Nguyên nhân của những tai nạn do thuốc chứa paracetamol
Ở Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Chống độc Bạch Mai, trong 2 năm 2002 – 2004, tỷ lệ ngộ độc paracetamol đứng hàng thứ 2 trong các trường hợp ngộ độc thuốc.
Năm 2005, Bệnh viện Nhi Trung ương phải cứu chữa nhiều trường hợp bệnh nhi ngộ độc peracetamol với biểu hiện: suy gan cấp, có trường hợp tử vong. Nguyên nhân đa số do gia đình tự dùng thuốc; một số do thầy thuốc chỉ định dùng nhưng thiếu hướng dẫn đầy đủ.
Ngày 16.8.2005, Bộ Y tế có công văn số 6452/YT-Đtr gửi các Sở Y tế và các bệnh viện, cảnh báo về việc lạm dụng peracetamol.
Theo FDA (Cục Quản lý Thực - Dược phẩm Hoa Kỳ), ở Mỹ, mỗi năm có 56.000 ca cấp cứu, 26.000 ca nằm viện và 450 ca tử vong do dùng paracetamol quá liều.
Độc tính của paracetamol
Khi qua gan có khoảng 4% lượng paracetamol chuyển thành N-acetylbenzoquinonimin là chất độc gây hoại tử gan không hồi phục. Nhờ có glutathion của gan, N-acetybenzoquinonimin được chuyển hoá thành chất không độc, đào thải ra ngoài. Do đó, mỗi lần dùng paracetamol (dù ở liều thông thường) cơ thể ta sẽ mất một lượng glutathion. Khi dùng quá liều paracetamol (người lớn 6 – 10g/ngày) gan không đủ lượng glutathion để giải độc. N-acetylbenzoquinonim tích lại sẽ phân huỷ tế bào gan, dẫn đến hoại tử không hồi phục, nhiễm toan chuyển hoá, hôn mê rồi chết. Điều ít người biết là do tác dụng độc này mà paracetamol còn được dùng làm chất gây độc gan cho súc vật thí nghiệm để thử nghiệm các chất chống độc cho gan.
Các thuốc tương tác với paracetamol gây hại
- Tăng độc tính với gan khi dùng cùn isoniazid, đồ uống chứa cồn (rượu, bia…) các loại thuốc chống co giật như carbamazepin, phenyltoin, barbiturat (riêng phenobarbitar có thời gian bán thải tới 6 ngày ở người bình thường và 21 ngày ở người suy gan, suy thận nên phải chờ 7 đến 21 ngày sau khi ngừng phenobarbital mới được dùng paracetamol).
- Có thể gây tăng huyết áp khi dùng cùng lúc với các loại thuốc chống tăng huyết áp.
- Hạ nhiệt nghiêm trọng: khi dùng cùng lúc với phenothiazin.
Những đặc điểm sau đây cần được chú ý:
Có nhiều tên biệt dược chứa paracetamol
Do có nhiều ưu điểm nên paracetamol đã được các nhà bào chế phối hợp với nhiều dược chất khác tạo ra hàng trăm biệt dược. Nếu không xem nhãn hộp thuốc thì nhiều khi đến cả bác sĩ, dược sĩ cũng khó nhớ được. Có các loại biệt dược:
- chỉ chứa paracetamol như Acephen, Babifever, Bé nóng, Camol, Dafalgan, DecolgenAce, Efferalgan, Larylin, Mexcol, Panadol, Servigesic, Temol, Vadol, Zumol,…
- phối hợp với từ 2 đến 7 dược chất khác nhau với hàng trăm tên khác nhau. Cần lưu ý đến những biệt dược có thành phần phenobarbital (chất tương tác làm tăng độc tính của paracetamol với gan).
- chứa phenylpropanolamin, pseudoephedrin, phenylephrin (không nên dùng cho người có bệnh cường giáp, huyết áp cao, đau thắt ngực, huyết khối, mạch vành, đái tháo đường, tiền sử tai biến mạch máu não).
Có quá nhiều dạng bào chế
- Thuốc uống: có thuốc viên, thuốc bột, thuốc cốm, thuốc nước. Trong thuốc viên lại có các loại: viên nén thường, viên nén bao phin, viên nén nhai, viên nén giải phóng chậm, viên sủi bọt, viên nang cứng, viên nang mềm với nhiều hàm lượng khác nhau. Thuốc bột có bột thường, bột sủi với nhiều hàm lượng khác nhau. Thuốc cốm có cốm thường, cốm sủi. Thuốc nước có dung dịch uống, hỗn dịch uống, xirô với nhiều hàm lượng khác nhau.
Gia đình hoặc người bệnh tự dùng thuốc
Trong các biệt dược chứa paracetamol, có khoảng 90% là thuốc mua không cần đơn bác sĩ (OTC). Vì vậy, việc sử dụng quá liều paracetamol do dùng nhiều thuốc có tên biệt dược khác nhau, dạng bào chế khác nhau cho một người bệnh có đau nhức dữ dội, đau nhức triền miên hoặc sốt cao là điều dễ xảy ra, nhất là với những bệnh nhi.
Tai nạn phổ biến hơn cả là việc tự dùng các biệt dược chứa paracetamol để chữa cảm, cúm, ho. Với người bệnh chỉ có hắt hơi sổ mũi, chảy nước mũi (có thể do cảm lạnh, do viêm mũi dị ứng), chỉ cần dùng thuốc kháng dị ứng như chlorpheniramin, certirizin,… là giảm nhẹ rồi hết các triệu chứng nói trên thì người ta lại uống các loại thuốc chứa từ 500 – 650mg paracetamol với liều 1 – 2 viên/lần x 3 hoặc 4 lần/ngày. Như vậy, người dùng thuốc phải chịu tác hại một cách không cần thiết của 1.500 đến 4.000mg paracetamol/ngày, làm gan mất oan một lượng từ 60 đến 160mg glutathion quý giá (chất tạo sức đề kháng và chống oxy hoá trong cơ thể.
Thầy thuốc chỉ định nhưng không hướng dẫn đầy đủ
Với người bệnh sốt cao hay đau nhức dai dẳng, thầy thuốc thường cho liều cao hoặc dùng peracetamol nhiều ngày, nhưng quên kiểm tra trước đó bệnh nhân đã dùng thuốc có chứa paracetamol hoặc các loại thuốc có tương tác bất lợi với paracetamol (như phenobarbital…).
Thiếu sót phổ biến là bác sĩ cấp đơn cho người bệnh kèm theo paracetamol 500mg với các thuốc chữa bệnh không đau nhức, không sốt cao. Phần lớn người bệnh cứ theo đơn mà uống đến hết thuốc, dù không sốt, không đau. Hậu quả vừa lãng phí thuốc, vừa gây suy giảm sức khoẻ người bệnh.
Để đảm bảo an toàn hiệu quả cho người dùng paracetamol cần nhớ:
- Không đau, không sốt trên 38 độ C, không dùng thuốc có paracetamol.
- Trước khi dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, cần kiểm tra công thức thuốc, tránh trùng lắp thuốc có paracetamol (sẽ sinh quá liều).
- Trong thời gian dùng thuốc chứa paracetamol: không uống nước có cồn (bia, rượu,…).
- Không uống thuốc có chứa: barbiturat (như phenobarbital,…), isoniazid, carbamazepin, phenyltion.
Các trường hợp chống chỉ định paracetamol:
- Người quá mẫn cảm với paracetamol.
- Người thiếu hụt men G6PD.
- Người say rượu.
- Người có bệnh tim mạch, phổi, thận, gan hoặc nhiều lần thiếu máu.
Khi dùng paracetamol liều cao (theo chỉ định của bác sĩ) hoặc dùng liều thông thường kéo dài quá 5 ngày, cần phối hợp với thuốc chống độc cho gan như: N-acetylcystein hoặc sylimarin.