Thêm một cách hiểu về hai câu thơ của Quang Dũng
Hai câu thơ là:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục trên súng mũ bỏ quên đời!
trích từ đoạn mở đầu bài Tây Tiến của Quang Dũng, một bài thơ rất nổi tiếng, rất đặc sắc và tiêu biểu cho hồn thơ của người lính – thi sĩ tài hoa xứ Đoài. Bài thơ này được đưa vào chương trình Văn lớp 12 nên khá quen thuộc với học sinh phổ thông. Đã có rất nhiều bài bình giảng của các nhà giáo và cả của học sinh phân tích rất hay và sâu sắc về mặt nội dung và nghệ thuật của thi phẩm này. Bên cạnh bình giải thống nhất thể hiện trong hầu hết các sách giáo khoa, sách tham khảo, sách hướng dẫn ôn thi cũng như trong bài làm của học sinh giỏi văn... vẫn tồn tại một cách cảm nhận khác, một cách hiểu thứ hai mà chúng tôi xin đề cập trong bài viết này.
1. Điểm lại cách hiểu thứ nhất
Cách hiểu phổ biến cho rằng nha thơ muốn nói đến cái chết của người chiến sĩ miền Tâytrên đường hành quân lên vùng biên giới xa xôi của Tổ quốc. Có thể nói đây là cách hiểu “chính thống” trong nhà trường lâu nay.
Bình giảng hai câu thơ này, các tác giả cho rằng Quang Dũng đã sử dụng lối nối vòng (périphirase), nhà thơ tránh dùng từ chết, lìa trầnhay hi sinhmà chỉ nói “không bước nữa”, “gục lên súng mũ”, “bỏ quên đời”... Đây cũng là thủ pháp nói giảm, làm nhẹ đi tổn thất đau thương, phù hợp với âm hưởng hào hùng, bi tráng của cả bài thơ. Trên đường ra chiến trường, người lính Tây Tiến đã lường trước thực tế gian lao khắc nghiệt, nhưng vẫn tự nguyện dấn thân, dám đối đầu với những thử thách nghiệt ngã, khốc liệt sẵn sàng chấp nhận cả cái chết luôn rình rập đe doạ. Vượt núi rừng trùng điệp hoang vu hiểm trở, băng qua mưa ngàn suối lũ, chịu bao gian khổ đói rét, bệnh tật không thuốc chữa, nhưng vẫn quyết giữ vững khí phách quả cảm, can trường của người lính miền Tây. Quá mệt mỏi vì kiệt sức, có chiến sĩ lặng lẽ gục trên súng mũ ngủ thiếp đi, “bỏ quên đời”, rất nhẹ nhàng thanh thản đi vào cõi bất tử chứ không phải là chết. Nhiều ý kiến bình luận rằng tư thế hi sinh của người chiến sĩ Tây Tiến vẫn là tư thế đi lên cùng đồng đội. Nhà thơ khắc hoạ được hình ảnh đậm chất bi hùng, câu thơ không rơi vào bi luỵ.
2. Trái lại, cách hiểu thứ haicho rằng hai câu thơ đang bàn không phải nói về cái chết của người lình mà đơn giản phác hoạ hình ảnh người lính quá mệt mỏi thiếp đi trong giấc ngủ chớp nhoáng, tranh thủ khoảnh khắc ngừng nghỉ giữ chặng đường hành quân xuyên rừng. Cách hiểu này tuy mới chỉ là của thiểu số, nhưng không phải vô căn cứ, nếu chưa nói là có lí hơn. Chúng tôi rất đồng tình và chia sẻ với nội dung bài viết của ông Trần Bảo Giốc (đăng trên báo Văn nghệsố 21-2002). Theo chúng tôi, cách cảm nhận thứ hai dựa trên ba luận cứ sau:
a. Căn cứ vào bố cục của thi phẩm: tuy tác giả sáng tác theo cảm hứng lãng mạn, theo dòng hoài niệm tự do, nhưng bài thơ tự nó định hình thành 4 đoạn sau: 1. Dựng lên bức tranh hùng vĩ dữ dội và tráng lệ của núi rừng Tây Bắc, đường hành quân cực kì gian lao vất vả của chiến sĩ Tây Tiến (hai câu thơ trích dẫn nằm ở phần này); 2. Hồi tưởng lại giờ phút chung vui trong những đêm liên hoan lửa trại tưng bừng và thơ mộng cùng đồng bào Tây Bắc; 3. Cảm thương về sự hi sinh mất mát, và cái chết của các chiến binh miền Tây (tập trung trong 4 câu ở khổ thơ áp cuối); 4. Nỗi nhớ khôn nguôi về vùng rừng núi một thời chinh chiến.
Như vậy, xét theo bố cục của thi phẩm, khó có thể nghĩ nhà thơ lại xen vào nói tới cái chết ngay ở phần mở đầu khi dựng bức tranh núi rừng Tây Bắc.
b. Căn cứ vào giọng điệu, thần thái của câu thơ: ở khổ thơ áp cuối (gồm 2 câu: Rải rác biên cương mồ viễn xứ... Sông Mã gầm lên khúc độc hành), khi nói tới cái chết của người chiến sĩ, để tạo cho câu thơ dáng dấp cổ điển, trang trọng, phảng phất phong vị Đường thi, Quang Dũng đã dùng rất đắc địa thủ pháp khơi gợi và cách nói ước lệ với nhiều từ Hán Việt ( đoàn binh, biên cương, mồ viễn xứ, áo bào, khúc độc hành...) vốn dĩ ngữ nghĩa thấp thoáng, không cụ thể, lại giàu âm hưởng có tác dụng làm giảm bớt màu sắc ảm đạm, bi thương. Khổ thơ mang khí vị lãng mạn, là tiếng ca bi tráng, tuy nói tới đau buồn tổn thất mà người đọc vẫn cảm nhận được vẻ đẹp kiêu hùng. Câu thơ chiến trường đi chẳng tiếc đời xanhgợi hình ảnh người tráng sĩ ra đi vì nghĩa lớn, coi nhẹ cái chết, áo bào thay chiếu anh về đất: trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, người lính nằm lại, khi khâm liệm không có đến cả mảnh chiếu che thân, nhưng dưới ngòi bút của Quang Dũng hình ảnh người chiến binh Tây Tiến về với đất mẹ vẫn trang nghiêm sang trọng ( áo bào thay chiếu...) và lẫm liệt oai hùng ( Sông Mã gầm lên khúc độc hành). Tác giả đã thành công trong nghệ thuật biến cái bi thành cái hùng.
Trái lại, hai câu thơ trích ở phần mở đầu ( Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục trên súng mũ bỏ quên đời!) lại không cùng chung âm hưởng và tráng khí ấy mà mang cốt cách hoàn toàn khác. Ở đây bút pháp của tác giả thiên về tả thực, không thi vị hoá, không sử dụng cách nói ước lệ. Lời thơ vang lên nôm na bình dị lại ẩn dấu một vẻ tinh nghịch đùa vui. Nhà thơ gọi đồng đội là “ anh bạn” nghe vừa thân tình vừa hóm hỉnh, gọi giấc ngủ thiếp đi là “ bỏ quên đời” nghĩa là “bất cần đời”, “phớt đời” như lối nói vui tếu, thoáng chút ngang tàng của các chàng Vệ quốc trẻ trung gốc Hà Nội ấy (họ được gọi là Vệ tếu). Cái tếu, rất “lính” ấy ta từng bắt gặp ở hình ảnh ngộ nghĩnh “súng ngửi trời” trong câu thơ đứng trước. Căn cứ vào giọng thơ khác biệt, đối lập giữa hai đoạn thơ, ta có cơ sở để kết luận: hai câu thơ đang xét không nói về cái chết mà nói về phút chợp mắt thoáng chốc của chàng lính Tây Tiến trên đường hành quân, có thể trong những giây phút giải lao ngắn ngủi, mà cũng có thể vì quá mệt mỏi và buồn ngủ - tranh thủ dòng người đang chuyển động đều đều - chàng ta đánh liều ngồi thụp xuống cạnh đường, gục đầu lên súng mũ thiếp đi “chớp nhoáng”.
c. Luận cứ thứ ba dựa trên kinh nghiệm thực tế. Ai chưa trải qua những chuỗi đêm trắng hành quân vượt núi xuyên rừng liên miên, chắc chắn sẽ khó hình dung cảnh người lính đang bền bỉ cất bước dẻo dai trên đường mòn nhấp nhô gồ ghề, bỗng có thể chợp mắt tức khắc khi đằng trước truyền xuống lệnh tạm nghỉ. Đoàn quân “mỏi” cứ đi, cứ bám theo bóng người đeo ba lô đằng trước, nhưng khi có tiếng hô khẽ “nghỉ” lính ta lập tức ngồi thụp xuống rìa đường, người ngả lưng tựa vào ba lô, người gục vào đầu gối chợp mắt ngay lập tức. Nếu nghe nói cán bộ đi hội ý thì càng “yên chí lớn” tranh thủ làm một giấc “đẫy”. Có khi cả đội hình hành quân nối dài chìm trong giấc ngủ. Trong cuốn Nhật kí Vũ Xuân(NXB Quân đội nhân dân 2005) liệt sĩ Vũ Xuân có ghi lại chi tiết này: “Hình như lệnh mình phát ra chưa hết đã có cậu ngáy to hơn tiếng nói của mình” (tr. 22). Có người còn ‘tranh thủ” vừa đi vừa ngủ lơ mơ.
Tóm lại, dựa trên những chiêm nghiệm thực tế, chúng ta có thể “giải mã” hình ảnh anh lính Tây Tiến “gục trên súng mũ bỏ quên đời” là anh tranh thủ ngồi chợp mắt giây lát chứ không phải là anh lìa đời.
Dĩ nhiên, vẫn có người kiên trì cách hiểu “truyền thống” nhưng tán thành lời đề nghị của ông Trần Bảo Giốc, chúng tôi mong rằng từ nay khi giảng bài thơ Tây Tiến, các thầy cô nên chấp nhận thêm cách hiểu thứ hai nếu có học sinh nêu ra. Có lẽ khách quan hơn, xin các thầy, cô giới thiệu cả hai cách hiểu, để mở rộng chân trời cảm thụ và liên tưởng cho học sinh, làm cho giờ giảng văn thêm hứng thú.
Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, số 3 (125), 2006