“Quan Tiết Bất Đáo” Trương Công Giai
Trương Công Tào và Nguyễn Trãi nhận ra nhau qua ánh mắt, nhiều lần ông bí mật đến gặp Nguyễn Trãi. Biết Trương Công Tào có mẹ đẻ là người Việt Nam, bằng sức truyền cảm từ lòng mình, Nguyễn Trãi đã giảng giải cho Trương Công Tào nghe về quê hương đất nước, cuối cùng ông đã cảm hoá được Trương Công Tào. Trương Công Tào đã nhận ra điều đau đớn nhất là làm tướng cầm quân trong hàng ngũ giặc để về xâm lăng giày xéo quê mẹ. Có thể nói Nguyễn Trãi đã cuốn hút thu phục hoàn toàn vị quan to trong tổng hành dinh của giặc.
Thời cơ đã đến, Trương Công Tào bố trí để Nguyễn Trãi bí mật trốn ra khỏi thành Đông Quan đi gặp Trần Nguyên Hãn. Hai người vượt qua các trạm gác của quân Minh, luồn rừng Xích Thồ qua Vu Bản, Nho Quan, tắt sang Thạch Thành, Đèo Ống… đến đại bản doanh Lam Sơn của Lê Lợi. Mười năm kháng chiến chống quân Minh, quân ta sức mạnh như vũ bão, đánh đâu thắng đó. Công lao to lớn vĩ đại của anh hùng dân tộc Lê Lợi - Nguyễn Trãi là vậy, nhưng vẫn không quên người làm nội ứng trong hàng ngũ giặc từ thành Đông Quan ra: nào là quân số, nào là địa danh, cách bố trí lực lượng, chiến thuật đánh… ta đều biết trước.
Ngày 15 - 3 - 1428, Lê Lợi lên ngôi vua. Ở trong triều vua Lê Thái Tổ, người ta thấy có một người Tàu mà được vua và Nguyễn Trãi hết sức quý mến ưu ái cho giữ một chức quan trọng trách, đó là chức Tân Bộ Lễ lo mọi việc sắp đặt trong triều của Trương Công Tào. Ở lại nước Việt lập gia đình và phục vụ qua 4 đời vua nhưng không có cơ ngơi điền ấp. Vua thấy vậy nên quyết định cho ông được đi du ngoạn và chọn đất làm điền trại. Bấy giờ ông mới chọn vùng đất Thiên Kiện Sở, trấn Sơn Nam (xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, Hà Nam ngày nay) làm quê mới. Vua đã ban sắc chỉ cho đất đai và đây chính là nơi các đời con cháu của ông sinh sống, phát triển đến ngày nay.
Đời thứ 7 sau Trương Công Tào có Trương Chí Tín (ông nội của Trương Công Giai) đã thi đỗ Hương cống được bổ nhiệm làm tri huyện Thanh Liêm. Ông có nhiều công lớn nên vua phong tước Vương Hoàng nghĩa Đại phu (em kết nghĩa của vua) và có tấn phong. Hai con trai của ông là Trương Chí Tường, thân phụ tiến sĩ Trương Công Giai, một người em là Trương Minh Thành sinh ra tiến sĩ Trương Minh Lượng. Như vậy Trương Chí Tín có 5 cháu nội, thì có tới 2 cháu là tiến sĩ: Trương Công Giai và Trương Minh Lượng. Cuốn Trương Thế Gia Kýcó ghi: “Cụ là người nhân hậu tài cao đức rộng, nhã nhặn, chất phác, hiền lành, thông pháp môn và thiền giáo, trừ tà, xem tướng số rất giỏi, lo việc dân giúp đời không cần danh lợi”.
Trương Chí Tường là người thông minh từ nhỏ, là danh y nổi tiếng khắp gần xa. Ông thường xuyên bốc thuốc cứu người nên dân khắp vùng vô cùng mến mộ và mang ơn. Những người nghèo khó ông không ngại đường xa đến tận nơi chữa chạy mà không lấy tiền. Cụ bà Đinh Quý Thị là người nhân nghĩa, tiết tháo, đoan chính, một lòng yêu thương chăm sóc chồng con và theo lễ nghĩa rất chu đáo. Bà thương người nghèo khổ sẵn sàng cho tiền, gạo, chỉ đường, cấp vốn cho mà làm ăn. Vì vậy dân khắp vùng gọi bà là mẹ.
Trương Công Gai (1665 – 1728), còn gọi là Khải vì hai chữ Khải và Giai giống nhau, thừa hưởng gia tài trí thông minh của cha, tính dư nhân nghĩa của mẹ. Cậu bé Trương Công Khải rất thông minh sáng dạ, vóc người cao khác hẳn lớp trẻ cùng tuổi. Thấy con còn nhỏ mà ham học, đọc sách nhiều, vì vậy cha mẹ càng chăm lo hơn, chẳng ngại thuê thầy giỏi về dạy cho con. Cho tới năm 20 tuổi (1685), chàng trai trẻ đã lên kinh dự thi và đạt kết quả thật rực rỡ: đỗ Hương cống xong thi khoa Ất Sửu, thi đình niên hiệu Chính Hoà thứ 6 đời vua Lê Hy Tông. Ông có tên thứ nhất trong 11 tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm ấy.
Trương Công Giai được nhập triều chính lúc vua Lê Hy Tông lên ngôi được 10 năm. Chúa Trịnh đã tại vị được 3 năm. Những cuộc giao tranh giữa họ Trịnh và họ Mạc đã đến lúc kết thúc. Trương Công Giai được vua Lê Hy Tông giao cho chức Bồi tụng Hình bộ Thượng thư (giúp việc điều phối hoạt động chung của cung vua và phủ chúa). Ở chức này một năm, ông đã được chúa Trịnh Căn khen ngợi tấu với vua tăng tiến, lên chức Phụng Quản Tiệp Cơ (đứng đầu cung vua, phủ chúa điều hành lực lượng quân cơ), tước Nhập Thị Kinh Diên (võ quan có công lao với triều đình). chức quyền lễ bội sự (quyền giải quyết mọi việc sự vụ của bộ Lễ), chức Thượng thư kiêm Quốc Tử Giám tế tửu (hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám). Khi đó cả nước chỉ có một trường đại học. Tước Lỵ quận công (người ngoài tộc có nhiều vinh hạnh lớn tương đương với chức quốc công của người nội tộc). Sách Lịch triều tạp kỹcòn ghi: Tháng 3 năm Đinh Hợi (1707) phong tự khanh Trương Công Khải làm công bộ Hữu Thị Lang (chúc thứ ba sau Thượng Thư và Tả Thị Lang chuyên lo các ngành công thương nghiệp của đất nước), tháng 3 năm Tân Mão (1711), Trương Công Giai giữ chức Phó đô Ngự sử sau đó được tiến ngay lên chức đô Ngự Sử (quyền cao nhất của Ngự Sử Đài chuyên lo can gián nhà vua hoặc luận tội bá quan văn võ trong triều). Năm Mậu Tuất 1718, Đô Ngự Sử Trương Công Giai được cử làm chi cống cử nhập kỳ thi diên bội tung, thượng thư giám cẩm Sơn Nam (chủ khảo thi Hương chọn cử nhân, duyệt đề và chấm thi…) chức thượng trụ quốc thượng trật tướng công (là chức quan đại đô đốc hàm phiêu kỵ thượng tướng quân quản lý việc giữ an ninh cho quốc gia). Tháng 6 năm Canh Tý (1720), ông được phong chức Thượng thư bộ Hình. Trương Công Giai đã giữ liêm khiết trong sáng tận tuỵ khiến trong triều ngoài nội đều khen ngợi, phục vụ quốc gia thời thịnh trị dưới 2 đời vua Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông, 2 đời chúa Trịnh Căn và Trịnh Cương, duy trì được công bằng lẽ phải để lại nền nếp nền tảng cho hậu thế.
Suốt 43 năm làm quan, ông là người liêm khiết, trong sáng. Bốn chữ đại tự do chính tay ông viết lên bức hoành phi treo trước cửa công đường nơi ông thực thi công việc rất nổi tiếng cho muôn đời, đó là “Quan Tiết Bất Đáo”, có nghĩa: quan thanh liêm và khí tiết không nhận của gian phi. Đó là lời răn dạy cho tất cả những người làm quan quyền chức. Ông còn để lại những áng thơ văn, câu đối, thật sâu sắc và ý nghĩa.
Vua Lê Dụ Tông đã viết câu đối về ông:
Trung thần hiếu tử thông minh thuở cầu thi sinh đắc sinh, trường sinh khả ái.
Tiến sĩ thượng thư tài chí bất nghi tử nhi tử kỳ tử giã thương.
Dịch nghĩa:
Trung thần hiếu tử thông minh thuở cầu thi sinh đã sinh mong trường sinh mến mãi.
Tiến sĩ thượng thư tài trí, chưa nên tử đã tử, nay bất tử thương ôi!
Chúa Trịnh Cương viết:
Kỷ miền sơn hải phụng trì an đắc vị trung thần hiếu tử.
Nhất đáng tang thương để cục nan tầm suy nhục hoàn y quan.
Dịch nghĩa:
Bao năm thờ phụng núi sông, được yên tĩnh trung thần hiếu tử.
Một sớm tang thương buồn não khó bình tâm thay áo đổi y.
Hồ Phi Tích (Lại bộ tả thị lang thời vua Lê Hy Tông) viết bài thơ:
Trương Thượng Thư.
Sáu mươi ba tuổi đón lên tiên
Bóng hạc tùng mây thoả ước nguyền
Phúc đức tôn hiền nên phúc hậu
Quang vinh trọng nghĩa hoá ân tuyền
Hai triều vua sáng danh vinh hiển
Muôn thuở trời xanh chí lan truyền
Chiêm ngưỡng dung nhan trà lính ấy
Vườn xưa, người đấy hỡi linh thiêng!
Triều Khải Định năm thứ 9, ngày 25 - 7 - 1924 đã ban sắc phong cho Trương Công Giai để thờ phụng tại đình làng Trà Châu, xã Thanh Tâm, Thanh Liêm, Hà Nam.
Sách Đăng khoa lụcghi: thi hài Trương Công Giai được ướp quàn tại viện Thiên Thanh đến ngày 11 - 5 - 1728 (sau 100 ngày) mới đưa về an táng tại núi A Hồ (Trà Lĩnh) quê hương ông. Đây là ân điển đối với vị đại khoa làm quan đại thần lâu năm có nhiều cống hiến cho nhà nước.
Trong cuốn Trương Thế Gia Kýcủa Trương Luận Xuyên có viết: Cụ Trương Chí Tín (ông nội Trương Công Giai) có 6 người con, người con cả mang Trương Đình. Người thứ hai mang Trương Công. Người thứ ba mang Trương Văn. Người thứ tư mang Trương Duy… bởi vậy dòng họ Trương là rất lớn.
Trong phần thuyết minh phim Người đi tìm VTV1vào mùng 2 - 6 - 2007 đã cung cấp nhiều tài liệu quý, đó là ông Trương Công Giang 86 tuổi hiện là Chủ tịch hội đồng gia tộc họ Trương xã Thanh Tâm, Thanh Liêm, Hà Nam. Từ những năm 1986 là một thương binh, cán bộ cách mạng lâu năm đã về hưu, ông bắt tay vào việc đi tìm dòng họ. Cùng với người anh là Trương Công Tràng (nay đã 95 tuổi rất thông sáng về chữ Nho và Hán văn) và người em là Trương Công Sướng (nay đã 81 tuổi) cán bộ cách mạng về hưu, các ông đã cơm đùm cơm nắm đi và đi, đến và đến rất nhiều nơi, rất nhiều năm (trên 20 năm) tìm và dịch sách tại Thư viện Quốc gia, viện Hán Nôm, trung tâm Văn miếu Quốc Tử Giám, bảo tồn bảo tàng bộ Văn hoá, thư viện các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, tham khảo các tập sách Lịch triều Tạp Kỹ, Đinh Khiết Đại Việt, Lịch Triều Đăng Khoa Lục, Đại Việt Lục Đại Đăng Khoa, Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Nhân vật lịch sử văn hoá Hà Namvà hàng trăm cuốn gia phả khác. Trong đó cuốn Trương Thế Gia Kýcủa Trương Luận Xuyên viết ngày 10 – 8 năm Quý Sửu (1733) được xem là giá trị nhất. Ông Giang nói:
“Chúng tôi đã tìm, tổng kết và xác định quá trình của cụ là 20 tuổi đã đỗ đầu tiến sĩ ra làm quan, giữ 6 chức lớn trong triều… từng được vua ban đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu tước lị quận công hàm thiếu bảo. Tự là Đoan Lượng khi mất được vua ban tên Thuỵ là Hiên Hoát tiên sinh”.
Chỉ một việc múc nước lau rửa tới 50 văn bia ở Quốc Tử giám trong tổng số 82 văn bia đã đủ cho ta thấy anh em nhà họ Trương đã bỏ công lao và tâm huyết để tìm cụ thượng tổ dòng họ đỗ tiến sĩ như thế nào. Các ông đã không cầm nổi xúc động khi lau, dịch tới văn bia số 50, ông nói:
“Anh em chúng tôi vui sướng quá vì đúng tên, đúng họ, đúng quê, thế là chúng tôi ghi ghi chép chép. Sau đó lên ban quản lý trình bày giấy tờ và xin xác nhận thanh danh của cụ thượng tổ chúng tôi bằng một văn bản sang trọng”.
Thế là trong số những hiền tài nguyên khí của quốc gia cũng có tên cụ thượng tổ của dòng họ Trương, người đã sánh vai cùng những nhân vật lừng danh muôn thuở trong sự ngưỡng mộ của người đời.
Hội đồng gia tộc họ Trương đã họp và thừa nhận Trương Công Giai thượng tổ của dòng họ là người tài đức vẹn toàn, tấm gương rực sáng tiêu biểu cho con cháu đời đời thế thế noi theo.
Đầu năm 2004, tỉnh Hà Nam quyết định xuất bản cuốn sách Thượng thư tiến sĩ Trương Công Giaicủa Trần Tuấn Đạt. Tỉnh còn giao cho huyện Thanh Liêm và xã Thanh Tâm cấp đất xây dựng nhà bia tưởng niệm nhân vật lịch sử văn hoá Thượng thư Tiến sĩ Trương Công Giai tại thôn Kho Núi, xã Thanh Tâm.
Ngày 2 tháng Chạp năm 2006, lễ cắt băng khánh thành nhà bia tưởng niệm đã được tổ chức chu đáo long trọng với sự tham dự của đông đảo con cháu dòng họ Trương từ khắp nơi về hội tụ.
Đây không chỉ là nơi thờ phụng tổ tiên của con cháu dòng họ Trương từ khắp mọi miền đất nước tìm về và tự hào ngưỡng mộ mà còn là địa chỉ truyền thống văn hoá lịch sử trên quê hương Hà Nam .