Nói về Trà đắng Cao Bằng
Có một ông bạn của tôi ở Quảng Ninh viết thư quảng cáo cho Trà đắng Cao Bằng. Như thường lệ, tôi vội tra mấy cuốn sách sau đây nhưng không thấy nói tới Trà đắng Cao Bằng: Sổ tay cây thuốc Việt Nam 1980 (Đỗ Huy Bích, Bùi Xuân Chưng), Thuốc từ cây cỏ và động vật 1995 (Đỗ Huy Bích), Tài nguyên cây thuốc Việt Nam 1993 (Viện Dược liệu), Phanérogamie (H. Roques ), Từ điển Bách khoa dược học 1999, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam 2003 (Đỗ Tất Lợi), Đông y toàn tập 1999 (Nguyễn Trung Hoà), Từ điển văn hoá cổ truyền Việt Nam 2002 - (Hữu Ngọc), Précis de botanique pharmaceutique 1935 (L. Beille)…
Nhưng dưới những tên gọi khác (Súm, Chè cẩu…) thì Trà đắng Cao Bằng thuộc họ Chè (THEACEAE), có tên khoa học là Eurya nitidaKorth, được nêu trong các sách: Từ điển cây thuốc Việt Nam, (Võ Văn Chi) 1997, trang 1072, số 156 hình 2 (2228), Cây cỏ Việt Nam Quyển I 1999 trang 421 số 1701. (Phạm Hoàng Hộ), Les plantes médicinales du Cambodge, du Laoset du Vietnam 1952 trang 95 quyển I: Eurya japonicaThunb. “Linh” (Alfred Pételot), Cây thuốc Việt Nam 1997 trang 614 số 379 Eurya nitidaKorth = Eurya japonicavar. nitida K. (Lê Trần Đức).
Tôi vội ra cửa hàng Bách hóa Bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) để mua thì cũng có một bà đang đứng mua. Tôi bắt chước bà ấy mua một gói mặc dù giá khá đắt. Trên nhãn ghi như sau:
“Công dụng: Ổn định huyết áp, rất tốt cho những người huyết áp cao; Giảm mỡ trong máu, bổ máu, trợ tim chống suy não - rất tốt cho người béo; Tiêu viêm, giải độc, giã rượu; Ngủ tốt - rất tốt cho những người mất ngủ, thần kinh căng thẳng; Tính mát, dùng phù hợp cho các mùa trong năm.
Cách dùng:Cho 2 - 3 lá vào ấm hoặc bình trà hãm nước sôi, sau 5 phút, ta có chén trà thơm ngọt - chén thuốc quý; Rót 3 - 4 lần nước cho 1 lần trà; Lấy trà xong buộc kín miệng túi lại.”
Chè Đắng đang được sử dụng thịnh hành nên thiết nghĩ cũng cần có những nghiên cứu đầy đủ hơn. Còn về phần mình, chẳng biết có thật như đã được ghi trên nhãn không nhưng tôi cứ tin và uống cái đã.
Nguồn: Cây thuốc quý, số 21