Những thẻ bài này là vật dụng đặc biệt, dùng để ghi công hay để phân biệt danh tính, phẩm hàm, địa vị, chức phận của các hạng quý tộc, quan binh thời Nguyễn. Theo khảo cứu của Đặng Ngọc Oánh trong bài Les distintions honorifiques annamites (B.A.V.H. No.4/1915) và của L. Sogny trong bài Les plaquettes des dignitaires et des mandarins à la Cour d’Annam (B.A.V.H. No.3/1926), thẻ bài gồm 2 loại: Một loại là những huân chương, huy chương để tưởng thưởng công trạng hay huy chương danh dự của triều đình ban tặng cho các bậc vương công, đại thần, binh sĩ và cả những người nước ngoài phụng sự cho triều Nguyễn. Loại kia là những “phục trang” đặc biệt để phân biệt địa vị, phẩm hàm của những hạng người khác nhau trong xã hội. Ngoài ra, còn có những chiếc thẻ bài có giá trị như giấy thông hành, dùng để ra vào nơi cung cấm, hay được dùng như giấy uỷ nhiệm của quan lại cấp trên giao việc cho thuộc hạ. Từ năm Minh Mạng thứ 15 (1834), có thêm một loại thẻ bài khác, dùng để treo lên những cây thông ở đàn Nam Giao. Trước dịp lễ Tế Giao năm Giáp Ngọ (1834), nhà vua thân hành đến Trai Cung trong khuôn viên đàn Nam Giao, tự tay trồng 10 cây thông, rồi cho khắc thẻ bài bằng đồng để ghi nhớ sự kiện ấy. Noi theo việc này, từ đó về sau, các quan viên từ hàm Tứ phẩm trở lên, hàng năm đều phải lên đàn Nam Giao, tự tay trồng mỗi người một cây thông và cho khắc bài đồng hay bài đá để ghi nhớ danh tính, chức vụ, phẩm hàm của người trồng và ngày tháng trồng cây thông ấy. 60 năm sau ngày nhà Nguyễn cáo chung, phần lớn kim bài, kinh khánh, ngọc khánh… của triều Nguyễn đã trở thành cổ vật trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân ở nước ngoài. Giới khảo cứu và dân chơi cổ ngoạn trong nước hiếm khi có dịp tận mắt chiêm ngưỡng những trân bảo ấy, may mắn lắm cũng chỉ nhìn thấy hình dáng “của hiếm” trong những catalogue in ấn ở ngoại quốc (những kim bài, ngọc bội, ngọc khánh trong các ảnh trước đây, trích từ catalogue The traditional awards of Annam của John Sylvester Jr. và Adrè Husken, Hamburg 2001).
Bảo tàng MTCĐ Huế còn lưu giữ 400 chiếc thẻ bài làm bằng các chất liệu: đồng, đá, ngà, sừng, gỗ… Tuy giá trị kinh tế của những chiếc thẻ bài này không cao, nhưng chúng hàm chứa bao điều thú vị về lịch sử, văn hoá và mỹ thuật của một thời đại đã qua xứng đáng hiện diện trong sưu tập của những người đam mê cổ ngoạn. Cổ vật tinh hoa xin trân trọng giới thiệu một số thẻ bài trong sưu tập thẻ bài thời Nguyễn của Bảo tàng MTCĐ Huế.
Nguồn: Cổ vật tinh hoa, số 12, tháng 5/2005, tr 22, 23