Thực phẩm biến đổi gen - Tiềm năng và triển vọng
"Công nghệ gen là chìa khóa vàng để phát triển các lĩnh vực của Công nghệ sinh học (CNSH)" ( GS-TSKH Đái Duy Ban). Ngay từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước hàng loạt các dược phẩm như insulin hormon sinh trưởng người đã được thương mại hóa nhờ việc sử dụng vi sinh vật chuyển gen. Hiện nay trên 20% dược phẩm được sản xuất ra là nhờ kỹ thuật gen vi sinh vật, sau đó các nhà khoa học đã tìm các phương pháp chuyển gen một cách hiệu quả vào nhiều loài động, thực vật. Gọi là sinh vật chuyển gen (GMO). Nhờ công nghệ gen đã ra đời cuộc cách mạng xanh trọng nông nghiệp hiện đại: Tạo được giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt theo ý muốn. Theo đơn đặt hàng của người sản xuất. Công nghệ gen còn tạo ra những kết quả kỳ diệu và thực dụng như khoai tây không bị sùng hoặc úng thối, rau xanh có thể tươi tốt lâu hơn. Người ta cũng tạọ được cây ngô kháng bệnh sâu sớm, giống lúa giàu dinh dưỡng kháng bệnh chịụ đất chua mặn, cây trồng chứa nhiều protein, giàu lisin, metionin, tryp-tophan. Công nghệ gen đang và sẽ là một tác nhân tích cực trong việc hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học trong trồng trọt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ổn định cân bằng hệ sinh thái; đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho dân số toàn cầu. Một nhiệm vụ mang tính sống còn trong thế kỷ 21 đối với nhiều quốc gia đang phát triển. Dân số toàn cầu trên 6 tỷ người, trong đó gần 1 tỷ người thường xuyên thiếu lương thực thực phẩm, gần 1,5 tỷ người thụ nhập thấp (dưới 1 đô la Mỹ/ngày). Nếu sự tăng dân số bùng nổ ( năm 2020 khoảng 9 tỷ và năm 2050 khoảng 12 tỷ người), diễn ra chủ yếu ở các nước đang phát triển thì an ninh lương thực thật đáng lo ngại. Sự phát triển công nghiệp hóa? đô thị hóa cũng đang làm cho sản xuất lương thực giảm đi. Với thách thức này đòi hỏi nền nông nghiệp phải sản xuất nhiều lương thực, thực phẩm hơn mới đáp ứng nhu cầu của con người. Cây trồng biến đổi gen là một trong những giải pháp tích cực nhằm đảm bảo an ninh lương thực và an toàn thực phẩm cho toàn nhân loại trong thời gian tới. Vì lẽ đó mà các nước đang phát triển đã nhanh chóng tiếp thu, hưởng ứng việc áp dụng sinh vật biến đổi gen nói chung và cây trồng biến đổi gen nói riêng trong nông nghiệp.
Trong những năm gần đây, CNSH đó phát triển rộng rãi mang lại những đóng góp đáng kể cho nhân loại. Từ năm 1996 - 2004 tổng diện tích cây trồng biến đổi gen trên toàn cầu là trên 385 triệu ha được trồng ở 21 quốc gia, trải khắp 6 châu lục Bắc Mỹ, Mỹ La tinh, Châu Á, Châu Đại Dương, Châu Âu, Châu Phi, đứng đầu là các nước Hoa Kỳ, Argentina, Canađa, Braxin, Trung Quốc. Tính từ năm 1996 - 2005 diện tích đất canh tác cây trồng biến đổi gen trên toàn cầu đã tăng lên liên tục tới hơn 50 lần, năm 1996 mới có 1,7 triệu ha, đến nay đã có 950 triệu ha, với hàng tỷ tấn sản phẩm được tiêu thụ. Sự bùng nổ đó do ưu điểm khả năng tăng năng suất từ 5% - 40%; từ năm 1996 - 2004 đã tăng 24 tỉ USD, giảm được 172.000 tấn thuốc trừ sâu, tăng khả năng bảo vệ đa dạng sinh học. Do những ưu điểm đó nên dự kiến trong năm 2010 diện tích trồng cây chuyển gen sẽ đạt đến 150 triệu ha. Vì những lợi ích cơ bản lâu dài của sinh vật chuyển gen trong nông nghiệp, CN thực phẩm, dược phẩm, bảo vệ môi trường, kinh tế, thương mại cần được khẳng định.
Tuy nhiên, bất kì một sáng tạo, một thành tựu công nghệ nào cũng tiềm ẩn những mặt trái, chứa đựng nguy cơ bất lợi đối với thực phẩm biến đổi gen, người ta nghi ngờ như dị ứng, làm nhờn kháng sinh, có thể tạo ra độc tố gây độc lâu dài cho cơ thể. Điều này không chỉ ở thực phẩm biến đổi gen mà ngay cả thực phẩm truyền thống ta đang dùng có thể gây dị ứng với cơ địa của một số người. Ngay cả dược phẩm tuy chữa được bệnh nhưng cũng tồn tại những yếu tố gây hại. Thực phẩm biến đổi gen có thể ẩn chứa những nguy cơ gây hại đến sức khoẻ cũng là dễ hiểu. Vấn đề là xem xét thận trọng ước tính nguy cơ từng trường hợp cụ thể để có biện pháp khắc phục và loại bỏ.
Công nghệ biến đổi gen với vị trí một khoa học đỉnh cao trong CNSH, mỗi quốc gia đều phân đấu chiếm lĩnh nó, trong đó có Việt Nam nhằm đích tìm hiểu, khám phá, làm chủ để đem những mặt có ích phục vụ đời sống nhân dân, đồng thời phát hiện, ngăn chặn, khắc phục những mặt có hại cho cuộc sống. Ngay từ năm 1994 Chính phủ đã có nghị định về CNSH, và tháng 3-2005 Ban Bí thư TƯ Đảng đã ra chỉ thị về phát triển NC, ứng dụng CNSH, trong đó có KHCN biến đổi gen.
Năm 2001 Chính phủ đâu tư 3 đề tài dự án NC sinh vật biến đổi gen, liên quan đến nhiều cây trồng như lúa, bắp cải, ngô, đu đủ, cây hoa. Một số phòng thí nghiệm được Nhà nước đầu tư trang thiết bị hiện đại để triển khai các kĩ thuật hiện đại CN gen thực vật như Viện CNSH, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện sinh học Nhiệt đới. Nhiều phương pháp đã được áp dụng trên hành loạt cây trồng đạt kết quả cao. Tuy nhiên những thành công mới chỉ đạt mức quy mô thí nghiệm hoặc thực nghiệm, một số viện NC mở rộng các thực nghiệm để có thể triển khai sản xuất. Mặt khác, hội nhập kinh tế toàn cầu sẽ du nhập thực phẩm biến đổi gen ở quy mô khác nhau, nên việc xây dựng và tăng cường năng lực CNSH và an toàn sinh học sẽ là cơ sở định hướng công tác quản lý .
Trước vấn đề bức xúc của việc quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, sản phẩm, hàng hóa, có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen theo quyết định số 212/2005/ QĐ-TTg ngày 26-8-2005. Quy chế ban hành nhằm điều chỉnh các hoạt động nghiên cứu KH, phát triển CN và khảo nghiệm; sản xuất, kinh doanh, sử dụng; nhập khẩu, xuất khẩu, lưu giữ vận chuyển; đánh giá quản lý rủi ro và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với các sinh vật biến đổi gen, sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen. Nội dung Quy chế xác định những vần đề cơ bản như xây dựng ban hành chiến lược, cơ chế, chính sách, kế hoạch, văn bản quy phạm; phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu; thẩm định, đăng ký khảo nghiệm, sản xuât kinh doanh; đào tạo tuyên truyền giáo dục; thanh tra, kiểm tra; hợp tác quốc tế. Đó là cơ sở pháp lý cần thiết, đồng thời tiếp thu những kinh nghiệm, sáng kiến của quốc tế, do vậy có đầy đủ khả năng và điều kiện để thiết lập một hệ thống các nguyên tắc quy chế, và bước đi thích hợp để quản lí an toàn sinh học đối với vật thể biến đổi gen, sản phẩm hàng hoá có nguồn gốc từ sinh học biến đổi gen, đồng thời NC và phát triển CN sinh học và sản phẩm CN sinh học có giá trị lớn để thực hiện CNH - HĐH đất nước.