Tác động và ảnh hưởng của phong trào Tây Sơn trong bối cảnh khu vực cuối thế kỷ XVIII
Tôi không tán thành những quan điểm coi Tây Sơn là “cách mạng Tây Sơn”,cho rằng Tây Sơn đã hoàn thành triệt để nhiệm vụ thống nhất quốc gia, nghĩ rằng nếu Quang Trung không mất sớm thì có thể thực hiện một cuộc cải cách mang tính cách mạng như ở Minh Trị duy tân ở Nhật Bản (1). Dù có những hạn chế khách quan của điều kiện lịch sử và cả một số hạn chế chủ quan của những người lãnh đạo (như Nguyễn Nhạc không muốn đưa phong trào phát triển ra Đàng Ngoài; sự chia rẽ trong nội bộ lãnh đạo Tây Sơn sau khi chiếm được Thăng Long, giải phóng Đàng Ngoài; sự bất tài và bất lực của Nguyễn Lữ trong nhiệm vụ quản lý đất Gia Định…), phong trào Tây Sơn đã đi vào lịch sử như biểu thị tập trung sức sống phi thường và bản lĩnh ngoan cường của dân tộc trong một thời kỳ đầy biến động và thử thách của đất nước, lập nên những kỳ tích oai hùng. Tất cả những thành tựu đó diễn ra trong 21 năm kể từ khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ năm 1771 cho đến lúc Quang Trung Nguyễn Huệ từ trần năm 1792. Từ khi lãnh thổ Đại Việt mở rộng vào đồng bằng sông Cửu Long thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, phong trào Tây Sơn đã dấy lên một cuộc đấu tranh rộng lớn trên quy mô cả nước gần như tương đương với lãnh thổ Việt Nam hiện đại, làm lay chuyển toàn bộ xã hội và chứng tỏ tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc của phong trào, cữu vãn đất nước khỏi hoạ phân liệt do các thế lực phong kiến trong nước gây ra và hoạ xâm lược của nước ngoài.
Bối cảnh lịch sử khu vực có quan hệ mật thiết với diễn biến và thắng lợi của Tây Sơn
Trên bán đảo Đông Dương, ba nước Đại Việt, Lạn Xạng, Chân Lạp đang ở trong tình trạng suy yếu và đứng trước nhiều mối đe doạ của nước ngoài.
Nước Đại Việt sau thời kỳ phục hưng dân tộc thành công lập nên kỷ nguyên văn minh Đại Việt thời Lý, Trần, Lê sơ, từ thế kỷ XVI bị phân liệt với những cuộc nội chiến kéo dài giữa Lê-Mạc rồi Trịnh-Nguyễn. Đất nước vẫn tiếp tục phát triển với những thành tựu khai hoang ở Đàng Trong, những bước phát triển của kinh tế hàng hoá và hưng thịnh của đô thị thế kỷ XVII, nhưng tình trạng phân liệt và nội chiến cũng gây ra không ít hậu quả nặng nề cho đời sống của nhân dân. Từ khoảng giữa thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến suy đồi, bộc lộ những mâu thuẫn xã hội gay gắt và từ đó bùng lên ngọn lửa chiến tranh nông dân mà đỉnh phát triển cao nhất là phong trào Tây Sơn.
Nước Chân Lạp sau kỷ nguyên văn minh Angkor rực rỡ, từ thế kỷ XIV bước vào thời kỳ hậu Angkor với những mâu thuẫn cung đình phức tạp và những cuộc tranh ngôi đoạt quyền triền miên, làm thế nước suy yếu, mở đường cho những cuộc can thiệp và xâm lược của nước ngoài.
Nước Lạn Xạng vươn tới giai đoạn phục hưng dưới vương triều Sulinha Vôngsa (1637-1711) vào nửa sau thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII. Nhưng sau khi vua Xulinha Vôngsa mất, chế độ quân chủ tập quyền Lạn Xạng vì thiếu cơ sở kinh tế xã hội thống nhất vững vàng nên cũng bị phân liệt làm ba tiểu quốc: Vạn Tượng (Viêng Chăn), Nam Chưởng (Luổng Phabang) và Chămpasắc. Những cuộc xung đột và tranh chấp bên trong đã tạo cơ hội cho những âm mưu và hoạt động thôn tính nước ngoài.
Như vậy là vào cuối thế kỷ XVIII, cả ba nước Đông Nam Á lục địa trên bán đảo Đông Dương đang suy yếu đều trở thành đối tượng can thiệp và bành trướng của nước ngoài.
Nhìn về lâu dài thì nguy cơ lớn nhất là nạn xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Từ thế kỷ XVI-XVII, các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp đã lập các căn cứ thương mại-quân sự tại Malacca (Mailaisia), Batavia (Jakarta, Indonesia), Đông Timor, Áo Môn, Đài Loan (Trung Quốc), một số thương cảng Ấn Độ… và từ đó mở rộng quan hệ buôn bán, từng bước thâm nhập vào các nước Đông Nam Á. Sang thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản phương Tây tiến hành can thiệp và xâm lược, lần lượt biến các nước Đông Nam Á thành thuộc địa. Nhưng cho đến cuối thế kỷ XVIII, sự bành trướng của đế chế Mãn Thanh và vương triều Xiêm là mối đe doạ trực tiếp của ba nước Đông Dương trên vùng Đông Nam Á lục địa.
Nhà Thanh thành lập năm 1644 và đến thế kỷ XVIII, nhất là dưới vương triều Càn Long tức Thanh Cao Tông (1736-1795), trở thành một đế chế phong kiến lớn mạnh bậc nhất ở phương Đông. Vua Càn Long đã từng tuyên bố về vũ công và đế chế của mình như sau : “Nước ta bờ cõi bao la, từ xưa đến nay chưa từng có. Trẫm trị vì đã được hơn năm mươi năm, bình định những xứ Y Lê, Hồi Bộ và hai đất Kim, Tuyên, mở rộng đất đai hơn hai vạn dặm, vũ công oanh liệt biết là nhường nào” (2).
Về phía Đông Nam Á, năm 1766, nhà Thanh tiến hành xâm lược Miến Điện. Cuộc chiến tranh kéo dài đến năm 1770 và cuối cùng quân Thanh thất bại phải rút. Cuối năm 1788, nhân hành động cầu cứu của Lê Chiêu Thống, nhà Thanh phát động cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt, chiếm đóng kinh thành Thăng Long.
Trong thời gian này, hai nước Chân Lạp và Lạn Xạng là nạn nhân của nhiều cuộc can thiệp và xâm lược của vương triều Xiêm. Giữa Xiêm với Miến Điện và chúa Nguyễn ở Đàng Trong cũng xảy ra những cuộc tranh chấp và xung đột gay gắt.
Dưới vương triều Ayuthaya (1350-1767), Xiêm là một nước mạnh ở Đông Nam Á lục địa và nhiều lần xâm lấn Chân Lạp, đụng độ với chúa Nguyễn trong quan hệ với vương triều Chân Lạp và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1767, trước cuộc tiến công của Miến Điện, vương triều Ayuthaya đổ và một người Hoa là Trịnh Tân (có tài liệu chép Trịnh Quốc Anh, hay Trịnh Sinh, hay Trịnh Chiêu tức Taksin) đứng ra tổ chức cuộc chiến đấu giải phóng đất nước rồi thành lập vương triều Phya Tak hay Taksin (1767-1782) đóng đô ở Thonburi. Hướng tiến công chủ yếu của vương triều Thonburi là các nước láng giềng phía đông.
Năm 1769, Taksin tiến công Chân Lạp, hai năm sau, năm 1771 lại tiến công Hà Tiên, mở rộng chiến tranh với một lực lượng quân đội đến 6 vạn người do chính Taksin chỉ huy. Một cuộc xung đột lớn đã xảy ra giữa chúa Nguyễn và vương triều Taksin. Năm 1772 quân Nguyễn đuổi quân Xiêm ra khỏi Chân Lạp và thu hồi đất Hà Tiên.
Năm 1778, Taksin lại huy động hai đạo quân thuỷ bộ tấn công Lạn Xạng. Do sự chia rẽ của ba tiểu quốc, cuộc kháng chiến của nhân dân Lào thất bại năm 1779, Lạn Xạng trở thành thuộc quốc của Xiêm.
Năm 1781, Taksin lại phát 2 vạn quân xâm lược Chân Lạp, chiếm đóng kinh thành và dựng lên một triều vua thân Xiêm.
Năm 1782, vương triều Thonburi bị lật đổ và vương triều Chakri (sử ta chép Chất Tri) thành lập, đóng đô ở Bangkok. Năm 1783, vua Xiêm đánh Hà Tiên và nhân sự cầu cứu của Nguyễn Ánh, năm 1784 huy động 5 vạn quân tiến công Gia Định.
Thắng lợi của phong trào Tây Sơn ảnh hưởng lớn đối với các nước trong khu vực
Chân Lạp là nạn nhân của sự can thiệp và xâm lấn của phong kiến Xiêm, Nguyễn, nên cuộc kháng chiến chống Xiêm của Tây Sơn đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của nhiều người dân yêu nước Chân Lạp.
Năm 1782, khi bị quân Tây Sơn đánh đuổi, Nguyễn Ánh phái Nguyễn Hữu Thụy và Trần Xuân Trạch sang cầu cứu vua Xiêm. Trên đường qua đất Chân Lạp, phái đoàn sứ giả của Nguyễn Ánh đã bị người Khmer giết chết. Sử triều Nguyễn ghi nhận hiện tượng này và cho rằng do “Chân Lạp ngầm giúp Tây Sơn”.(3).
Cuối năm 1783, nước Chân Lạp đang bị phong kiến Xiêm thống trị và bị quân Chà Và (tài liệu phương Tây ghi quân Mã Lai) cướp phá. Vua Nặc Ấn trốn sang đất Xiêm và đất nước lâm vào cảnh hỗn loạn. Quân Tây Sơn đồn trú tại Gia Định do tướng Trương Văn Đa chỉ huy, đã tiến quân sang Chân Lạp đánh đuổi quân Chà Và, quân Xiêm rồi rút về nước (4).
Giữa năm 1784, trong số 5 vạn quân Xiêm tiến sang Gia Định có 3 vạn quân bộ do Lục Côn, Sa Uyển và Chao Thuỳ Biện chỉ huy. Trong số quân bộ này có nhiều người Chân Lạp và Chao Thùy Biện là một tướng Chân Lạp thân Xiêm. Một số người Chân Lạp yêu nước chống Xiêm đã ủng hộ quân Tây Sơn mà tiêu biểu là một người Khmer được Nguyễn Huệ dùng làm sứ giả đến “giảng hoà”với tướng Xiêm để thăm dò lực lượng và dử địch vào cạm bẫy ở trận địa Rạch Gầm-Xoài Mút (5).
Trong thắng lợi của kháng chiến chống Xiêm, có sự ủng hộ của một số người Chân Lạp yêu nước chống Xiêm. Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút vang dội làm cho vua Xiêm “sợ Tây Sơn như sợ cọp”và chấn động sang cả Chân Lạp.
Đầu năm 1789, quân Tây Sơn do Quang Trung Nguyễn Huệ lãnh đạo lập nên chiến công Ngọc Hồi-Đống Đa đại phá 29 vạn quân xâm lược Thanh chiếm đóng, giải phóng kinh thành Thăng Long và vùng đất Bắc Hà bị quân Thanh chiếm đóng. Vua Thanh tự viết bài An Nam ký sựvà An Nam thuỷ mạt kýra sức biện hộ cho thất bại của quân Thanh, nhưng cũng phải ghi nhận “quốc thể không đến nỗi bị tổn thương, nhưng uy danh lẫm liệt có bị sút kém ít nhiều”(6). Đặc biệt tháng 8 năm Kỷ Dậu (1789), vua Thanh cho vẽ bộ Bình định An Nam chiến đồvới 5 bức tranh chiến sự ở An Nam kèm theo lời đề tựa và những bài thơ ngự chế của nhà vua. Nhân sách lược cầu hoà mềm mỏng của Quang Trung Nguyễn Huệ, vua Càn Long tự biện hộ là Quang Trung đã “dâng biểu cầu hàng” và thế là “không đánh mà nó phải khuất phục như thế này”.
Thất bại ở Miến Điện và Đại Việt đã ngăn chặn sự phát triển thế lực của đế chế Mãn Thanh xuống Đông Nam Á. Thắng lợi của kháng chiến Xiêm, chống Thanh của Tây Sơn làm tăng thanh thế của Đại Việt khắp khu vực. Vua Miến Điện đã hai lần cử sứ giả đến giao hiếu với vương triều Quang Trung. Phan Huy Ích được giao nhiệm vụ đón tiếp sứ giả đã ghi lại sự kiện ngoại giao này trong hai bài thơ được chép lại trong Dụ Am thi tập. Lời tiểu dẫn của bài thơ cho biết, bức quốc thư của vua Miến Điện phải qua bốn lần phiên dịch mới chuyển được sang tiếng Việt. Quốc thư có đoạn viết: “Ngày đầu năm đã sai sứ thần đi quan sát xứ Tôn, Lão, Lễ, hỏi thăm đường sang An Nam để giao thiệp. Bên mặt trời lặn, bên mặt trời mọc, cũng là một trời, chẳng lấy gì làm xa lắm.. Từ nay, bắc cầu vàng, cầu bạc đi lại với nhau thì càng thêm bền chặt, tươi đẹp” (7).
Cuộc đấu tranh để củng cố vương triều Tây Sơn
Trên cơ sở thắng lợi của phong trào Tây Sơn, vương triều Tây Sơn được thành lập với ba chính quyền: Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ đóng đô ở Phú Xuân, Hoàng đế Trung ương Nguyễn Nhạc đóng đô ở Quy Nhơn, Đông Định vương Nguyễn Lữ đóng đô ở Gia Định. Ngoài sự chia sẻ lực lượng và mâu thuẫn nội bộ của ba chính quyền, vương triều Tây Sơn còn đứng trước mối đe doạ của những thế lực thù địch bên trong và bên ngoài.
Năm 1790 đã hình thành một sự liên kết giữa lực lượng tàn dư của nhà Lê ở phía Bắc, lực lượng Nguyễn Ánh ở phía nam với một số thế lực chống đối ở nước ngoài. Một kế hoạch phối hợp tấn công vương triều Tây Sơn được xác lập:
- Lê Duy Chỉ là em ruột Lê Chiêu Thống tập hợp lực lượng chống Tây Sơn ở vùng biên giới phía bắc mà căn cứ chính là Bảo Lạc (Cao Bằng). Lê Duy Chỉ được một số quan lại địa phương nhà Thanh giúp đỡ và cho người sang liên kết với Vạn Tượng và Xiêm. Từ đây, Lê Duy Chỉ sẽ đánh xuống Tuyên quang, Thái Nguyên, uy hiếp Thăng Long.
- Phong kiến Xiêm đang thống trị Vạn Tượng, lập nên vương triều Chậu Nan (1782-1792) thân Xiêm. Vua Xiêm thúc ép Chậu Nan cùng một số chaau mường vùng Trấn Ninh, Trịnh Cao, Quy Hợp đánh phá vùng Nghệ An, Thanh Hoá.
- Nguyễn Ánh đã chiếm lại Gia Định sẽ đánh ra vùng Bình Thuận thuộc quyền kiểm soát của Nguyễn Nhạc.
Quang Trung đã cử sứ giả sang Viêng Chăn thông hiểu nhưng bị thế lực thân Xiêm bắt giữ và giải sang Xiêm. Trước âm mưu liên kết nguy hiểm đó, Quang Trung quyết định mở cuộc tiến công, kiên quyết và chủ động phá tan kế hoạch của chúng. Năm 1791, đốc trấn Nghệ An là Trần Quang Diệu được lệnh cùng Đô đốc Nguyễn Văn Uyển đem một đạo quân tinh nhuệ tiến về phía tây, đánh tan lực lượng thân Xiêm ở Vạn Tượng. Trong 5 tháng, quân Tây Sơn nhanh chóng đánh đuổi quân Xiêm ra khỏi Viêng Chăn, truy kích đến tận biên giới Xiêm rồi rút quân về nước (8).
Cùng lúc ấy, một đạo quân Tây Sơn khác từ Thăng Long tiến lên phía bắc tiêu diệt lực lượng Lê Duy Chỉ, san bằng căn cứ Bảo Lạc (9). Lê Duy Chỉ bị bắt sống đem về Phú Xuân trị tội.
Bằng hai đòn tấn công đó, thế lực chống Tây Sơn ở phía bắc bị đập tan. Trong cuộc tấn công sang Vạn Tượng, quân Tây Sơn được nhân dân và nhiều tù trưởng yêu nước Lào đồng tình, hưởng ứng cùng chống lại quân Xiêm. Biên niên sử Lào ghi nhận sự kiện trên và cho biết cụ thể: chậu mường Xiêng Khoảng đã đem 3.000 quân phối hợp chiến đấu với quân Tây Sơn (10). Vùng Viêng Chăn còn lưu truyền đến nay một bài ca dân gian kể lại cuộc tiến công của quân Tây Sơn và phản ánh thái độ ủng hộ của nhân dân Lào (11).
Sau đó, năm 1792 quân Xiêm trở lại chiếm Viêng Chăn và tiếp tục thống trị Vạn Tượng. Nhiều chúa Lào yêu nước vẫn giữ mối liên lạc với chính quyền Tây Sơn qua đồn Quy Hợp và Đốc trấn Nghệ An để thông báo tình hình và mong quân Tây Sơn sang giúp Lào đánh đuổi quân Xiêm (12). Biên niên sử Lào còn cho biết năm 1794 tiểu vương Luông Phabang tố cáo với vua Xiêm là tiểu vương Viêng Chăn liên kết với chậu mường Nakhon Phanôm có ý định dựa vào vua Tây Sơn chống lại vua Xiêm (13).
Trong cuộc đấu tranh chống xâm lược Xiêm, Thanh, vương triều Tây Sơn đã gây dựng được quan hệ thân thiện và sự đồng tình ủng hộ của một số chúa mường và những người Lào yêu nước cũng đang đấu tranh chống sự can thiệp và thống trị của vua Xiêm.
Ở Gia Định, năm 1787-1788 Nguyễn Ánh đã trở lại, đánh bại chính quyền Nguyễn Lữ, chiếm lại vùng đất này và tổ chức lực lượng chống lại Tây Sơn. Sau thất bại của quân Xiêm, vua Xiêm vẫn tiếp tục giúp đỡ Nguyễn Ánh, cho sống lưu vong và trú ngụ tại một vùng ngoại vi Bangkok, cho phép khai khẩn đồn điền, đóng chiến thuyền để nuôi dưỡng lực lượng. Nhưng sau khi cuộc xâm lược của nhà quân Thanh bị đại bại và âm mưu liên kết giúp Lê Duy Chỉ bị đập tan, vua Xiêm phải từ bỏ can thiệp vào nước Đại Việt. Năm 1792, Nguyễn Ánh gửi thư xin vua Xiêm “đem trọng binh đánh Nghệ An” (14) để phối hợp với những cuộc tiến công của quân Nguyễn, vua Xiêm không nhận lời. Thế lực ngoại bang mà Nguyễn Ánh dựa vào là tư bản Pháp. Nhờ sự vận động và môi giới của một số giáo sĩ người Pháp mà đại diện là Pigneau de Béhaine, hiệp ước Versailles đã được ký kết giữa đại diện của Nguyễn Ánh và đại diện của vua Pháp ngày 28-11-1788. Do sự bùng nổ của cách mạng Pháp, hiệp ước này không được thực thi, nhưng Pigneau de Béhaine vận động một số tư bản thuộc địa ra sức quyên tiền, mộ lính, mua sắm vũ khí, cử sĩ quan sang giúp xây thành kiểu Vauban, đóng chiến thuyền nhằm hỗ trợ cho Nguyễn Ánh.
Quang Trung theo dõi rất sát diễn biến của tình hình phía nam, đánh giá đúng nguy cơ phục hồi của Nguyễn Ánh và âm mưu can thiệp của tư bản Pháp. Năm 1792, sau khi đã đánh bại những âm mưu nổi loạn trong nước, củng cố chính quyền mới, Quang Trung chủ trương mở một cuộc tiến công lớn vào phía nam nhằm bao vây tiêu diệt toàn bộ lực lượng Nguyễn Ánh và tư bản Pháp ở Gia Định. Ngày 10-7 năm Nhâm Tý, tức ngày 27-8-1792, Quang Trung phát một bài hịch kêu gọi quan dân hai phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn hưởng ứng cuộc tiến quân của quân đội Tây Sơn và tuyên bố: “Ta đã sửa soạn hai đạo thuỷ bộ hùng binh và sẽ thân hành kéo vào đánh bại quân giặc dễ như bẻ gãy cành khô củi mục”. Ông coi Nguyễn Ánh chỉ là “cái thây ma đất Gia Định” mà “trong trận giao tranh với ta, binh lính của chúng đều đã bị đánh cho tan tác, tướng tá của chúng đều bị giết chết, đất Gia Định đã đầy rẫy xương khô của bọn chúng” và vũ khí của tư bản Pháp cũng không đáng sợ “có gì lạ để nói với ta về những khinh khí cầu và tàu bọc đồng của chúng” (15). Sau khi bài hịch phát ra 19 ngày, kế hoạch tiến công chắc chắn đã được chuẩn bị chu đáo nhưng chưa kịp thực hiện thì Quang Trung từ trần đột ngột ngày 29-7 năm Nhâm Tý, tức ngày 15-9-1792. Trước khi mất, Quang Trung còn trăn trối về mối “quốc thù Gia Định”. Đây là một tổn thất vô cùng to lớn, tạo cơ hội cho Nguyễn Ánh và tư bản Pháp thoát đòn trừng phạt và tiêu diệt của quân đội Tây Sơn do Quang Trung đích thân chỉ huy và sau đó có thể phát triển để cuối cùng, do sự suy yếu của vương triều Tây Sơn, đánh bại vương triều này lập ra vương triều Nguyễn.
Phong trào Tây Sơn và vương triều Quang Trung đã lập nên những kỳ tích trong lịch sử Việt Nam và tác động mạnh mẽ đến lịch sử một số nước trong khu vực trong cuộc đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc.
1. Phan Huy Lê: Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, NXB Giáo dục, H.1959; 200 năm phong trào Tây Sơn và Cách mạng Pháp: mối quan hệ giữa hai sự kiện cùng thời điểm, khác tính chất. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 2 (245), 1989.
2. Đại Thanh thực lục, Q.13189, tờ 16b.
3. Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, NXB Sử học, H.1963, TII, tr. 41.
4. Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, sđd, T2, tr.52.
Thư của Ginestar trong La révolte et la guerre des Tayson, B.S.E.I 1940.
5. Mạc Thế Doanh, Mạc thị gia phả, chữ Hán, chép tay.
Thư của Bá Đa Lộc, ngày 2-3-1785. Lettre édifiantes et curieuses, Missions de l’Indochine, T.IV.
6. Sử quán triều Thanh, Đại Thanh thực lục, Q.1321, tờ 33b.
7. Phan Huy Ích, Dụ Am thi tập.
8. Đại Nam chính biên liệt truyện, phần Ngụy Tây liệt truyện, Q.30, tờ 40b, tờ 28b lại chép vào năm Tân Hợi - 1791 với số quân 1 vạn.
9. Đại Nam chính biên liệt truyện. Q.30, tờ 41a chép đạo quân Trần Quang Diệu từ Vạn Tượng rút về nước, rồi lại được lệnh tiến lên Bảo Lạc. Nhưng Đại Nam thực lụcchép khác.
10. Mahả Xila Viravoong. Lịch sử Lào từ thượng cổ đến giữa thế kỷ XIV, NXB Giáo dục, Viêng Chăn 1957.
11. Văn Linh, Đất nước hoa Chămpa, NXB Phổ thông, H.1972, tr 168-169.
12. Thư viện Nghĩa Bình, Thư mục về Tây Sơn - Nguyễn Huệ, Quy Nhơn 1988.
13. Mahả Xila Viravoong, Lịch sử Lào từ thượng cổ đến giữa thế kỷ XIX, sđd.
14. Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, sđd, TII, tr. 155.
15. Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Một bài hịch của Quang Trung. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 79, 10-1965, tr 11. Căn cứ vào bản dịch tiếng Pháp của De la Bissachère, nguyên văn chữ Hán hay chữ Nôm chưa tìm thấy.
Nguồn: Xưa và Nay, số 107, tháng 1/2002