Phan tuẫn thần và Phan công thần trong tâm thức dân gian Nam Bộ
Điều quan trọng hơn, hai cách gọi này còn bao hàm thái độ bình giá của tác giả dân gian về Phan Thanh Giản:
Vĩnh Long có cặp rồng vàng
Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan tuẫn thần (a)
Vĩnh Long có cặp rồng vàng
Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan công thần (b)
Cả hai bản (a) và (b) đều được in trong Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long, Nhà xuất bản Giáo dục, 1997.
1. Đối với một số thể loại văn học dân gian như truyền thuyết và vè, lịch sử được coi là đối tượng phản ánh chuyên biệt của chúng. Nếu truyền thuyết phản ánh những sự kiện và nhân vật lịch sử thời quá khứ thì vè phản ánh lịch sử đang diễn ra. Tuy nhiên, không phải sự kiện, nhân vật lịch sử nào cũng được phản ánh mà phải là những sự kiện và nhân vật thu hút được sự chú ý của nhân dân. Nếu âm hưởng chung của truyền thuyết là ca ngợi, tôn vinh (cho nên nó gắn với việc thờ cúng và thực hành nghi lễ, chẳng hạn như lễ hội đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, Kiên Giang…) thì vè còn có cả cảm hứng phê phán. Như vậy, dù tôn vinh hay phê phán, một khi phản ánh lịch sử, các thể loại văn học dân gian này đều biểu thị và lưu giữ thái độ của nhân dân. Lịch sử không phải là đối tượng chuyên biệt của tục ngữ và ca dao, nhưng không vì thế mà phủ nhận nội dung lịch sử trong các thể loại này. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam đều thừa nhận rằng ca dao - dân ca “đã bao quát được toàn bộ cuộc sống nhân dân và trở thành một pho lịch sử nhân dân theo sát nghĩa của khái niệm này” [1, 146].
2. Trên nền tảng vừa nêu, chúng tôi trở lại hai dị bảncủa một bài ca dao về Phan Thanh Giản. Âm hưởng chung của hai dị bản là đề cao cụ Phan qua hình ảnh “rồng vàng”: Phan Thanh Giản là niềm tự hào của người Nam Bộ nói chung, của đất Vĩnh Long xưa nói riêng.
Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phan có một mốc lịch sử cực kỳ quan trọng gắn với lịch sử đất nước nói chung, với lịch sử Nam bộ nói riêng, đó là năm kí Hoà ước 1862 nhượng 3 tỉnh miền Đông cho Pháp. Giai đoạn 1862 - 1867 là giai đoạn cuối đời đầy gian truân, đầy bi kịch mà ngài Kinh lược cuối cùng đã không thể nào vượt qua bế tắc, đành kết thúc bằng chén thuốc độc định mệnh. Tác giả dân gian qua dị bản (a) nêu trên chắc hẳn đã cúi đầu bên mộ bia người quân tử thất thế, thấu hiểu phẩm giá, nỗi lòng người xưa tương tự như nhận xét trong Đại Nam chính biên liệt truyện: “Thanh Giản là người ngay thực, giữ lòng liêm khiết, làm quan cần mẫn, thận trọng, gặp việc dám nói. Trải thờ ba triều vẫn được yêu quý. Đến khi mang cờ tiết đi Nam , thế không làm sao được, biết tội tự uống thuốc độc chết. Thực là ở vào chỗ người ta khó xử. Xem tờ sớ để lại thì lòng trung ái chứa chan ở ngoài lời nói”. (dẫn theo Phan Huy Lê). Một nhà Nho hết lòng yêu nước thương dân, nhưng buộc phải kí Hoà ước cắt một phần đất nước cho kẻ thù (1862) rồi sau đó không thể giữ được phần giang sơn còn lại (1867). Kí Hoà ước nhượng đất là dựa trên lập trường “chủ hoà” của triều Nguyễn lúc đó, mất phần đất còn lại là vì rơi vào tình thế không thể giữ nổi. Có người đặt câu hỏi, nếu “chủ chiến” liệu triều đình Huế và Phan Thanh Giản có giữ được Nam kì trước hoạ xâm lăng của thực dân Pháp không. Câu trả lời là không, vì lúc ấy chưa thể đạt tới một chiến lược “chiến tranh nhân dân” đúng đắn để có thể phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc.
Cái chết của ông thật đáng khâm phục, chết vì ý thức trách nhiệm cao của một công dân đối với đất nước. Từ nội dung của cả bài ca dao đến ý nghĩa của nhóm từ “Phan tuẫn thần”, ta thấy tác giả dân gian thiên về cảm hứng ca ngợi chứ không phê phán, hay phê phán một cách nặng nề như một số (chứ không phải là tất cả) nhà sử học những năm 1962-1963 và sau này.
3. Năm Bính Tuất - 1826 (31 tuổi), Phan Thanh Giản thi đậu tiến sĩ. “Ông là người đỗ đại khoa trước nhất của Nam kỳ. Lực học tinh thuần, tính hạnh chính trực” ( Quốc triều đăng khoa lục- dẫn theo Phan Huy Lê). Từ đây ông bước vào con đường hoan lộ với những bước thăng trầm, phụng sự đất nước qua ba triều vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
Giai đoạn 1826 – 1862, Phan Thanh Giản giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong triều và nhiều địa phương, tham gia vào các hoạt động chính trị, ngoại giao, kinh tế (từng là Thượng thư bộ Hình sung Cơ mật viện đại thần, Thượng thư bộ Lại, Thị lang bộ Lễ, Thị lang bộ Hộ, Phó sứ sang Thanh… làm quan cai trị ở nhiều địa phương như Nghệ An, Ninh Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam… làm Kinh lược phó sứ Nam kỳ lĩnh Tuần phủ Gia Định…). Đặc biệt, những cống hiến của ông trên lĩnh vực văn hoá rất đáng trân trọng. Trong những năm 1856 - 1859, ông làm Tổng tài phụ trách việc biên soạn Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Đây là bộ quốc sử đồ sộ, 52 quyển, ghi lại lịch sử dân tộc từ thời Hùng Vương cho đến 1789 (năm chiêu Thống thứ 3). Qua đây, Phan Thanh Giản được đánh giá là một nhà sử học lớn, vì bộ sách được chú giải tên đất, tên người, giám định các sự kiện, niên đại một cách công phu. Sau khi mất ba tỉnh miền Đông, ông cùng với Nguyễn Thông xây Văn Thánh miếu, lập Văn Xương các ở Vĩnh Long để quy tụ sĩ phu Nam kỳ. Việc này một lần nữa chứng tỏ tấm lòng vì dân tộc của cụ Phan. Và không chỉ là tấm lòng mà tất cả còn là công lao.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long đã từng có đền thờ Phan Thanh Giản, tượng Phan Thanh Giản, trường Phan Thanh Giản… Đây là một cách đánh giá nhân vật lịch sử, thể hiện thái độ đề cao. Thái độ này về căn bản phù hợp với đánh giá của tác giả ca dao ở dị bản (b): Phan Thanh Giản là “Phan công thần”. Dĩ nhiên, đối với các nhà sử học, đây chỉ mới là một trong nhiều kênh thông tin tham khảo. Nếu những vấn đề này được trình bày trong sách thì cũng chỉ là “sách tham khảo” chứ không phải là “giáo trình”. Ngoài ra, đức hạnh và tinh thần hiếu học của cụ Phan được sử sách ghi chép, được truyền tụng trong dân gian bằng những giai thoại đã từng gây xúc động bao thế hệ học sinh đồng bằng. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng tạm đủ để ngài Kinh lược xứ Nam Kì trở thành tấm gương sáng.
____________
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Bình Trị (1995) - Phân tích tác phẩm văn học dân gian, NXB Giáo dục.
2. Phan Huy Lê (1999) - “Phan Thanh Giản con người, sự nghiệp & bi kịch cuộc đời”,Nam Bộ Xưa & Xay, tr 193-214.
Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, số 5 (127), 2006, tr 27 - 28