Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 25/02/2008 15:49 (GMT+7)

Phòng trừ bệnh hại từ đất hiệu quả và an toàn bằng "biện pháp 3 sinh học"

Để góp phần hạn chế tồn tại trên, nhiều chế phẩm BVTV có nguồn gốc sinh học đã được đăng ký sử dụng. Tuy vậy, trong thực tế sản xuất, việc sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh còn nhiều hạn chế. Một trong những lý do chủ yếu là các chế phẩm sinh học thường chỉ được sử dụng riêng lẻ với mục tiêu diệt trừ ngay sâu bệnh khi chúng đã phát sinh gây hại. Kết quả là trong đa số các trường hợp hiệu quả diệt trừ sâu bệnh tỏ ra không bằng so với sử dụng thuốc hóa học nên chưa được nhiều nông dân chấp nhận. Để hiệu quả phòng trừ sâu bệnh hại của các chế phẩm sinh học thể hiện rõ, các chế phẩm sinh học cần phải được sử dụng theo quy trình xác định trong từng điều kiện cụ thể.

Biện pháp “3 sinh học” được đề xuất trên cơ sở phối hợp sử dụng đồng bộ 3 chế phẩm sinh học nhằm phòng trừ hiệu quả một số bệnh hại cây trồng có nguồn gốc từ đất.

1. Cơ sở khoa học và thực tiễn của phương pháp “3 sinh học”

1.1. Phù hợp với những nguyên lý cơ bản của quan điểm quản lý dịch hại tổng hợp.

Sâu bệnh chỉ có thể gây hại được cho cây trồng khi chúng phát triển tích lũy đến số lượng cao vượt quá khả năng chống chịu của cây. Vì vậy, muốn hạn chế tác hại của sâu bệnh có hiệu quả, một mặt phải hạn chế số lượng sâu bệnh phát sinh, mặt khác phải tăng sức chống chịu cho cây. Hai mục tiêu này có quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nhau trong sự cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Nguyên lý này được thể hiện trong toàn bộ nội dung của IPM.

Kết quả từ nhiều đế tài khoa học đã khẳng định, các loại bệnh hại trong đất thường phát sinh gây hại nặng khi có 3 điều kiện.

( 1) Trong đất có mật độ cao vi sinh vật gây bệnh.
(2) Có tác nhân gây vết thương tạo điều kiện cho VSV gây hại xâm nhập vào rễ cây (tuyến trùng, rệp sáp…).
(3) Cây có sức chống chịu kém.

Để phòng trừ các loại bệnh hại trong đất, thực tế nông dân thường sử dụng đơn lẻ một trong các biện pháp.

- Chỉ sử dụng thuốc hóa học để tưới xuống gốc cây nhằm tiêu diệt nấm bệnh. Biện pháp này có hể có hiệu quả nhưng không lâu dài vì nấm bệnh tiếp xúc với thuốc có thể bị tiêu diệt nhưng sau đó mật số lại phục hồi ở mức độ cao hơn. Lý do là môi trường đất (có xử lý thuốc trước đó) lại thuận lợi hơn cho sự phát triển của nấm bệnh. Hậu quả là các vườn có xử lý thuốc có thể sẽ bị bệnh hại nặng hơn ở vụ sau.

- Biện pháp sử dụng phân hữu cơ vi sinh kết hợp vi sinh vật đối kháng để phòng bệnh. Biện pháp này tuy tác động trực tiếp vào nguyên nhân cơ bản làm bệnh phát sinh gây hại, nhưng trong thực tế sản xuất rất ít vườn áp dụng được đầy đủ, triệt để quy trình này nên vẫn bị bệnh tấn công gây hại khiến nông dân phải sử dụng tiếp theo những biện pháp tiêu cực khác (như sử dụng thuốc hóa học đổ xuống gốc).

- Biện pháp sử dụng các chất kích kháng nhằm tăng sức đề kháng của cây với bệnh. Thực tế biện pháp này đã có hiệu quả ở mức độ hạn chế thiệt hại của bệnh, nhưng nếu chỉ thực hiện duy nhất biện pháp này thì chưa đủ để khống chế bệnh. Trong nhiều trường hợp khi áp lực bệnh lớn, sức chống chịu bệnh của cây đã bị phá vỡ.

Nội dung của “biện pháp 3 sinh học” là sử dụng đồng bộ, cùng lúc 3 sản phẩm sinh học với mục tiêu chặn đứng đồng thời 3 nguyên nhân làm bệnh phát triển gây hại là:

(1) Làm giảm mật số VSV gây bệnh.
(2) Tiêu diệt các sinh vật gây vết thương tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập.
(3) Tăng sức đề kháng cho cây trồng .

1.2. Tác dụng của các thành phần trong “biện pháp 3 sinh học”

Trong “biện pháp 3 sinh học” có sử dụng 3 thành phần chính là bột rễ cây derris, nấm đối kháng Trichoderma và chất Chitosan, đều là những thành phần có nguồn gốc sinh học.

Trong rễ cây Derris có chất Rotenon, diệt được nhiều loại sâu hại và tuyến trùng trong đất. Ngoài ra trong rễ cây Derris còn chứa một hàm lượng khá cao chất Cytokinin là một hormon điều hòa sinh trưởng thực vật vừa có tác dụng kích thích rễ cây phát triển vừa góp phần hạn chế được tuyến trùng. Sử dụng bột rễ cây Derris bón vào đất tận dụng được ưu thế này, vì thế hiệu quả phòng trừ các sinh vật gây hại trong đất cao hơn dùng Rotenon chiết xuất. Về độ an toàn thì rõ ràng bột rễ cây Derris ít gây ô nhiễm đất và nguồn nước hơn nhiều so với sử dụng thuốc hóa học tưới hoặc rải xuống đất.

Nấm Trichoderma là loại nấm đối kháng cũng đã được sử dụng để trừ các loại nấm hại trong đất như Fusarium, Rhizoctonia, Sclerotium, Phytophthora… là những nấm gây nhiều bệnh cho cây trồng. Những loại nấm này tích lũy nhiều và tồn tại lâu trong đất, khả năng chống chịu với các thuốc hóa học rất cao, được coi là những nấm gây bệnh khó phòng trừ.

Chitosan (Oligo-sacarit) là chất hữu cơ được thủy phân từ chất Chitin có trong vỏ tôm, cua và các loài giáp xác, một số loài rong biển cũng có chất này. Chitosan hoàn tòa không độc với người và môi trường. Chất Chitosan dược dùng trong các lĩnh vực y dược, nông nghiệp và công nghiệp. Trong nông nghiệp, chế phẩm chứa Chitosan được dùng để xử lý hạt giống, bón vào đất và phun lên cây để thúc đẩy sinh trưởng và phòng trừ sâu bệnh cho cây. Khi phun lên cây, chất Chitosan được cây hấp thụ nhanh, kích thích sự sinh trưởng của cây, kích thích hoạt động của hệ thống kháng bệnh, hạn chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh. Với cơ chế trên, Chitosan có khả năng phòng trừ được nhiều loại bệnh do nấm, vi khuẩn và virus. Riêng với virus, Chitosan có tác dụng như một vắc xin thực vật.

Với sự phối hợp tác động của 3 thành phần trên đây, “biện pháp 3 sinh học” là một biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng có hiệu quả cao và an toàn, phù hợp với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện nay.

2. Khả năng ứng dụng “biện pháp 3 sinh học” trong sản xuất

“Biện pháp 3 sinh học” có thể áp dụng phòng trừ sâu bệnh cho nhiều loại cây trồng, đặc biệt hiệu quả cao đối với các loại bệnh có nguồn gốc từ đất là các loại bệnh mà biện pháp hóa học có hiệu quả rất hạn chế. “Biện pháp 3 sinh học” đã được thử nghiệm trên cây hồ tiêu và rau cải bước đầu có kết quả tốt.

Cây hồ tiêu thường bị rệp và tuyến trùng hại rễ, nhiều trường hợp làm chết cả cây lớn. Rệp và tuyến trùng còn mở đường cho các loài nấm xâm nhập gây hiện tượng chết nhanh và chết chậm rất phổ biến và nguy hiểm. Ngoài ra, còn có virus gây hiện tượng tiêu điên, tiêu cằn cũng rất phổ biến. Các sâu bệnh trên là những đối tượng gây hại nguy hiểm nhất đối với cây tiêu, chúng thường liên kết tác động cùng gây hại tiêu làm nhiều vườn tiêu bị suy thoái hoặc chết hàng loạt. Các sâu bệnh trên nếu đã biểu hiện triệu chứng trên cây để nhận biết được thì hầu như không còn khả năng cứu chữa. Cũng không thể dùng thuốc hóa học để tưới hoặc rải xuống đất do hiệu quả không cao và gây ô nhiễm. Sử dụng “biện pháp 3 sinh học” (bằng cách rải bột rễ cây derris và chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma xuống đất và phun Chitosan lên cây) trên một số vườn tiêu ở huyện Lộc Ninh (Bình Phước) và huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho thấy những cây tiêu bị hại nhẹ đều hồi phục tốt.

Trên các loại rau như rau cải, rau muống, mồng tơi, rau dền, cà chua, ớt, dưa leo, dưa hấu, đậu cô ve… trồng ở các vùng chuyên rau của Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… Các loại nấm đất, tuyến trùng và virus đang có xu thế phát triển gây hại nặng. Với những đối tượng này, sử dụng thuốc hóa học hiệu quả không cao, còn gây ô nhiễm rau. Sử dụng “biện pháp 3 sinh học” bước đầu cho kết quả khả quan trên một số vườn rau huyện Củ Chi.

Ngoài các cây hồ tiêu và rau cải đã được thực nghiệm có kết quả, “biện pháp 3 sinh học” có thể áp dụng cho nhiều cây khác như nho, cà phê, cà chua, ớt, dưa leo…

Hiện Công ty phân bón Bình Điền đã có chế phẩm Chitosan với tên thương mại là Olicide 9DD. Nguồn nấm Trichoderma và bột rễ cây derris cũng đã có, Công ty đang nghiên cứu phối trộn chất phụ gia để tăng cường hiệu lực và thuận tiện khi sử dụng.

Biện pháp 3 sinh học do một số nhà khoa học của Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam ) và Công ty phân bón Bình Điền cùng nghiên cứu đề xuất. Rất mong được sự góp ý, hợp tác của các nhà khoa học và bà con nông dân để biện pháp ngày càng hoàn thiện và được ứng dụng rộng rãi.


Nguồn: binhdien.com

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.