Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 19/09/2005 14:58 (GMT+7)

Phan Chu Trinh với cuộc vận động: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh

Khoa Canh Tý (1900), 18 tuổi ông đỗ Cử nhân, khoa thi Hội 1901 đỗ Phó bảng đồng khoa với cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Hồ Chủ tịch. Nhưng năm 1902-1904 trong khi phải nhậm chức thừa biện bộ Lễ tại triều đình Huế, ông tranh thủ đọc tại nhà một số văn thân tiến bộ nhiều sách chữ Hán của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu nói về CM Trung Hoa và cuộc duy tân Nhật Bản, sách của Rutxô, Môngtetxkio dịch sang chữ Hán về các cuộc CM Pháp, Mỹ. Liền sau đó ông từ quan (Cụ Nguyễn Sinh Sắc thay ông nhậm chức trên) để cùng hai ông Nghè nổi tiếng đất Quảng: Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp phát động cao trào Duy tân tại tỉnh nhà. Cuộc vận động Duy tân gồm 3 nội dung: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”(Tinh thần của cuộc vận động là: 1) Xây dựng nền giáo dục (GD) tiến bộ, bỏ lối học khoa cử, mở mang trí tuệ cho dân, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; 2) Giác ngộ lòng yêu nước và nhuệ khí đấu tranh trong quần chúng, thức tỉnh và rèn luyện chí khí của giới nhân sĩ để lãnh đạo dân vùng lên cứu nước; 3) Làm cho cuộc sống của dân ngày càng no ấm, nền kinh tế quốc dân phát triển (“Hậu” là làm dày ra). Sau đó các Cụ đi vận động các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận cùng phối hợp hành động. Tiếp theo, một mình Phan Chu Trinh ra Bắc (Hà Nội) vận động mở trường Đông Kinh nghĩa thục, lên Bắc Giang gặp Hoàng Hoa Thám, đặc biệt từ Hải Phòng bí mật sang Hương Cảng (Trung Quốc) gặp Phan Bội Châu và Cường Để rồi cùng nhau sang Nhật, tham quan trường học, các cơ sở kinh tế để tận mắt tìm hiểu công cuộc duy tân của họ, Cụ thấy rõ ta thua Nhật là do trình độ dân trí thấp kém dẫn đến bị nô lệ ngoại bang.

Vì các hoạt động đó, nhà cầm quyền Pháp bắt Cụ kết án tử hình; sau đó được chính các vị Thương thư tiến bộ trong triều đình Huế như Cao Xuân Dục và Lê Trinh bênh vực, chúng giảm án đày ra Côn Đảo; tiếp theo được phong trào Nhân quyền Pháp can thiệp chúng đưa Cụ về “giam lỏng” tại Mỹ Tho. Phan Chu Trinh xin nhà cầm quyền Pháp cho Cụ sang Pháp. Tại Pháp, Cụ đã có một sách lược rất độc đáo là làm ngoại giao nhân dân, vận động chính khách và nhân dân Pháp ủng hộ nhân dân ta đấu tranh đòi cải cách chế độ cai trị hà khắc của nhà cầm quyền Pháp tại thuộc địa, làm hậu thuẫn cho phong trào CM trong nước. Đồng thời Cụ đã tập hợp bà con Việt Kiều, cùng luật sư Phan Văn Trường lập ra “Hội đồng bào thân ái” (1912), tổ chức Việt kiều đầu tiên ở Pháp để bồi dưỡng lòng yêu nước và tuyên truyền dân chủ. Năm 1922, khi vua bù nhình Khải Định sang Pháp dự “triển lãm thuộc địa” ở Mac-xây, Cụ viết thư luận tội, kết án Khải Định phạm 7 điều đáng xử trảm. Một sự kiện đặc biệt là mối quan hệ của Cụ với Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc. Cụ rất thương yêu, gần gũi, coi Nguyễn Tất Thành là ruột thịt, giúp đỡ mọi mặt trong những năm anh mới chuyển sang Pháp. Cả hai ông Phan đã tạo cơ hội cho Nguyễn làm quen, tiếp cận với các nhà hoạt động chính trị có tiếng của đảng Xã hội Pháp. Tranh thủ thời cơ hội nghị của các cường quốc ký hoà ước Vécxây khai mạc ngày 18-1-1918, hai ông Phan cùng Nguyễn Tất Thành đã soạn thảo nội dung, ký tên Nguyễn Ái Quốc gửi yêu sách tới hội nghị đòi dân tộc độc lập. Đó là cơ hội Phan Chu Trinh chính thức giới thiệu cho công chúng Pháp và Việt Nam để suy tôn Nguyễn Ái Quốc thành “Đại diện người Việt Nam yêu nước”, lãnh tụ trẻ của CM Việt Nam trên chính trường. Sau này khi biết Nguyễn Ái Quốc sang tới Liên Xô để tìm con đường giải phóng đất nước theo chính kiến riêng đã lựa chọn, Phan Chu Trinh thấy yên tâm để trở về nước tổ chức phong trào phối hợp với hoạt động ngoài nước của Nguyễn Ái Quốc. Sau 14 năm lưu vong, tháng 6-1925, Phan Chu Trinh về tới Sài Gòn tiếp tục con đường CM mặc dầu có tuổi và sức khỏe giảm sút (ở Pháp, Cụ sống khổ cực và bị tù vì hoạt động CM). Cụ đã tổ chức liền hai cuộc diễn thuyết tuyên truyền dân chủ gây tiếng vang lớn trong nước. Tháng 12-1925 ngã bệnh, khi sắp mất, Cụ kịp trăng trối với người bạn chí cốt Huỳnh Thúc Kháng “Độc lập dân tộc sở cậy Nguyễn Ái Quốc” rồi vĩnh biệt đồng bào ta ngày 24-3-1926, hưởng thọ 54 tuổi.

Ý nghĩa lớn của tư tưởng CM Phan Chu Trinh là ở chỗ Cụ nhận thức được nguyên nhân thất bại của dân tộc Việt Nam vào thời đại nền văn minh phương tây phát triển đến đỉnh cao, nhưng ở nước ta vẫn bị chế độ phong kiến lỗi thời, bảo thủ thống trị, không chấp nhận cách tân khiến dân trí thấp kém, dân khí (ý chí dân tộc) hao mòn, còn vua quan thì hèn nhát đầu hàng kẻ xâm lược, dân sinh nghèo nàn khổ cực. Để cứu nước, Cụ đề xướng chủ trương vận động phong trào “Duy tân”; về phương pháp Cụ chủ trương trước mắt cần có cách đấu tranh hợp pháp, bán hợp pháp để công khai tố cáo chính sách “bảo hộ” bóc lột, đàn áp, sự phân biệt chủng tộc của Pháp, lên án tội ác phản dân tộc của vua quan nhà Nguyễn, qua đó giác ngộ lòng yêu nước đứng lên làm CM cứu nước của nhân dân, chưa bạo động vũ lực mà vận động “đổi mới”, chờ đợi thời cơ. Cụ đã trở thành lanh tụ phong trào Duy tân cũng như trung tâm thu hút, tập hợp những lực lượng yêu nước, các khuynh hướng chính trị Việt Nam vào thời điểm nhạy cảm đầu thế kỷ XX. Cụ có tầm nhìn xa về chính trị, rất coi trọng vai trò giáo dục, dân trí và đội ngũ trí thức, chăm lo vận động thanh niên trong sự nghiệp CM; đặc biệt trong quan hệ với Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc vừa thân thiết (con của bạn đồng khoa thi Hội, đồng sự) vừa dìu dắt, hợp tác hoạt động (chức năng chuyển giao thế hệ lãnh đạo CM), đến tin tưởng vào sự lựa chọn phương pháp CM rồi đặt mọi hy vọng vào Nguyễn Ái Quốc. Lịch sử CM Việt Nam sau đó đã chứng minh dự báo và niềm tin của cụ Phan là đúng.

Phan Chu Trinh là tấm gương lớn về lý tưởng CM, ý chí kiên cường, bất khuất, vì Tổ quốc mà từ bỏ cuộc sống quan trường vinh thân phì gia, hy sinh tuổi xuân lao vào học tập nâng cao năng lực trí tuệ cá nhân để tìm ra chân lý CM, suốt đời xả thân hy sinh cho mục địch ‘khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, “giành độc lập dân tộc”. Nhìn lại con đường CM Việt Nam từ đó đến nay ta thấy đã diễn ra ba cuộc vận động đổi mới vĩ đại mang ý nghĩa lớn: cuộc vận động Duy tân Phan Chu Trinh, cuộc vận động Kiến quốc sau CM Tháng Tám và cuộc Đổi mới từ 1986. Cuộc vận động lớn do Hồ Chủ tịch phát động sau khi đất nước vừa giành được độc lập 1945 gồm diệt giặc dốt, xây dựng nền giáo dục mới nhằm nâng cao dân trí; tăng gia sản xuất để kiến quốc nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng đời sống mới. Tiếp nối dòng chảy cách mạng của dân tộc, ngày nay Đảng Cộng sản Việt Nam nêu mục tiêu chiến lược cuộc đổi mới là xây dựng đất nước ta đến năm 2020 thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vì mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đảng và Nhà nước ta coi: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Bài học sự nghiệp “Duy tân” của Phan Chu Trinh với nội dung “Thực học - Thực nghiệp” để nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; làm kinh tế giỏi, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế vẫn mang ý nghĩa thời sự sâu sắc.

Nguồn:  Thế giới trong ta, số 230, 4/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.