Theo thiên văn: nàng Kiều đi trốn lúc nào?
“…Những là lạ nước lạ non,
Lâm Trung vừa một tháng tròn tới nơi…”
Kiều bị Tú Bà đày đọa:
“…Dạy rằng con lạy mẹ đây,
Lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia”
Rồi:
“…Bảo rằng đi dạo lấy người,
Đem về rước khách kiếm lời mà ăn”
Buộc nàng Kiều phải:
“…Thôi thì thôi có tiếc gì
Sẵn dao tay áo tức thì giở ra…”
Và:
“…Nàng thì bằn bặt giấc tiên,
Mụ thì cầm cập mặt nhìn hồn bay ”
Thế rồi một âm mưu nham hiểm hơn, Sở Khanh dụ nàng Kiều đi trốn, Sở Khanh viết cho nàng Kiều một bức thư:
“…Mở xem một bức tiên mai,
Rành rành tích Việt có hai chữ đề
Lấy trong ý tứ mà suy
Ngày hai mươi mốt tuất thì phải chăng…”
Hai chữ “ tích Việt”do năm chữ “ Trấp nhất nhật tuất tẩuhợp thành, nghĩa là ngày 21 giờ Tuất chạy trốn. Giờ Tuất là từ 7 giờ đến 9 giờ tối. Đi trốn mà định đi vào giờ chập tối kể cũng hơi sớm. Tiếp đó, cụ Nguyễn Du viết:
“…Chim hôm thoi thót về rừng
Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành,
Tường đông lay động bóng cành
Rẽ song, đã thấy Sở Khanh lẻn vào…”
Đoàn này tả cảnh chập tối, chim muông về tổ. Trăng hạ huyền bắt đầu mọc, nhìn thấy chênh chếch qua mấy đóa trà mi. Nhưng ta biết rằng thời xưa nước ta và Trung Quốc dùng âm lịch, giờ trăng đã đặt thành bài:
“…Mươi tám nám trấu,
Mười chín dụn dịn,
Hai mươi tuất rốt
Hai mốt nửa đêm…”
Vậy ngày 21 giờ tuất làm gì đã có trăng. Người đầu tiên nêu lên sự vô lý này là học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Ông Vân Hạc Lê Văn Hòe trong tuần báo “Đời mới”số 27 ngày 11 tháng 10 năm 1952 có nhắc lại và chua thêm: “Hay là trăng ở vùng Lâm Trung mọc không đúng giờ giấc như ở Việt Nam”. Ông Hòe nói như vậy là sai. Ngày nay, mọi người đi lại trên thế giới đều biết rằng: Khi đi về phía Đông 15 độ kinh phải vặn đồng hồ lùi lại một giờ, khi đi về phía Tây 15 độ phải vặn lên một giờ. Đoàn thuyền thám hiểm Phecnan Magellan từ Tây Ban Nha đi về phía Tây, lần đầu tiên đi vòng quanh trái đất từ năm 1519 đến 1521, theo nhật ký thì về đến nhà là ngày thứ 7, nhưng khi cập bến thì mọi người đang đi đến nhà thờ, tức là ngày chủ nhật. Vì thế nên ngày nay người ta quy ước lấy kinh tuyến 180 0làm tuyến đối ngày. Khi đi qua tuyến đối ngày, đi về phía Tây phải cộng thêm một ngày, đi về phía Đông phải trừ bớt một ngày.
Như vậy, giờ Tý hay nửa đêm mỗi nơi mỗi khác, giờ Tý ở Lâm Trung (thuộc huyện Quảng Nhiên tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc) khác với giờ Tý ở Việt Nam . Nhưng các địa phương ở các kinh tuyến khác nhau trong một múi giờ, ở nước ta các địa phương có kinh độ 97,5 0đến 112,5 0đều dùng chung một giờ, chính Ngọ là giữa trưa thì chỉ có những nơi có kinh độ 105 0mặt trời mới ở đúng trên kinh tuyến trời (đứng bóng nhất). Vậy bất cứ nơi nào trên trái đất, ngày 21 hàng tháng (âm lịch) trăng mọc giờ Tý cũng là nửa đêm ở nơi ấy.
Nếu muốn nói cụ Nguyễn Du viết là đúng thì chúng ta có thể đổ lỗi cho Sở Khanh hẹn giai nhân giờ Tuất mà mãi đến giờ Tý mới thấy mặt, một người thất tín như Sở Khanh thì lỡ hẹn ba giờ đồng hồ cũng chẳng làm cho chúng ta ngạc nhiên.
Muốn đổ lỗi cho Sở Khanh phải giải thích mấy câu Kiều tả cảnh ở trên như sau: Trời đã ngả về chiều, chim hôm về tổ, đêm đã khuya, trăng hạ huyền lấp ló sau nhánh trà mi. Hiểu như thế lại rất phù hợp với đoạn sau. Sở Khanh trò chuyện với Kiều lâu lắm cũng chỉ một giờ sau đó:
“…Cùng nhau lẻn bước xuống lầu.
Song song ngựa trước, ngựa sau một đoàn…”
Nếu Sở Khanh đến vào giờ Tuất thì đi trốn vào giờ Hợi nghĩa là khoảng sau 9 giờ. Sở Khanh quất ngựa truy phong thế mà gần sáng:
“…Tiếng gà xao xác gáy mau,
Tiếng người đâu đã mái sau dậy dàng,
Nàng càng thổn thức gan vàng
Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào!”
Như vậy họ đã đi được khoảng bảy tám giờ đồng hồ nghĩa là cũng được một quãng đường khá xa. Thế mà:
“…Tú Bà tốc thẳng tới nơi
Hằm hằm áp điệu một hơi lại nhà…”
Dù câu này có cắt nghĩa rằng: Tú Bà đuổi theo bắt được Kiều rồi chẳng nói năng gì dẫn thẳng về nhà, cũng khó mà hình dung quãng đường về nhà lại có thể xa tới bảy, tám tiếng đồng hồ. Vả chăng đây chỉ là một độc kế của Tú Bà, cho Sở Khanh ba mươi lạng bạc để bày trò đi trốn rồi bắt lại, nên cũng chẳng cần đợi đi thật xa rồi mới bắt.
Vậy chúng ta có thể hiểu rằng: Sở Khanh đến vào giờ trăng vừa lên, Kiều đã đi trốn vào khoảng một giờ sáng và bị bắt trở lại vào khoảng mờ sáng. Nếu đúng như vậy có lẽ phải đổi lại một chữ trong câu Kiều:
“…Tường đông lay động bóng cành,
Rẽ song, đàthấy Sở Khanh lẻn vào…”
Chữ đã đọc ra chữ đà để liên tưởng đến việc Sở Khanh đến muộn và cũng giúp chúng ta đỡ thắc mắc, chẳng lẽ một thiên tài uyên bác như Tố Như tiên sinh lại sơ suất một chút về thiên văn khi đặt bút viết một câu tả cảnh:
“…Chênh chếnh bóng nguyệt xế cành…”./.