Từ bốn chữ “Chính Đại Quang Minh” của Vua Minh Mạng...
Vua Minh Mạng (1820-1840) thường lấy 4 chữ “Chính Đại Quang Minh” làm tôn chỉ cho việc vận hành bộ máy nhà nước dưới thời ông. Người phụ tá giúp cho nhà vua đặt ra những điển lễ đúng đắn có giá trị lâu dài là nhà Nho người miền Bắc Phan Huy Thực (1778-1844).
Ông Thực là con của tiến sĩ Phan Huy Ích, anh ruột của nhà bác học Phan Huy Chú. Tuổi thanh niên ông Thực sống ẩn dật ở Thụy Khuê, dạy học trò cho qua ngày để có nhiều thời gian đọc sách. Biết Thực là người có tài nên các vua đầu triều Nguyễn đã vời ông ra giúp nước.
Lúc đầu ông Thực được cử vào Hàn Lâm Viện (1813), rồi làm Phó đoàn đi sứ Trung Quốc (1817). Đi sứ về ông được giao chức Thiêm sai bộ Lễ rồi lần hồi lên đến chức Thượng thư bộ Lễ. Phan Huy Thực là một trong những trí thức miền Bắc được vua Minh Mạng tin dùng nhất. Ngoài công việc của bộ Lễ, nhiều lần Phan Huy Thực còn được vua Minh Mạng giao kiêm nhiệm vụ phụ trách luôn Hàn Lâm viện, Khâm Thiên Giám (cơ quan xem Thiên văn, làm lịch, coi ngày tốt xấu), Thái Thường tự (lo việc lễ nghi trong tôn miếu), Quang Lộc tự (xem cổ bàn, đồ cúng, thức ăn của vua), đặc biệt là được giao làm Tổng tài biên soạn bộ Thực Lục (1834).
Phan Huy Thực đã giúp cho triều Nguyễn thời Minh Mạng chỉnh lý, biên soạn nhiều công trình về thiên văn, lịch pháp, giáo dục, âm nhạc, lịch sử, điển lễ có ảnh hưởng cho đến ngày nay. Vua Minh Mạng đã từng ban Dụ khen Phan Huy Thực rằng:
“Quốc gia điển lễ phi Phan Huy Thực bất khả”
(Điển lễ quốc gia nếu không có Phan Huy Thực thì không thể được).
Để trị nước tốt, cần việc gì vua Minh Mạng cũng hỏi Phan Huy Thực. Thế mà khi cấp dưới của Phan Huy Thực thiếu trách nhiệm, vua Minh Mạng vẫn xử lý rất nghiêm khắc đối với Phan.
Sách Đại Nam thực lục, tập XVIII, có ghi lại ý kiến của vua Minh Mạng xử lý kỷ luật đối với Phan Huy Thực như sau:
“ Phan Huy Thực chịu ơn dày nặng, làm đến Thượng khanh, đáng phải ngày đêm kính cẩn, giữ hết chức phận, thế mà đồ thờ nhà tôn-miếu bị bọn thủ hạ đánh tráo, Huy Thực dường như không nghe biết gì. Điển lễ là việc long trọng, không ví như việc sai lầm tầm thường khác được. Vậy phải cất chức ngay và đợi xét.”
Vua Minh Mạng (1820-1840) thường lấy 4 chữ “Chính Đại Quang Minh” làm tôn chỉ cho việc vận hành bộ máy nhà nước dưới thời ông - Ảnh: TL
Chỉ một cái lỗi “đồ thờ nhà tôn - miếu bị bọn thủ hạ đánh tráo“ mà ông Thượng thư bộ Lễ Phan Huy Thực bị mất chức và bị đưa ra đình thần xét tội. Theo qui định của triều Nguyễn việc giữ “đồ thờ nhà tôn - miếu“ là trách nhiệm của Thái Thường Tự chứ không phải của bộ Lễ. Nhưng ông Thượng thư bộ Lễ - Phan Huy Thực bị qui trách nhiệm bởi vì ông Phan đã được vua Minh Mạng tin dùng bắt kiêm luôn chức Thái Thường Tự là cơ quan lo việc lễ nghi trong tôn miếu. Cái lỗi của chức kiêm (nhỏ) đã làm hại đến cái chức chính (lớn). Phan Huy Thực là người làm ra điển lễ cho triều Nguyễn và oái oăm thay, ông đã bị chính cái điển lễ ấy xử mình.
Vua Minh Mạng biết phạt Phan Huy Thực như thế là quá nặng, một ông Thượng thư lo việc giáo dục, ngoại giao, tế lễ cho cả một quốc gia làm sao có điều kiện để có thể biết được cụ thể đồ thờ ở Tôn miếu như thế nào, nhưng nhà vua vẫn phải qui trách nhiệm và phạt Phan Huy Thực để làm gương trong việc thi hành kỷ cương phép nước.
Với mục đích đề cao trách nhiệm của mỗi thành viên trong bộ máy nhà nước, có công, dù nhỏ vẫn được thưởng, sai phạm, thiếu trách nhiệm dù giữ chức thượng khanh cũng bị phạt ngay. Tất cả những thưởng phạt ấy đều phải ghi vào hành trạng của mỗi người. Sau khi chết, Phan Huy Thực được triều đình thờ ở đền Hiền Lương - nơi thờ phụng những người tài giỏi đã có công lớn với nhà Nguyễn, thế nhưng khi viết về tiểu truyện của Phan Huy Thực, các sử thần triều Nguyễn - tác giả sách Đại Nam Liệt Truyện (nhị tập) vẫn ghi:” Năm (Minh Mạng) thứ 18, vì phát ra việc án làm đồ thờ bằng vàng giả, phải tội mất chức.”
Chuyện quan lại triều Nguyễn thiếu trách nhiệm bị cách chức, bị phạt bổng, bị tù đày hoặc bị xử tử được ghi chép rất nhiều trong các bộ sử chính của triều Nguyễn. Trường hợp Phan Huy Thực bị cách hết chức tước được nêu trên chỉ là một trường hợp điển hình mà thôi.
Trách nhiệm của người làm việc nước thì thời nào cũng vậy. Cho nên đọc lại chuyện xưa của chính dân tộc mình để tìm thuốc chữa cho cái bệnh thiếu trách nhiệm của cán bộ thuộc nhiều cấp chính quyền của ta hiện nay không phải là chuyện không cần thiết.