Về một chữ trong câu ca dao xưa
“ Hỡi cô cắt cỏ bên sông,
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây
Sang đây, anh bấm cổ thay,
Anh hỏi câu này: có lấy anh không?” (1)
Trong cuốn Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan, Nhà xuất bản Văn học, năm 2003, trang 311 cũng có bài ca dao tương tự:
“ Hỡi cô cắt cỏ bên sông,
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây,
Sang đây anh nắm cổ tay,
Anh hỏi câu này: có lấy anh không?” (2)
Lời tỏ tình của chàng trai thật lém lỉnh và cũng thật bạo dạn. Hơn nữa anh còn dùng “nhãn” như một thứ “mồi nhử” để làm quen, để mởi mọc. Nội dung của bài ca dao không có gì khó hiểu, nhưng chữ “lồng” trong câu thứ hai vẫn gây một sự băn khoăn. Nếu tác giả dân gian dùng chữ “lồng” trong câu này phù hợp với chữ “nhãn” như là tách hai chữ “nhãn lồng” ra theo kiểu chơi chữ thì không ổn. Bởi ý định của chàng trai là muốn cô gái “sang sông”, muốn làm quen chứ không phải là nói chuyện “nhãn lồng”.
Tác giả dân gian có đủ vốn từ ngữ cũng như hình ảnh sự vật để vận dụng trong các tình huống kiểu thế này, nên không có chuyện dùng chữ cho có vần. Chỉ có thể nói là “vượt” sông, “bơi” sang sông, “lội” sông chứ chưa thấy ai nói “lồng” sang sông bao giờ.
Lại nói về từ ngữ địa phương quê tôi (3). Trong các trò vui ngày còn niên thiếu, lũ trẻ làng tôi thích trò thi bơi qua sông nhưng chúng tôi không nói là “ bơi” mà thường nói là “ bồng” sang sông. Nay đọc câu ca dao này chợt thấy có sự gần gũi nhau trong âm điệu. Phải chăng những người sưu tầm văn học dân gian đã ghi sai chữ “bồng” thành chữ “lồng” nên mới có một câu ca dao khó hiểu như vậy. Không biết câu ca dao kia có phải xuất xứ ở quê tôi không, nhưng tôi thấy nếu nó được viết là “bồng” thì nghe vẫn có lí hơn:
“ Hỡi cô cắt cỏ bên sông,
Có muốn ăn nhãn thì bồng sang đây”.
Nếu thay từ “nhãn” bằng từ chỉ những loại quả khác, vẫn đảm bảo được ý nghĩa câu ca dao. Ví dụ:
Hỡi cô cắt cỏ bên sông,
Có muốn ăn bưởithì bồng sang đây.
Hoặc là:
Hỡi cô cắt cỏ bên sông,
Có muốn ăn ổithì bồng sang đây.
Việc tìm hiểu nội dung ý nghĩa của những bài ca dao là một việc lí thú và không bao giờ kết thúc. Để đạt cách hiểu về một chữ trong một câu ca dao về tình yêu, người viết bài này chỉ mong tìm đến một sự hiểu đúng đắn nhất. Sẽ còn rất nhiều những tìm tòi thú vị khi chúng ta quan tâm đến kho tàng vô tận của văn học dân gian. Bởi, như những dòng sông đang cuộn chảy, lời ăn tiếng nói của nhân dân lao động vẫn ngày được sáng tạo, kết tinh thành những viên ngọc ngôn từ.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Tấn Long - Phan Canh (1998) - Thi ca bình dân Việt Nam - toà lâu đài văn hoá dân tộc, Nxb. Hội Nhà văn.
2. Vũ Ngọc Phan (2003) - Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam , Nxb. Văn học.
3. Làng Xuân Châu - xã Yên Thịnh - huyện Yên Định - tỉnh Thanh Hoá.