Quai bị có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Quai bị là bệnh nhiễm khuẩn do siêu vi gây ra. Lây truyền qua nước bọt và nước tiểu của người bệnh. Bệnh phổ biến ở trẻ 3 - 14 tuổi thường 5 - 9 tuổi và thanh niên 18 - 20 tuổi. Miễn dịch sau khi bị bệnh quai bị khá bền vững. Ở Việt Nam bệnh tập trung từ tháng 11 đến tháng 2. Thời gian này được coi là mùa của bệnh quai bị vì thời tiết đang chuyển vào mùa lạnh rất thuận lợi cho siêu vi gây ra bệnh quai bị phát triển.
Nguy hiểm nếu không điều trị đúng cách
Quai bị được các bác sĩ đánh giá là bệnh lành tính vì nếu biết cách chăm sóc phần lớn trẻ mắc bệnh sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy vậy, nếu bệnh nặng hoặc không điều trị đúng cách có thể gây ra một số biến chứng như: viêm màng não, viêm tinh hoàn ở trẻ nam và viêm buồng trứng ở nữ (thường gặp ở trẻ dậy thì). Một số biến chứng nặng hơn như viêm tụy cấp, viêm não, viêm cơ tim. Khi đã bị biến chứng này trẻ có nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên tỷ lệ trẻ mắc biến chứng này không nhiều. Bệnh cũng có thể gây các biến chứng như viêm tinh hoàn, thường là một bên, và xảy ra ở 20-30% nam giới trưởng thành; viêm buồng trứng, gặp ở 5% nữ trưởng thành. Tử vong do quai bị cũng rất thấp (1/10.000 trường hợp mắc). Quai bị cũng có thể gây một số biến chứng như gây điếc vĩnh viễn một bên tai. Với phụ nữ, trong ba tháng đầu mang thai bị mắc quai bị có thể làm tăng tỷ lệ sẩy thai.
Bệnh có thể gây vô sinh. Thống kê mới trên thế giới cho thấy, 50% bệnh nhân nằm ở độ tuổi thanh niên. Viêm tinh hoàn là biến chứng thường gặp nhất của bệnh quai bị ở nam giới sau tuổi dậy thì (chiếm 20-35% các ca biến chứng). Biến chứng này diễn ra trong vòng 1-6 tháng sau đợt viêm cấp tính, khiến việc sinh tinh giảm dần và có thể mất hẳn. Tinh hoàn bị viêm thường sưng to và đau, có khi bệnh nhân bị sốt kèm theo. Ở khoảng 50% trường hợp, tinh hoàn sẽ dần dần teo đi. Bị viêm cả hai bên sẽ dẫn đến vô sinh hoàn toàn.
Viêm tuyến mang tai là triệu chứng điển hình nhất
Thời gian ủ bệnh từ 15 - 21 ngày, virus phát triển ở niêm mạc miệng sau đó xâm nhập vào máu gây viêm các cơ quan.
Viêm tuyến mang tai:Thường gặp nhất và điển hình nhất, trẻ sốt 38 - 39 oC, nhức đầu, mệt mỏi, ăn ngủ kém; viêm sưng tuyến mang tai, da căng phồng lên, đau, miệng khô và khó nuốt. Có khi viêm cả tuyến nước bọt dưới hàm, dưới lưỡi, nên mặt bạnh ra, nước bọt ít và quánh. Sau 4 - 5 ngày hết sốt, sưng đau, giảm dần và khỏi.
Viêm tinh hoàn:Hay gặp ở tuổi thanh niên, thường xảy ra vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8 sau khi viêm tuyến mang tai. Sốt cao trở lại, tinh hoàn sưng tấy, đỏ bìu căng có khi kéo dài cả tuần. Sau 1-6 tháng tinh hoàn bị viêm nhỏ hơn bình thường.
Viêm buồng trứng:Chỉ gặp ở phụ nữ dậy thì, sốt, đau bụng dưới có thể xuất huyết tử cung nhẹ trong vài ngày.
Viêm tụy cấp:Thường chỉ gặp ở người lớn, rất hiếm ở trẻ em, sốt, đau bụng cấp, tiêu chảy, biếng ăn.
Viêm não màng não:Sốt 38 - 39 oC kèm theo rét run; có dấu hiệu màng não (nhức đầu, nôn ói, ly bì, cổ gượng); có thể co giật, hôn mê.
Dự phòng và xử trí
Bệnh có mức độ lây lan nhanh qua đường hô hấp. Một người mắc có thể lây cho người khác trước khi sưng tuyến mang tai 2 ngày và ngay cả khi đã xẹp vùng sưng mang tai được 7 - 10 ngày, vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Thực tế cho thấy, người nào chưa từng mắc bệnh nếu tiếp xúc với trẻ mắc bệnh hầu hết sẽ bị lây. Vì vậy, khi phát hiện trẻ mắc bệnh quai bị các bậc phụ huynh nên cho trẻ nghỉ học để cách ly với các bạn học khác. Cần cách ly bệnh nhi tại nhà từ 9 - 10 ngày, người tiếp xúc nên đeo khẩu trang. Cách phòng ngừa tốt nhất là nên chích ngừa quai bị cho trẻ. Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên có thể chích ngừa.
Trong thời gian trẻ mắc bệnh quai bị có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách cho trẻ nghỉ ngơi, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu để trẻ ít phải nhai. Nếu trẻ sốt, cho trẻ uống thuốc Paracetamol để hạ sốt. Đặc biệt, không cho trẻ vận động vì dễ gây biến chứng. Đắp khăn ấm vùng tuyến mang tai, mặc quần lót nâng dịch hoàn để giảm đau, giảm căng. Vệ sinh cá nhân và tẩy uế sát trùng các chất dịch tiết. Cần lưu ý khi trẻ bị nhức đầu, ói nhiều, sốt cao hoặc đau vùng bìu (biến chứng viêm tinh hoàn ở trẻ nam), đau bụng nhiều (biến chứng viêm buồng trứng ở trẻ nữ) thì phải đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị đặc hiệu, tránh biến chứng sau này.
Các bác sĩ lưu ý tuyệt đối không dùng các phương pháp điều trị kiểu mê tín dị đoan, truyền miệng như khoán (vẽ bùa xung quanh vùng sưng) và cho trẻ uống nước bùa. Không đắp vôi lá cây lên vùng sưng của trẻ làm nóng, phỏng vùng sưng. Lúc này, vi trùng dễ xâm nhập và gây ra biến chứng viêm tuyến mang tai. Trẻ trong tình trạng này, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ bị tử vong. Những cách điều trị này chẳng những không thể chữa khỏi bệnh mà còn gây hại cho trẻ.
Các bậc cha mẹ cũng cần phân biệt bệnh quai bị và bệnh bạch hầu vì kiểu sưng của bệnh quai bị gần giống với bệnh bạch hầu. Trẻ mắc bệnh bạch hầu sẽ bị sưng một lúc ở hai bên hàm, cổ bạnh ra, siết cao, người lừ đừ. Bệnh bạch hầu phải được điều trị, cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ rất dễ gây tử vong.
Nguồn: nhandan.com.vn 27/10/2005