Nguyễn Khuyến dùng câu đối mắng Hoàng Cao Khải
Hôm ấy, nhằm ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp âm lịch), Nguyễn Khuyến treo một vế đối trên một cây nêu cao.
Kiết kiết can ma, tiết đáo, kinh thiên phù nhật nguyệt
Nghĩa là: Chót vót cờ mao, đến tết, chống trời phò nhật nguyệt.
Câu này nghĩa đen chỉ một cây nêu cao có treo đèn, còn nghĩa bóng thể hiện ý chí, tài năng của đấng nam nhi quân tử.
Hoàng Cao Khải hớn hở lắm, vì cho rằng ngài Tam Nguyên ngầm ca ngợi mình. Hắn nhìn quanh để xem vế thứ hai treo ở đâu, nhưng không thấy, bèn yêu cầu Nguyễn Khuyến cho xem. Nguyễn Khuyến bảo là đã viết sẵn ở bên “ngài Táo quân”. Hoàng Cao Khải chắc mẩm vế thứ hai cũng sẽ có hình ảnh nào đó để xưng tụng mình, liền bảo Nguyễn Khuyến đưa xuống xem. Và khi xuống bếp, hắn thấy ở bên cạnh mấy ông đầu rau bằng đất mới nặn có một vế đối như sau:
Mang mang khối thổ, thài lai, tảo địa tác quân vương
Nghĩa là: Mênh mông khối đất, gặp thời, quét rác cũng làm vua
Câu này nghĩa đen chỉ mấy ông đầu rau bằng đất, còn nghĩa bóng đả kích Hoàng Cao Khải là đồ xu thời, theo giặc cầu vinh. Hoàng Cao Khải giận tím mặt, nhưng cố kìm nén, giả lả vui cười trò chuyện chốc lát rồi cáo lui.