Kinh dịch - môn khoa học cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển
Thực ra, từ mấy ngàn năm trước (theo các nhà nghiên cứu Dịch học), Kinh dịch đã có mặt ở Việt Nam như một bộ phận cấu thành của triết học phương Đông. Những bản chuyển ngữ Kinh dịch của Ngô Tất Tố, Nguyễn Hiến Lê… và một số công trình nghiên cứu của các tác giả đã nói lên điều đó. Là viên ngọc sáng trong kho tàng khoa học văn hoá phương Đông, Kinh dịch học nêu lên những quy luật phát triển và biến hoá của vạn vật, vận dụng phương pháp duy vật biện chứng; đồng thời vận dụng những thế giới quan này để dự đoán các thông tin về tự nhiên, xã hội và con người. Nội dung của Kinh dịch rất phong phú, phạm vi đề cập rất rộng nên nhiều nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà quân sự vĩ đại trên thế giới và Việt Nam đã nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả môn khoa học này.
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Luật học Trần Mạnh Linh – Giám đốc Trung tâm cho biết: từ hơn 100 năm nay, phương Tây đã thành lập các Viện nghiên cứu về khoa học phương Đông mà nền tảng của nó là Kinh dịch. Thậm chí, cả Liên hợp quốc cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã hình thành một ngành khoa học mới là ngành Dịch học từ hơn 40 năm nay. Và nếu chúng ta lưu ý sẽ thấy trong các thành tựu của khoa học phương Tây hiện đại luôn có hình ảnh của khoa học phương Đông. Từ các ngành toán, lý, hoá, sinh, kinh tế học đến chính trị học… thậm chí cả những môn học thể hiện sự tích hợp cao giữa Đông và Tây như “Lý thuyết tập mờ”, “Thuyết nhị phân”, “Phân tâm học”… cùng với tên tuổi những nhà khoa học lớn, những nhà khoa học đã được giải No-ben như Dương Chấn Ninh, Lý Chính Đạo, Hermann Hess, v.v.. đã nói lên điều đó.
Hiện nay, một số nước đã bắt đầu coi Kinh dịch là một học phần đưa vào giảng dạy trong các trường đại học để áp dụng vào các lĩnh vực kinh tế, quân sự an ninh quốc phòng, kiến trúc xây dựng, bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng… Ở các trường đại học lớn hầu hết đều có khoa hay môn học nghiên cứu về Kinh dịch. Sách Kinh dịch cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng ở các quốc gia. Và cách đây hơn 15 năm, tại Trung Quốc, Hội nghiên cứu và phát triển Chu dịch đã được thành lập dưới sự dẫn dắt của nhà khoa học phương Đông Thiệu Vĩ Hoa.
Có thể nói, với Kinh dịch, thế giới đã làm được rất nhiều. Còn ở Việt Nam, với một nền di sản văn hiến mấy ngàn năm, chúng ta cũng có không ít những nhà nghiên cứu và ứng dụng Kinh dịch nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp, Lê Quý Đôn… Đặc biệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước, như chúng ta đã biết và không thể quên việc hoạch định chiến lược (địa lý) hết sức cao minh của cha ông ta xưa trong việc xây thành Đại La, việc dời đô của vua Lý Công Uẩn. Chúng ta cũng không thể không nhắc tới “Binh pháp Trần triều” hay “Hổ tướng Khu cơ” của nhà quân sự lỗi lạc Trần Hưng Đạo. Những chiến lược và kế sách an dân, trị nước của nhà văn hoá Nguyễn Trãi, của người anh hùng áo vải Quang Trung, càng làm sáng tỏ thêm sức mạnh của văn hoá phương Đông nói chung và của dân tộc Việt Nam nói riêng.
Một số nhà xuất bản ở nước ta cũng đã cho ra mắt những cuốn sách giới thiệu về Kinh dịch, về Phong thuỷ, Tướng số… Nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại các khuynh hướng, quan điểm và nhận thức khác nhau khiến người đọc khó lòng phân biệt được đúng, sai, đâu là khoa học, đâu là phản khoa học. Theo chúng tôi, trên quan điểm những gì đã tồn tại như một quy luật tự nhiên thì chúng ta nên tôn trọng và nhìn nhận ở góc độ khoa học, khách quan để nghiên cứu và phát triển những tinh hoa, trí tuệ đó.
Giờ đây, chúng ta đang bước vào thời kì CNH-HĐH đất nước với yêu cầu mở rộng hợp tác, giao lưu, hội nhập quốc tế thì điều cơ bản là phải tiếp thu được những tinh hoa của nhân loại nhưng không xa rời bản sắc dân tộc. Vì vậy, Nghị quyết của Ban chấp hành TW Đảng khoá 8 đã nêu rõ: “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Để thực hiện đường lối đúng đắn trên, Trung tâm nghiên cứu và phát triển Kinh dịch được thành lập với mục đích là vun xới sự hài hoà giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên thông qua sự bảo tồn, phổ biến, nghiên cứu và ứng dụng những tinh hoa của nền khoa học cổ phương Đông trong cuộc sống hiện tại…
Dưới ánh sáng của khoa học ngày nay, Kinh dịch cùng với những môn học ứng dụng tinh hoa của nó sẽ ngày càng chứng tỏ sức sáng tạo thần kỳ của người phương Đông nói chung và của cha ông ta nói riêng. Từ lâu, Kinh dịch đã có ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Giờ đây, một số môn khoa học hiện đại như: tin học, vật lý lượng tử, thậm chí cả trong chiến lược giáo dục, trong khoa học quản lí con người… đều có thể tìm thấy những minh chứng cho sự ảnh hưởng ấy.
Hơn bao giờ hết, khoa học Kinh dịch cần được quan tâm, đẩy mạnh nghiên cứu, nhằm góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước trong xu thế hội nhập.
___________________
(1) Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Kinh dịch được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng kí và hoạt động khoa học và Quyết định thành lập số 43/QĐ-TWH cấp ngày 4 tháng 2 năm 2005 của Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á - Việt Nam.
Nguồn: Diễn đàn trí thức, Xuân Bính Tuất, 1/2006, tr 13