Nguyên nhân mất rừng và những giải pháp khắc phục
Ông có thể cho biết nguyên nhân nào gây ra mất rừng và suy thoái rừng?
Ông Nguyễn Ngọc Khôi:Đó là hệ thống pháp luật về bảo vệ phát triển rừng và bảo vệ môi trường, bảo tồn sinh thái còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, thiếu chế tài để xử lý thích đáng các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó là năng lực thực thi pháp luật của cán bộ công chức còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan pháp luật còn thiếu chặt chẽ. Chính sách chuyển đổi rừng sang đất canh tác nông nghiệp còn nhiều khiếm khuyết dẫn đến mất rừng.
Ngoài ra, quá trình xây dựng hệ thống thủy điện, thủy lợi, giao thông, bố trí tái định cư, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp... còn thiếu quy hoạch tổng thể, phát triển theo phong trào dẫn đến việc mất rừng. Như: Phú Yên thủy điện phá hơn 1000 ha rừng nhưng vườn trống khoảng 3%, hay Yên Bái thủy điện phá hơn 150 ha nhưng đến nay chưa trồng lại được ha nào. Tiếp đến là chưa quản lý tốt việc du canh du cư và việc di dân nên dẫn đến việc phá rừng.
Vấn đề quản lý khai thác, cung cấp nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản còn nhiều tiêu cực nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc mất rừng.
Để khắc phục được những nguyên nhân đó, chúng ta cần phải có giải pháp gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Khôi:Trước tiên là nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu của các cơ quan chuyên môn. Hình thành cho mối thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Giảm dần thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.
Chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với cùng ven biển, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sống Hồng, ven biển miền Trung, trước hết là khu vự thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau và các thành phố ven biển khác.
Thứ hai là đánh giá tiềm năng, giá trị của các nguồn tài nguyên quan trọng trên đất liền. Đạt được bước tiến quan trọng trong điều tra cơ bản tài nguyên. Quy hoạch, quản lý và khai thác sử dụng tiết kiệm hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia. Ngăn chặn xu hướng suy giảm tài nguyên nước ngọt và tài nguyên rừng; nâng cao hiệu quả sử dụng nước tính trên một đơn vị GDP. Bảo đảm cân đối quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội; Giữ và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất chuyên trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Khai thác hiệu quả và bền vững sinh thái, cảnh quan, tài nguyên, hạn chế tối đa xuất khẩu khoáng sản.
Chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lược theo hướng tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới lên trên 5% tổng năng lượng thương mại sơ cấp; giảm tiêu hao năng lượng tính trên một đơn vị GDP.
Thứ ba là không để phát sinh và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 70% lượng nước thải ra môi trường lưu vực các con sông được xử lý; tiêu hủy trên 85% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tái sử dụng hoặc tái chế trên 65% chất thải sinh hoạt.
Phấn đấu 95% dân cư thành thị và 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Kiểm soát an toàn, xử lý ô nhiễm môi trường do hậu quả chiến tranh. Nâng cao chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư. Cải thiện rõ rệt môi trường làng nghề và khu vực nông thôn.
Tăng cường quản lý, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên hiện có tại những nơi có đủ điều kiện và đẩy nhanh việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên mới. Ưu tiên cho nguồn lực bảo vệ cảnh quan, sinh thái, di sản thiên nhiên.
Bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã, các giống cây trồng, cây dược liệu, vật nuôi có giá trị, loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Ngăn chặn sự xâm nhập, phát triển của sinh vật ngoại lai xâm hại. Tăng cường quản lý rủi ro từ sinh vật biến đổi gen.
Thứ tư là sớm chấm dứt khai thác rừng tự nhiên, nâng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên lên trên 3 triệu ha; nâng độ che phủ của rừng lên trên 45% bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn. Ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng. Sớm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên. Có chính sách hỗ trợ trồng rừng kinh tế xen kẽ rừng phòng hộ.
Lập cộng đồng không địa giới hành chính trong quản lý và bảo vệ rừng – đưa mô hình đồng quản lý và gắn trách nhiệm của người dân với rừng. Nâng cao năng lực kiểm lâm, người dân được cùng cơ quan kiểm lâm quản lý rừng. Đưa kiểm lâm về địa bàn, hướng dẫn người dân xây dựng quy chế, lập quy ước cho phù hợp với phát triển và khai thác rừng. Đặc biệt không cho triển khai các dự án liên quan đến rừng mà chưa có kinh phí trồng lại rừng, chỉ có như vậy thì rừng mới là rừng vàng và môi trường mới thực sự trong lành – xanh – sạch – đẹp.
Xin cảm ơn ông!