nhưng giết vua, giết anh không việc gì mà không làm. Tùng là công thần nhà Lê, nhưng cũng là tội thần của nhà Lê” (7).

Ngày nay sử sách bắt đầu đánh giá lại công lao của nhà Mạc, cho nên cái gọi là “Trịnh Cối hàng Mạc” cũng phải làm cho sáng tỏ. Phả họ Lại ở Quang Lãng đã góp phần vào việc bổ sung cho chính sử.

___________________________

1. Theo Tống Sơn Quang Lãng Lại gia phả kíthì Trịnh Cối là con của chính phi Lại Thị Ngọc Vi, không phải do phi tần người xã Long Phúc (nay là xã Phong Phú) huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh sinh ra, như chú thích của Hoa Bằng trong Lịch triều tạp kỉ, Ngô Cao Lãng (Hoa Bằng dịch), NXB KHXH, Hà Nội, 1995, tr. 567.

2. Lê Quý dật sử, Bùi Dương Lịch, NXB KHXH, Hà Nội, 1987, tr. 19 – 20.

3. Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Tân Việt, 1954, tr. 275 – 277.

4. Theo Tống Sơn Quang Lãng Lại gia phả ký(chữ Hán).

5 . Đại Việt sử kí - Bản kỉ tục biên, q. 16, tờ 25b – 33b.

6. Đại Việt sử kí - Bản kỉ tục biên, q. 17, tờ 7b – 13b.

7. Việt sử cương mục tiết yếu, Đặng Xuân Bảng (Hoàng Văn Lân dịch chú), NXB KHXH, Hà Nội, 2000, tr. 450.

Nguồn: Xưa và Nay, số 217, tháng 8 – 2004

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Công nghệ mới trong xử lý chất thải góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngày 3/7, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo người sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
"Sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử
Sáng 30/6, Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập tỉnh, thành phố cùng các quyết định của Trung ương Đảng thành lập đảng bộ tỉnh và nhân sự lãnh đạo địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh và có bài phát biểu với nhân dân Thành phố, đồng thời gửi gắm thông điệp tới nhân dân cả nước.
Phối hợp thúc đẩy giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật
Vừa qua, Viện Tài chính vi mô và Phát triển cộng đồng (MACDI) - tổ chức trực thuộc VUSTA - đã có buổi làm việc và ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và Liên hiệp hội tỉnh nhằm triển khai Dự án “Thúc đẩy giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại An Giang, Bắc Ninh và Hòa Bình với sự tham gia của nhóm hỗ trợ trẻ hòa nhập”.
Công bố giải thưởng Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ XI
Sáng ngày 30/6, Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức Công bố các quyết định khen thưởng và trao thưởng Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ XI (2024 – 2025). Tham dự có các thành viên trong Ban Tổ chức Hội thi; các tác giả, nhóm tác giả của 23 giải pháp, đề tài đạt giải tại Hội thi lần này.
Đoàn công tác VUSTA làm việc với CDC tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng/chống HIV/AIDS
Chiều ngày 27/6, Đoàn công tác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (CDC) nhằm đánh giá tiến độ, kết quả triển khai các hoạt động trong khuôn khổ dự án Quỹ toàn cầu - VUSTA về phòng, chống HIV/AIDS.
Thanh Hóa: Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và phát động Giải thưởng Sáng tạo KHCN năm 2025
Ngày 27/6/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa (Liên hiệp hội) tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng lần thứ 4 nhiệm kỳ 2024 - 2029 về sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2025, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và phát động tham gia Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2025 (Giải thưởng).
An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.