Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 27/09/2005 14:35 (GMT+7)

Một số tư liệu về Hồ Quý Ly *

Trong trường kỳ lịch sử nước ta, đã từng có nhiều sự “thoán đạt”: Lê Hoàn chiếm ngôi nhà Đinh; Trần Thủ Độ gạt Lý Chiêu Hoàng lập nhà Trần; Hồ Quý Ly phế Trần Hiếu Đế lên làm vua; Nguyễn Huệ diệt Trịnh, bỏ Lê Chiêu Thống... Mỗi thay đổi như thế đều xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử nhất định và nói chung, đều nằm trong sự đòi hỏi phát triển của lịch sử. Con người với trí tuệ của mình, dựa vào cứ liệu khách quan lịch sử, ngày càng có những nhận định chính xác. Không phải bỗng nhiên mà ngày nay nhân dân ta lại càng nêu bật hình tượng Dương Vân Nga choàng long bào cho Lê Hoàn. Cũng như đối với Trần Thủ Độ, với Hồ Quý Ly... ngày càng có sự trân trọng, sự nhận định dần dần hoàn chỉnh và công bằng.

Nhà sử học Trần Trọng Kim dù có lên án Hồ Quý Ly là thoán đạt, cũng phải nhận định: “ Xem công việc của Hồ Quý Ly làm thì không phải là người tầm thường...”(Trần Trọng Kim – Việt Nam sử lượcquyển I – Trung tâm học liệu cuất bản 1971). Cái tài của Hồ Quý Ly thì muôn đời còn ghi rõ: Từ chính trị, tài chính, quân sự đến việc học hành, việc nghiên cứu, phê phán sách cũ... lĩnh vực nào ông cũng có những cải cách mạnh mẽ, thậm chí táo bạo. Trong đó nổi bật sáng kiến làm tiền giấy (ở đầu thế kỷ 15, có lẽ đây là hiện tượng độc nhất vô nhị của thế giới); cải cách thi cử: trong khoa thi có đặt thêm kỳ thi toán pháp; đặc biệt cải tổ mạnh về võ bị: làm hộ tịch chặt chẽ khiến số quân tăng lên gấp bội (nhằm đáp ứng ước mong “Ta làm thế nào cho có 100 vạn quân để đánh giặc Bắc”) - đóng cứ dài hơn 700 dặm phía bờ Nam sông Nhị Hà - làm thuyền lớn ở trên sàn đi lại, ở dưới thì để binh sĩ chèo chống.

Nhà Hồ áp dụng cải cách nói trên nhằm chấn hưng một xã hội tồi tệ đang suy đồi quá đáng dưới triều các ông vua bất tài, nhu nhuợc cuối đời Trần, với một quyết tâm lớn là chống cho được giặc Minh đang lăm le nuốt chửng nước ta. Trần Trọng Kim viết: “Họ Hồ biết thế nào rồi quân Minh cũng sang đánh, bèn sai đắp thành Đa Bang..., bắt lấy gỗ đóng cọc ở sông Bạch Hạc để chặn quân Minh sang và chia các vệ quân ở Đông Đô ra giữ mọi đường hiểm yếu. Đoạn rồi hội cả nội ngoại bách quan văn võ lại bàn việc nên đánh hay nên hòa. Người thì bàn đánh, người thì bàn hòa, nhưng Hồ Quý Ly quyết định đánh”. (Trần Trọng Kim – sách đã dẫn). Quyết tâm của Hồ Quý Ly rất lớn và việc chuẩn bị chống giặc của nhà Hồ rất chủ động và tích cực với mưu lược cao. Nhưng đúng như Hồ Nguyên Trừng nói: “Thần không sợ đánh giặc, chỉ sợ lòng dân không theo”.Mà trước hết là lòng dạ của bọn triều thần, quan lại thời Trần bấy giờ. Chính Bình Ngô đại cáođã nêu rõ điều này: “Quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ ngược, bọn gian tà còn bán nước cầu vinh”. Ngoài bọn gian tà, còn phải kể bao nhiêu những kẻ ngu trung bám theo bóng ma của vua Trần, quay lưng lại đối với những cải cách của Hồ Quý Ly. “Tuy nhà Hồ trước đã phòng bị, những tướng nhà Minh biết rằng, người An Nam không phục họ Hồ, bèn làm hịch kể tội họ Hồ và nói rằng quân Tàu sang là để lập lại dòng dõi nhà Trần, cứu cho dân khỏi sự khổ sở. Trương Phụ sai viết hịch ấy vào những mảnh ván nhỏ bỏ xuống sông, trôi đến đâu, quân sĩ An Nam bắt được, nhiều người không đánh và theo hàng...”(Trần Trọng Kim – sách đã dẫn).

Đã có những công trình khảo cứu, hội nghị đánh giá khách quan sự nghiệp của nhà Hồ, bàn thêm và bổ sung những nhận định của các nhà sử học, đặc biệt của nhà sử học Trần Trọng Kim. Nhận định tổng quát yêu nước, quyết sống mái với giặc nước; mặt khác cũng nêu rõ nguyên nhân thất bại của nhà Hồ: giặc Minh đã lợi dụng tình trạng suy yếu, đồi bại của thức hệ “cô trung”của các tầng lớp nhân dân...

Nguyễn Trãi – một nhân tài kiệt xuất, trong bài thơ Quan hải,đã khẳng định Hồ Quý Ly là người anh hùng: “Anh hùng di hậu kỷ thiên niên”.

Gần đây, trên Tạp chí Văn hiến Việt Nam (số 3/2005), có bài “Đến Kỳ La lại nhớ Hồ Quý Ly” của nhà văn Hoàng Quốc Hải mà nội dung ngoài việc nhắc lại nhận định của Nhà nước hiện đại và các sử gia hiện nay cho Hồ Quý Ly là “Một bậc thiên tài, một nhà cải cách lỗi lạc”, còn kèm theo những trăn trở, những suy tư có vẻ mơ hồ. Nhất là lại mượn một giấc mơ gặp Hồ Quý Ly để Hồ Quý Ly nói về mình (tất nhiên là do tác giả mớm).

Tác giả nhắc lại: ”Trần Khát Chân trong hội thề Đốn Sơn, mưu giếtHồ Quý Ly không thành, bị Hồ Quý Ly giết toàn bộ gia đình, họ mạc... con số rơi đầu kể tới hơn 370 người...”. Thế mà tại sao cả huyện Vĩnh Lộc, cả tỉnh Thanh Hóa, dân dựng hàng trăm nơi thờ Trần Khát Chân; ngược lại “Chưa một nhà khoa học lịch sử nào dám đề xuất việc lấy tên ông đặt cho một đường phố ở những thành phố lớn. Và tuyệt nhiên, chưa ai dám nêu ý kiến dựng tượng ông. Ngay chính quê ông cũng không có một ngôi miếu nhỏ thờ ông...”

Chúng tôi nhận thấy, việc dân lập đền thờ Trần Khát Chân là để tưởng nhớ công lớn của ông khởi cơn binh lửa kéo dài do vua Chiêm Thành – Chế Bồng Nga – nhiều phen đem quân đánh phá Thăng Long gây bao thảm họa (từ 1378 mãi đến 1390 mới bị Trần Khát Chân lập mưu giết chết). Còn sự kiện “Hội thề Đốn Sơn, mưu giết Hồ Quý Ly không thành”9 năm sau mới xảy ra; và bấy giờ, hành động của Trần Khát Chân là âm mưu giết Hồ Quý Ly, chống lại đường lối cải cách, phục hưng đất nước, tích cực chuẩn bị chống ngoại xâm, nên bị trị tội là đúng.

Chúng tôi cũng xin cải chính việc tác giả bảo “Không có một đường phố nào đặt tên ông, không có một ngôi miếu nhỏ thờ ông!”.Sự thật, đã mấy năm, thành phố Vinh, thành phố Vũng Tàu – Côn Đảo (là hai thành phố không nhỏ) đã có đường Hồ Quý Ly! Ở Vinh, ngoài đường Hồ Quý Ly ở phường Bến Thủy còn đường Hồ Hán Thương ở phường Cửa Nam . Sự thật, từ đầu thế kỷ 15 tại Bảo Đột (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã có đền thờ các vua Hồ (Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương) được xây cất đồ sộ; nhân dân địa phương cùng con cháu họ Hồ hàng năm tế lễ (mãi đến 1973, do tả khuynh, đền không thờ các vua Hồ mà ở Hà Nam còn có đền thờ vua bà Nguyễn Thị Dấm là vợ thứ ba vua Hồ Quý Ly. Ngoài ra ở xã Tăng Thành (Yên Thành) và xã Diễn Hoàng (Diễn Châu) đều thuộc Nghệ An, có đền thờ Bạch Y Công chúa là con gái vua Hồ Quý Ly.

Cuối cùng xin nói đến Kỳ La nơi tác giả đến xem ngôi đền thờ Hồ Quý Ly. Tác giả gặp và hỏi chuyện ông Từ giữ đền. Từ đầu đến cuối, dường như tác giả tin vào lời ông Từ, cho đó là sự thực, phủ nhận đó là nơi thờ Hồ Quý Ly, câu chuyện dài dòng nhưng có những chi tiết nực cười.

“Ông Từ bảo Kỳ La tên chữ là Ki Lê nghĩa là “trói người họ Lê!”. Tại sao Kỳ La có thể nói trại thành Ki Lê? Mà Lê nào? Chuyện Hồ Quý Ly thời trẻ có làm con nuôi, nhưng khi lên ngôi, danh chính ngôn thuận là họ Hồ kia mà! Chuyện nực cười nữa là tin lời ông Từ cho rằng: “Hồ Quý Ly từ Ki Lê (nơi bị trói) mà chạy lên Thiên cầm (nơi Trời bắt)!.Thật trớ trêu, nếu không nói là xuyên tạc. Bởi vì Thiên cầm là cây đàn trời (vì địa điểm này sát biển, tiếng sóng gió liên hồi như tiếng đàn của trời). Về lời kể của ông Từ, tác giả có hai lời kết tiền hậu bất nhất:

“...Những gì dân vùng Thiên Cầm còn truyền tới ngày nay có phần hợp lý hơn là sử chép”.

“...Nhưng tất cả những điều cụ Từ kể cho chúng tôi nghe giống hệt là của dân Thanh Nghệ nói về Hồ Quý Ly:

Thương dân dân lập đền thờ

Hại dân dân đái ngập mồ thối xương”.

Chúng tôi khẳng định đó là chuyện xưa quá rồi! Ngày nay nếu dân Nghệ mà còn quan niệm như vậy thì không bao giờ họ chấp nhận cho Đảng và Chính quyền Nghệ An đặt tên đường phố Hồ Quý Ly, đường Hồ Hán Thương tại Vinh và người dân Thanh Hóa sẽ xem thường thành nhà Hồ là công trình đồ sộ – một di tích thành cổ bằng đá còn lại lớn nhất cả nước.

* Nhan đề do chúng tôi đặt.Nhan đề gốc: Nói thêm về Hồ Quý Ly

Nguồn: Tạp chí Văn hiến ViệtNam , số tháng 6/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.