Iốt - Liều thuốc thông minh
Nhưng ông bỗng chú ý đến một làn khói tím bốc lên từ ống nghiệm vỡ… Về sau, qua nghiên cứu, ông đã phát hiện ra đó là một nguyên tố mới. Chất này có trong tro rong biển. Khi gặp axit thì bị phân tách thành dạng nguyên chất, Cuốc - toa đặt tên nguyên tố mới đó là iốt, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “tím” để kỷ niệm màu làn khói bốc lên.
Thực ra, từ xưa con người đã thường xuyên “tiêu thụ” nguyên tố này trong cuộc sống hàng ngày. Iốt có trong đất, nước, không khí. Đặc biệt iốt có nhiều trong nước biển và các hải sản như cá, tôm, rong biển…
Cây cối hút nước và chất dinh dưỡng từ đất nên trong lúa, ngô, rau quả… cũng có iốt. Động vật tiếp nhận iốt từ những thức ăn thực vật mà chúng ăn vào. Con người ăn các thức ăn từ động vật, thực vật và các loại hải sản, hấp thụ lượng iốt có trong các thức ăn đó. Người ta tính ra trong suốt cuộc đời, mỗi người cần đến một lượng iốt bằng khoảng 1 thìa cà phê. Nếu chia trung bình thì mỗi ngày cần ăn vào một lượng iốt cỡ đầu chiếc kim. Nhưng bạn chớ coi thường “đầu kim” ấy, thiếu nó sẽ mắc bệnh ngay.
Iốt giúp cho việc tổng hợp nội tiết (hoóc môn) tuyến giáp trạng. Chất nội tiết này cần cho con người phát triển trí tuệ và thể lực từ khi còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi về già. Nếu thiếu iốt, tuyến giáp buộc phải làm việc nhiều hơn và do tuyến này nằm ở trên cổ nên gây ra biếu cổ. Ngoài bướu cổ, thiếu iốt còn gây ra nhiều hậu quả khác, gọi chung là “các rối loạn do thiếu iốt”. Chẳng hạn như: phụ nữ có mang có thể bị sảy thai, trẻ em kém phát triển trí óc (trường hợp nặng có thể dẫn đến đần độn), người lớn dễ bị mệt mỏi, giảm khả năng lao động. Ngay như động vật thiếu iốt cũng giảm khả năng sinh sản, cho ít thịt, sữa… Trên thế giới có tới một tỷ rưỡi người sống trong các vùng thiếu iốt, nghĩa là cứ 4 người thì có 1 người có nguy cơ bị rối loạn do thiếu iốt. Các vùng thiếu iốt chủ yếu tập trung ở Châu Á, châu Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Nhưng ngay một quốc gia đã phát triển như nước Đức ở Tây Âu cũng có không ít người bị thiếu iốt. Nước ta cũng nằm trong vùng thiếu iốt. Có tới 94% dân số Việt Nam có nguy cơ bị thiếu iốt ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Ngoài những người bị rối loạn do thiếu iốt ở thể nặng (bị bướu cổ, đần độn) mà ta nhìn thấy, còn có nhiều người thiếu iốt bị mắc bệnh ở những mức độ nhẹ mà chưa được phát hiện. Sở dĩ ngày nay có nhiều người bị thiếu iốt là do nhiều nguyên nhân, trong dó có nạn hủy hoại môi trường. Rừng bị tàn phá khiến cho đất bị xói mòn, làm mất dần lượng iốt có trong đất trồng. Mưa bổ sung một phần iốt trong đất, nhưng chính mưa lũ lại gây ra xói mòn làm trôi iốt ra biển. Lượng iốt mà thực vật, động vật và con người hấp thụ vì thế cũng giảm đi.
Vậy phải làm sao bù đắp lượng iốt thiếu hụt đó cho cơ thể. Iốt không phải là thứ “ăn no” một lúc được. mà cần đưa vào cơ thể thường xuyên, mỗi ngày 1 ít.
Người ta thấy rằng, trong các thức ăn hàng ngày của con người chỉ có muối là loại thực phẩm duy nhất không thể thiếu được, dù chỉ là một bữa. Vì thế, nếu trộn iốt vào muối theo tỉ lệ vừa đủ, thì có thể giúp mọi người bổ sung iốt cho mình một cách thường xuyên đều đặn. Lượng iốt trộn vào muối có tỉ lệ rất nhỏ, nên không có mùi vị hoặc màu sắc khác lạ đáng kể so với muối thường trước đây chúng ta vẫn ăn.
Tất nhiên còn nhiều cách khac giúp cho con người bổ sung lượng iốt bị thiếu hụt trong cơ thể. Ví dụ như người bị thiếu iốt nặng có thể tiêm dần iốt. Ở miền núi Thái Lan, người ta nhỏ iốt vào vại nước ăn gia đình. Nhưng không cách nào tiện và phổ biến bằng việc trộn iốt vào muối ăn, loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày.
Từ nhiều năm nay, nước ta có nhiều chương trình toàn dân dùng muối iốt. Ăn muối iốt sẽ giảm được nguy cơ bị bướu cổ và các bệnh đần độn, chậm phát triển trí tuệ. Vì vậy, người ta gọi muối iốt là “liều thuốc thông minh”. Tuy nhiên, nếu cơ thể bị thừa iốt cũng có thể dẫn đến bướu cổ… Những người sống ở vùng ven biển, trong các thức ăn thường ngày như: tôm, cá, rau câu… đã có khá đủ iốt. Vì vậy, nhu cầu dùng muối iốt có thể là không cần thiết như những người sống ở miền núi.
Người bướu cổ nên đi khám bác sĩ ngay, vì biết đâu nguyên nhân gây bệnh không phải do thiếu mà lại là do thừa iốt.
Bạn cũng nên nhớ rằng iốt là chất dễ bay hơi. Vì vậy, khi dùng và bảo quản muối iốt cần theo đúng quy cách thì mới đảm bảo giữ đủ lượng iốt có trong muối. Muối iốt cần đựng trong túi kín hoặc lọ có nắp đậy. Đặc biệt bạn chớ phơi nắng hoặc rang muối iốt, cũng không cho muối iốt vào nồi canh đang sôi, mà đợi đến khi bắc ra rồi hãy cho. Nếu nhà bạn có nuôi súc vật thì cũng chớ quên cho chúng ăn muối iốt. Động vật được ăn thêm muối iốt, chúng sẽ mắn đẻ, mau lớn và cho bạn nhiều trứng, sữa, thịt hơn.