Nguyễn Công Trứ với công tác khai hoang và trị thuỷ ở Bắc Kỳ đầu thế kỷ XIX
Việc chống mặn ở nhiều vùng ruộng, cấy lúa sát biển như Kim Sơn, Tiền Hải là một việc rất quan trọng phải làm thường xuyên. Nhưng công việc này tương đối đơn giản, chỉ cần đắp đê ngăn nước mặn không cho tràn vào đồng ruộng là được, bởi vậy nó thường kết hợp với việc chống lụt. Tuy nhiên không phải nơi nào Nguyễn Công Trứ cũng cho đắp đê. Nhờ nắm vững dòng chảy của mỗi con sông và mức nước thuỷ triều ở mỗi vùng biển mà ông đã cho đắp đê biển và đê ở sông Lân (Tiền Hải), sông Càn (Kim Sơn), sông Ngô Đồng. Các nơi khác như ven sông Trà Lý, sông Long Hầu (Tiền Hải), sông Đáy (Kim Sơn), mức nước giữa mùa khô và mùa mưa không chênh lệch mấy, ông bố trí các làng ở xa sông, xa biển một khoảng cách nhất định và bỏ hoang một ít diện tích về mùa mưa đề phòng nước lụt tràn lên. Nhờ vậy mà Nguyễn Công Trứ đã tiết kiệm được nhân lực mà công tác chống mặn và chống lũ, lụt vẫn có kết quả tốt.
Riêng công tác thuỷ lợi đã được Nguyễn Công Trứ nghiên cứu và giải quyết khá sáng tạo. Cũng như trong công tác chống mặn và chống lũ, lụt ở đây Nguyễn Công Trứ cũng căn cứ vào tình hình của sông ngòi tự nhiên mà đề ra biện pháp cụ thể cho công tác thuỷ nông của từng địa phương. Ở tổng Hoành Nha (huyện Giao Thuỷ) sẵn có nhiều kênh lạch dẫn nước vào ruộng của sông Ngô Đồng thì không cần phải đào đắp kênh mương. Ở tổng Ninh - Nhất (huyện Hải Hậu), ông đã dùng ngòi Cạu và ngòi Ngạt làm kênh chính và các lạch nhỏ làm mương cái. Ngoài ra, ông còn cho đào thêm một hệ thống mương cái đưa nước vào các tổng Tân Hưng, Tân Thành, Tân Phong. Những dòng sông nhỏ ở Kim Sơn chỉ có thể dùng làm mương cái, ông cho đào thêm sông An nối liền sông Đáy với sông Càn để làm kênh chính, đồng thời đào thêm một hệ thống mương cái khác để dẫn nước sông An vào khắp các cánh đồng trong huyện. Hệ thống kênh mương này còn làm địa giới giữa các làng, ấp, trại và hình thành một mạng lưới giao thông thuỷ bộ khá thuận lợi trên phạm vi từng tổng hoặc từng huyện.
Có thể nói hệ thống thuỷ nông do Nguyễn Công Trứ chỉ đạo đào đắp ở Kim Sơn và Tiền Hải là hệ thống duy nhất đạt đến trình độ khoa học ở ngoài Bắc vào thế kỷ thứ XIX, vì với những cộng đồng làng xã thời phong kiến thì chỉ có khả năng làm thuỷ lợi nhỏ. Với quy mô này, việc tưới nước rất bị hạn chế vì ít có những công trình đầu mối. Ở đây Nguyễn Công Trứ đã tận dụng sông ngòi tự nhiên kết hợp với những công trình nhân tạo, do đó đã giải quyết được những khâu cơ bản về thuỷ lợi như công trình đầu mối, mương cái, kênh dẫn nước hình thành một màng lưới thuỷ nông hoàn chỉnh trên địa bàn huyện.
Nguyễn Công Trứ không những trị thuỷ ở vùng mới khai hoang mà ông còn có những đóng góp trong công tác trị thuỷ sông Hồng do triều đình trực tiếp chỉ đạo. Lúc này triều đình đang có cuộc thảo luận về vấn đề “Nên giữ đê hay bỏ đê ở Bắc Kỳ”. Nguyễn Công Trứ được Minh Mệnh sai cùng với Thư tổng đốc Định Yên Trịnh Quang Khanh và Tuần phủ Hưng Yên Hà Thúc Lương đi khảo sát, đo đạc đê sông Hồng để trình bày trong cuộc thảo luận. Nguyễn Công Trứ đã đưa ra ý kiến về cả hai phương án:
Nếu bỏ đê thì phải di dân để khơi một loạt sông hoặc vét sâu thêm, hoặc nắn lại dòng chảy để nước tiêu đi nhiều ngả, khi lũ về nước thoát nhanh ra biển. Nếu sợ tốn kém không di dân thì không thể đào nhiều sông và khơi rộng dòng chảy, nước về sẽ bị ngập úng, khi đó muốn di dân cũng không kịp.
- Nếu giữ đê thì phải bồi chắc đê vững hơn nữa, nhất là chân đê ở những vùng xung yếu. Nhưng theo ý ông nếu chỉ đắp đê thì không thể trị thuỷ thành công, còn khơi sông thì trước hết phải đào lại cửa sông Thiên Đức (sông Đuống) chứ không phải là đào sông Cửu An như ý kiến của triều thần.
Minh Mệnh không chấp nhận ý kiến của Nguyễn Công Trứ, nhà vua cho rằng chỉ cần đào sông Cửu An để rút bớt nước sông Hồng là đủ (1).
Tháng 2 năm 1835, vua Minh Mệnh cho khơi sông Cửu An để nước sông Hồng thoát ra sông Luộc tránh nạn lũ cho các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, NamĐịnh…
Tháng 10 năm ấy Nguyễn Công Trứ đang làm tổng đốc Hải Yên được tăng cường cùng với Trịnh Quang Khanh và Hà Thúc Lương chỉ đạo việc này. Mặc dầu kế hoạch đã được bộ Công và đình thần phê duyệt nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn có những đề nghị cụ thể như tận dngj những chỗ đê vỡ từ Nghi Xuyên đến đầm Sài Thị mà đào sâu xuống để nước sông Hồng chảy vào tránh phù sa bồi lấp. Kích thước đê hai bên bờ sông phải to hơn cũ tuỳ theo dòng chảy và độ uốn lượn của dòng sông, càng về xuôi độ cao của đê càng giảm và đê phải kéo dài cho đến tận cửa sông Thái Bình tức là phải dài thêm gần 70 dặm nữa (72 km). Ông cũng còn đề nghị phải huy động thêm 7000 dân công của hai tỉnh Hà Nội và Bắc Ninh. Ý kiến của Nguyễn Công Trứ bị đình thần và bộ Công bác đi nhưng vua Minh Mệnh lại tán thành, và ba ông Trịnh Quang Khanh, Hà Thúc Lương và Nguyễn Công Trứ phải hoàn thành công trình theo lệnh vua (2). Công trình thoát lũ sông Cửu An tuy rất tốn kém thời gian (phải làm trong 3 mùa khô 1835 đến 1837) tiền của (395.440 quan tiền, 22.750 phương gạo) và sức người hơn 1 vạn dân công) nhưng vẫn không ngăn được nạn vỡ đê sông Hồng. Trước tình hình đó năm 1837 cùng với quyền Tổng đốc Tôn Thất Bật, Nguyễn Công Trứ kiến nghị đào lại cửa sông Thiên Đức (sông Đuống) để chia bớt thế nước của sông Hồng nhưng ý kiến này không được triều đình chấp nhận. Mãi đến hơn 20 năm sau (năm 1859), sau nhiều đề nghị của các quan 5 tỉnh Bắc Kỳ (Sơn Tây, Hà Ninh, Ninh Thái, Hải An, Định An) công trình đào lại cửa sông Thiên Đức mới được vua Tự Đức cho thực hiện (3). Lúc này Nguyễn Công Trứ không còn nữa, ông mất năm 1858.
Nguyễn Công Trứ đã có những thành công lớn trong khai hoang và trị thuỷ ở vùng đất mới, nhưng trước dòng sông Hồng hung dữ thì ông và cả triều đình nhà Nguyễn cũng bó tay (4) vì trị thuỷ sông Hồng là một vấn đề rất lớn vượt quá trình độ khoa học kỹ thuật của ta lúc đó. Tuy vậy nhân dân ta, đặc biệt là nhân dân các vùng Nguyễn Công Trứ khai hoang đã dựng nhiều đền thờ để tưởng nhớ ông. Làng Đông Quách huyện Tiền Hải có “Dinh điền kỷ niệm từ” thành lập năm Tự Đức thứ 5 (1852). Làng Lạc Thiên huyện Kim Sơn có “Truy tư từ” dựng năm Tự Đức thứ 9 (1856) trước cửa đền có biển đề “Đồ hà tư công”, nghĩa là “thấy nước sông chảy nhớ ơn người đào”. Năm 1928 nhân dân Kim Sơn đã dựng bia kỷ niệm ông nhân dịp 100 năm thành lập huyện. Bia đó hiện nay vẫn còn (5).
Nguyễn Công Trứ xứng đáng là nhà khai hoang và trị thuỷ lớn của thế kỷ 19.
_____________
(*) Việc khai hoang đã có nhiều người viết, ở đây chỉ xin tóm tắt như sau: Chỉ tính trong 5 năm, từ 1827 đến 1832, Nguyễn Công Trứ đã chỉ đạo khai hoang được 37.070 mẫu, thành lập được 2 huyện mới Kim Sơn và Tiền Hải có 16 tổng, ngoài ra còn 5 xã (2 thuộc huyện Nam Trực, 3 thuộc tỉnh Quảng Yên) với 3.610 suất đinh, cư trú trong 21 lý, 80 ấp, 41 trại, 15 giáp.
1. Theo Đỗ Đức Hùng, Vấn đề trị thuỷ ở đồng bằng Bắc Bộ dưới thời Nguyễn, thế kỷ 19, KHXH, Hà Nội, 1997, tr. 238, 239.
2, 3. Theo Đỗ Đức Hùng, Vấn đề trị thuỷ ở đồng bằng Bắc Bộ dưới thời Nguyễn, thế kỷ 19, KHXH, Hà Nội, 1997, tr. 238, 239, 252.
4. Việc đào sông Thiên Đức dể phân lũ sông Hồng cũng không thành công vì nạn vỡ đê vẫn xảy ra.
5. Theo Lê Thước, Hoàng NgọcPhách, Trương Chính, Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Văn hoá, Hà Nội, 1958, tr. 20.