Quản trị nguồn nhân lực trong giai đoạn khó khăn
Theo số liệu thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tính đến hết năm 2011, ở Việt Nam có khoảng 622.977 doanh nghiệp. Trong đó, 79.014 công ty giải thể. Riêng năm 2011, cả nước có 77.548 doanh nghiệp thành lập mới thì 7.611 đơn vị đã phải sớm dừng hoạt động.
Tại Diễn đàn “Quản trị nguồn nhân lực trong giai đoạn khó khăn”diễn ra ngày 28/3/2012, nhiều vấn đề đã được các chuyên gia đầu ngành chia sẻ với các doanh nghiệp nhằm đưa ra các giải pháp tăng cường hiệu quả quản trị nguồn nhân lực.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiệu quả và sự thành công của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều bắt nguồn trước hết từ nguồn nhân lực, bởi ngày nay, cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, những yếu tố cạnh tranh truyền thống của các doanh nghiệp như vốn, nguyên vật liệu, công nghệ… đã dần trở nên lỗi thời. Thay vào đó, nguồn nhân lực chính là một yếu tố cạnh tranh mới mang tính quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp. Để có thể tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, một doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều phải phát huy khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực qua tất cả các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.
Trong thời điểm nền kinh tế thế giới và trong nước đang gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã đặt mục tiêu cụ thể cho năm 2012- đó là tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tái cấu trúc doanh nghiệp được coi là thành tố vô cùng quan trọng. Và để tái cấu trúc doanh nghiệp thành công, việc tái cơ cấu nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng hàng đầu.
Ông Chris Harvey- CEO VietnamWorks chia sẻ bí quyết quản trị nguồn nhân lực đang lung lay trong thời buổi khó khăn của nền kinh tế hiện nay, đó là đem đến cho nhân viên những cơ hội học hỏi là cách tốt nhất để doanh nghiệp giữ chân được nhân tài. Theo ông Chris Harvey, doanh nghiệp không thể giữ chân được nhân tài mà nhân tài chọn ở lại với doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp mang lại cho họ nhiều giá trị hơn doanh nghiệp khác, giá trị ở đây bao gồm, lương, phúc lợi, cùng một môi trường làm việc thoải mái, vui vẻ và công việc có ý nghĩa.
Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra thắc mắc, liệu việc tạm ngừng hoạt động, sa thải nhân công có thực sự là biện pháp duy nhất của doanh nghiệp để thoát ra khỏi tình hình khó khăn hiện nay? Giải đáp vấn đề này, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, thực tế, có không ít doanh nghiệp đã chọn cách ngược lại, nhân cơ hội này để tăng cường ưu đãi nhằm nâng cao hiệu quả công việc, tìm kiếm và thu hút nhân tài từ các doanh nghiệp… Việc áp dụng các phương thức này sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng thời cơ các doanh nghiệp khác thu hẹp sản xuất kinh doanh để chiếm thị phần, đồng thời sẵn sàng nắm bắt thời cơ khi cơ hội đến. Ông Hà Anh Tuấn- Phó Giám đốc Công ty cổ phần thời trang Thiên Quang cho rằng, khủng hoảng cùng với những khó khăn bộn bề phải đối mặt, đó còn là cơ hội để các doanh nghiệp ổn định hệ thống nhân sự, sản phẩm, thị trường để chờ thời cơ sẵn sàng khi thị trường phục hồi
Thực tế, kinh nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, các doanh nghiệp để phát triển vững mạnh đều rất coi trọng chiến lược ổn định nhân sự. Đơn cử như người Nhật. Họ nổi tiếng với khẩu hiệu “công việc trọn đời”. Khi hoạt động kinh doanh sa sút, hay khi sử dụng các kỹ thuật tiết kiệm lao động, các công ty giữ lại số công nhân viên làm việc suốt đời, sa thải số công nhân tạm thời. Khi lâm vào khủng hoảng, các công ty Nhật Bản thường sử dụng thời gian này để đào tạo nhân viên, chuẩn bị cho lúc tình hình được cải thiện. Điều này không chỉ giúp chất lượng nhân sự được nâng cao mà các doanh nghiệp duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như chủ động nguồn lực để sẵn sàng nắm bắt khi cơ hội kinh doanh đến.
Theo các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước, trải qua một thời gian bất ổn, dự báo nền kinh tế Việt Nam vào nửa cuối của năm 2012 sẽ đi vào ổn định khả quan hơn. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc– Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Khó khăn sẽ ươm mầm cơ hội, những doanh nghiệp nào biết “tái cơ cấu” lại nguồn lực – trong đó có việc tái cơ cấu nguồn nhân lực sẽ tìm kiếm được nhiều thành công hơn khi nền kinh tế đi vào ổn định”.
Với những bài học kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ từ các chuyên gia kinh tế, “Diễn đàn Quản trị nhân sự trong giai đoạn khó khăn” đã giúp doanh nghiệp tiếp cận các hình thức quản trị nhân sự hiệu quả, nâng cao năng lực làm việc của nhân viên, thu hút nhân tài… để sẵn sàng đón đầu cơ hội phát triển.
Lê Kim Liên