Sự thật về bức tranh chân dung vua Quang Trung
Một chi tiết khác cũng khá quan trọng là theo tài liệu của nhà Thanh thì vua Quang Trung khi sang dự lễ khánh thọ có xin vua Càn Long một bức vẽ để đem về mà sau này vin vào chi tiết này nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng tấm ảnh một võ tướng mặc nhung phục, mũ đâu mâu, cưỡi ngựa tay cầm roi với ghi chú là chân dung vua Quang Trung, hay kỹ hơn thì viết rằng bức hình giả vương Phạm Công Trị khi qua triều kiến vua Càn Long được họa gia nhà Thanh vẽ truyền thần. Về sự tích của bức tranh này, Hoàng Lê Nhất Thống Chí chép như sau:
Về số đồ lễ, ngoài lệ chức phương, lại có dâng thêm đôi voi đực nữa. Trong khi đi đường người Tầu phục dịch cực kỳ vất vả. Kẻ trong người ngoài ai cũng biết là giả dối mà không ai dám nói ra. Lúc tới Yên Kinh, vua Thanh tưởng là thật vua Quang Trung (vua Quang Trung thật?) rất lấy làm mừng. Đến lúc vào chầu vua Thanh cho cùng ăn uống với các thân vương, và cho đặc ân được vào ôm gối, như thể cha con người nhà.
Đến khi lạy tạ xin về, vua Thanh lại sai thợ vẽ vẽ tượng truyền thần ban cho, ân lễ rất trọng hậu, xưa nay chưa từng có bao giờ (1).
Việc vua Càn Long sai thợ vẽ truyền thần giả vương An Nam có thể là thật vì đời Thanh Cao Tông số lượng họa phẩm vẽ người, vẽ các biến cố còn để lại đến ngày nay có thể nói là vô số kể. Tuy nhiên tấm hình vua Việt Nam chắc chắn không được lưu lại trong văn khố Trung Hoa mà được trao lại cho sứ bộ đem về. Nếu quả là thế, bức tranh đó cũng đã theo binh lửa mà tiêu tan, đến ngay các tài liệu, sách vở đời Tây Sơn để lại cũng đã nhiều lần bị triều Nguyễn cho tiêu huỷ, huống hồ bức hình của Nguỵ Tây, kẻ thù số một của vua Gia Long.
Tuy nhiên khi điểm lại những chi tiết trong sử sách, ngoài Hoàng Lê Nhất Thống Chí ra chúng ta không thấy một sách vở nào khác đề cập đến. Chi tiết quan trọng nhất có lẽ trong Đại Nam Liệt Truyện (q. 30, truyện chép về Nguỵ Tây: Nguyễn Huệ):
... Tới khi vào bệ kiến từ biệt về nước, vua nước Thanh gọi đến gần bên giường, vỗ vào vai yên uỷ dặn bảo ôn tồn; sai thợ vẽ hình của mình đem cho (2).
Nếu đúng như thế, hình ban cho Nguyễn Huệ là hình của vua Càn Long, vì chính trong tài liệu của nhà Thanh cũng còn lưu lại nhiều văn thư mà vua Quang Trung xin một tấm hình của vua Cao Tông để đem về. Đại Việt quốc thư cũng còn một tờ thiếp gửi Phúc Khang An để nhờ ông này tâu lên vua Càn Long về yêu cầu đó(3). Không hiểu sao khi sang Hoàng Lê Nhất Thống Chí lại đổi sang thành hình vua Quang Trung.Có lẽ vì khi Ngô Thời Thuyến viết Hoàng Lê Nhất Thống Chí về việc này cách cả trăm năm sau, tham khảo không kỹ càng, phóng bút không chính xác để hậu nhân hiểu lầm cho đến tận ngày nay. Hay cũng có thể là người đọc hiểu sai ý nghĩa câu văn vì “vua Thanh lại sai thợ vẽ vẽ tượng truyền thần ban cho” có thể hiểu theo hai cách, tượng truyền thần của vua Quang Trung hay của vua Càn Long cũng đều được.
Tuy nhiên nhiều người không chịu tin như thế và vẫn khẳng định bức tranh nêu trên là vua Quang Trung. Ngay thời Đệ Nhị Cộng Hoà, một mô phỏng của khuôn mặt này đã được dùng làm chân dung Nguyễn Huệ trên tiền giấy 200 đồng (4). Bức hình đó được sao lại ở nhiều nơi, dùng làm bìa sách và còn được minh họa để làm ảnh thờ vua Quang Trung trong những buổi tế lễ.
Thế bức tranh đó là ai?
![]() |
Tranh giả vương Quang Trung đăng trong Đông Thanh tạp chí. Trích lại của TS Sử Địa |
Thực ra đây là một bức tranh khá nổi tiếng của nhà Thanh vẽ vua Càn Long khi ông còn trẻ. Cho đến giờ này bức tranh này được vẽ chính xác thời gian nào cũng chưa ai xác định được và nhiều nhà nghiên cứu vẫn chưa đi tới một kết luận dứt khoát.
Một thuyết cho rằng bức tranh vua Càn Long cưỡi ngựa này được họa gia Giuseppe Castiglione (1688-1766) (5) vẽ năm 1739 khi nhà vua 28 tuổi vì khuôn mặt khá trẻ và cũng để đánh dấu lần duyệt binh đầu tiên của ông nhưng không có bằng cớ gì để chứng minh chuyện đó là đúng.
Thuyết thứ hai có vẻ xác đáng hơn vì bức tranh có liên quan đến một sự kiện ngoại giao quan trọng. Mùa thu năm 1758 Thanh triều nhận được tin bộ lạc Buruts – một bộ tộc Muslim ở vùng lưu vực Tarim đưa một phái đoàn tiến cống trong khi Thanh triều đang dẹp loại Hồi Cương (hai anh em Khozi Khan và Burhan-al-Din nổi dậy). Vì cuộc chiến còn dằng dai chưa ngã ngũ nên việc bộ lạc Buruts liên minh với nhà Thanh là một lợi thế. Để tạo một ấn tượng tốt, vua Càn Long ra lệnh sắp xếp một buổi đại tiệc ở Mộc Lan [1] (6) (Mulan)và mời họ đi săn trong khu vực săn bắn Nhiệt Hà (Rehe), sau đó mới mời về Bắc Kinh (một ân sủng đặc biệt vì các sứ thần Tây Vực chỉ được tiếp tại Nhiệt Hà). Ngày mồng 3 tháng chạp, vua Thanh thết yến tại điện Thái Hoà, ngày mồng 5 duyệt binh ở Nam Uyển (South Park), khu săn bắn ngoài thành Bắc Kinh. Theo tài liệu còn để lại trong cung, vua Càn Long đã sai họa gia Castiglione vẽ một bức chân dung ông để treo nơi Nam Uyển khi duyệt binh mà người ta tin rằng chính là bức tranh này.
![]() |
Tranh vua Càn (Kiền) Long thời trẻ. (trích trong bài “Bảo kiến hay bảo tất” của VNThưquán - Thư viện Online) |
Chú thích:
1.Ngô Thời Chí: Hoàng Lê Nhất Thống Chí (Saigon: Phong Trào Văn Hoá, tái bản 1969) tr. 316.
2.Quốc Sử Quán triều Nguyễn: Đại Nam Liệt Truyện (Huế: nxb Thuận Hoá, 1997, quyển II) tr. 557.
3.Đại Việt quốc thư tr. 332 nguyên văn như sau: (bản dịch)“Hạ thần là nước phên nhỏ, tự nơi xa vào chầu, trông lên được Đại hoàng đế rủ lòng nhân từ, co như cha con người nhà, tấm lòng nhỏ mọn của hạ thần, vui mừng cảm khích không biết chừng nào.
Hạ thần tự nghĩ không lấy gì đáp lại được ân to một phần trong muôn phần.
Hạ thần muốn kêu xin một bức chân dung của Đại hoàng đế, mang về hạ quốc, kính cẩncung phụng ở điện Kính Thiên để lúc này lúc khác quì khấn, như thể ở được bên tả bên hữu đức Đại hoàng đế, cho phụ lòng luôn luôn quyến luyến. Chỉ sợ ằng phạm lỗi mờ quáng chưa dám thiện tiện tâu lên nhà vua, vì thế giãi bày lòng uẩn khúc ở tước tôn đại nhân xét định, nên chăng nhờ đại nhân chỉ giáo.Mong mỏi không biết chừng nào.
4.Thời Đệ Nhị Cộng hòa ba tờ giấy bạc có in ba danh nhân tượng trưng cho ba miền Bắc Trung Nam, 500 đồng là hình Trần Hưng Đạo, 200 đồng là hình vua Quang Trung, 100 đồng là hình Tả Quân Lê Văn Duyệt.
5.Người Ý Đại Lợi, Hán danh Lương Thế Ninh tu sĩ dòng Jesuit. Ông tới Trung Hoa theo phái bộ truyền giáo năm Khang Hi thứ 54 (1715) rồi được triệu vào cung làm họa sĩ cho triều đình. Ông còn dạy các họa sĩ người Trung Hoa phương pháp của Âu Châu nên đời Thanh các họa phẩm mang màu sắc Đông Tây phối hợp. Ông tạ thế tại Bắc Kinh năm Càn Long thứ 31 (1766) thọ 78 tuổi, được vua phong hàm Thị Lang, lại xuất kho 300 lượng bạc để lo tang sự, an táng trong nghĩa địa giáo sĩ ngoài thành Bắc Kinh.
6. Tại Thừa Đức, Trực Lệ là một khu săn bắn, luyện tập của nhà Thanh.
7. Zhang Hongxing, The Qianlong Emperor: Treasures From The Fobidden City( United Kingdom : National Museums of Scotland Publishing Limited 200) tr. 50.