Sự hình thành các tổ chức đầu tiên của phụ nữ Việt Nam
Từ những năm 1920, trên báo giới, tuy số lượng độc giả nữ đang ngày càng tăng lên, nhưng nam giới vẫn giữ vị trí chủ chốt trong việc viết lách. Do đó nhu cầu tất yếu là phụ nữ phải thành lập những tổ chức riêng của mình để giúp đỡ lẫn nhau, diễn đạt vị trí của họ trong các tác phẩm của riêng họ, và có thể thậm chí là đạt được một số lượng độc giả trên quy mô cả nước với cả hai giới. Phụ nữ rõ ràng là đã không tiến xa được với các tổ chức vốn đã có. Ví dụ, Pháp học Bảo trợ hội đã không tiếp nhận một phụ nữ nào trong số 145 thành viên được kết nạp vào từ năm 1908 đến năm 1929 (1). Điều 9 trong điều lệ của hội quy định rằng “không phân biệt đối xử nam nữ” nhưng ngay sau đó lại nói thêm rằng phụ nữ nào muốn gia nhập trước tiên phải được chồng cho phép” (2). Thành kiến chống lại những phụ nữ thoát ly gia đình của họ còn rất mạnh, những người dám phá vỡ tập quán này có nguy cơ bị coi là hư hỏng, hay thậm chí là bị chồng đánh.
Thật đáng ngạc nhiên là một trong những tổ chức đầu tiên của phụ nữ lại xuất hiện chính tại trung tâm của các giá trị truyền thống là kinh thành Huế. Vào đầu năm 1926, bà Nguyễn Khoa Tùng (được biết đến nhiều hơn với bút danh Đạm Phương) và một số phụ nữ khác ở Huế và các vùng xung quanh Huế đã lập nên Nữ công Học hội (3). Vào ngày 28 tháng 6 năm 1926, họ tổ chức một buổi lễ ra mắt công chúng trọng thể mà Phan Bội Châu là người phát biểu chính (4).
Phan Bội Châu đã ca ngợi sự thành lập hội và trích dẫn một số tiền bối người Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, và Mỹ. Mặc dù được đề nghị nói về chủ đề đạo đức, ông tiếp tục tranh luận cho một sự kết hợp khéo léo các giá trị truyền thống và hiện đại, lựa chọn những điều hay trong quan điểm phương Đông và phương Tây đối với hành vi của phụ nữ. Ví dụ, ông nói, rõ ràng là sai để phụ nữ Việt Nam tiếp tục chỉ gặp nhau trong bếp và phí phạm thời gian của mình vào việc chơi bài. Nếu những người đàn ông hay phụ nữ trẻ có tài trong những việc khác, những cố gắng lớn hơn, sẽ là sai nếu trói buộc họ mãi mãi với gia đình (5).
Dù vậy, Phan Bội Châu nói, sự thay đổi sai lệch sẽ có thể cản trở bước tiến của dân tộc. Vì vậy, sẽ không đúng chất Việt Nam khi thanh niên nam nữ bắt chước phong tục nhảy múa của Anh hay Mỹ bằng cách ôm nhau quanh sàn nhảy; và cũng không đúng đắn nếu lãng phí tiền bạc vào nước hoa, son phấn, đặc biệt là trong khi còn nhiều người Việt Nam khác đang phải chịu đói. Và rằng, đấu tranh cho tự do cá nhân là đúng và cần thiết, nhưng điều này không nên được đặt trên sự phục vụ chính đáng của đất nước.
Vài lần Phan Bội Châu đã chỉ ra rằng sự tồn tại của Nữ công Học hội sẽ không phải là dễ dàng. Một là nó hoàn toàn chưa có tiền lệ, và nó lại có vị trí ngay trong trung tâm của đêm tối, kinh thành. Rõ ràng là sẽ có những tiếng nói bất hòa ngay trong chính Học hội, nhưng với lòng nhiệt tình và sự dũng cảm, có thể đạt được nhiều điều. Dù sao thì các sản phẩm của phụ nữ cũng sẽ là rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế trong tương lai của đất nước, và họ đã có một vai trò chính trị - mặc dù Phan Bội Châu đã nghi ngờ rằng tiền lệ của nước Nga Xô Viết, nơi mà phụ nữ nắm quyền lãnh đạo đảng và các hoạt động của Chính phủ có lẽ là “quá tiến bộ” đối với Việt Nam. Cuối cùng, với phép ẩn dụ tinh tế nhưng rõ ràng đã được tạo nên một phần là để tránh các nhân viên cảnh sát và kiểm duyệt, Phan Bội Châu đã đưa ra hình ảnh một bình hoa sen trước án diễn thuyết. Ông nói, sẽ chẳng sao cả nếu những bông sen “Đông phương” này được cắm trong nước của “Tây phương”. Nhưng, sự hiện diện hay thiếu vắng lượng nước “Tây phương” này không phải là cái đã tác động lên sự tàn úa không tránh khỏi và cái chết của những bông sen này, thay vì đó, chính sự thực là chúng đã bị cắt khỏi môi trường tự do mang tính tự nhiên rộng lớn của mình và bị giam cầm bắt buộc trong chiếc bình nhân tạo. Đó chính là nguồn cơn nỗi đau đớn của chúng, chứ không phải là loại nước nào mà chúng được cắm vào. Rõ ràng, Phan Bội Châu đã thể hiện “tính giả tạo” và chế độ thực dân ngột ngạt như một kẻ thù chính, và kêu gọi các độc giả của mình xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc nhất, trong khi đặt những vấn đề thay đổi văn hóa - bao gồm cả quyền phụ nữ - vào vị trí thứ yếu (6).
Trong khoảng 4 năm đầu tồn tại, Nữ công Học hội chưa bao giờ đặt vấn đề này làm trọng. Ta có thể cho rằng bà Đạm Phương, một người lãnh đạo nhiệt huyết và được kính trọng của Học hội sẽ có cùng những quan điểm này với Phan Bội Châu, nhưng lại cảm thấy rằng một tổ chức quần chúng của tầng lớp trung và thượng lưu dưới sự giám sát chặt chẽ của thực dân không thể là nơi để thể hiện chúng. Tổ chức này đã ngầm liên kết với một nhóm nghiên cứu ở Huế cấp tiến hơn do Đào Duy Anh cầm đầu (7). Hội cũng đặt mối quan tâm đến các sản phẩm nội địa của Việt Nam, và các thành viên đã hơn một lần ủng hộ cuộc vận động phụ nữ “mua hàng Việt” (8). Hơn nữa, con trai của Đạm Phương, được biết đến nhiều nhất dưới bút danh Hải Triều (1908 - 1954), là một lãnh đạo trong đảng Tân Việt bí mật theo phái tả, và vào tháng 1 năm 1930 đã tham gia trong việc sắp xếp lại tổ chức của nó theo đường lối Macxit - Lêninit (9).
Dù sao, trong vai trò là người lãnh đạo của hội, Đạm Phương luôn giới hạn mình vào việc đấu tranh cho các cơ hội học hành tốt hơn của phụ nữ, vào việc quan tâm đến tầm quan trọng của các trách nhiệm đối với gia đình trong cuộc sống của người phụ nữ, và vào việc du hành Bắc và Nam để khuyến khích thành lập các nhóm của phụ nữ khác. Những điều này xem ra không phải là mối đe dọa gì đối với nhà chức trách thực dân hay với các cộng sự, ít nhất là vào lúc đầu (10). Họ cũng không thấy có điều gì cụ thể đáng lo ngại trong định nghĩa về những mục đích chính của Hội là “để xây dựng cho phụ nữ một hiểu biết về phát triển bản thân bằng cách trang bị các kỹ năng nghề nghiệp mới và trong giới hạn cho phép của các giá trị đạo đức phương Đông lẫn phương Tây và sự độc lập” (11). Chính các kỹ năng nghề nghiệp “có thể được chấp nhận về mặt xã hội” là cái bà nói đến, như may vá, nuôi tằm và dệt vải. Các kỹ năng này cần được nhấn mạnh trong mọi chương trình giáo dục cùng với đạo đức, công việc nội trợ, và văn học. Bà tranh luận rằng, giống như phụ nữ Trung Quốc đương thời, phụ nữ Việt Nam nên từ bỏ “tam tòng” truyền thống, từ bỏ các châm ngôn cũ như “Chỉ người phụ nữ không biết làm gì mới có đức hạnh thực sự”, và sẵn sàng để đọc nhiều và đi xa (12).
Vì chế độ thực dân không cung cấp một nền giáo dục tốt theo định nghĩa của bất kỳ ai, hội đã tổ chức một số khóa học của riêng mình tại Huế, nuôi tằm và phổ biến các thông tin thực tế hữu ích về các kỹ năng trong công việc nội trợ, đặc biệt là nấu ăn (13). Các chuyến đi diễn thuyết của bà Đạm Phương và sự lưu hành các ấn phẩm của hội giúp khuyến khích thành lập các nhóm nhỏ khác trong nước, tại những địa phương như Đà Nẵng, Hội An, Sài Gòn, Cần Thơ và Gò Công (14). Tổ chức tại Gò Công, nằm sâu trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, xem ra đã lựa chọn một hướng khác so với tổ chức ở Huế, hầu như tập trung chủ yếu vào xuất bản những sách liên quan đến các vấn đề được phụ nữ quan tâm. Một quảng cáo năm 1929 cho Nữ lưu thơ quán giới thiệu 16 tên sách đã được xuất bản và 9 đầu sách tiếp theo đang trong giai đoạn chuẩn bị. Đại diện của nhà xuất bản được đặt ở 7 địa điểm khác trên toàn Việt Nam, và thậm chí còn có hai điểm bán sách cho sinh viên ở Paris (15).
Đến năm 1929, nhà cầm quyền thực dân Pháp dần thêm lo lắng về các tổ chức mang tính xã hội, giáo dục và trí thức như thế này có những gợi ý mang tính chính trị rõ ràng. Thậm chí ngay cả các sách dạy nấu ăn giờ đây cũng dành vị trí quảng cáo quan trọng cho các ấn phẩm chống thực dân của Phan Bội Châu, Trần Huy Liệu và Đào Duy Anh (16). Bản thân vấn đề của phụ nữ cũng nhanh chóng tập trung chú ý đến tranh luận mang tính dân tộc, một vấn đề mà các nhà trí thức xuất thân từ các thành phần khác nhau có thể cùng trao đổi và, có thể tin rằng, cùng tiến đến một sự thống nhất như các chương trình cho sự thay đổi. Trong khi có lẽ điều này đã theo sau sự phát triển các hoạt động của phụ nữ ngay từ đầu, bằng chứng chắc chắn duy nhất trước năm 1929 về sự bận tâm của nhà chức trách cấp cao là sự ủng hộ rõ ràng đối với một số sách của những người theo truyền thống, và, ít ra là ở An Nam, sự cấm đoán thẳng thừng của một số sách nhằm vào phụ nữ (17). Tác động mang tính thực dân gián tiếp được nỗ lực thực hiện thông qua những công chức Việt Nam giàu có, những người đã ủng hộ tiền bạc cho các nhóm như Nữ công học hội (18).
Mặt khác, mố số lượng ngày càng nhiều phụ nữ bắt đầu chỉ trích những quan điểm công khai mang tính ôn hòa của những người lãnh đạo như bà Đạm Phương và đề xuất những thay đổi mang tính tổ chức cơ bản hơn. Trong thư gửi các thành viên của hội vào tháng 2 năm 1928, Đạm Phương thấy cần phải bảo vệ bản thân trước những cá nhân không được nêu tên, những người đã tranh luận rằng quyền của phụ nữ thay vì các kỹ năng lao động và giáo dục nên là lời kêu gọi tập hợp. Đạm Phương đã chuẩn bị sẵn sàng để công nhận rằng việc phụ nữ chia sẻ quyền lực chính trị là mục tiêu lâu dài chính đáng, nhưng bàn về nó sẽ không có ý nghĩa nhiều cho tới khi “thân xác” được trang bị các kỹ năng mới và ‘tinh thần” được hiện đại hóa bằng sự giáo dục nghiêm túc. Đạm Phương đã phát biểu “Quyền của phụ nữ” được đưa ra trên những tờ giấy sẽ chẳng có ý nghĩa gì; nếu không được đào tạo và chuẩn bị về mặt tinh thần, phụ nữ Việt Nam sẽ không biết phải làm gì với chúng (19).
Sự lý giải này không làm thỏa mãn những người chỉ trích. Trần Thị Như Mân, biên tập viên tờ tạp chí tồn tại trong một thời gian ngắn của hội là Phụ nữ Tùng san,đã công khai bộc lộ những khác biệt trong một bài viết dài xem xét và chỉ trích hệ thống xã hội và gia đình Việt Nam, cả truyền thống lẫn đương thời. Và những người khác có quan điểm rằng sự trinh tiết một chiều, hôn nhân định trước, và những hạn chế trong công việc và học hành cần phải bị ném ra ngoài cửa sổ cùng với những điều rõ rệt hơn như “tam tòng” và “tứ đức” (20).
Vào cuối năm 1929 và 1930, một thời điểm thách thức công khai của những người theo chủ nghĩa Dân tộc và Cộng sản đối với hiện trạng đương thời, nhà cầm quyền thực dân đã không sẵn sàng để cho phép các đối thoại công khai kiểu này được tiếp tục. Bên cạnh đó, có thể họ đã nghi ngờ Nữ công Học hội Huế là nơi chiêu mộ nhân lực cho các nhóm cách mạng. Vì thế, các xuất bản phẩm của Trần Thị Như Mân đã bị cấm, và hội đã tạm thời bị ngừng hoạt động. Khi hội được phép hoạt động trở lại vào cuối năm 1930, Đạm Phương đã được đặt lại làm chủ tịch, đại biểu thực dân bảo thủ Trần Bá Vinh quản lý việc phân bổ một khoản quỹ ngân sách của Chính phủ, và Toàn quyền Pháp đã công khai cảnh báo các thành viên chống lại việc gần gũi với bất cứ “kẻ thù đã được định dạng của hòa bình, gia đình, và xã hội”. Tạp chí của hội vào năm 1931 đã đăng 91 công thức nấu các món ăn tại vị trí thường dành cho những bài viết chính về các nhận định mang tính xã hội. Để không ai có thể nhầm lẫn về chính sách mới, một thành viên của hội đã thêm vào phần cuối các công thức nấu ăn một đoạn bảo vệ cho “tứ đức”, một sự chỉ trích đối với những phụ nữ đã bàn luận dài dòng về các tư tưởng phương Tây, cũng như đòi hỏi tự do và bình đẳng. Thành viên này kết luận rằng “với đàn ông chúng ta còn thiếu nhân tài, thì ai dám nói gì về phụ nữ?” (21)
Phần sinh lực nào còn lại của hội ở Huế đã được hướng vào việc tổ chức một hội chợ thủ công mỹ nghệ của phụ nữ vào cuối năm 1931. Điều đặc biệt là, những người lãnh đạo dự án này thấy mình như những phụ nữ có địa vị và giàu sang với một trách nhiệm phải giúp đỡ những người kém may mắn hơn. Những người lãnh đạo hy vọng rằng hội chợ sẽ giúp cho “những phụ nữ lao động” một cơ hội để thể hiện các kỹ năng của mình, “những phụ nữ có tiền bạc” được một cơ hội để đem tiền của mình đặt vào mối kinh doanh đúng đắn, và “các học trò” có một cơ hội để tìm hiểu nhiều loại hình nghề nghiệp dành cho họ trong tương lai. Để thể hiện sự ủng hộ của mình, Chính phủ đã cho sử dụng tòa nhà của Nghị viện An Nam mới được xây dựng làm nơi tổ chức hội chợ. Ngày 22 tháng 12 năm 1931, Toàn quyền Pasquier và một số đông tùy tùng, thành viên của gia đình hoàng tộc và các nhà báo đã tham dự một buổi ra mắt đặc biệt và mua một số đồ thủ công mỹ nghệ (22)…
Danh sách các thành viên nộp tiền cho Nữ công Học hội Huế giảm từ 87 thành viên năm 1929 xuống còn 54 thành viên trong hai năm sau đó. Số học viên của các lớp học cũng giảm bằng hai phần ba (23). Từ một tổ chức tiên phong của phụ nữ, có khả năng hấp dẫn sự quan tâm trên cả Việt Nam, đến năm 1932, Hội chỉ còn là một nhóm khác của các mệnh phụ tư sản với quá nhiều thời gian nhàn rỗi. Vào năm 1934, Hội được biết đến là còn điều khiển một cửa hàng nhỏ, còn thì “gần như đã chết”. Chuông chùa Thiên Mụ Huế “buồn bã và im lìm”, không đem lại sự thôi thúc hành động (24). Rõ ràng là những phụ nữ đầy nghị lực và tận tâm của Huế và các vùng lân cận đã tiếp tục với các liên minh và các cơ cấu mang những khái niệm khác.
Các nhóm phụ nữ khác của những năm cuối 1920 xem ra cũng chịu chung số phận. Thơ quán của phụ nữ Gò Công, hoạt động trong một môi trường luật pháp dễ dãi hơn của Nam kỳ, đã có một tiến triển thậm chí là xấu hơn cả Học hội của Huế. Đầu tiên là các sách của Thơ quán bị cấm lưu hành, sau đó Thơ quán bị đóng cửa, và cuối cùng là bà chủ bút Phan Thị Bạch Vân bị đưa ra hầu tòa với tội danh “gây rối trật tự và trị an trong vùng bằng các phương tiện văn học và ý tưởng”. Bà Bạch Vân đã bị phạt 2,50 francs và nhà xuất bản phải giải tán vĩnh viễn (25). Các nhóm ở Đà Nẵng và Hội An xem như giải tán một cách đơn giản, không được chú ý và cũng chẳng được thương xót.
Hồng Hạnh dịch
Chú thích:
* Trích dịch từ: David Marr, Vietnamese Tradition on Trial,1920 - 1945 (Truyền thống Việt Nam trước thử thách),Berkeley & Los Angeles: University of California Press, 1981.
1. Pháp học bảo trợ hội,Hà Nội, 1930, tr. 12 - 16.
2. Tân Nam Tử (Nguyễn Văn Vĩnh), Dân đạo và Dân quyền,Sài Gòn, 1926, tr.81.
3. Bà Đạm Phương (Nguyễn Khoa Tùng, nhũ danh Công Nữ Đồng Canh) thuộc gia đình hoàng tộc và được học tiếng Hán khi còn trẻ. Đào Hùng, “Bà Đạm Phương và Nhà Nữ công Học hội ở Huế”, PNTVsố 69 (11/9/1930), tr.14 - 17. Khoảng 45 tuổi khi hội được thành lập, Đạm Phương thường được gắn tên gọi Nữ sử với bút danh của bà. Thuật ngữ này, được dùng thịnh hành ở Trung Quốc khoảng một thế hệ trước, có nghĩa để chỉ những người phụ nữ độc thân hoặc đã có chồng có chữ nghĩa. Ở Việt Nam, nó được dùng thường xuyên vào những năm 1920 nhưng sau đó đã không thấy nữa.
4. Đấy là dự định, nhưng sau đó cụ Phan do đến để Pháp khỏi làm khó dễ cho tổ chức của bà Đạm Phương (BT.).
5. Bài phát biểu này được trang bày trong lần cụ Phan đến thăm Hội sau khi thành lập (BT.).
6. Phan Bội Châu, Nữ quốc dân tu tri,tr. 18, 27.
7. Ví dụ, các quảng cáo cho “Quan Hải tùng thư” của Đào Duy Anh được bao gồm trong tạp chí Phụ nữ Tùng sancủa Hội.
8. Ví dụ, xem thư ngày 3/6/1927 của Bích Vân, thành viên của Hội tại Nam Định. Hội Nữ công Huế, Nữ công thường thức,tập 2 (Huế, 1929), tr. 30 - 31.
9. Hải Triều (tên thật là Nguyễn Khoa Văn) cùng với các thành viên Tân Việt khác đã gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương cuối năm đó. Như ta thấy, ông giữ vai trò quan trọng như một nhà báo và nhà phê bình văn học của Đảng tới tận khi ông mất vào năm 1954.
10. Ví dụ, chủ bút tờ Nam Phong(NP) đã chào đón hội một cách nhiệt tình, và chỉ ra rằng bà Đạm Phương đã nổi tiếng với các độc giả từ trước đó. NP số 106 (2/1926), tr. 514. Những đóng góp trước đó của Đạm Phương có thể được tìm thấy trong NP số 13 (7/1918), số 43 (1/1921), và số 49 (7/1921).
11. Bài phát biểu ngày 13/9/1926. Phan Bội Châu, Nữ quốc dân tu trí,tr.29.
12. Đạm Phương, Phụ nữ dự gia đình,tập 2, Sài Gòn, 1929, tr. 10. Mười ba năm sau, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nuôi dạy 11 người con của mình, bà Đạm Phương đã viết một cuốn hướng dẫn nuôi dạy trẻ mầm non với nhan đề Giáo dục nhi đồng,Hà Nội [?], 1942.
13. Báo cáo của Hội cho tháng 4 năm 1929 có danh sách các khóa học chữ Quốc ngữ và may vá, và thông báo việc bán được một số tằm giống với lợi nhuận nhỏ là 200 đồng Đông Dương/ piastres. Các hướng dẫn nấu một số món ăn cũng được in trong số này. Như Mân biên soạn, Phụ nữ Tùng san,tập 1 (Huế, 5/1929), tr.36 - 39.
14. Tổ chức của Đà Nẵng được nhắc tới trong tuần báo Thanh Niên tân tiến,số 11 (31/1929). Hội An (hay Faifo) đã khoe về một tổ chức gồm 14 thành viên và lưu hành một tờ hướng dẫn với nhà đề Nữ công học hội Faifo(1926). Tổ chức tại Sài Gòn tập trung quanh việc chuẩn bị và xuất bản Phụ nữ tân văn. Bà Huỳnh Ngọc Nhuận đứng đầu việc lập một trường tư thục nữ tại Cần Thơ, chú trọng vào nấu ăn, thêu thùa, văn học và nhạc (được nhắc tới trong cuốn Phụ nữ Việt Namcủa bà Nguyễn Hao Ca, Sài Gòn, 1930 (?), tr.14.
15. Đạm Phương, Hồng phấn tương tri,Gò Công, 1929. Trong năm trước đó, Nữ lưu thơ quán đã in 1.000 bản của một quảng cáo dài 4 trang kêu gọi đặt mua dài hạn. Phan Thị Bạch Vân, Chính nghệ xuất bản,Gò Công, 1928.
16. Sách dạy nấu ăn theo phép An Nam.
17. Một tiểu sử ngắn của một phụ nữ Triều Tiên, người đã chống lại sự cai trị của Nhật, là cuốn sách đầu tiên nhằm vào phụ nữ bị cấm ở An Nam trong nghị định đề ngày 9/10/1927. Năm cuốn sách của Nữ lưu thơ quán (Gò Công) bị cấm năm 1929. Trung Kỳ Bảo Hộ, Nghị định cấm các thứ sách và các thứ báo chí không được truyền bá, phát mãi và tàng trức trong hạt Trung kỳ,Huế, 1929 [?].
18. Trần Bá Vinh, một đại biểu bảo thủ của Hội đồng Tối cao thực dân, đã tặng một “người bạn” 2.000 đồng Đông Dương/ piastres để mua đất và xây dựng một tổng trụ sở chính cho hội. Bà Trần Văn Chương, vợ của luật sư cộng sự quan trọng (và là mẹ của phu nhân Ngô Đình Nhu trong tương lai), đã quyên góp được 230 đồng Đông Dương từ những người bạn quen biết ở Bạc Liêu. Một kỹ sư người Việt ở Đồng Hới đã gửi tiền và khuyến khích hội giữ gìn “tam tòng”. Nữ công thường thức,tập 1, tr.30 - 40; Phụ nữ Tùng san,số 1, tháng 5/1929, tr.36 - 37.
19. Nữ công thường thức,tập 1, tr.25-28.
20. Phụ nữ Tùng san,tập 1, tr.1 - 35.
21. Nữ công thường thức,tập 3, 1931; Đào Hùng, “Bà Đạm Phương”, tr. 14 - 17.
22. “Một cuộc đấu xảo, mỹ nghệ phụ nữ tại Huế: Làm thế nào cho phụ nữ được giải phóng?” PNTV số 98 (3/9/1931), tr. 1-2; cũng xem PNTV số 102 (1/10/1931), tr.9, và PNTV số 115 (7/1/1932), tr. 13 - 14.
23. Nữ công thường thức,tập 2, tr.30-32, và tập 3, tr.39. Đào Hùng, “Bà Đạm Phương”, tr.15.
24. Phỏng vấn với bà Thuyết Tâm, PNTV số 236 (29/3/1934), cũng như quan sát của bản thân Nguyễn Thị Kiêm, PNTV số 244 (31/5/1934).
25. PNTV số 39 (13/2/1930) và số 40 (20/2/1930). Cũng trong cùng phiên tòa này, Phan Đình Long, xuất bản của loạt Dân trí thư xã ở Cần Thơ, đã bị tuyên án 6 tháng tù với tội danh tương tự.