Một số thành tựu chuyển đổi gien của công nghệ sinh học giống cây trồng phục vụ con người
Những thành tựu
- Tạo ra hàng loạt các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thậm chí chúng có thể sản sinh ra cả một số dược phẩm có giá trị cao chống được các bệnh nan y của thời đại như ung thư, AIDS…kể cả trong lĩnh vực làm sạch môi trường chúng ta đang sống.
- Trong y học, các kỹ thuật di truyền phân tử chính xác hoàn thiện đã được sử dụng để chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng, bệnh di truyền, chẩn đoán trước sinh giới tính và nhiều bệnh hiểm nghèo giúp con người sống khoẻ, sống lâu.
- Tạo nên nhiều lĩnh vực ứng dụng mới như: tạo ra vật liệu mới bằng kỹ thuật di truyền, tạo ra các con chíp sinh học dùng cho máy tính…
- Trong nông nghiệp: hàng chục năm qua, nhờ cách mạng công nghệ sinh học mà khoảng 100 cây trồng được chuyển đổi gien. Về cây lương thực, thực phẩm có lúa, ngô, khoai tây, đậu tương, bầu bí, cà rốt, cà chua…; Về cây lấy sợi thì có bông; Cây ăn quả có táo, nho, lê, đào, dâu tây, đu đủ…; Cây hoa có hoa hồng, hoa phong lan, hoa tulip… đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của con người.
Các tính trạng được chuyển gien ở cây trồng chủ yếu để nâng cao yêu cầu chất lượng, sản lượng sản phẩm của chúng. Ví dụ khoai tây được chuyển gien đã tăng 20-40% hàm lượng tinh bột, cà chua tăng lượng đường sacaroz và giảm tinh bột, chín chậm hơn, đảm bảo thời gian thu hoạch kéo dài, giá trị sử dụng cao hơn.
Đối với cây lúa, việc chuyển gien ngoài tăng sản lượng còn tăng hàm lượng protein. Cũng từ công nghệ sinh học người ta đã tạo nên giống “lúa vàng” vừa giàu protein vừa có cả vitamin A từ B-Caroten mà trong hạt gạo còn thiếu. Nhiều cây gỗ như bạch đàn được chuyển gien có khả năng hấp thụ CO 2cao hơn các cây thông thường không chuyển đổi gien là 20%, làm trong lành môi trường lại tăng hàm lượng celluloz phục vụ công nghiệp giấy. Nhiều cây trồng nâng cao tính chống chịu sâu bệnh nhờ chuyển gien Bt của vi khuẩn Bacillus thuringiensis, vốn là loài vi sinh vật đất có khả năng sản sinh ra loại potein tiêu diệt côn trùng, giúp ngành nông nghiệp không phải sử dụng thuốc trừ sâu hoá học, tạo ra phương hướng phòng trừ sâu bệnh mới, giúp bảo vệ môi trường tốt hơn.
Những rủi ro bất ổn có thể xảy ra
Như các ngành khoa học khác, một khi đạt đến đỉnh cao phát triển thì ngoài những lợi ích hiển nhiên cũng tiềm ẩn những rủi ro, bất ổn cả 2 phương diện: ngẫu nhiên và cố ý.
Về ngẫu nhiên, do những kỹ thuật nhất định, phần lớn các sinh vật chuyển đổi gien đều có mang theo các gien kháng thuốc kháng sinh như kháng tetracylin, ampicilin, treptomycin… Các sinh vật chuyển gien này khi đưa vào sản xuất đại trà thì ADN của chúng được nhân lên gấp bội, trong đó có cả những gien kháng sinh, kháng thuốc, các gien này sẽ khuyếch tán vào môi trường, sau đó chúng xâm nhập vào các vi khuẩn gây bệnh. Nếu các vi khuẩn này xâm nhập vào người và gia súc thì rất khó chạy chữa vì các vi khuẩn này đã có khả năng kháng thuốc mạnh.
Một nguy cơ tiềm ẩn khác là việc các hãng sản xuất hạt giống chuyển gien để bảo vệ bản quyền họ chỉ sản xuất ra hạt giống với cơ chế “kết thúc” và hạt giống này chỉ trồng trọt được một vụ, hạt giống thu được từ cây chuyển đổi gien mất khả năng nảy mầm. Đặc điểm này do một đoạn ADN đặc hiệu của hạt giống gây nên. Nguy hại hơn là khi hạt giống mang cơ chế “kết thúc” này được trồng đại trà thì phấn hoa của chúng sẽ phát tán phân tử ADN đặc hiệu, nó sẽ thụ phấn, lây lan sang các cây trồng khác cùng loài và khác loài làm cho các giống cây bản địa cũng không nảy mầm được.
Về cố ý, có thể một số người và hãng sản xuất cố ý tạo ra các sinh vật có hại để chế tạo vũ khí sinh học giết người hàng loạt thì hiểm hoạ cho con người sẽ khôn lường. Đây đều là mặt trái tiềm ẩn đối với các sinh vật chuyển đổi gien.
Các quan điểm khác nhau về sinh vật chuyển đổi gien
Từ năm 1995, khi các sản phẩm chuyển đổi gien được nhiều nước tung ra thị trường thế giới thì diện tích các cây trồng chuyển đổi gien cũng ngày càng tăng thêm gấp bội. Hiện nay trên thế giới có 81 triệu ha (gấp 3 lần diện tích nước Việt Nam) trồng các cây chuyển đổi gien và mang lại nguồn lợi lớn. Riêng nước Mỹ (đứng đầu) đã trồng hơn 47,6 triệu ha; Achentina, Canada, Nhật Bản, Oxtraylia…đều có diện tích lớn trồng các cây chuyển đổi gien.
Khi các sản phẩm chuyển đổi gien từ Mỹ, Nhật tràn vào các nước châu Âu thì một làn sóng phản ứng dữ dội về sự an toàn trong việc sử dụng các sản phẩm chuyển gien cũng đã từ châu Âu lan sang các nước khác. Vì thế một số hội nghị quốc tế được triệu tập gồm các nước tham gia công ước đa dạng sinh học lần thứ 2 (COP 2) tại Giacácta (Indonexia) năm 1995, quyết định thành lập một nhóm chuyên gia quốc tế trong đó có Việt Nam soạn thảo nghị định thư về sự an toàn trong sử dụng và chuyển giao các sinh vật chuyển đổi gien. Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) cũng đã tổ chức 6 cuộc họp nhóm chuyên gia này và lần thứ 5 họp tại thành phố Cartagiena, Columbia đã soạn thảo nghị định thư, tới ngày 29/01/2000 cuộc họp lần thứ 6 ở Montreal (Canada) đã có 133 nước thông qua nghị định thư này.
Những mâu thuẫn từ các nước đang xuất khẩu các sinh vật chuyển gien, đứng đầu là Mỹ, muốn được tạo điều kiện dễ dàng cho việc xuất nhập khẩu và sử dụng sinh vật chuyển đổi gien mà không có hay có rất ít những bảo đảm cho người sử dụng cũng như bảo đảm cho môi trường sống.
Còn các nước khác, nhất là các nước châu Âu, nơi các sản phẩm chuyển gien xâm nhập, họ muốn có một nghị định thư chặt chẽ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho việc chuyển giao và sử dụng các sinh vật chuyển gien cũng như các sản phẩm của chúng.
Tuy chưa có được sự đồng thuận của các nước tiêu thụ sản phẩm chuyển gien, nhưng vì lợi nhuận cao nên sản xuất các sinh vật chuyển gien vẫn được tiến hành, nhất là với cây trồng, trong đó có cây lương thực. Để tiêu thụ được một lượng lớn sản phẩm, Mỹ đã chuyển cho các nước nghèo châu Phi một lượng lương thực trị giá hàng tỷ đô la với danh nghĩa hỗ trợ các nước nghèo. Phải thừa nhận các giống cây chuyển đổi gien có năng suất cao lại kháng sâu bệnh, chịu được điều kiện sống khắc nghiệt, đáp ứng được mọi nhu cầu về lương thực thực phẩm của nhân dân các nước nghèo đói.
Nhưng cũng còn những vấn đề đặt ra như an toàn cho người sử dụng, cho môi trường sống cũng như việc bảo tồn các giống cây bản địa không bị lai tạp và tuyệt chủng. Giáo sư Charan Chantalakhana trường Đại học Kasetsart (Thái Lan) đã có lý khi cho rằng việc sử dụng sản phẩm chuyển gien có thể làm xáo trộn đa dạng cây trồng, gây ra sự phức tạp cho xã hội.
Nhưng xu thế sản xuất cây trồng chuyển gien trên thế giới đang phát triển ngày càng mạnh mẽ ngay ở một số nước chậm phát triển. Ví dụ, Trung Quốc hiện đứng hàng thứ 5 trên thế giới với 3,7 triệu ha trồng cây chuyển đổi gien, ngoài các cây bông vải còn có một số cây trồng khác, cây lương thực như lúa. Là nước láng giềng với nước ta, sự lai tạp cây chuyển đổi gien sang cây trồng Việt Nam là điều khó tránh khỏi. Việc nhập và sử dụng sản phẩm chuyển đổi gien từ nhiều nguồn cũng đã xuất hiện, vì thế nước ta cũng cần có những quy định về việc nhập khẩu hạt giống chuyển gien, sử dụng các sản phẩm chuyển gien từ Trung Quốc và các nước khác phải có kiểm tra chặt chẽ và có những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu những rủi ro bất ổn có thể xảy ra. Trong việc sử dụng cần được công khai hoá các sản phẩm chuyển đổi gien để mọi người chọn lựa, sử dụng không bị ép buộc.
Các nhà khoa học nước ta, gần đây, cũng đã nghiên cứu và thực hiện việc chuyển đổi gien cho một số cây trồng nhưng chưa có sản phẩm bán ra thị trường vì chưa có quy chế cụ thể của Nhà nước. Nhiều cây trồng như: ngô, đậu nành được nhập nội đã trồng phổ biến ở nhiều nước vốn là những cây chuyển gien cũng cần được kiểm tra chu đáo để vừa phát triển vừa ngăn ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra.
Do những thành tựu to lớn của công nghệ sinh học, các cây chuyển đổi gien đã đóng góp có hiệu quả cho những nhu cầu của con người. Thành tựu này bắt đầu sớm hơn cả những dự đoán của các nhà viễn tưởng lạc quan nhất. Trong các lĩnh vực y học, nông lâm nghiệp và một số lĩnh vực khác đã có những cuộc cách mạng công nghệ sinh học mới, trong đó có cả cuộc cách mạng xanh lần thứ 2 của nhân loại. Nó thực sự đã bắt đầu và ngày càng sôi động trên phạm vi toàn thế giới, đã và đang đóng góp lớn, mới mẻ cho loài người trong đời sống và trong việc bảo vệ môi trường.
Nguồn: Tạp chí Thông tin KH-CN Nghệ An, số 5/2005.