Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 13/03/2006 14:15 (GMT+7)

Hoạt động của đội Hoàng Sa

Sử sách xưa đã dành không ít trang để chép về đội Hoàng Sa với những hoạt động cụ thể.

Nguồn tư liệu quan trọng đầu tiên là lời chú trong bản đồ Bãi Cát Vàng của Đỗ Bá năm Chính Hoà thứ 7 (1686): “Bãi Cát Vàng phỏng dài 400 dặm, rộng 20 dặm ở giữa biển khoảng từ cửa biển Đại Chiêm kéo đến cửa biển Quyết Mông. Gió tây nam thuyền đi phía trong sẽ dạt lại đó. Gió đông bắc mà thuyền di cũng bị tắc lại đây, đều bị chết đói, của cải phải bỏ lại. Mỗi năm đến tháng cuối đông (Chúa Nguyễn) đưa 18 chiếc thuyền đến đó nhặt vàng bạc…”.

Chỉ sau bản đồ Đỗ Bá 11 năm, vào năm 1697, nhà sư nổi tiếng của Trung Quốc là Thích Đại Sán trong một cuốn sách cũng rất nổi tiếng viết tại Huế, Đà Nẵng, Hội An là Hải ngoại kỷ sự, sau khi mô tả “bãi cát rộng đến vài trăm dặm… gọi là Vạn Lý Trường Sa”với các đặc điểm không khác mô tả của Đỗ Bá, đã cung cấp thêm một thông tin vô cùng quan trọng : “Quãng ấy cách Đại Việt 7 ngày đường, chừng 700 dặm. Các quốc Vương thời trước (tức là các chúa Nguyễn) hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo các bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của các thuyền hư hỏng dạt vào…”.

Bốn năm sau Hải ngoại ký sự, năm 1701 các giáo sĩ người Pháp trên tàu Amphitrite bằng quan sát trực diện của mình đã cho hay “Paracel là một quần đảo thuộc về Vương quốc An Nam”, vì đúng như Piracel Poivre cho biết “Tôi nghe nói hàng năm nhà Vua (tức chúa Nguyễn) thường cho vài chiếc thuyền ra Hoàng Sa để tìm kiếm những báu vật tự nhiên cho bộ sưu tập của mình”,hay như mô tả của bá tước D’Estaing, phó thuỷ sư đô đốc của Pháp khi đi thị sát vùng quần đảo Hoàng Sa là “vùng biển này luôn luôn có những thuyền nhỏ của người bản xứ qua lại, họ có thể biết được tàu chúng tôi đến đó”.

Những tư liệu khách quan, xác thực xuất hiện từ các nguồn khác nhau (Việt Nam, Trung Quốc, phương Tây) vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII đã cung cấp cho người đọc hình ảnh ban đầu tuy còn hết sức sơ lược, nhưng lại rất thống nhất và chính xác của một đội thuyền nhỏ (hay thuyền đánh cá) do chính chúa Nguyễn sai ra Hoàng Sa để thu lượm vàng bạc, khí cụ của tàu, báu vật tự nhiên và theo dõi các tàu lạ. Đấy chỉ có thể nói là đội Hoàng Sa, nhưng tiếc rằng các nguồn tư liệu trên chưa chỉ ra được một cách cụ thể.

Rất may là vào năm 1776 nhà bác học Lê Quý Đôn khi ấy giữ chức Hiệp trấn hai xứ Thuận Hoá, Quảng Nam trên cơ sở các tài liệu cũ của phủ chúa Nguyễn còn để lại, kết hợp với tư liệu trực tiếp thăm hỏi ở địa phương đã ghi lại trong sách Phủ biên tạp lục: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng lá kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều, đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm rồi lĩnh bằng trở về”.

Các sách Đại Việt sử ký tục biênlà bộ sử thời Trịnh, tiếp nối bộ Quốc sử thời Lê Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục (Tiền biên)bộ sử chính thức của nhà Nguyễn cũng đều chép về hoạt động của đội Hoàng Sa giống như Lê Quý Đôn.

Tiếp theo là Lịch triều hiến chương loại chícủa Phan Huy Chú, Đại Nam nhất thống chícủa Quốc sử quántriều Nguyễn thời Tự Đức, Quảng Ngãi tỉnh chícủa Nguyễn Bá Trác, Tuần phủ Quảng Ngãi đầu thế kỷ XX… trên đại thể cũng đều chép như thế. Tất cả các nguồn tưliệu đều khẳng định quê hương của đội Hoàng Sa - đội có chức năng thay mặt các Nhà nước Việt Nam trấn giữ Biển Đông liên tục nhiều thế kỷ là xã An Vĩnh thuộc huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi.

Đã từ lâu đời xã An Vĩnh có hai bộ phận hợp thành là làng An Vĩnh ở cửa biển Sa Kỳ trong đất liền và phường An Vĩnh ngoài Cù Lao Ré.

Lớp cư dân đầu tiên của Cù Lao Ré (huyện đảo Lý Sơn ngày nay) là người Chàm, thậm chí là tiền Chàm. Điều này được chứng thực qua nhiều các di tích, di vật, di chỉ khảo cổ học có liên quan đến văn hoá Chàm và văn hoá Sa Huỳnh ở Lý Sơn. Mãi đến thế kỷ XVIII, người Việt mới bắt đầu tiến ra “khai chiếm” vùng đảo này. Họ đều từ vùng cửa biển Sa Kỳ trong đất liền tiến ra – khu vực xã Lý Vĩnh do 6 họ (lục tộc) của làng An Vĩnh (huyện Sơn Tịnh) và khu vực xã Lý Hải do 7 họ (thất tộc) của làng An Hải (huyện Bình Sơn) khai phá. Lâu dần cũng có người từ các địa phương khác, thậm chí ở tận vùng Gia Định cũng đến định cư ở đây. Trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX khu vực do lục tộc tiền hiền xã An Vĩnh khai khẩn lập thành phường An Vĩnh phụ thuộc và xã An Vĩnh; còn khu vực thất tộc tiền hiền An Hải khai khẩn lập thành phường An Hải - thuộc vào xã An Hải trong đất liền. Dân các phường An Vĩnh, An Hải dẫu có thể đã nhiều đời sinh ra và lớn lên ở Cù Lao Ré nhưng họ vẫn phải chịu đầy đủ mọi nghĩa vụ với làng quê gốc của mình. Truyền thuyết ở Cù Lao Ré kể lại rằng, trước đây mỗi lần có việc người trong đất liền gióng trống là người ngoài đảo nghe thấy mà về. Tới đầu thế kỷ XIX theo như đơn đề ngày 11 tháng 2 năm Gia Long thứ 3 (1804), hai phường An Vĩnh và An Hải mới thực sự được tách ra thành các đơn vị hành chính cơ sở độc lập với các làng quê gốc.

Vào trước thời điểm năm 1804, những người được tuyển vào đội Hoàng Sa là người xã An Vĩnh, đương nhiên bao gồm cả người trong đất liền và người ngoài hải đảo. Mặc dù về kinh tế, văn hoá, tậpquán, tín ngưỡng… người dân đảo đã độc lập với đất liền từ lâu, nhưng về mặt hành chính, họ vẫn còn là người dân của làng xã gốc trong đất liền và phải làm các nghĩa vụ với tư cách là người dân chínhthức của các làng xã ấy. Thành thử việc cung cấp đủ 70 suất lính đội Hoàng Sa trước hết phải là nghĩa vụ của làng An Vĩnh trong đất liền, trong đó người dân phường An Vĩnh ngoài hải đảo vì là bộ phậnphụ thuộc vào làng, phải theo làng gánh vác công việc. Công việc chuẩn bị cho các chuyến đi xa chủ yếu là chuẩn bị ở làng trong đất liền hơn là ngoài hải đảo. Địa điểm chính cho đội Hoàng Sa xuấtphát là cửa biển Sa Kỳ. Điều này được phản ánh trong tờ tấu của Bộ Công về việc đoàn công vụ Hoàng Sa đã ra đitừ cửa Sa Kỳ. Phú Nhuận hầu vào năm thứ 2 triều Gia Long (1803) vừa là Cai thủ cửa biển Sa Kỳ vừa kiêm chức Cai cơ thủ ngự quản của đội Hoàng Sa. Đặc biệt ở thôn An Vĩnh (Sơn Tịnh), phía nam cửa biểnSa Kỳ nay vẫn còn di tích Vườn Đồn ở khu vực đóng quân của đồn biên phòng Sa Kỳ là địa điểm tập kết, huấn luyện, trang bị tầu thuyền khi ra đảo của đội Hoàng Sa. Cách Vườn Đồn khoảng 200 mét nằm ngaycạnh cửa bến Sa Kỳ (khu vực gia đình ông Nguyễn Văn Mênh) là miếu Hoàng Sa. Tiếc rằng miếu Hoàng Sa bị phá huỷ trong thời kỳ Mỹ nguỵ, nhưng hình ảnh của nó vẫn còn khắc đậm trong ký ức nhân dân địaphương. Miếu Hoàng Sa vốn thờ bộ xương đầu của một con cá voi rất lớn, tương truyền do những người lính Hoàng Sa đưa về từ quần đảo Hoàng Sa. Người dân vùng này thường gọi cá voi là “ông Nam Hải” làthần linh có thể giúp người đi biển vượt qua hoạn nạn, nên không chỉ tại Sa Kỳ mà ở Cù Lao Ré cũng có hai dinh ông Nam Hải thờ những bộ xương cá voi khổng lồ. Miếu Hoàng Sa đồng thời cũng là nơinhững người trong đội Hoàng Sa làm lễ tế thần linh trước lúc xuất phát. Miếu Hoàng Sa tuy không còn nữa, nhưng bộ xương cá voi xưa, thần linh của miếu vẫn được nhân dân địa phương giữ lại và chuyểnsang thờ tại Lăng Chánh, ngay cạnh đó.

Như thế là rõ ràng không thể quan niệm như một số tác giả trước đây là xã An Vĩnh, nơi cung cấp hàng năm 70 suất đinh cho đội Hoàng Sa chỉ hoàn toàn ở ngoài Cù Lao Ré. Thậm chí cần phải nhấn mạnh rằng số 70 suất đinh đó từ thời kỳ đầu cho đến năm 1804 phần nhiều là người xã An Vĩnh trong đất liền rồi đến giai đoạn sau 1804 mới chủ yếu là người phường An Vĩnh ngoài hải đảo. Vấn đề đặt ra là người tham gia Hoàng Sa có bao gồm dân đinh của xã An Hải và phường An Hải không? Quả là bộ sử xưa không chép, nhưng đến cuối thế kỷ XIX Nguyễn Thông trong sách Việt sử cương giám khảo lược(quyển 4), cho biết là ở buổi “quốc sơ” (tức là thời kỳ đầu các Chúa Nguyễn) nước ta “thường kén những người đinh tráng củ hai hộ An Hải và Anh Vĩnh mà đặt đội Hoàng Sa để đi kiếm lượm những vật ngoài biển…”(Tư liệu khảo sát ở Cù Lao Ré cũng như các làng An Vĩnh (Sơn Tịnh), An Hải (Bình Sơn) đã xác nhận ghi chép này của Nguyễn Thông). Tuy nhiên cũng phải thừa nhận một thực tế là người tham gia đội Hoàng Sa trước sau vẫn chủ yếu là người An Vĩnh.

Theo nhân dân địa phương cho biết thì 70 suất của đội Hoàng Sa được tuyển lựa dựa trên nguyên tắc chia định suất cho các họ. Vì thế mà hầu như họ nào cũng có người đi Hoàng Sa, Trường Sa, không phân biệt đấy là họ tiền hiền hay hậu hiền.

Họ Phạm Quang là một trong những tiền hiền ở phường An Vĩnh. Tại làng cũ An Vĩnh bên cửa biển Sa Kỳ vốn có nhà thờ họ quy mô lớn, nhưng đã bị phá huỷ trong thời kỳ Mỹ ngụy. Ở nhà thờ này khi đó có thờ bài vị Phạm Quang Ảnh – Cai đội Hoàng Sa được vua Gia Long phái ra tổ chức đo đạc thuỷ trình ở Hoàng Sa vào năm 1815. Nhà thờ họ Phạm Quang ở Lý Sơn chỉ là một chi phái của nhà thờ trên. Trong nhà thờ có đôi câu đối phản ánh tinh thần kiên trung vì nghĩa cả đối với đất nước của các bậc tổ tiên trong dòng họ:

Trung can huyền nhật nguyệt,

Nghĩa khí quán càn khôn”.

(Lòng trung sánh cùng mặt trăng, mặt trời,

Nghĩa khí bao trùm cả trời đất).

Bản gia phả do hai cha con Phạm Quang Chữ và Phạm Quang Nhân lập ngày 16 tháng 6 năm Gia Long thứ 5 (1806) chép thuỷ tổ Phạm Quang Minh cùng hai con là Phạm Quang Nhật, Phạm Quang Nguyệt vốn từ làng An Vĩnh di cư ra Cù Lao Ré. Bản Phú ý lệ sựlập ngày 8 tháng 6 năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) cho biết các chi phái dòng họ Phạm Quang gồm chính phái là Phạm Quang Ảnh, thứ phái là Phạm Quang Lai, và quý phái là Phạm Quang Tự. Người trông nom nhà thờ chính phái Phạm Quang Ảnh ở Lý Vĩnh là ông Phạm No.

Họ Phạm Văn ở Lý Hải có cùng nguồn gốc với họ Phạm Văn ở Lý Vĩnh. Gia phả và tài liệu truyền miệng cho hay cụ tổ dòng họ là Phạm Văn Nhiên, vốn là con út của một gia đình họ Phạm ở Lý Vĩnh. Sau khi đi lính Hoàng Sa trở về, cả hai bố mẹ đều đã mất và hai người anh đã chia nhau hết gia tài. Vì giận hai người anh, ông bỏ sang Lý Hải lập nghiệp và trở thành tổ của họ Phạm ở đây.

Họ Mai (vẫn thường gọi là họ Ma) quê ở vùng Gia Định đến Lý Hải - Lý Sơn vào đời cuối Lê Mạt. Khoảng thời vua Gia Long trong họ có nhiều người tham gia đội Hoàng Sa. Gia phả dòng họ có nhắc đến tên ông Mai Văn Chăng, Mai Văn Lòn là lính Hoàng Sa.

Những người tham gia đội Hoàng Sa trước hết làm nghĩa vụ đối với Nhà nước. Tất nhiên, về mặt quyền lợi, ngoài việc được miễn sưu thuế, trong số những hoá vật thu lượm được ở ngoài hải đảo, ngoài số quy định phải nộp cho nhà nước, phần còn lại họ được chia nhau. Tuy nhiên việc ra Hoàng Sa trong điều kiện bấy giờ là hết sức khó khăn và mạo hiểm. Người dân địa phương thường vẫn nói:

“Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn,

Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”.

Bởi vì tính chất nguy hiểm của công việc mà trước khi ra Hoàng Sa, mỗi người lính Hoàng Sa phải chuẩn bị sẵn một đôi chiếu, 7 sợi dây mây và 7 cái đòn tre. Nếu gặp chuyện chẳng lành thì chiếu dùng để quấn xác, đòn tre dùng làm nẹp và lấy dây mây bó lại. Xác người lính Hoàng Sa xấu số ấy được thả xuống biển với một hy vọng mỏng manh là sẽ có người vớt lên và chôn cất. Chiếc thẻ tre nhỏ ghi rõ tên tuổi, quê quán, phiên hiệu đơn vị của người mất được cài kỹ trong bó xác, sẽ là dấu hiệu để đồng đội và thân nhân nhận ra họ. Mặc dù biết rất rõ công việc rất khó khăn, mạo hiểm, nhưng người lính Hoàng Sa không một chút nề hà:

“Hoàng Sa đi có về không,

Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi”.

Họ vì lệnh vua, vì đất nước mà ra đi và để lại ở đằng sau là sự mỏi mòn trông chờ, cô đơn, sầu thảm của người vợ trẻ:

“Chiều chiều ra ngóng ngoài khơi

Ngóng ai như ngóng đợi người Trường Sa

Chiều chiều ra ngóng biển xa,

Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về”.

Trước khi lên đường, hàng năm cứ vào dịp 20 tháng 2 dân làng thường tổ chức tế lễ thần ở đình làng cầu mong cho người ra đi được bình an vô sự. Người ta làm những hình nộm bằng đất hoặc bằng cỏ đem tế ở đình. Tế xong đem thả xuống biển hoặc đốt đi gọi là khao lề thế (thay thế) lính Trường Sa. Việc thờ cúng như thế này là niềm an ủi cả người ra đi và người ở lại. Những người đi vĩnh viễn không về thì hằng năm vẫn được dân làng cúng giỗ tại đình. Bài văn tế trong dịp cúng giỗ thiêng liêng này mang tên: Cáo biệt lính Trường Sa văn. Ngoài ra người ta còn nặn đất sét thành hình người rồi làm lễ tưởng niệm sống (lễ truy điệu sống) người lính Hoàng Sa, sau đó bỏ vào áo quan mai táng đúng như thủ tục chôn cất người chết. Người lính Hoàng Sa ra đi với niềm tin rằng ngôi mộ giả này là ngôi nhà vĩnh cửu của mình nơi chín suối. Có một nghĩa địa giả như vậy vẫn còn lại dấu tích cho đến ngày nay, đó là khu mộ giả thuộc đất họ Võ, thôn Tây, xã Lý Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn).

Người dân đảo Lý Sơn còn cho chúng tôi hay là việc đi Hoàng Sa, Trường Sa tuy là nghĩa vụ thiêng liêng nhưng lại cực kỳ nguy hiểm nên cũng có khi những gia đình, dòng họ có “vai vế” trong làng có đủ lý do để “nhường” các “chỉ tiêu” này cho các gia đình, dòng họ kém thế lực. Chúng tôi cũng thực tin ở nguồn truyền thuyết dân gian đó rằng càng những gia đình nghèo, những gia đình ở địa vị thấp thì càng có lắm người đi Hoàng Sa, Trường Sa. Trang lịch sử chủ quyền vẻ vang của đất nước Việt Nam ra ở các hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước hết được viết bằng máu, được đánh đổi bằng toàn bộ cuộc sống của chính họ, những anh hùng vô danh ấy!

Phạm vi hoạt động của đội Hoàng Sa thời kỳ đầu các triều chúa Nguyễn chắc chắn là rất rộng. Hoàng Sa trong quan niệm của chúa Nguyễn lúc đó không chỉ riêng quần đảo Hoàng Sa, mà còn bao gồm cả một phần quan trọng của Trường Sa nữa, tuy nhiên chủ yếu vẫn là khu vực quần đảo Hoàng Sa như hiện nay, nhưng trong thực tế, do yêu cầu của công việc mà đội Hoàng Sa phải mở rộng địa bàn hoạt động ra các khu vực khác trên Biển Đông. Sau này “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Hải, ai tình nguyện thì cấp giấy sai đi, miễn cho các tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản”. Đến đây trên danh nghĩa đội Hoàng Sa vẫn chịu trách nhiệm chung, nhưng thực tế địa bàn hoạt động chủ yếu của nó đã được quy gọn lại vùng biển và hải đảo ngang với khu vực đảo Lý Sơn và ngược lên phía Bắc, trong đó vẫn lấy đảo Hoàng Sa là trung tâm.

Đội Hoàng Sa do chức năng đặc biệt quan trọng của nó được đặt dưới sự kiểm tra giám sát của Bộ Công, thậm chí nhiều khi đích thân nhà vua đã trực tiếp quyết định một số những công việc đặc biệt hệ trọng của đội. Người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được khen thưởng xứng đáng, còn người không hoàn thành nhiệm vụ, cố tình trì hoãn công việc, không khai báo đầy đủ các hoá vật đã thu lượm được hoặc gây sự với những người dân làng đang làm muối, đánh cá ngoài biển, nếu bị phát giác thì bị trị tội nặng. Vì thế nhìn chung những người lính Hoàng Sa là những người có tính kỷ luật cao. Họ là một tổ chức chặt chẽ và hoạt động có hiệu quả liên tục trong nhiều thế kỷ.

Những tư liệu khảo sát thực địa ở khu vực cửa biển Sa Kỳ và Cù Lao Ré trước hết có giá trị kiểm chứng và khẳng định một cách tuyệt đối nguồn tài liệu thư tịch cổ của các Nhà nước phong kiến cũng như các nhà bác học, các học giả đương đại về sự hiện diện của đội Hoàng Sa với chức năng chủ yếu là bảo vệ chủ quyền và khai thác tài nguyên ở các vùng quần đảo ngoài khơi thuộc Biển Đông. Nguồn tư liệu này vốn rất phong phú, cụ thể, sinh động và một khi nó đã được nguồn tài liệu thư tịch cổ của các Nhà nước phong kiến và các học giả đương thời kiểm chứng trở lại, thì nó trở thành nguồn di sản vô giá, vừa bổ sung thêm cho bức tranh chân dung của đội Hoàng Sa, vừa là một minh chứng hiển nhiên rằng chủ trương vươn ra chiếm lĩnh và khai thác Hoàng Sa, Trường Sa của các Nhà nước phong kiến Việt Nam đã được thực thi đầy đủ, trọn vẹn và liên tục trong nhiều thế kỷ.

Nguồn: Xưa và Nay, số 102, 10/2001, tr 5, 6, 38, 39

Ảnh:1:An Nam đại quốc hoạ đồ năm 1838

        2: Bản đồ “Đại Nam nhất thống toàn đồ” thời Nguyễn “giữa thế kỷ XIX) có vẽ Hoàng Sa và Trường Sa

        3: Một trang sách “phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn có nói đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.
Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.