Hoàng Hữu Xứng Đổng lý biên tập sách Đại Nam cương giới vựng biên
Quốc triều hương khoa lụccho biết Hoàng Hữu Xứng đậu cử nhân năm 1852 với chi tiết: “Cha con, anh em cùng thi đậu. Người xã Bích Khê, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị. Là cha Hoàng Hữu Bính (sau đổi Tiếp, đậu cử nhân năm 1879 và đậu Hoàng giáp năm 1889), là anh Hoàng Hữu Bính (đậu cử nhân năm 1891). Hiện (1893 ?) là Tham tri gia hàm Thượng thư sung Toản tu Sử quán, giảng quan toà Kinh diên” (1). Hoạn lộ ban đầu của Hoàng Hữu Xứng không thấy ghi chép rõ, chỉ biết tháng 10 năm Tân Dậu (1861) đang làm Huấn đạo quyền tri huyện Tuy Viễn (Bình Định), có công bắt đạo Gia Tô và giặc cướp, nên được đặc cách bổ làm tri huyện Hà Đông (Quảng Nam) hồi đầu năm 1863. Tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1869, đã về triều làm biện lý bộ Binh. Năm 1873, làm Bố chính Thanh Hoá. Năm 1877, về triều làm Lại bộ tả thị lang. Năm 1880, thăng thự Tuần phủ Hà Nội. Năm 1882, Pháp hạ thành Hà Nội, bị gọi về kinh chịu tội. Năm 1883, sau khi Tự Đức băng, được phục chức làm việc tại triều. Năm 1885, là Quang Lộc tự khanh lãnh Thị lang bộ Lại kiêm quản viện Đô sát (2).
Thực lục chính biênghi: Tháng 9 năm Bính Tuất (1886) “sai làm sổ sách biên chép cương giới nước ta. Bấy giờ Cơ mật viện tâu nói: Cương giới nước ta phía bắc gần với nước Đại Thanh, phía tây nam giáp với nước Xiêm La, Diến Điện; từ trước phải có giới hạn đích ở chỗ nào. Từ trước đến nay, quốc sử ít thấy chép đến, thấy nghe cũng ít, nhiều lần các đại thần toàn quyền, khâm sứ Đại Pháp có ý nghiên cứu, hoặc định treo thưởng; hoặc có nghe thấy gì, thì tự đi yêu cầu để xem xét. Về việc treo thưởng, nhiều lần đã vâng lời dụ thông sức, chưa có người hưởng ứng.
“Kể ra bờ cõi non sông cũng là cách học bác vật, biển rộng mây trùng, đường xa muôn dặm, người ta còn nghĩ tìm dò được, huống chi cương giới nước ta, mà lại không bàn, bàn mà không xét, tưởng không phải chỉ cho người biết được ít nhiều! Nghĩ nên xin phái quan thuộc tìm xét khắp cả, duy công việc ở Bộ - Viện - Quán - Các bề bộn, nếu giao cho làm kiêm cả, sợ không chuyên chủ kỹ càng, khó mong thành hiệu. Nên xin đặt viên có trách nhiệm để đôn đốc việc ấy. Quang lộc tự khanh lãnh Thị lang bộ Lại là Hoàng Hữu Xứng là người trầm tĩnh, học cũng hơi rộng, xin cho theo nguyên hàm sung làm Đổng lý, cấp cho ấn khâm phái quan phòng, và phái viên dịch theo để làm, việc, đến ở phòng Nội các làm việc, phàm hễ nước ta tiếp giáp với Thanh, nước Xiêm và sông Khung (Mêkông), đích là chỗ nào, đều xem xét rõ ràng, cần có chứng cứ đích xác, biên chép thành sách và vẽ đồ bản để tham khảo” (3).
Cơ mật viện do Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình làm chủ chốt hầu cố vấn cho Đồng Khánh mới lên thay Hàm Nghi xuất bôn kháng Pháp. Chi nên, chỉ thị trên đây sai phái Hoàng Hữu Xứng có những lời lẽ theo yêu cầu của Pháp.
Chỉ 2 tháng sau, Hoàng Hữu Xứng đề nghị 12 điều phàm lệ để làm bộ sách địa lý cương vực rất trọng đại này. Mười hai điều phầm lệ đó, xin tóm tắt như sau:
1- Được chỉ thị cho kiểm xét biên giới nước ta tiếp giáp với nước Thanh, nước Xiêm, nước Diên và sông Khung đích xác là ở những đâu, thì biên tập thành sách. Nay xét thấy miền thượng du nước ta lấy sông Khung làm giới hạn, thì từ Nghệ An trở vào nam đều có giáp sông ấy. Còn từ Nghệ An trở ra bắc, thì có chỗ giáp có chỗ không. Cho nên sách này lấy biên cương các nước giáp nhau làm chủ, chứ không lấy sông Khung làm mục đích nghiên cứu. Vậy xin đặt tên sách là Đại Nam cương giới vựng biên.
2- Sách này chuyên chủ cương giới tiếp giáp với các nước, và biên thêm những địa phương thông với sông Khung. Nay xét các sách vở hoặc biên chép của tư gia, về thượng du dọc theo biên giới, đoạn nào như có ghi chép cũ: nước ta tiếp giáp với các nước và tiếp giáp với hai bên tả hữu sông Khung, là tên đất thuộc phủ huyện châu nào, hoặc trại man nào, thì đều ghi chép tất cả. Đoạn nào, như chưa rõ địa giới có thuộc nước ta không, nhưng biên giới các trại man của ta giáp với sông Khung, thì cũng coi như biên giới nước ta tới sông Khung. Còn nơi nào nước ta không tiếp giáp với sông Khung, thì ghi rõ nơi ấy thuộc về nước nào tên gì. Về hạ du giáp biển, thì chỉ tra xét tên cửa biên cho rõ tất cả để nêu trên toàn đồ. Còn những nơi xa xôi, giới hạn không liên tiế nhau, và tất cả dân phong thổ sản đã chép ở Gia Long nhất thống địa dư chí, thì chép qua thôi.
3- Về cương giới tiếp giáp hai bên tả hữu sông Khung, thì xét biên tên đất các man trại ở đó theo các tư liệu cũ. Nhưng có nhiều man trại đã siêu tán hay đổi địa phận, thì xem xét kỹ rồi ghi theo tình hình thực tế mới. Còn những nơi khó kiểm xét hoặc di dời thay đổi vô định, thì phải theo tư liệu cũ chép vào.
4. Về cách chép tổng quát là chép toàn cõi nước ta cùng các địa phương khác qua các đời thay đổi thế nào, tuy đã chép rõ ở Dư địa chí, sách này cũng dò xét lại cho đủ nguồn gốc, rồi ghi ở phần trên. Sau là số liệu dài rộng cả nước được bao nhiêu, hiện phân ra bao nhiêu phủ - tỉnh - đạo. Cuối cùng đến cương giới, lấy sông Khung phụ thêm vào. Bản đồ thì biên rõ ở chỗ giáp giới với sông Khung mà thôi.
5- Về cách chép riêng từng tỉnh, thì theo thứ tự: tổng quát trước, rồi tình hình phân bổ ra đạo - phủ - huyện - châu. Phủ Thừa Thiên chép trước làm trung tâm, rồi các tỉnh từ Thừa Thiên vào nam và ra bắc. Tỉnh nào không có giới tiếp với nước khác, thì biên rõ những chữ không tiếp giáp với nước khác. Bản đồ cũng được vẽ riêng từng tỉnh.
6- Về tiếp giáp các xứ, xứ nào trước có khám định chung nước ta với nước khác, hoặc lấy tự báo bàn định mà sách sử có ghi chép rõ ràng, thì thuộc tỉnh phận nào đem chép ra hết để tham khảo.
7- Về địa phận ở dọc biên giới, trước thuộc nước ta, nhưng nay mất vào nước khác(như loại trước kia nhà Hồ, nhà Mạc cắt đất cho nhà Minh, nhà Thanh), thì cũng chép rõ ở tỉnh nào, cho biết lai lịch.
8- Về phía sau miền núi nước ta, có đường sông nào chảy thông đến sông Khungvà phát nguồn từ đâu, chảy qua phủ - huyện - châu hoặc man trại nào xét qua sách vở có căn cứ thì cũng ghi chép đầy đủ.
9- Về Nam Kỳ lục tỉnh nay đã thuộc Pháp quản hạt. Đáng lẽ sách biên giới này chỉ chép từ Thừa Thiên vào Bình Thuận và từ Thừa Thiên tới Cao Bằng, nhưng sông Khung có đi qua An Giang - Định Tường, nên cũng chép cả lục tỉnh vào phần tổng quát, và chép riêng biệt để cho còn danh hiệu.
10- Về địa phương Cao Miênđã được tiên triều kinh lý, nay không còn, cũng cần xét qua sự tích biên thêm vào sau, cho biết đầu đuôi.
11- Cương giới của nước ta là việc lớn, có những điều xưa nay cùng truyền lại, nhưng không có chứng cứ (như thuyết dựng cột đồng của Mã Phục Ba), thì cũng chép ra, cho đầy đủ các thuyết.
12- Về các sách biên thuật cương giới nước ta và nguồn sông Khung chảy từ đâu đến đâu, có những chỗ nói giống nhau, cũng có những chỗ khác nhau, thì biên chép đủ cả lại, để khảo cứu sau.
Đồng Khánh chuẩn cho Hoàng Hữu Xứng cứ theo thề mà thực hiện sách Đại Nam cương giới vựng biên(4).
![]() |
Đại Nam thực lục chính biên |
Sử Thực lụcchấm dứt vào cuối năm Đồng Khánh thứ 3 (1883), không thấy nói gì thêm đến Hoàng Hữu Xứng và sách Đại Nam cương giới vựng biên nữa. Sách đã không được khắc in và không biết chép tay được mấy bản. Khắp các tàng thư và thư viện trong nước, kể cả trong tàng thư lâu và thư viện ngự lãm của triều đình Huế cũng không có bản nào. May nhờ thư viện Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (BEFEO) còn giữ được một bản với ghi chú thư viện như sau:
Đại Nam cương vực vựng biên
Hoàng Hữu Xứng, Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình, Nguyễn Thuật, Hoàng Hữu Thương biên soạn năm Đồng Khánh thứ 2 (1886).
Một bản viết, 590 trang, khổ 26,7 x 21,1 cm, 1 số, 1 phàm lệ, 1 mục lục, chữ Hán, Paris, SA, Ms,B.30.
Tập bản đồ bờ cõi nước Việt Nam , gồm: Bản đồ phủ Thừa Thiên (Q1). Bản đồ các tỉnh (Q2-Q6). Các thuyết về biên giới, sông vịnh, các nước giáp giới và bài khảo về Vạn Tượng, Chiêm Thành, Thuỷ Chân Lạp (Q7) (6).
Như vậy khá chắc chắn rằng pho sách Đại Nam cương giới vựng biênmà Hoàng Hữu Xứng làm Đổng lý biên tập nay ở bên Pháp, ít người biết đến. Hầu như duy nhất có Đào Duy Anh nhắc đến trong lời dẫn tác phẩm giá trị Đất nước Việt Nam qua các đời: “Đời Đồng Khánh còn có sách Đại Nam cương giới vựng biêncủa Hoàng Hữu Xứng, gồm 7 quyển, ở sau sách có phụ một bản đồ gồm bản đồ toàn quốc và bản đồ các tỉnh kể cả các tỉnh Nam Kỳ” (7). Đào Duy Anh nhắc đến tên sách, nhưng trong suốt công trình nghiên cứu không thấy một lời trích dẫn sách này. Vậy hoặc là sách vô giá trị, hoặc là Đào Duy Anh chỉ biết tên sách mà không có dịp tiếp xúc với nội dung.
Vấn đề cương vực quốc gia bao giờ cũng là vấn đề trọng đại và thời sự. Chúng ta luôn tôn trọng các đường biên giới lịch sử đã ký kết giữa nước ta và các lân bang. Song cũng nên biết lịch sử nguyên nhân và hoàn cảnh đã dẫn đến việc ký kết những đường biên giới lịch sử ấy. Hầu như giới sử học chưa đủ quan tâm trong nghiên cứu mảng đề tài này.
Còn Hoàng Hữu Xứng, sau khi hoàn thành công trình về cương vực, được cử làm Toản tu Quốc sử quán, rồi không thấy nhắc gì đến nữa. Mãi gần đây, trong báo Tuổi trẻ chủ nhậtngày 28 tháng 4 năm 2002, tác giả Lê Đức Dục viết bài Đất thiêng thành cổkể truyện: “Mỗi mùa lũ, những hài cốt lộ ra ven bờ sông Thạch Hãn, cho đến say này khi quan Hiệp biện đại học sĩ Hoàng Hữu Xứng - một người họ Hoàng làng Bích Khê, làm Tuần vũ Hà Nội - thấy nhiều mộ trong vùng ông cai quản, hỏi kỳ lão được biết đây là mộ nghĩa quân Tây Sơn nằm lại thời vua Quang Trung kéo đại quân ra Bắc đánh quân Thanh xâm lược. Nghĩ rằng xương tàn của giặc còn được quy táng thành gò Đống Đa, huống chi đây là hài cốt của những người lính áo vải cờ đào vị quốc vong thân nên Hiệp biện Hoàng Hữu Xứng thuê người cất bốc rồi đưa xuống thuyền mang về an táng tại đất làng Thạch Hãn, cạnh thành cổ Quảng Trị. Nơi ấy gọi là Nghĩa Trủng Đàn, hàng năm đều có cử hành tế tự theo nghi thức quốc gia. Có thể coi đó là nghĩa trang quốc gia đầu tiên trên đất nước này được lập tại Quảng Trị” (8).
Vậy không nên quên sách Đại Namcương giới vựng biêncũng như Đổng ký biên soạn Hoàng Hữu Xứng, người con rất xứng đáng của Việt Nam trên đất Bích Khê - Thạch Hãn - Quảng Trị.
Nguồn: Xưa & Nay, số 116, 5/2002, tr 9-11