Thần làng và việc sao lục thần tích
Sau đó là một số văn bản được biên soạn vào thời Lê sơ, như bản Thần tích Hùng vương do Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Cố soạn năm Hồng Đức 1 (1470), thần tích về Cao Sơn đại vương do Lê Tung soạn vào năm Hồng Thuận 2 (1510)…Tuy nhiên, tuyệt đại đa số các thần tích đều được ghi là do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và Quản giám Bách Thần Nguyễn Hiền phụng sao năm Vĩnh Hựu 3 (1736).
Trong các văn bản này, thì thần tích có lai lịch là thần tự nhiên khá phổ biến, thường gắn bó với các cổ tích, như thần Đá, thần Nước, thần Mưa, thần Sấm, thần Cây (Cây Trôi), thần Gò Đống… Đó là biểu hiện của tín ngưỡng vật linh có từ lòng xã hội nguyên thuỷ. Một dạng khác là nhân thần có nguồn gốc từ thiên thần và nhân thần là anh hùng dân tộc hoặc có công, có liên hệ với dân làng.
Phần lớn vùng đất cổ đều thờ thần liên quan đến tự nhiên và nhân thần có nguồn gốc từ tự nhiên, như cả vùng đất Ba Vì tỉnh Hà Tây và vùng lân cận đều thờ thần Tản Viên, cả vùng chi nhánh sông Hồng thuộc các địa phương từ Vĩnh Phúc đến Bắc Ninh đều thờ thần Tam Giang…Mặt khác không ít di tích thờ thần tự nhiên thường được các đời sau thờ thêm các nhân thần khác, nên có di tích thờ đến mấy lớp thần khác nhau.
Hiện nay, có khá nhiều văn bản thần tích đều được ghi là do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn vào niên hiệu Hồng Phúc.Tuy nhiên, chưa có cơ sở nào xác nhận điều đó, bởi niên hiệu Hồng Phúc chỉ có 2 năm (1572-1573) và thuộc về triều Lê khi còn đang lưu bạt ở Thanh Hoá. Điều chắc chắn là hàng loạt thần tích đã được sao chép bởi Quản giám bách thần Nguyễn Hiền trong những năm đầu thế kỷ XVIII mà hiện có khá nhiều bia thần tích do Nguyễn Hiền sao chép được dựng vào những năm giữa thế kỷ XVIII. Điều này hoàn toàn phù hợp với ghi chép của Lê Quý Đôn: “Tháng tư năm Ất Mùi (1715) niên hiệu Vĩnh Thịnh, triều đình lệnh cho quan hai ty các xứ có thần từ tối linh thì sai dân khai sổ, trình bày đủ chứng tích mà nộp đúng kỳ, để quan duyệt và định thứ loại phong sắc” ( Kiến văn tiểu lục, NXB.KHXH, H, 1977, 435).
Kể từ đó, viêc kê khai sự tích thần được làm thường xuyên ở các địa phương. Và đương nhiên, sau khi có văn bản thần tích do Nguyễn Hiền sao lục, thì việc kê khai thần làng hẳn đã dựa vào khuôn mẫu này. Vì thế, đa phần văn bản thần tích ở vùng đồng bằng Bắc Bộ đều có chung một khuôn mẫu, và khắp nơi đều có sự tích thần làng. Chẳng vậy mà năm 1739 bộ Lễ phải tiến hành một cuộc tổng đối chiếu các bản tiểu sử đó.
Một mốc sao lục thần tích quan trọng nữa là vào năm Gia Long 8 (1809), năm vua Nguyễn tập trung thành hoàng trong cả nước về kinh đô, dựng miếu Đô Thành Hoàng. Sau đó, vào năm 1810, triều đình sai các quan địa phương cho tìm sự tích công thần, rồi đến năm 1814 xem xét sắc phong thần, vị nào có công đức với dân thì phong. Kết quả là hàng loạt vị thần được ban sắc phong và điển tự thờ cúng. Lại nữa, còn có những sự tích thần bị cố ý lập lờ cốt để được sắc phong của triều đình. Xin trích một đoạn sau chép trong sách Bạch Liên khảo ký(Khảo cứu về làng Bạch Liên, bản dịch từ nguyên bản chữ Hán) của làng Bạch Liên hay làng Cót tức làng Yên Quyết xã Yên Hoà quận Cầu Giấy, ở Hà Nội như sau:
“Ở làng ta không biết đời trước chất phác quê kệch đến thế nào mà cứ cố chấp, vẫn ôm giữ sự thờ cúng ở đó. Kể ra theo lễ trong việc thờ cúng chỉ thờ những bậc có công lao với nước, có ơn đức với dân, trừ được tai vạ lớn, chống được hoạn nạn to hay là những thần núi cao sông lớn và thần đất (Hậu Thổ) cùng với những người trung, hiếu, tiết, nghĩa, trinh liệt, có khí phách anh linh, có tinh thần trung chính. Còn những loài yêu tinh, quỷ quái dâm tà, có hại cho người sống sao ta lại mê hoặc theo cái tục cổ sùng thượng quỷ thần ma đổ lộn thờ nhàm? Nếu việc bảo vệ thờ cúng này đã từ lâu đời chắc vì Mộc Tinh có công đức ngấm ngầm phù hộ. Nhưng bản chức chính mắt đã thấy những năm Canh Thìn (1820), Tân Tị (1821), Đinh Hợi (1827) và Mậu Tí (1828) ở làng ta có dịch lạ, chết đến 500 người, dân làng làm lễ tế mà không được một linh ứng gì cả! Có lẽ câu người xưa “thờ thần gỗ chỉ phí lợn bò, dẫu có cầu đảo cũng chẳng linh ứng gì”, chính là thế chăng? Hơn nữa, khoảng niên hiệu Gia Long (1802-1819) chức dịch làng ta lên Sơn Tây là trấn sở thuộc ngày trước khai sự tích về thần này, phần nhiều phải bịa đặt vào trong sự tích, mặc dầu lòng họ vẫn biết là không phải, nên đã đổi lại mà viết là “Mộc Đức quân tinh” để mong được phong sắc”.
Tuy nhiên, không phải sự tích thần nào cũng được “mông má” thêm như thế, song thực tế là đã có rất nhiều thần có thần tích và được ban sắc phong từ những năm đầu triều Nguyễn.
Trong những năm thuộc niên hiệu Tự Đức (1848-1883), có một trung tâm sao bán thần tích ở Phú Thọ mà người sao bán tự xưng là con cháu Nguyễn Hiền và tự nhận là có trong tay bản sao lục của chính Nguyễn Hiền. Vì thế, trên rất nhiều bản thần tích ghi rõ là được sao lục từ đền Hùng hay từ xã Hy Cương…
Cuối cùng là dịp sưu tập, điều tra về việc thờ cúng thành hoàng trong các làng xã do Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam thực hiện trong những năm 1937-1939. Tất cả các bản kê khai này đang được lưu trữ lại Thư viện Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội, mà danh mục của chúng được in trong Thư mục thần tích thần sắc.
Nguồn tư liệu thần tích này khá đa dạng, biểu hiện đời sống tâm linh phong phú của dân làng qua các thời đại. Nhìn chung các sự tích thần đều có cốt lõi lịch sử, đều nhằm tôn vinh lịch sử và di tích.
Hiện nay phần nhiều di tích đều bị mất thần tích và nhiều địa phương đang tìm cách để khôi phục lại. Song đã có khá nhiều chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, thậm chí làm méo mó lịch sử bởi bệnh “sính” sự tích nhân thần có công với nước. Làng Bạch Liên, xã Phương Liên, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây vốn thờ vị Cao Hiển đại vương, nhưng sau đã rước Trần Hưng Đạo về thờ. Làng Hạ Hồi cũng cùng tổng với Bạch Liên và cùng thờ Cao Hiển đại vương, nhưng vì không còn thần tích, nên gần đây đã xin một bản sao thần tích Cao Sơn đại vương để làm hồ sơ xếp hạng di tích. Trái lại ở Duyên Hà cũng cùng trong tổng và cùng thờ vị thần Cao Hiển này, và cũng được sao giúp một bản thần tích Cao Sơn đại vương giống như ở Hạ Hồi, nhưng dân làng không đồng ý mà vẫn thờ vị Cao Hiển như cũ. Quả là sự tích thần làng không dễ bị thay đổi, trừ khi xuất hiện động cơ không còn thuần tuý tín ngưỡng. Bởi vậy, ngày ngay nếu không nắm bắt và chỉ đạo kịp thời, chặt chẽ, hẳn sẽ lại có một nguy cơ nữa là làm ra một mốc mới tái tạo thần tích của thời kỳ công nghệp hoá, hiện đại hoá.
Việc phục hồi thần tích của một số di tích hiện nay còn là một nhu cầu của các địa phương muốn đề nghị Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng. Nhưng có một điều trớ trêu là trong các chỉ tiêu để xếp hạng một di tích, những người làm công việc này thường đòi hỏi là đình hay đền phải thờ một nhân vật lịch sử có công với nước. Mà giá trị của một ngôi đình hay đền không phải chỉ ở chỗ nó thờ ai, mà còn do nhiều nhân tố khác hợp thành như giá trị kiến trúc, vị trí của nó trong đời sống tâm linh của nhân dân. Vì nếu chỉ lấy những nơi thờ những người anh hùng văn hoá hay anh hùng giữ nước, thì những nơi thờ thần ăn trộm, thần gắp phân…sẽ không bao giờ được xếp hạng cả. Mà chính những nơi thờ những vị thần đó lại là dấu vết của cả một nền văn hoá tín ngưỡng lâu đời của dân tộc. Phải chăng cách xếp hạng di tích hiện nay cũng là một nguyên nhân khiến nhiều địa phương phải khổ tâm đi tìm các nhà sử học để nhờ xác nhận lại thần tích thần phả của địa phương, và nếu cần thì san nhuận lại cho phù hợp với yêu cầu hiện nay.
Tóm lại, tư liệu thần tích có vai trò quan trọng đối với việc nghiên cứu, bảo tồn và tái tạo di tích. Song cũng cần thận trọng khi sử dụng các tài liệu đó, đặc biệt là nhất thiết phải xác định rõ nguồn gốc, tính đích thực của các nguồn tư liệu.
Nguồn: Xưa và Nay số 135, tháng 3-2003.