Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 20/08/2010 21:20 (GMT+7)

Hãy giữ lấy nét đẹp của Sài gòn xưa

Bảo tồn di sản của đô thị được định nghĩa là bao gồm “Những cái hiện hữu và vô hình của nền văn hóa và thiên nhiên, của quá khứ từ thời tiền sử cho đến cận đại”. Di sản bao gồm các yếu tố về môi trường thiên nhiên, các điểm khảo cổ và đồ tạo tác, các truyền thống văn hóa cũng như các công trình kiến trúc lịch sử.

Bảo tồn di sản là mục tiêu chung ngày càng trở nên quan trọng, được kết hợp chặt chẽ với sự hiểu biết gia tăng về môi trường hiện nay của con người. Sự duy trì những đặc trưng và dấu mốc quen thuộc đem lại cảm giác liên tục cho cộng đồng đô thị. Bảo tồn di sản là một nỗ lực giữ lại ý niệm liên tục ấy trước sức ép của những thay đổi mau lẹ.

Quá khứ là một phần không thể chia cắt được của đời sống chúng ta. Đó là một tập hợp những ký ức cá nhân và chung về con người, nơi chốn và sự kiện.

Tất cả những thứ này đã tạo hình nên một phần của cộng đồng thành phố. Trong thành phố, những công trình cổ xưa và khung cảnh là một nhân tố chủ yếu của quá khứ như là một chứng nhân nhắc nhở xã hội đã tạo ra chúng ta ngày nay.

TP. HCM ngày nay bao gồm thành phố Sài Gòn, tỉnh Gia Định và Chợ Lớn. Việc bảo tồn di sản đô thị cũng phải bao gồm cả ba khu vực đó.

Nơi cổ nhất của Sài Gòn xưa, nhờ vào việc đào đất và tìm ra cổ vật trước đây khoảng vào năm 1940 – 1944 được xác nhận, có lẽ ở vùng đồi Cây Mai (Phú Lâm) chạy dài đến vùng Chợ Quán. Hiện nay, Cây Mai thì còn đó nhưng khu vực cảnh quan cổ này không được tồn tại. Cách đồi Cây Mai khoảng 3 cây số, các nhà khảo cổ cũng đã khai quật di chỉ Chùa Gò (Phụng Sơn Tự).

Sài Gòn của người Việt thuở xưa được gọi là Bến Nghé, cả 3 vùng: vùng Miên (Phú Lâm); vùng Tàu (Chợ Lớn), vùng Việt (Bến Nghé – Sài Gòn) nối nhau nhờ kênh rạch sông ngòi nhiều hơn bằng đường lộ đất. Dự án của thành phố hiện nay là nạo vét kênh rạch Thị Nghè, Nhiêu Lộc và một số kênh khác, bố trí lại dân cư, vừa giải quyết được vấn đề thoát nước, ô nhiễm môi trường, nhà ở cho người nghèo, đồng thời góp phần giữ lại cảnh quan kênh rạch của Bến Nghé xưa. Đây cũng là cơ sở để phục hồi lại giao thông trên mặt nước như thuở ban đầu.

Năm 1862, bản quy hoạch Sài Gòn - Chợ Lớn đầu tiên được ấn định do COFFIN vạch ra, ranh giới nằm trong rạch Tàu Hủ, rạch Thị Nghè, sông Sài Gòn và một tuyến đường từ Cây Mai đến Chí Hòa cũ cho một thành phố nửa triệu dân.

Năm 1864, người Pháp lập Vườn Bách Thảo, hiện nay vẫn đang sử dụng và gọi là Thảo Cầm Viên.

Sông Thị Nghè (Sài Gòn) giáp với rạch Bến Nghé trước đây là chỗ giáp nước là một cái thoi loi gie ra ngoài sông, phong cảnh rất đẹp, gió mát từ Ô Cấp thổi vào từng mùa. Năm 1864, người Pháp cho xây dựng một cột cờ tên gọi “Cờ Thủ Ngữ” làm ám hiệu báo tin cho tàu bè biết tránh lố rạn, hiểm nguy, ghe thuyền qua lại trong lúc vô ra sông Sài Gòn. Hiện nay, vẫn giữ lại “cột cờ”.

Hai ngôi nhà lầu đầu tiên là Edmond Et Henry và Nhà Rồng (1864) Đây là nhà lưu niệm nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Năm 1864, nhà cửa chỉ mới xây cất đến đường Lê Duẩn. Năm 1865, nhà cửa chỉ mới xây cất đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Đình Chiểu, người Âu xây nhà mỗi năm một nhiều, làm những biệt thự theo kiểu địa phương Pháp.

Năm 1866, cất xong Dinh Thượng Thư, cơ sở khá đồ sộ góc đường Lý Tự Trọng và Đồng Khởi. Ngân hàng Đông Dương thành lập năm 1875.

Nhà thờ Sài Gòn, còn gọi là Nhà thờ Đức Bà làm theo kiểu nhà thờ Thánh phía Bắc nước Pháp (1877 – 1880).

Tòa án (1881 – 1885) mặt tiền có giới thiệu phần công lý Dinh Thống đốc Nam kỳ (Dinh Gia Long) (1885 – 1890) hiện nay là Bảo tàng Cách mạng đắp hình Nữ thần Mercure.

Nhà hàng Continational cất năm 1885, nổi danh sang trọng nhất đón du khách Châu Âu, nay mới được tu bổ lại.

Bưu điện thành phố (1886 – 1891) nay vẫn được sử dụng. Để đáp ứng yêu cầu của bộ máy thống trị, đã xây dựng Tòa Đô Chính (xã Tây) mô phỏng kiểu Tòa nhà Đốc Lý bên Pháp, trang trí khá rậm rạp, đứa bé chế nghị cọp dâng cha mẹ thành quả giàu sang (nay là trụ sở UBND thành phố và HĐND thành phố).

Trường Taberd vào khoảng 1880, trường Bắc ái (đầu đường Nguyễn Biểu) xây năm 1908, trong đợt xây dựng trường tiểu học nên kể đến trường Lê Quý Đôn (C. Laubat, Marie Curie.

Nhà hát lớn thành phố xây dựng từ 1889 – 1890 nay đã xây dựng khác trước. Trong đợt xây dựng năm 1880 về sau, đáng chú ý là nhà Hải Quan góc đường Hàm Nghi – Bạch Đằng, Thương xá TAX, nhà Chú Hỏa…

Còn nói về chợ Bến Thành mà ngày nay ta còn thấy, xưa kia là một ao sình lầy nước đọng, năm 1913 Pháp lấp ao xây nhà chợ “khai tân thị”. Chợ này gần bến nước của thành xưa nên gọi là chợ Bến Thành, cho đến nay vẫn gọi như thế.

Có thể nói Sài Gòn với những kiến trúc cổ của Pháp, mang dáng dấp của Paris mà không có được ở thành phố Châu á nào khác.

Điểm cổ nhất của Chợ Lớn là phố Triệu Quang Phục ngày nay, bắt đầu từ chùa Quán Đế chạy dài đến tận mé sông, đáng được liệt kê vào danh mục di tích cổ và nên ủng hộ cho đến kỳ cùng, không nên vì lý do nào mà cho phép tháo dỡ, sửa đổi, xây cất mới lại, làm mất đi di tích lịch sử của nó. Trong các di tích cổ thuộc đường Triệu Quang Phục đáng kể nhất là Thất phủ Quan Võ Miếu, xét kỹ lại mới rõ đây là di tích cổ gần như duy nhất để chỉ Trung tâm điểm của Chợ Lớn người Tàu xưa. ở xúm xít góc đường Triệu Quang Phục và Nguyễn Trãi có đến 3 chùa, trong đó có “Phò Miếu” hoặc “Chùa Bà”, nhưng ở đây thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, đây là chùa có tiếng xưa nhất và đáng bảo tồn nhất trong vùng. Nay truy ra mới biết 3 chùa này đích thị là Trung tâm Chợ Lớn xưa, bằng cớ là những chùa này vẫn còn giữ y chỗ cũ, mặc dù ngày nay trung tâm chỗ buôn bán đã dời qua địa điểm khác, nhưng chỗ cũ vẫn còn nhiều hiệu buôn đồ sộ, có cái lâu đời trên hai trăm năm rồi.

ở Khu vực Chợ Lớn còn có rất nhiều “lò” cổ cũng cần khảo sát để bảo tồn, một vài “lò” còn đến bây giờ; Ngoài ra chợ Bình Tây cũng là loại kiến trúc cần được xem xét bảo tồn.

Còn đối với tỉnh Gia Định có chăng chỉ còn lưu lại dấu tích của Lăng Ông bên chợ Bà Chiểu mà ngày nay chợ Bà Chiểu cũng đã xây dựng lại.

Có lẽ ta cần sớm liệt kê ra danh mục các công trình và cảnh quan đô thị xưa cần bảo tồn và xem xét, phân tích, chọn lọc lấy những hạng mục tiêu biểu.

Những ai sống lâu năm ở Sài Gòn, cũng như ai mới quen với dòng sông Bến Nghé (Sài Gòn), người hai thứ tóc cũng như những bạn trẻ đầu xanh, đều muốn bảo tồn các di tích cổ đô thị ngõ hầu gợi lại cho ta đây đó không khí thời xưa, không phải là “hoài cổ” mà giữ lấy nét “tâm hồn” của “Sài Gòn xưa”, lấy đó làm điểm tựa để phát triển một đô thị hiện đại đến đầu thế kỷ thứ 21 mà vẫn mang đậm màu sắc riêng biệt của Sài Gòn.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.
Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.