Kiến trúc nhà dài của người Ta - ôi
Chòi( sâu xu): Là loại nhà tạm thời của họ, trong khi làm nương rẫy quá cách xa nhà chính, người ta thường dựng chòi ở đó với kiến trúc đơn giản bởi những vật liệu như tranh, tre, nứa lá, lồ ô. Loại nhà này có mái lợp nhưng không có vách.
Kho( trul/tinong): Đây là loại nhà nhỏ, xung quanh bịt kín, chỉ có một cửa dùng để mở đóng khi cất và lấy lương thực. Kho có cấu trúc đẹp và kích thước vừa. Mái lợp chủ yếu bằng tranh hoặc lá mây, lá cọ. Kho thường đặt ở một khu đất đẹp, nơi cao ráo, dựng trên 4 cột, bên trên có sán và vách ngăn dùng chủ yếu là để dựng lúa. Còn phần bên dưới thì tuỳ khả năng trưng dụng của gia chủ mà nó có những chức năng riêng. Một số gia đình dùng phần dưới này để cột trâu, bò về ban đêm.
Lán( kot/xu): Là loại nhà làm tạm chỉ có mái che và sàn trải chiếu, xung quanh không chắn phên. Đây là nơi chủ yếu dành cho người ở lại nương rẫu canh lúa.
Nhà mồ( ping): Là loại nhà trong nghĩa địa. Nhà có một cột lớn bằng gỗ quý, trên cột được chạm trổ công phu bởi những hình rồng, mặt người và hình những con thằn lằn rất đẹp. Mái lợp nhà mồ thường bằng những ống lồ ô được đập bẹp hoặc chẻ đôi và đặt xấp ngửa. Bên trong nhà mồ được đặt nhiều vật dụng dành cho người chết (theo tục chia của).
Lều ma( ntrap kâm mooch): Được dựng lên trong thời gian cúng bái, xin hồn ma cho phép đưa quan tài và thi hài vào lều trước khi đặt xuống nhà mồ. Lều ma này khá rộng, chứa tối đa 50 người, được dựng cách nhà khoảng 500 mét. Đây thuộc loại nhà trệt, mái bằng hoặc mái tròn, cột thường là tre, nứa, lồ ô… được làm rất đơn giản.
Cấu trúc của loại nhà này rất đơn giản, nó mang tính phục vụ tạm thời, trong một thời gian ngắn. Do đó, một chừng mực nào đấy, nó bị giới nghiên cứu xem nhẹ. Còn đối với nhà ở của đồng bào Ta - ôi thì được nhiều người biết đến qua những ngôi nhà rông và nhà dài.
Làng của người Ta - ôi theo truyền thống thường có một ngôi nhà công cộng kiểu nhà rông dựng ngay giữa làng - ngôi nhà này dùng để phục vụ các nghi thức quan trọng trong đời sống cộng đồng của họ. Còn đối với nhà ở, người Ta - ôi có ngôi nhà dài (dung ta ra đát), nơi đây sẽ diễn ra sinh hoạt trong đời sống thường nhật và là nơi hội tụ mọi quan hệ trong gia tộc của cộng đồng Ta - ôi. Cho nên, xét trên phương diện kiến trúc và văn hoá thì nghiên cứu về nhà dài rất thú vị và phải tốn nhiều thời gian, công sức. Hiện nay, trên địa bàn cư trú của người Ta - ôi ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), những ngôi nhà dài không còn nữa. Và nếu muốn chiêm ngưỡng, nghiên cứu, suy xét khám phá chỉ có thể tới 2 huyện Đắc Krông, Hướng Hoá (Quảng Trị) mà thôi.
Năm 1987, đánh dấu sự ra đi của ngôi nhà dài cuối cùng của người Ta – ôi ở A - Lưới. Nhiều già làng ở đây kể lại rằng: Ngôi nhà dài cuối cùng đó nằm trên địa bàn xã Bắc Sơn. Già làng Quỳnh Át năm nay 95 tuổi, ở thôn Lê Riêng (xã Hồng Trung) và ông Quỳnh Mười, ở thôn Đụt (xã Hồng Kinh) là những chủ nhân đã một thời ngôi nhà dài, đã kể lại rằng: Do nhu cầu của cuộc sống, giải toả ngôi nhà dài, tiến hành giao đất, giao rừng cho từng hộ gia đình cá thể là một trong những định hướng đúng đắn trong công tác định canh - định cư cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Song bên cạnh đó thì những dáng xưa của núi không còn. Và hiện tại, muốn nghiên cứu nhà dài - một di sản văn hoá của dân tộc Ta - ôi ở Thừa Thiên Huế bị thiệt thòi.
Chúng tôi đã có dịp khảo sát tại thôn Cụp, xã A Bung, huyện Đắc Krông (Quảng Trị), nơi đây có ngôi nhà dài của ông Vỗ Hùng (năm 2002 ông 82 tuổi) đã có tuổi gần 100 năm vẫn còn dáng vẻ uy nghi, vững chãi. Ngôi nhà dài này mang nét kiến trúc chung cho các ngôi nhà dài thường thấy khác tại Quảng Trị.
Nhà dài gồm nhiều gian nối với nhau và kéo dài hơn 100 mét. Sàn, cột, xà nhà đều được làm bằng các loại gỗ quý như gõ, sến và dổi được khai thác từ rừng sâu. Trước khi làm nhà, chúng được đẽo đục rất tốn công dưới những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Ta - ôi. Mọi thứ như kèo, cột được khoét, đục, tra vào lỗ một cách chắc chắn. Sau khi dựng lên, mọi người coi như đã làm một việc làm thiêng liêng và rất cần sự chăm sóc của gia tộc.
Mọi chân cột của ngôi nhà dài bao giờ cũng được đặt trên những hòn đá to, dày và được mài nhẵn công phu nhằm chống sự tấn công của mối mọt và ẩm mốc.
Hầu hết các vách nhà đều được làm bằng những tấm gỗ đã được bảo mỏng và láng. Trên vách người ta thường chạm trổ những kiểu thức trang trí theo tâm linh của mình như: hoa lan, chim bồ câu, con thằn lằn, quả bầu khô.
Mái lợp của ngôi nhà dài rất công phu, bởi vì ngôi nhà dài và rộng. Cho nên, chủ nhà cần phải chuẩn bị một khối lượng lá lợp đồ sộ và phải mất nhiều ngày công vào rừng tìm kiếm lá, thường là lá mây. Đặc tính của loại lá mây có độ bền hơn tranh và lại mang tính thẩm mỹ cao như: mượt, đều, kín và mát mẻ. Trước và trong khi làm cấu kiện nhà dài, thì đa số những người phụ nữ Ta - ôi vào rừng chọn những chiếc lá mây sao cho không già và cũng không non quá, cắt lấy đem về phơi cho ráo rồi bện thành từng tấm lại với nhau. Khi lợp, các lá mây được nối kết với nhau bằng các sợi mây nhỏ vót nhọn mạnh và bóng. Từng lớp lá được chồng lên nhau theo một thứ tự nhất định để tạo nên tính phẳng phiu và đẹp mắt. Chính vì vậy, khi vào một ngôi nhà dài, khách có thể ngước nhìn lên mái nhà bên trong thì cảm thấy người tham gia làm mái lợp ở đây có bàn tay thiện nghệ, những sợi mây níu lấy lá mây buộc chặt vào rường, vào những chiếc đòn tay gỗ, níu kéo vào nhau như thể tạo thêm thế vững chãi cho ngôi nhà.
Mái của ngôi nhà dài có độ nghiên và dốc vừa phải, rải rộng về bề ngang của hai phía hai bên. Đầu nóc của ngôi nhà dài đứng xa nhìn thấy nó vừa cao lại vừa uy nghi. Chủ nhân của nó thường trang trí hai đầu nóc nhà các môtip như: gắn những khúc gỗ cong, những cặp sừng trâu lớn chĩa mũi nhọn lên trời biểu trưng cho sức mạnh, hoặc là trang trí “ khâu cút” bằng gỗ tạc hình 2 con chim cu gáy tượng trưng cho tình yêu quê hương và bản tính hiền hoà của dân tộc.
Phía bên trong nhà dài được bố trí làm nhiều ngăn khác nhau, mỗi ngăn hoặc gian có chức năng và công dụng riêng của nó như: phòng khách, phòng hội họp, phòng ngủ, bếp.
Riêng một điều đáng nói ở đây, khi nhận xét về mối quan hệ gia tộc trong đại gia đình người ta thường đề cập đến cái bếp. Do vậy, khi vào ngôi nhà dài cái bếp là một hệ gia đình nhỏ và cách bố trí của bếp cũng đáng quan tâm. Thường thì các bếp được bố trí theo 2 kiểu:
Kiểu 1: Các bếp bố trí liền nhau, cùng có cửa lớn đi qua lại giữa các gian nhà từ đầu nhà cho đến cuối nhà, bếp này nối tiếp bếp kia, giữa các bếp có vách ngăn bằng gỗ. Hành lang đi sát vách nhà thông cầu thang ở hai đầu hồi.
Kiểu 2: Hành lang chạy dọc nhà, các bếp đối diện nhau nhìn ra hành lang. Cầu thang được bố trí ngay căn giữa (phòng khách).
Bên trong ngôi nhà dài phòng khách thường có diện tích lớn nằm ở vị trí trang trọng giữa nhà. Nơi đây dùng để đựng các loại tài sản quý giá của gia tộc như chiêng núm, chiêng bằng, ché, chum, thanh la, nồi đồng và còn là nơi đặt các án thờ linh thiêng. Trên vách của phòng khách chủ nhân thường treo các miếng da thú hoặc những bộ răng lợn lòi khi đi săn về để tăng thêm sức mạnh. Bên cạnh đó, họ còn trưng bày các dụng cụ âm nhạc như khèn, tù và sừng trâu, trống da…
Như một sự tự nhiên và cũng do nhu cầu của cuộc sống, nhu cầu của xã hội, thuở xa xưa, các thành viên trong gia tộc người Ta - ôi sống trong nhà dài theo 4 dạng:
Dạng 1: Làm chung, ăn chung, ở chung: mọi cái khi ấy đều là của chung, tài sản riêng của cá nhân hầu như ít ỏi hoặc không có.
Dạng 2: Làm chung, ở chung, ăn riêng: Tài sản riêng của từng cá nhân, từng hộ gia đình nhỏ bắt đầu hình thành. Dạng này là đánh dấu bước đầu cho sự phá vỡ kiểu đại gia đình phụ quyền nguyên thuỷ của người Ta - ôi.
Dạng 3: Làm chung, ở riêng, ăn riêng: Giờ đây các bếp bắt đầu có sự tách ra xây dựng cho mình những ngôi nhà nhỏ riêng biệt. Bằng chứng là sự hình thành những ngôi nhà trệt, từ bỏ lối sống trên nhà sàn mà chính điều này thường thấy ở A Lưới và là hệ quả của sự tan rã đối với những ngôi nhà dài ở nơi đây. Và mặc dầu ăn riêng, ở riêng song những công việc trong mùa đi săn hoặc làm rẫy thì mọi thành viên trong gia tộc đều làm chung với nhau.
Dạng 4: Ở chung, làm riêng, ăn riêng: Các hộ gia đình nhỏ đã được độc lập về kinh tế. Đánh dấu sự chuyển đổi mối quan hệ giữa cộng đồng và cá thể. Sự tách ly ra từ đại gia đình phụ quyền thành gia đình cá thể một vợ một chồng bắt đầu từ đây.
Mặc dầu có sự tách ly thành gia đình nhỏ như vậy, nhưng tuỳ theo thích nghi tồn tại mà nhiều ngôi nhà dài vẫn còn hiện hữu cho đến ngày nay. Những chủ nhân của ngôi nhà dài đó vẫn giữ nhiều nét cổ xưa của kiến trúc để cho hậu thế chiêm ngưỡng. Và hiện nay số lượng các ngôi nhà dài Ta - ôi không còn nhiều, khoảng trên dưới 50 toà ở Quảng Trị và đó là tài sản vô giá của cộng đồng Ta - ôi.
Nguồn: Dân tộc & Thời đại, số 63, 2/2004, tr 3, 4, 6