Những quả cầu lửa bí ẩn trên sông Mêkông
Màn trình diễn phi thường
Đó là đêm trăng tròn tháng Mười một âm lịch, cũng là đêm cuối trong tuần chay của các tìn đồ Phật giáo. Từ mặt nước tối thẫm của dòng sông, những khối cầu có kích thước bằng quả trứng ngỗng, phát ra thứ ánh sáng rực rỡ đỏ hồng hoặc đỏ thẫm bay vụt lên không trung. Sau khi đã lên tới độ cao nhất định (từ 50 đến 300m) trong khoảng từ 3 đến 8 giây, những quả cầu mờ dần đi rồi biến mất hoàn toàn trong màn đêm.
Trong mỗi đêm như vậy, có khoảng từ 200 đến 800 quả cầu lửa bay lên. Chúng tạo nên một quang cảnh phi thường. Một số quả cầu xuất hiện đơn lẻ, bay lên rồi hạ xuống vài lần trước khi chúng biến mất. Một số khác xuất hiện thành chùm từ 5 đến 7, cá biệt có thể tới gần 20 quả, lao vùn vụt với một tốc độ kinh người. Có những quả đi lên theo đường xiên từ 50° đến 80°, lại có những quả treo lơ lửng theo phương thẳng đứng so với mặt sông. Những quả cầu xuất hiện ở giữa dòng thường có xu hướng bay vào gần bờ, trong khi những quả xuất hiện ven bờ lại thường bay ngược ra giữa sông.
Không có tài liệu này ghi rõ thời điểm hiện tượng lạ lùng này bắt đầu xuất hiện, nhưng theo lời kể của những người cao tuổi ở địa phương, Bung Fai Phaya Naga hay Những quả cầu lửa của rắn thần Naga có thể đã xảy ra từ hơn một thế kỷ nay. Xung quanh nó là vô số những câu chuyện truyền thuyết, những lời đồn đại và cả những giải thích khoa học. Nhưng cho đến nay, chưa một ý kiến nào thực sự thuyết phục được tất cả những người quan tâm.
Truyền thuyết về Naga hay màn trình diễn của con người?
Naga là nhân vật quen thuộc trong cả đạo Phật và đạo Hinđu. Đó là vua của các loài rắn, cai trị toàn bộ vương quốc dưới nước của Mêkông, bảo vệ cho các loài thuỷ tộc và cả con người sống hai bên bờ. Ngày cuối cùng trong tuần chay của đạo Phật chính là ngày Đức Phật trở về hạ giới nên Naga đã tạo ra những quả cầu lửa để làm thành các bậc thang đón Người.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những quả cầu lửa chỉ là màn trình diễn pháo sáng của con người. Kênh truyền hình iTivi của Thái Lan mới đây còn đưa ra giả thuyết về việc bộ đội Lào bắn súng chỉ thiên để tạo ra quang cảnh này. Nếu cho rằng đó là pháo sáng hoặc ánh lửa đạn thì phải giải thích như thế nào khi các quả cầu lửa xuất hiện mà không hề có tiếng động và biến mất mà không để lại vết khói hoặc mùi thuốc súng. Hơn nữa, các chuyên gia về vũ khí cũng khẳng định rằng màu sắc và ánh sáng của chúng rất đặc biệt, không hề giống với hiệu quả khi sử dụng các loại súng hoặc pháo sáng hiện có. Và cuối cùng, nếu có ai đó chủ tâm tạo ra hiện tượng này thì mục đích của họ là gì? Họ làm thế nào để duy trì nó diễn ra liên tục trong hơn 100 năm qua, ở cùng một địa điểm trong cùng một thời gian mà không hề bị phát hiện, cho dù các nhà khoa học trên khắp thế giới đã tổ chức hàng trăm cuộc tìm kiếm và nghiên cứu tất cả những khu vực xung quanh?
Khoa học nói gì?
Ngay trong giới khoa học cũng nhiều ý kiến trái ngược nhau về nguồn gốc của những quả cầu lửa trên sông Mêkông. Cách giải thích được nhiều người ủng hộ nhất hiện nay là sự tồn tại của hỗn hợp khí mêtan – nitơ nồng độ 19%; sự kết hợp của cả vi khuẩn hiếu khí và kị khí ở độ sâu từ 4,55 đến 13,4 m với lớp trầm tích hữu cơ dày trên mặt sông đất sét và cát; nhiệt độ môi trường xung quanh luôn cao hơn 26°C ở các thời điểm 10h, 13h và 16h; độ pH dao động từ 6,4 đến 7,8.
Dưới sức nóng của Mặt trời, các vật chất hữu cơ (xác động thực vật) ở đáy sông sẽ phân huỷ trong khoảng từ 3 đến 6 giờ, sinh ra khí mêtan. Dưới tác động của áp suất, khí được đẩy lên mặt nước, sau đó kết hợp với oxy và bốc cháy thành những quả cầu lửa có màu sắc không thay đổi, không có khói và tiếng động, khi biến mất không để lại dấu vết. Tần suất xuất hiện và độ sáng của các quả cầu phụ thuộc vào một số yếu tố như khoảng cách tương đối của Trái Đất với Mặt Trăng và Mặt Trời, cường độ của các tia tử ngoại “B” và “C”, độ dày tầng ozon ở tầng bình lưu… Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng này được quan sát rõ nhất vào ngày cuối trong tuần chay của đạo Phật vì đó cũng là ngày Trái Đất gần với Mặt Trời và Mặt Trăng nhất. Lực hấp dẫn từ các hành tinh này cùng với cường độ tia tử ngoại mạnh và sự tập trung khí oxy gần mặt đất đã tạo ra một hiện tượng kỳ thú. Ngoài ra, hiện tượng tương tự đôi khi cũng xảy ra và tháng Ba, tháng Năm, tháng Chín và tháng Mười.
Lập luận trên có vẻ khá chặt chẽ, tuy nhiên, nó chưa phải là kết luận cuối cùng. Với nhiều người, những quả cầu lửa trên sông Mêkông vẫn mãi mãi là điều bí ẩn.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 14, ngày 17 – 2 – 2006, tr 6