Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 17/11/2009 05:33 (GMT+7)

Thư của đại biểu Nguyễn gửi toàn quyền Đông Dương

Cho đến nay, theo các sách, báo và các công trình nghiên cứu đã xuất bản và công bố ở trong nước và ngoài nước, tác phẩm đầu tiên mà Người viết là Bản yêu sách các dân tộc Việt Namgửi Hội nghị hoà bình ở Véc - xay (Pháp) năm 1919, ký tên là Nguyễn Ái Quốc. Rất có thể đây chưa phải là tác phẩm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi như chúng ta đã biết, vào những năm từ 1906 đến 1910, khi theo cha vào Huế, Quy Nhơn để tiếp tục con đường học vấn, Người càng thấy rõ hơn những nỗi thống khổ của dân để cùng với cha ngày càng hun đúc thêm ý chí phản kháng chế độ thực dân tàn bạo. Người tham gia vào các hoạt động xã hội, trong đó có các cuộc biểu tình chống thuế lúc đó đang nổi lên rất sôi sục ở miền Trung. Đặc biệt ở thời kỳ Người là thầy giáo của trường Dục Thanh (Phan Thiết), những bài giảng của mình cho học trò, chúng ta tin rằng chắc không thể thiếu sự khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh quật cường của dân tộc. Theo chúng tôi, nhiều khả năng bài viết đầu tiên của Người xuất hiện ở thời gian trên.

Vừa qua, chúng tôi đã tìm thấy một văn bản và một số tài liệu lưu trữ (TLLT) có liên quan làm chúng tôi lưu ý đến và đặt câu hỏi liệu đây có phải là văn bản do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết hay không? Hay là của cụ Nguyễn Sinh Sắc? Đó là bức thư có tiêu đề “Đại biểu Nguyễn của quốc dân Đại ViệtNamđế quốc gửi thư tới Toàn quyền đại thần chính phủ Pháp Mi - xia - bing - lia - xian (phiên âm theo văn bản trên- tác giả). Năm Kỷ Dậu tháng 2 ngày mồng 1 soi xét”. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bức thư trên và một số TLLT có liên quan với mong muốn được các nhà sử học, các nhà nghiên cứu cho ý kiến đóng góp.

Công văn bằng tiếng Pháp, số 167, Phòng 4, Ban Tham mưu quân đội Pháp ở Đông Dương ngày 11 - 3 - 1909
Công văn bằng tiếng Pháp, số 167, Phòng 4, Ban Tham mưu quân đội Pháp ở Đông Dương ngày 11 - 3 - 1909
Bức thư và một số TLLT có liên quan trên nằm trong hồ sơ số 55337 thuộc phông Phủ Thống sứ Bắc kỳ, ký hiệu F68 (Dossier No. 55337, fonds de la Résidence supéri eure do Tokin, series F68) vớitiêu đề Các tài liệu phản loạn.Dịch các bức thư được ký tên Nguyễn gửi Toàn quyền và chỉ huy quân đội – 1909(Documént séditieux. Traduction des lettres signées de Nguyễn adresées au Gouvereur général et au Chef de bataillon commandant de I’armée militaire, 1909). Hồ sơ này có 9 tờ, trong đó có:

- Bức thư “Đại biểu Nguyễn của quốc dân Đại ViệtNamđế quốc gửi tới toàn quyền đại thần Chính phủ Pháp Ma-xia-binh-lia-xian soi xét”. Bức thư này được viết bằng chữ Hán, mực đen, trên hai mặt, giấy thường, khổ 30 x 48cm. Đầu và cuối bức thư đều có dấu triện màu đỏ với hai từ “Đại biểu” bằng chữ Việt và chữ Hán. Tình trạng của bức thư còn tốt, chữ Hán còn rõ mực đen, dấu triện còn rõ màu đỏ và vẫn còn những vết gấp, dấu hiệu của việc bức thư được gấp và để trong phong bì.

- Một chiếc phong bì được làm cẩn thận bằng giấy thường như bức thư trên, khổ 12 x 15cm. Mặt trước phong bì có hai dòng chữ Hán “Toàn quyền Đại thần nhân các hạ bẩm nạp” (tạm dịch: Gửi Toàn quyền Đại thần) và “Phụng thư Hà Nội” (tạm dịch: Tỉnh Hà Nội nhận thư này). Mặt trước của phong bì có dấu tròn màu đen vưói các chữ và số “Bắc kỳ, 8 - 3,TONKIN”. Mặt sau của phong bì cũng có dấu tròn, màu đen với các chữ và số “HANOI, 8 - 3TONKIN” (xem bảng sao chụp một phần bức thư và phong bì).

- Công văn (có đóng dấu Mật, tiếng Pháp: Confindentiel) bằng tiếng Pháp. Số 167 của Phòng 5, Ban Tham mưu quân đội Pháp ở Đông Dương ngày 11 - 3 - 1909 do Trung tá Puyperoux, Trưởng Ban Tham mưu gửi ông Thống sứ Bắc kỳ về việc gửi một bức thư bằng chữ Hán. Nội dung công văn có đoạn: “Xin gửi ông để thông báo, một bức thư bằng chữ Hán gửi Chỉ huy quân đội ở Hà Nội. Bản dịch bức thư này chỉ là tương đối. Tướng chỉ huy tối cao không có bức thư khác….”. Bên lề Công văn này có các dòng chữ viết bằng bút chì màu tím “Khẩn, tiếng Pháp: Urgent. Phòng 2 (Đề nghị xem lại bản dịch và gửi lại cho Văn phòng)”.

- Phiếu chuyển số 56, ngày 11 - 3 - 1909 của Văn phòng phủ Toàn quyền Đông Dương gửi ông Thống sứ Bắc kỳ với nội dung “Gửi bức thư của một người tên là Nguyễn Đại biểu cho ông Toàn quyền, chuyển cho Cơ quan tình báo để điều tra”/ Phiếu chuyển này cũng có chữ viết tay “Mật - chuyển Phòng 2 để điều tra”.

Trong hồ sơ này có hai bản dịch bức thư “Đại biểu Nguyễn gửi…” ra tiếng Pháp, một bản viết tay, một bản được đánh máy.

Chúng tôi đã cố gắng tra tìm để có thêm thông tin có liên quan đến hồ sơ trên, nhưng vẫn chưa thấy do TLLT không còn đầy đủ, đặc biệt là các TLLT của Sở Mật thám Bắc Kỳ và Sở Mật thám Đông Dương giai đoạn những năm đầu thế kỷ XX.

Đại biểu Nguyễn của quốc dân Đại ViệtNamđế quốc gửi thư tới Toàn quyền đại thần chính phủ Pháp Mi-xia-bing-lia-xia soi xét.

Bởi nghe việc rửa nhục phục thù là chân cốt của con người do trời đất sinh ra, cũng như từ khi cương thổ độc lập thì xưa nay nghĩa thông thường là có nước vậy. Xem ra nước Việt tôi chỉ là nước bán khai (khai sáng được một nửa. Chú giải của Lê Huy Tuấn - Nguyễn Thu Hoài. LHT - NTH) mà Pháp - Lan - Tây (nước Pháp, LHT - NTH) thì xưa đã tự xưng là nước văn minh, mà phàm đã nói là nước văn minh thì phải đạo đức vậy. Đạo đức là “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (cái mà mình không muốn chớ có thi hành với người. LHT - NTH), mình không muốn mất nước thì cũng chớ làm mất nước người, đừng lấy lớn mà bắt nạt nhỏ, lấy mạnh mà đè yếu. Duy việc bang giao phải lấy chữ tín, vịêc khai trí phải sáng lòng dân, phong tục phải sửa đổi, đạo người phải đối đãi, muốn nhân quần tiến hoá phải du nhập văn minh. Như vậy thì tôi vốn đã muốn mọi thứ đề huề, lấy việc yên ổn mà lợi ích đều chung. Nhưng nay chính phủ Pháp bên ngoài thì văn minh nhưng tâm địa thì dã man. Xem từ khi lấy được đất Tây Cống (Sài Gòn. LHT - NTH) của nước tôi thì tự ý bội ước, tàn sát nhân dân tôi, cướp bóc tài sản, nguỵ danh Bảo hộ để ngầm thi hành chính sách thực dân. Mới đầu thì đuổi vua nước tôi là Hàm Nghi, lại đầu độc giết vua tôi là Đồng Khánh, tiếp đến giáng vua tôi là Thành Thái, lại phát mại các cung nhân, quật huỷ cung điện, cầm tù, giết các chánh sĩ, nghiêm cấm sách vở. Năm ngoái, dân Trung kỳ đã không may mà bị giết chóc. Mùa xuân năm nay, đất Bắc kỳ cũng không có tội gì mà bị kìm kẹp, lừa phỉnh. Vua giận, cha con, anh em nước tôi không thể không đau đầu, cay mũi, khóc không thành tiếng, có mồm không được nói, có chân không được đi, thấy người ta bị bức đến thảm khốc mà không thể làm gì. Đến nỗi Ngọc Hoàng trên trời cũng phải rơi lệ, biển cũng phải trào sóng, mặt trời không sáng được, các nước khác cũng thở than. Nếu ai kia thực muốn đánh phạt nước tôi, vào nhà tôi, giết người của tôi, cướp tài sản của tôi, ăn hiếp vợ tôi thì thế giới gọi là hành động của bọn giặc cướp. Văn minh có như vậy sao! Độc ác như sài lang, ác tâm vô nhân đạo, oán thù thâm sâu như nước lửa. Hỏi ai trả lời tôi, kẻ thù ở đâu? Ô hô! Dân ViệtNamtôi, dân Việt nam tôi cũng là con người do trời sinh ra. Á Đông rộng lớn, một dân tộc mà trời há nhẫn tâm để cho người Pháp nuốt sống, tàn ngược như vậy sao? Dân tôi há chịu ngồi để bọn chúng táo tợn như vậy sao? Người Pháp những kẻ nghịch tặc của trời, đối địch của nhân loại là kẻ thù lớn của nước ViệtNamvậy.Namphụ lão ấu nước tôi nằm gai nếm mật để phục quốc cũng là để lấy lại tự do mà trời đã cho, lợi quyền mà các đời để lại. Đó mới là đạo trời, là lẽ phải, là khí khái, là bổn phận của tôi cũng như lờihứa chung của hàng vạn nước khác, thử hỏi nước Pháp sao lại không có nước phục thù? Chính phủ Pháp đến nay đã phản vua tôi, phản nhân sĩ nước tôi, phản tự do quyền lợi của dân tôi. Theo đó, việc giao ước năm Tự Đức thứ 27 đã lấy ngọc bạch để tương giao, lấy tôi làm Đông đạo chủ thì hoạ còn có thể ngăn được. Nhưng từ khi đốt bỏ giao tín thì việc khó mà giám sát được nữa. Còn trước đây, việc xét công, chọn bổ, xử phạt vẫn vinh dự dựa vào Người Pháp đấy thôi, há đâu phải nguyên cớ do người Việt tôi. Nếu có ý nghịch đạo, bội lý thì tôi sẽ phụng mệnh dân nước tôi làm cuộc chiến tranh lấy trăm người Nam đổi một người Pháp để cầu độc lập, dù có đổ máu cũng không thể không làm. Dẫu có ném nghìn vạn ức đầu lâu dân nước tôi cũng không từ. Tiếp đây mà 20 - 30 năm nữa, con cháu tôi để thoát ách nô lệ của người Pháp thì chỉ có bài ngoại, bài ngoại, ngọn lửa tự do nguyện báo thù, báo thù. Làn sóng độc lập dậy như biển tất lòng người có thể đoán được, quyền uy của súng pháo cũng sao khuất phục được? Tôi nhờ vậy mà không sợ thôi. Chính phủ Pháp và Toàn quyền đại thần gắng mà suy nghĩ cốt để không mất danh dự kẻo khi hối hận thì đã muộn.

Năm Kỷ Dậu tháng 2 mồng 1.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Liên hiệp Hội Việt Nam là điểm tựa tin cậy của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ
Trong chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia..
Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.
Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.